Hiển thị các bài đăng có nhãn SỐNG ĐẠO. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn SỐNG ĐẠO. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ 25/7

 


       1. Thân thế của Giacôbê

Giacôbê là con của ông Dêbêđê và bà Salômê, anh của thánh Gioan Tông Đồ; sống nghề chài lưới ở biển Giênêgiaréth, bạn chài với Phêrô và Andrê.  Tin Mừng thường nhắc đến hai anh em Giacôbê và Gioan Tông Đồ nhiều lần.

Họ thuộc nhóm những môn đệ tâm giao của Chúa Giêsu (cùng với Phêrô và Gioan).  Các ngài được chứng kiến: Việc Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, sự hiển dung của Chúa ở đồi Thabor, lúc Chúa cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.

Giacôbê là người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai đã lấy máu đào của mình làm chứng cho Chúa Giêsu: vua Hêrôđê Antipa đã ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 44 (Cv 12,2; Mt 20,22-23).  Như thế ứng nghiệm lời Chúa tiên báo cho ông: “ông đã thông chia chén của Chúa.

    2. Tính tình của Giacôbê

Giacôbê được gọi là vị Tông Đồ cao vọng (Mt 20,20).

Giacôbê được Chúa gọi là “con của thiên lôi,” điều này cho thấy rằng ông là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào.  Quả vậy, phản ứng của ông đối với các dân thành Samaria đã giải thích điều đó.  Khi Chúa qua con đường Samaria để về Giêrusalem, dọc đường những người Samaria đã từ chối không đón tiếp Chúa, Giacôbê đã đế nghị với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9,54).

Cao vọng của Giacôbê còn được thể hiện qua sự việc bà Salômê, là mẹ của ông, đã thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20,21).

Cao vọng của người mẹ truyền sang cho người con đến độ người mẹ không xin thì con cũng tự xin.  Bằng chứng là Marcô kể lại câu chuyện thỉnh nguyện này mà không nhắc đến người mẹ, nhưng chỉ kể Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra câu ấy (Mc 10,37).

Tuy Giacôbê có cao vọng như vậy, nhưng Chúa vẫn chọn ông và tín nhiệm ông, và Người đã hoán cải ông.  Chúa hoán cải các môn đệ: Bằng đời sống gương mẫu của ngài: Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ và Người bảo các Tông Đồ hãy rửa chân cho nhau, vì “Ai muốn làm lớn trong anh em, thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20,27).  Bằng cái chết của Người: con Người đến để thí mạng sống mình hầu làm giá chuộc thay cho nhiều người (Mt 20,28).  Các Tông Đồ đã lần lượt chịu tử đạo để theo gương Chúa.

    3. Nhận thức và áp dụng:

Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền làm nghề chài lưới vất vả; đàng khác lại có tham vọng đi ngược với vai trò và tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa.  Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Kitô quả có sức làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa.

Noi gương thánh Giacôbê: người tông đồ không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa.

Đi theo Chúa, Giacôbê vẫn còn có những tham vọng phàm trần, song nhờ sự giáo huấn của Chúa và nhất là gương sống của Chúa đã khiến ông từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hiến mình cho Chúa cách trọn vẹn.

Người tông đồ cần lắng nghe lời Chúa để đón nhận những giáo huấn của Chúa; đồng thời phải biết chiêm ngắm gương sống của Chúa để noi gương bắt chước sống trọn vẹn cho Chúa.

 

Giacôbê được Chúa dành riêng trong nhóm những người thận cận của Chúa để được chứng kiến những sự việc cần thiết cho sứ mạng làm chứng nhân trong vai trò người Tông Đồ.

Những ai được mời gọi sống đời thánh hiến, cũng được tuyển chọn riêng trong thời gian tu luyện để tìm gặp Chúa, đến với Chúa, ở lại với Chúa và để được biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ tông đồ của mình.

------------------------------

Nguồn: Phụng vụ chư Thánh

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

SỨ MẠNG CỦA GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO

Tôi nhận thấy giáo viên Công giáo được mời gọi để kết hợp với Thiên Chúa. Ai có đời sống nội tâm đủ mạnh, đủ sâu, họ không chỉ là giáo viên tốt nhưng còn là nhà giáo dục mẫu mực. 

Những ngày này hẳn là rộn ràng câu chuyện giáo viên và học sinh. 20 tháng 11 hằng năm, chúng ta mừng ngày nhà giáo, tri ân quý thầy cô. Đây thực sự là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bài viết dưới đây tôi muốn chia sẻ với giáo viên Công giáo một khía cạnh khác của nhà giáo vốn liên quan đến ơn gọi huấn luyện và giáo dục học sinh.

Khi học cấp ba, tôi không từng nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên. Do đó, tôi đã chọn một ngành khác để học nhằm tránh nghề giáo vốn mang tiếng là “an phận thủ thường”. Theo tiếng gọi của Chúa, tôi bước vào đời tu và được nhà dòng huấn luyện trở nên một tu sĩ, một người loan báo tin mừng. Sau khi học chương trình căn bản xong, tôi chịu chức linh mục và được nhà dòng gửi đến một trường học công giáo của nhà dòng để làm việc. Tôi đang viết cho quý độc giả tại một ngôi trường vốn có nhiều điều thú vị mà tôi sắp kể ra đây.

Giờ đây tôi không thấy nghề giáo buồn chắn như nhiều người tưởng. Số là khi đồng hành với các học sinh, mỗi người là một hoàn cảnh khác và câu chuyện khác thu hút tôi. Cần nói ngay rằng dạy học không chỉ là lượng kiến thức trao cho mọi học sinh. Trên hết, mỗi học sinh là một cuộc đời mà giáo viên cần để ý. Do đó, tôi thấy các giáo viên ở đây thường để tâm đến từng học sinh. Nhất là những khi các em có vấn đề về việc học, tâm sinh lý hoặc khủng hoảng, giáo viên cần tinh tế nhận ra để giúp các em vượt qua. Điều này đòi hỏi giáo viên đủ tình yêu và nhạy bén. Bên cạnh đó, trong trường cũng có những người chuyên môn để kịp thời giúp đỡ các học sinh.

Tôi nhận thấy giáo viên Công giáo được mời gọi để kết hợp với Thiên Chúa. Ai có đời sống nội tâm đủ mạnh, đủ sâu, họ không chỉ là giáo viên tốt nhưng còn là nhà giáo dục mẫu mực. Gương mẫu là điều rất quan trọng trong giáo dục. Rất tiếc nhiều giáo viên chỉ chú trọng đến kiến thức, nhưng quên phần rất quan trọng của giáo dục, đó là giúp các em nên người. Tiên học lễ hậu học văn luôn đúng trong nhà trường. Nếu đảo ngược lại vế này, dường như việc học khó giúp học sinh thành nhân. Phải chăng vì sự nhầm lẫn này mà nền giáo dục Việt Nam đang gặp khủng hoảng, vốn được nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra.[1] Nếu vậy, tôi hy vọng vào giáo viên Công giáo vẫn còn giữ được triết lý giáo dục này.

Tại những trường tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, bên cạnh việc dạy học, nhà trường tạo ra một bầu không khí tôn giáo. Nghĩa là giáo dục về đời sống tâm linh, tinh thần của các em thực sự được đề cao. Chẳng hạn nhà trường tổ chức nhiều chương trình thiêng liêng để các em gặp gỡ Thiên Chúa và với nhau. Thánh lễ thường được đề cao để học sinh thực hành đời sống đạo như là nguồn sức mạnh giúp các em học hành. Chính trong bầu không khí này, không chỉ các em, chính giáo viên (cả phụ huynh nữa) cùng được mời gọi hướng về Đấng là nguồn tri thức đích thực của con người[2]“Vì chính ĐỨC CHÚA ban tặng khôn ngoan; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có.” (Cn 2,6). Vì điều này mà tôi tin đằng sau thành công của các em luôn có bóng dáng của Thiên Chúa. Bởi thế mà trong những thư gửi cho giáo viên Công giáo trong những năm gần đây, Giáo hội đều cho thấy “những mối lợi mang đến do việc học hỏi từ Thiên Chúa. Việc học hỏi này còn giúp con người vươn đến những nhận thức có giá trị trổi vượt hơn nữa.[3]

Trong bối cảnh có quá nhiều thách đố mà nhà giáo hiện nay đang đối diện, tôi chia sẻ ba chìa khóa mà nhà trường, nơi tôi đang làm việc, thường đề cao chú trọng, với ước mong giáo viên Công giáo tìm ra phương cách để giúp học sinh yêu mến tri thức như là cơ hội để các em gặp gỡ Thiên Chúa.

1. Kinh nghiệm

Trong tri thức luận, kinh nghiệm đóng một vai trò quan trọng để người ta nhận thức được vấn đề. Trong triết lý giáo dục này, thầy cô là người tạo cho các em trải nghiệm nơi bài vở, trên thực tế. Những kiến thức được trao cho các em như là những kinh nghiệm giúp các em thấm được vào trong khối óc và con tim. Do đó, sách giáo khoa như là một trong những nguồn để các em có được kinh nghiệm về kiến thức. Tuy nhiên, với thời đại Internet hiện nay, sẽ có rất nhiều nguồn bổ ích khác để giúp các em có kinh nghiệm về đối tượng học hỏi.

Thực vậy, với thời đại Công nghệ hiện nay, Giáo hội cũng nhìn thấy những cơ hội trong Giáo dục cần hướng tới: “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Trong bài phát biểu này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người, dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu”.  Nguyên tắc cơ bản “Biết mình” luôn định hướng cho việc giáo dục. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc thiết yếu khác: “Biết anh chị em mình”, để giáo dục về việc đón tiếp người khác. “Biết thụ tạo”, để giáo dục về việc chăm sóc ngôi nhà chung, và “Biết Đấng Siêu Việt”, để giáo dục về mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống”[4]. Nếu hướng đến những điều này, giáo viên sẽ giúp được các em biến lượng kiến thức thành tri thức cho cuộc đời!? Điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.

2. Phản tỉnh

Nếu nhớ là quá trình chúng ta tiếp cận và lưu lại trong não, thì phản tỉnh giúp việc lưu lại này trở nên tri thức. Quý thầy cô đều biết giáo dục không nên dạy một chiều, nghĩa là giáo dục giúp các em phản tỉnh, nhận xét các vấn đề. Chúng ta đều biết mỗi người là một nhân vị (person), nghĩa là con người có hồn và xác, có lý trí, lương tâm, ý chí và tự do (x. GLHTCG 1783-1788,1799-1800). Đồng thời con người cũng có trách nhiệm trên quyết định của mình; và người ấy cũng có khả năng tự nhìn về chính mình. Ngôn ngữ triết học và linh đạo cũng đề cao sự tự phản tỉnh, hoặc phản tỉnh (reflection). Theo Hán Việt, phản nghĩa là trở lại, tỉnh là xét, xem xét. Như thế phản tỉnh là nhớ lại, xét hỏi linh hồn mình (chính mình), nghiền ngẫm thường xuyên. Hoặc theo từ điển tiếng Anh “a reflection man” là người suy nghĩ sâu xa và thấu đáo về một vấn đề gì đó. Chính trong hoàn cảnh này các em mới có thể phản biện, vốn được nhiều nhà giáo dục chú ý trong nhiều năm gần đây. Chỉ phản biện tốt khi các em biết phản tỉnh, suy nghĩ và đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề nào đó. Từ phản tỉnh này giúp các em tập đứng trên hai chân của mình. Khi các em tập phản tỉnh, giáo viên như là người có kinh nghiệm, giúp các em tìm ra ánh sáng của vấn đề. Từ việc phản tỉnh này, các em sẽ chuyển kiến thức đến con tim, đến đôi tay mà chúng ta sẽ nói ở từ thứ ba.

3. Hành động

Học luôn đi đôi với hành. Một khi các em thấy được sự thú vị của việc học, nghĩa là có tác động trên đời sống của mình, các em sẽ có niềm vui để tìm tòi học hỏi. Niềm vui này có thể các em nhận được từ chính quý thầy cô, từ khung cảnh nhà trường, từ gia đình hoặc từ chính Thiên Chúa, (nếu các em là người Công giáo). Điều này nghe có vẻ lạ tai với nhiều thầy cô; tuy nhiên đây lại là điều quan trọng. Chẳng hạn kinh nghiệm của ông Gióp trong cựu ước cho ta thấy rằng: “Bấy giờ Đức Chúa mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo họ xa những việc đã làm giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm.” (G 33,16-18). Lý tưởng là các em công giáo có những hành xử xứng hợp với luật lệ của Thiên Chúa. Đạo đức nhân bản của người đời thôi chưa đủ, nhưng làm sao để giúp các em “liên lạc” được với Thiên Chúa. Chính lúc ấy Thiên Chúa sẽ chỉ cho các em cách hành động đúng mực và hợp tình hợp lý.

 

 

Ba chìa khóa trên đây thực ra là một tiến trình trong giáo dục vốn liên hệ mật thiết với nhau. Trong giới hạn của bài viết, tôi không thể đi vào ngóc ngách của từng chìa khóa. Nếu dùng được cả ba chìa khóa này, cánh cửa giáo dục toàn diện sẽ được mở ra[5]. Nghĩa là giáo dục hướng đến việc phát triển con người toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí. (x. Gaudium et Spes số 3). Trên hết, tôi muốn chia sẻ với quý thầy cô Công giáo rằng chúng ta đang có một nội lực, chỗ dựa rất lớn đó là Thiên Chúa. Cụ thể, đạo Công giáo có thể giúp chúng ta rất nhiều trong sự nghiệp giáo dục.

Trong khi nhiều người tôn vinh nghề giáo, ước gì giáo viên Công giáo biết rằng chúng ta đang dạy các em vì điều gì? Ngoài những khát vọng mà ngành giáo dục mời gọi, chúng ta còn có sứ mạng dạy cho các em biết sự thật (diakonia of truth)[6], học làm người và học để làm chứng cho Thiên Chúa[7]. Ít người để ý đến điểm quan trọng này. Trên thế giới, tôi thấy hầu hết chương trình của những trường nổi tiếng đều chứa đựng những điều trên. Nghĩa là họ dạy học không đơn thuần vì lượng kiến thức, nhưng còn vì rất nhiều giá trị từ nhân bản cho đến tâm linh, thiêng liêng. Do đó, thật tốt để chúng ta cử hành ngày lễ mừng Ngày nhà giáo như là cơ hội nhớ lại sứ mạng mà Thiên Chúa mời chúng ta bước vào môi trường giáo dục. Nơi đó, theo Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm: “Bầu không khí này được kiến tạo chủ yếu qua tương quan liên vị giữa giáo viên và học sinh cũng như giữa các học sinh với nhau, qua sự tận tụy và chứng tá sống động của các giảng viên đối với thiện ích của học viên.”[8] Nếu được như thế, môi trường giáo dục thực sự không buồn chán hoặc khô khan; nhưng là nơi để mỗi giáo viên là một nghệ nhân đồng hành với các em trên từng bước đường đời.

Tôi tiếp tục cầu nguyện cho quý thầy cô. Chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau để mỗi người nỗ lực một chút trong hành trình giáo dục này. Nơi đó luôn có Thiên Chúa, Giáo hội và con người. Có cả tình yêu, khát vọng và lòng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Mong thay!

Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2 Cr 13,13).

Giuse Phạm Đình Ngọc S.J.
Mừng ngày nhà giáo Việt Nam
Hungary, 16-11-2022


[1] Minh Khôi, 'Tiên học lễ, hậu học văn': Bất kỳ thời nào cũng đúng, sao phải bỏ?, tại https://vtc.vn/tien-hoc-le-hau-hoc-van-bat-ky-thoi-nao-cung-dung-sao-phai-bo-ar648453.html

[4] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-tiep-giao-duc-ton-giao.html (Sáng thứ ba 05/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với vị đại diện các tôn giáo thế giới tham dự cuộc họp về chủ đề “Tôn giáo và giáo dục").

[5] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo của Công Đồng Vatican II và nhất là khi dẫn lại câu tuyên bô thời danh trong Thư Giacôbê: “Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công Giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gc 2,17). Các tín hữu, nhờ được huấn luyện, sẽ trở thành men, muối và ánh sáng cho trần gian.” (Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam về Giáo dục Kitô Giáo, số 32 cũng đề cập đến điều này.)

[7] Điều này cũng được Giáo hội nhắn nhủ với giáo viên: http://giaoxutanviet.com/thu-duc-cha-chu-tich-ubgdcg-gui-nha-giao-nhan-ngay-20-11/

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

NGHIỆN LÀM VIỆC VÀ THAM LAM

Quá bận rộn ban đầu thường là đức tính tốt, rồi sau đó thường thường biến thành tính xấu, đó là một tham lam tinh vi.

Chỉ có một chứng nghiện mà chúng ta ca ngợi, đó là làm việc quá sức. Với mọi chứng nghiện khác, những người lo cho bạn sẽ đưa bạn vào viện hoặc vào chương trình phục hồi, nhưng nếu bạn nghiện làm việc, thường sẽ được xem là một đức tính tốt. Tôi hiểu điều tôi đang nói. Tôi là “một con nghiện làm việc đang phục hồi”, và hiện giờ cũng không hẳn là đã cai được hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận nó là một chứng bệnh. Đây là những triệu chứng của nó: chúng ta luôn mãi thiếu thời gian cho nhiều việc phải làm. Mỗi ngày trôi qua đều quá ngắn.

Trong tiểu sử tự thuật của mình, nhà phê bình phim Roger Ebert viết: “Tôi đã lấp đầy cuộc đời của tôi quá trọn vẹn đến nỗi tôi không còn thì giờ để nghĩ về việc tôi đang sống”. Nhiều người trong chúng ta hiểu cảm giác này. Tại sao chúng ta làm như thế với mình?

Câu trả lời có lẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Khi cuộc sống của chúng ta quá áp lực đến nỗi chúng ta không bao giờ có thì giờ suy nghĩ, sự thật chúng ta đang sống cuộc sống đó, khi chúng ta luôn thiếu thời gian và có quá nhiều việc phải làm, chúng ta đang khổ vì tham lam, một trong những mối tội đầu.

Chúng ta có khái niệm đơn giản hóa về tham lam. Khi nghĩ về một người tham lam, chúng ta hình dung đó là người keo kiệt, ích kỷ, giàu có về tiền bạc và vật chất, tích trữ sự giàu có cho riêng mình. Ít người trong chúng ta phù với phạm trù này. Sự tham lam trong chúng ta có những dạng tinh vi hơn. Hầu hết những người rộng rãi, không ích kỷ và không giàu có về tiền bạc như chúng ta thì mắc phải tham lam về trải nghiệm, tham lam về cuộc sống, thậm chí tham lam về quảng đại. Chúng ta tham lam muốn làm nhiều hơn (dù làm việc tốt) những gì thời gian cho phép.



Và nó biểu hiện ở đâu? Nó biểu hiện nơi mình mỗi khi chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm việc mà (dường như) chúng ta cần phải làm. Khi nghĩ rằng hình như Chúa đã nhầm về thời gian và không phân cho chúng ta đủ thời gian thì lúc đó là lúc chúng ta lâm vào chứng tham lam. Linh mục Henri Nouwen từng mô tả nó như sau: “Cuộc sống chúng ta như chiếc vali bị nhét đầy đến nỗi những đường may bị bung ra. Thật vậy, chúng ta luôn thấy mình bị trễ lịch. Luôn biện minh, còn những việc chưa làm, những lời hứa chưa thực hiện, những dự tính chưa làm được. Luôn có một cái gì đó khác mà mà chúng ta phải nhớ, phải làm hoặc phải nói. Luôn có những người mà chúng ta chưa nói chuyện, chưa trả lời thư hay chưa thăm viếng”.

Nhưng… Chúa không lầm về thời gian Ngài cho chúng ta. Chúa cho chúng ta đủ thời gian để làm điều mà chúng ta được yêu cầu, kể cả những việc quảng đại và quên mình. Vấn đề nằm ở chúng ta và vấn đề chính là tham lam. Chúng ta muốn có nhiều hơn những gì mà cuộc đời cho phép.

Hơn nữa, trong hầu hết trường hợp, chuyện này lại dễ lý luận. Nếu kiệt sức khi phục vụ người khác, thì chúng ta dễ dàng xem việc chúng ta quá gắng sức, mệt mỏi và cảm giác ám ảnh rằng mình đang không làm đủ là một đức tính tốt, là một dạng tử đạo, là quên mình, là dâng hiến bản thân cho tha nhân. Nó đúng phần nào, có những lúc khi tình yêu, hoàn cảnh hay một khoảng thời gian trong đời đòi hỏi chúng ta phải quên mình đến cùng, kể cả Chúa Giêsu cũng nhiều lần không chịu nổi và phải cố lánh đi đến một nơi hoang vắng. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng thế. Việc người mẹ phải làm cho đứa con sơ sinh hay tuổi còn quá nhỏ thì khác với việc bà phải làm cho đứa con đã lớn khôn, đã trưởng thành. Cái là đức tính tốt trong thời gian này lại có thể thành tham lam trong hoàn cảnh khác.

Quá bận rộn ban đầu thường là đức tính tốt, rồi sau đó thường thường biến thành tính xấu, đó là một tham lam tinh vi. Việc từng là cần thiết để phục vụ tha nhân bây giờ bắt đầu phục vụ thanh danh và hình tượng bản thân hơn. Nó còn là một lối thoát tiện lợi. Khi đắm chìm trong công việc làm cho người khác, chúng ta không cần phải đối diện với những con quỷ nội tâm cũng như những con quỷ khác mà chúng ta phải đối diện trong hôn nhân, ơn gọi và các mối quan hệ. Chúng ta quá bận rộn, nhưng đây là một chứng nghiện như mọi chứng nghiện khác, trừ việc chứng nghiện này lại được xem là đức tính tốt và là cái để ca ngợi.

Đây chính là lý do mà Chúa cho chúng ta ngày xa-bát, ra lệnh cho chúng ta nghỉ làm việc mỗi tuần một ngày. Tiếc là chúng ta đang đánh mất khái niệm về ngày xa-bát. Chúng ta biến một giới răn thành gợi ý cho một phong cách sống không quan trọng lắm. Kiểu nếu làm được thì tốt, nếu bạn có thể kham được. Tuy nhiên, như tác giả Wayne Mueller viết trong quyển sách đầy thách thức về ngày xa-bát: “Nếu quên nghỉ ngơi, chúng ta sẽ làm việc quá dữ dội và quên mất những chuyện khoan dung dịu dàng hơn, quên mất những người mà chúng ta yêu thương, quên mất con cái và sự kỳ diệu tự nhiên… Nên Chúa đã cho chúng ta giới răn giữ ngày xa-bát – Hãy nhớ nghỉ ngơi”. Đây không phải là một đề xuất về lối sống, nhưng là một giới răn, cũng quan trọng như không được trộm cướp, không được giết người, không được nói dối”.

Làm việc quá sức thì không phải là một đức tính!
-------------------
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Thánh INHAXIÔ thành Antiôkia, Gm Tử đạo

 

17/10 Thứ Hai
Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Gm Tử đạo
Ep 2:1-10; Tv 100:2,3,4,5; Lc 12:13-21
------------------------------------
Inhaxiô thành Antiôkia là vị thánh ta vẫn nghe xướng danh Ngài trong phần đầu Kinh Cầu Các thánh. Vậy ngài là ai mà được Hội Thánh yêu mến quỳ trọng đến thế. Mời ACE cùng đọc.
------------------------------------
Người ta nghĩ rằng: Thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng và đặt giữa các tông đồ để làm gương mẫu về lòng trong trắng và đức khiêm tốn Kitô giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng: ngài là đứa trẻ đưa 5 chiếc bánh và 2 con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ nuôi 500 người ăn. Điều chắc chắn là ngài đã được đặt làm giám mục thứ nhì kế vị Thánh Phêrô tại Antiôkia khoảng năm 68, sau khi Thánh Giám mục Evôda qua đời. Suốt 40 năm cai quản giáo phận, kể cả những năm bị bách hại dưới triều Domitianô, ngài đã tỏ ra là một giám mục gương mẫu về mọi nhân đức.
15 năm bình lặng sau cái chết của bạo vương Domitianô qua đi, cơn bách hại lại nhen nhúm ở vài tỉnh dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng tín này cho rằng: mình đạt được nhiều chiến thắng là nhờ các thần minh. Ông coi việc bách hại các tín hữu Chúa là một nghĩa cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh. Tháng giêng năm 107, ông tới Antiôkia. Được biết tại đây có Giám mục Inhaxiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu ngài tới để xét hỏi. Sau khi đe doạ và dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết án vị giám mục thánh thiện này phải điệu về Roma cho thú vật xâu xé.

Cuộc hành trình về Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi khi con tàu dừng bến nào, dân chúng đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp này, Thánh Inhaxiô có dịp tiếp xúc với nhiều giáo đoàn và đã viết 7 bức thư cho các Giáo hội. Tuy vậy, chuyến đi không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố tình hành hạ thánh nhân để mong được các tín hữu ngưỡng mộ ngài đút lót tiền bạc. Thánh nhân viết với lòng khiêm tốn:
Trên đất liền hay ngoài biển khơi, ngày đêm tôi phải chiến đấu với các súc vật, bị xiềng vào mười con sư tử. Tôi muốn nói là những người lính canh giữ tôi. Người ta càng cho tiền, họ càng hung dữ. Những người đối xử tàn tệ của họ là trường đào luyện tôi mọi ngày, nhưng không phải vì vậy mà tôi được nên công chính đâu.
Ở Smyrna, Thánh Inhaxiô đã gặp Thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của Thánh Gioan như Thánh Inhaxiô. Thánh Pôlycarpô đã hôn xiềng xích của người bạn lừng danh. Tại đây, Thánh Inhaxiôco có dịp gặp đại diện của nhiều Giáo Hội tới thăm. Biết rằng ở Ahila Delphia có sự chia rẽ trong hàng giáo sĩ, ngài đã viết thư khuyên nhủ họ:
Hãy tránh xa những phân rẽ và các giáo thuyết nguy hiểm. Hãy theo mục tử các bạn khắp nơi như đoàn chiên. Tôi vui sướng hết mực những góp phần củng cố đức tin các bạn, nhưng không phải do tôi mà do Chúa Giêsu Kitô. Được mang xiềng xích vì danh Chúa, hơn lúc nào, tôi cảm thấy mình còn quá xa sự trọn lành. Nhưng kinh nguyện của các bạn sẽ làm cho tôi được xứng đáng với Thiên Chúa và với di sản mà lòng nhân từ và đã dọn sẵn cho tôi.
Các thư của các thánh nhân gửi riêng cho mỗi nơi, ngài ca tụng tinh thần kỷ luật của tín hữu Manhêsianô (Magnésiens): Tôi hãnh diện được gặp các bạn nơi cá nhân Đức Giám mục Damas của các bạn. Tuổi trẻ của ngài không được nên cớ để các bạn suồng sã với ngài. Các bạn cần phải tôn kính chính Thiên Chúa là Cha nơi ngài.
Với dân Trallianô (Tralliens), ngài viết: “Hãy yêu thương nhau. Xin cầu nguyện cho tôi nữa. Tôi cần đức ái và lòng nhân hậu Chúa để được nhận vào hưởng gia nghiệp mà tôi đã sẵn sàng chiếm hữu”.
Nhưng ngài sợ dân Rôma, vì nhiệt tâm mà cất mất triều thiên tử đạo của mình. Nhờ một du khách đi Italia, ngài khẩn khoản: “Các bạn không thể trao tặng cho tôi một bằng chứng quý mến nào khác, là để cho tôi được tế hiến mình cho Thiên Chúa. Ân huệ tôi van xin các bạn là hãy hát bài ca cám tạ ơn Chúa mà nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Đức Giám mục Smyrna bên Tây phương đã được, để ngài được đưa vào vinh quang. Hãy để cho tôi thành của ăn nuôi thú vật, hầu tôi được vui hưởng Thiên Chúa, Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.
Tốt hơn, hãy săn sóc các thú vật này để chúng thành nấm mồ của tôi. Chính lúc này tôi đang trở nên một môn đệ chân chính. Chớ gì những hình khổ độc dữ nhất đổ xuống mình tôi, miễn là tôi được Chúa Giêsu Kitô. Được cả thế gia này nào có ích lợi gì cho tôi? Tôi chỉ ước mong được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô…
Ngài còn viết thêm: Ước mơ của tôi là được đóng đinh vào thập giá. Trong tôi chỉ có một dòng nước hằng sống vẫn rì rầm lời kêu gọi: Hãy về với Cha.
Thánh nhân còn viết nhiều điều khác nữa, bàn về chân lý đức tin, kỷ luật Giáo Hội và những sai lầm nguy hại.
Ngày 20 tháng 12 năm 107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày Thánh Inhaxiô tới Roma. Sau khi đọc bức thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền đem thánh nhân đến thẳng hí trường. Dân chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lặp lại câu nói đã viết trong trường hợp gửi dân Roma: “Tôi là

hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thánh bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”. Hai con sư tử gầm rống và bổ tới thánh nhân mà cắn xé. Người ta kính cẩn thu nhặt những khúc xương còn lại và đưa về Antiôkia. Dưới thời Hêracliô, xương ngài lại được đưa về Roma.
---------------------
(Theo Internet)

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI:
PHẢI CHĂNG LÀ CHUYỆN KHÔNG ĐÁNG?


Chúa Giêsu, trong hành trình rao giảng Nước Trời, không dùng hình ảnh cao xa hay trên mây trên gió để trình bày về Nước Trời. Nước Trời mà Chúa nói tựa như viên ngọc quý, tựa như gia tài quý báu ... và có lẽ nhiều nhất vẫn là hình ảnh của bữa tiệc cưới. Trong những ngày này, ta được Chúa mời gọi nhìn lại Nước Trời qua khung cảnh của tiệc cưới.
Ngày hôm nay, khi nghe về tiệc cưới Nước Trời xem ra là chuyện xa sỉ, là chuyện của ai đó, là của người khác chứ kông phải là của ta. Nghe thì nghe vậy nhưng có suy nghĩ, có sống hay không mới là chuyện quan trọng.
Tiệc đã sẵn và khách đã được mời ! Thế nhưng rồi những người được mời đã từ chối lời mời của chủ. Tất cả lời từ chối xem ra là hợp tình, hợp lý và không có gì để chủ tiệc bắt bẻ.
Xem chừng những lý do từ chối hợp lý với cuộc đời này thế nhưng rồi bất hợp lý với chuyện tương lai, chuyện vĩnh cửu của đời người. Đơn giản là vì đời người dù thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là "vài gang tấc" và tất cả ở trong tay Chúa.
Ta thấy "con người cứ ngỡ trần gian là cõi thật để rồi tất bật tới bây giò" như đã từng nghe ai nói. Mà thật là thế ! Con người ngày hôm nay tất bật hơn bao giờ hết dẫu rầng có quá nhiều tiện lợi trong cuộc sống.
Người ta cần một tô bún ngon, không cần phải bước chân ra ngõ dù là trời mưa to gió lớn. Chỉ cần một cú nhắp chuột hay chỉ cần một cái chấm trên chiếc điện thoại thông minh là chốc lát nữa thôi sẽ có ngay tô bún trong nhà.
Chả phải chỉ tô bún mà ngày nay, nhiều và nhiều món hàng khác nữa kể cả những thứ mà người ta nghĩ không có đều có thể thấy ngay tận mắt và sờ tận tay. Tất cả đều có thể có nếu như có tiền. Chính vì vậy, người ta lao đầu vào tìm tiền bằng mọi cách để vật chất phục vụ mình trong chốc lát.
Thế nhưng rồi giữa cái thế giới xem ra hiện đại có một lỗ hổng lớn mà con người ai ai cũng mắc phải đó chính là thời gian. Dù tất cả mọi sinh hoạt chỉ cần 1 cú điện thoại hay 1 cú click là có nhưng thời gian lại không có cho chồng, cho vợ, cho con và cho cả chính mình.
Cả thời gian cho bản thân mình còn không có nữa Cái gì cũng nhanh hết ! Giao hàng nhanh, thức ăn nhanh .. để rồi thời gian dành cho Chúa cũng không hề có.
Không khó để giải thích chuyện con người từ chối tiệc cưới. Chính vì quá tất bật nên rồi đủ thứ lý do mà con người nói với Chúa xem ra hợp lý và Chúa khó có thể bắt bẻ con người vì những lý do từ chối tiệc xem ra chính đáng.
Bàn tiệc Thánh Thể chính là bữa tiệc cưới tiên trưng cho cuộc đời của người Kitô hữu. Thế nhưng rồi ta thử làm bài toán xem tỷ lệ tham dự bàn tiệc ấy của người Kitô hữu hiện aay được bao nhiêu ? Ngày Chúa Nhật dường như không đi chứ đừng nói đến ngày thường nhật, Đơn giản là người ta vịn đủ thứ lý do của cuộc đời.
Con người thường hay đổ thừa hay có nhiềyu lý do dể vịn cho thân phận, cho cuộc sống, cho tuổi tác ... lý do để tránh né bàn tiệc Nước Trời hàng ngày. Bỏ một ngày thì bỏ hai ngày và từ từ sẽ hình thành một thói quen của con người khi khước từ Thánh Lễ. Đó là chưa nói đến chuyện đến với Chúa như chỉ là cho có. Đến với Chúa, đến Nhà Thờ nhưng trong tay lúc nào cũng lăm lăm cái điện thoại và cái điện thoại đổ chuông to bất cứ lúc nào không ai biết.
Chắc có lẽ vì thiếu lòng tin vào Chúa, kém lòng tin vào Nước Trời nên con người ta cứ vui vẻ sống cái niềm vui tạm bợ của cuộc sống này. Lỡ phóng lao thì theo lao để rồi con người cứ lao theo niềm vui của thực tại mà người ta không tìm niền vui đích thực của kiếp người.
Thật ra mà nói thì chuyện bận rộn và từ chối là do bản thân của mỗi người mà thôi. Bận hay không là do mỗi người tính toán. Có nhiều người khi được hỏi đến thì luôn luôn miệng nói bận rộn. Và bi đát nhất là họ không còn giờ dành cho Chúa nữa.
Dụ ngôn tiệc cưới mà chúng ta vừa nghe, đã nghe và nghe quá nhiều lần như là lời nhắc nhở chọn lựa của mỗi người chúng ta. Nếu như chúng ta thấy cuộc đời này là vĩnh cửu và trường tồn thì hãy mau mau cũng như cố gắng đi tìm và xây dựng cho mình những kho tàng ở trần gian này và ngược lại.
Ta hãy tĩnh lặng để xin Chúa cho ta biết rằng ta chọn cái gì trong cuộc sống. Cần thời gian để nhìn lại đâu là Nước Trời Thiên Quốc mà Chúa mời gọi.
Xin Chúa thêm ơn cũng như soi sáng tâm trí chúng ta để chúng ta thấy rằng cuộc đời này cũng chỉ là cõi tạm mà thôi. Nước Trời mới là vĩnh cửu và đó là đích đến của cuộc đời người Kitô hữu. Vậy thì từ nay, mỗi chúng ta hãy thu xếp thời gian của mình để dành nhiều giờ hơn cho chính bản thân, cho gia đình và nhất là cho Chúa. Đừng để đến khi quá muộn mới trở về với Chúa trong kinh hạt, trong Thánh Lễ vì cuộc đời này tất cả đều chỉ là hư vô mà thôi. Nước Trời mới là bữa tiệc, là đích đến của cuộc đời chúng ta.
----------------
Người GT

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

TRAI TỊNH - CHAY TỊNH


-------------------------------
1. Có người hỏi tôi tại sao có người nói “trai tịnh”, có người lại nói là “chay tịnh”. Vậy từ nào đúng hơn? Trước khi trả lời, chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của hai từ này. 
2. Trai tịnh: Trai tịnh chữ Hán viết là 齋淨
2.1. Trai: Chữ齋 (trai) gồm có chữ齊 (tề) và chữ示(thị) [1]. Chữ tề (齊) xưa cũng đọc là trai, nay ở đây có nghĩa là chuyên tâm. Chữ 示 (thị) được tạo thành bởi hai chữ 二 (là chữ thiên天 (cổ), đọc là thiên, không phải chữ nhị 二) và小[2] (là ba gạch thẳng xuống tượng trưng cho nhật, nguyệt và tinh tú, không phải chữ tiểu 小), nghĩa là nhìn về trời để biết được những việc thay đổi của thời cuộc. Chữ示 (thị) chỉ việc của thần, của trời. Cho nên tất cả các chữ Hán có liên quan đến thần đều có bộ示 (thị).
Chữ trai (齋) có những nghĩa này: đt. (1) Tắm rửa sạch sẽ, không ăn thịt cá, kiêng uống rượu, kiêng phòng sự, ăn thức ăn thực vật để phụng sự thần hay Phật, còn gọi là trai giới. (2) Rước nhà sư tới nhà mở lễ giỗ: trai chủ. (3) Dâng thức ăn cho nhà sư khất thực: thí trai; (4) Lập đàn cầu cúng: trai tiếu. dt. (1) Nhà sư ăn cơm trước buổi trưa. (2) Phòng riêng của học trò độc thân hay của nhà tu: thư trai. (3) Nhà riêng để ở trong lúc sắp tế lễ.
Trai theo chữ Nôm có nghĩa: dt. (1) Người đàn ông trẻ tuổi. (2) Người thuộc nam giới: Bác trai. (3) Hạt châu: Ngọc trai. (4) không biết xấu hổ: Trai lơ. (5) Sò mang vỏ có xà cừ: Trai lệch mồm (6) Âm hộ (tiếng bình dân): Cái trai.
Có người phân biệt ý nghĩa trai (齋) và giới (戒) [3]: Giữ tâm hồn trong sạch gọi là trai (齋), phòng ngừa tai hoạn gọi là giới (戒); ăn chay ba ngày gọi là trai (齋), ăn chay bảy ngày gọi là giới (戒).
2.2. Tịnh có những chữ Hán này: 淨, 凈, 並, 穽, 靚 , 靜, 靖. Trong từ trai tịnh, chữ tịnh là 淨. Chữ này nghĩa là: dt. (1) Đất của Phật: Tịnh độ (thổ土). đt. (2) Làm sạch. (3) Thiến. tt. (4) Sạch sẽ. (5) Hư vô.
2.3. Trai tịnh nghĩa là giữ mình trong sạch cả về tâm hồn lẫn thể xác để chuẩn bị tế tự, thờ thần kính Phật, để tỏ lòng khiêm nhường với thái độ lệ thuộc và phó thác hoàn toàn trước thần Phật.
3. Chay tịnh
3.1. Chay: Theo giáo sư Lê Ngọc Trụ [4] trường hợp tiếng Hán Việt chuyển ra tiếng Nôm khi âm khởi đầu đã đổi thì đa số vận ai đổi ra ay, như: đại > thay; hài > giày; sái > rảy; trai > chay; trái > vay... Như vậy chữ chay là do chữ trai chuyển sang nên chay (Nôm) đồng nghĩa với trai (Hán Việt).
Vậy chữ trai đồng nghĩa chữ chay, chỉ có khác biệt ở chỗ người ta chỉ nói ăn chay mà không nói ăn trai.
3.2. Chay tịnh: đồng nghĩa với trai tịnh, nhưng từ chay tịnh liên kết một chữ Nôm và một chữ Hán, còn từ trai tịnh thì hai chữ đều là chữ Hán.
Sách Phụng vụ các giờ kinh dùng thuật từ trai tịnh [5], còn Điển ngữ Thần học Thánh Kinh thì dùng thuật từ chay tịnh [6]. Hai cách dùng đều được mọi người chấp nhận.
4. Việc ăn chay phổ biến từ rất lâu đời trong các tôn giáo. Mỗi tôn giáo có quan niệm riêng về việc ăn chay và do đó có cách thức giữ chay khác nhau. Với Kitô giáo [7], qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (x. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3). Ăn chay là muốn bày tỏ cùng Thiên Chúa rằng: nếu không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì; trong giây phút ta muốn cầu khẩn Chúa một việc quan trọng (x. Tl 20,26; 2 Sm 12,16-22; Edr 8,21; Et 4,16), nhất là để nhìn nhận mình là tội nhân và qua việc nhìn nhận thực lòng tính cách hư vô của mình, con người khẩn cầu Chúa thứ tha (1 V 21,27; Đn 9,3). Chay tịnh thân xác chỉ có ý nghĩa khi đi đôi với một sự kiêng giữ hay xa tránh tội (x. Is 58,1-12), nói khác đi, chay tịnh chỉ là hình thức bên ngoài (x. Mt 5,16-18).
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã từng chay tịnh để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hoặc chuẩn bị thực hiện công trình cao cả với Thiên Chúa. Như ông Môsê và ông Êlia, Chúa Giêsu đã chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc (Mc 4,1; x. Xh 24,18; 34,28; 1 V 19,8), trước khi công bố Luật mới trong bài giảng trên núi. Tuy nhiên Chúa Giêsu cho thấy rằng chay tịnh tự nó chỉ có giá trị tương đối với các môn đệ, những người được mời tham dự bữa tiệc của Đấng Thiên Sai, thì chay tịnh nói lên thái độ sốt sắng đợi chờ Tân lang, tức là Đức Kitô (Mt 9,14-15).
Chay tịnh của Hội Thánh vào ngày thứ Tư lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh nói lên ý muốn đền tội và từ bỏ tội lỗi, đó cũng là một sự chuẩn bị đón mừng lễ Phục Sinh. Chay tịnh Thánh Thể được giới hạn một giờ trước khi rước lễ - 15 phút đối với các bệnh nhân - chủ yếu đây là một cử chỉ tôn kính, là sự chuẩn bị đón nhận chính Chúa Kitô trong bí tích, làm hiện thực công trình yêu thương tuyệt diệu của Chúa.
---------------------------------------------
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Nguồn truyenthongconggiao.org
Ghi chú
[1] Trung Chánh hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển, trang 45.
[2] Sđd, tr. 1142.
[3] Sđd, tr. 45.
[4] Lê Ngọc Trụ, VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ, tái bản lần 1, Khai trí, Sài Gòn, 1972, tr. XIX.
[5] CGKPV xuất bản năm 1995, tr. 377.
[6] Do Giáo Hoàng học viện Piô X, đà Lạt xuất bản năm 1973, qu. 1, tr. 210.
[7] Dom Robert Le Gall, DICTIONAIRE DE LITURGIE, 1982.
--------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hình Âm Nghĩa Tổng Hợp Đại Tự Điển, Đài Loan, 1970.
2. Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển, NXB Trường Thi, Sài Gòn, 1957.
3. Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Hán Việt, NXB TP.HCM, TP.HCM, 2002.
4. Lê Ngọc Trụ, Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị, tái bản lần 1, Khai trí, Sài Gòn, 1972.
5. Lê Văn Đức, Từ Điển Việt Nam, Sài Gòn, 1970.
6. Viện Ngôn Ngữ học, Từ Điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2004.
7. Lm. Antôn Trần văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, 2004.
8. Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển, Đài Loan, 2004.
9. Từ điển Hán Việt, Trung Quốc, 1994.
10. Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, tập 3, 1967.

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Một dược - Mộc dược?

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 23/12/2005 có đăng bài “Dạy chữ Hán để biết và hiểu” của tác giả Nguyễn Văn Duận, trong đó ông nói “Muốn giỏi văn cần học chữ Hán”, ông nói rõ hơn: “Chúng ta có một thời – khi học toán – đã băn khoăn vì không hiểu được nghĩa gốc của những từ như tích phân, ma trận…; khi học vật lý quang học đã băn khoăn với từ như thị trường, quang phổ, tử ngoại……”. Riêng tôi nghĩ rằng bên Công Giáo cũng có tình trạng này. Ví dụ tên của Đức Hồng Y Hồng Kông là Trần Nhật Quân (陳日君), nhưng các báo, các đài, các trang web, cứ viết là Trần Minh Quân; hay là lễ năm mới trong sách lễ Roma, lúc đầu viết là Thánh lễ Minh Niên, sau này sửa lại cho đúng là Thánh lễ Tân Niên, nhưng các cha ở hải ngoại vẫn viết là Thánh lễ Minh Niên. Đây chỉ là vài ví dụ về hậu quả của việc ít biết chữ Hán, hễ thấy ai dùng một từ mới lạ, dù không hiểu ý nghĩa cũng dùng theo.
Sau khi Chúa Giêsu sinh ra, có các hiền sĩ đến thờ lạy Chúa, họ dâng tiến Chúa các lễ vật: "vàng, nhũ hương vàmyrrha" (Mt 2,11) có người dịch myrrha là mộc dược, có người dịch là một dược (1. Chúng ta thử tìm hiểu xem từ nào là từ đúng?
1. Myrrha là gì?
Myrrha (tiếng Akkadi: murru; Hípri: môr) là một chất nhựa chảy ra từ cuống và nhánh của một giống cây bụi thấp, thuộc nhóm cây Commiphora myrrha (có tên khác là Balsamodendron myrrha), thuộc họ gần với nhóm Commiphora kataf. Cả hai nhóm cây này có nguồn gốc từ sa mạc Ảrập và Phi Châu. Nhựa tiết ra từ thân cây chảy xuống mặt đất, sau đó quánh lại thành một chất nhựa có màu vàng nâu sánh như dầu . 
Myrrha có giá trị nhờ mùi thơm (x. Tv 45,8-9; Sk 7,17; Ct 3,6; 4,14; 5,5,13); là thành phần trong dầu thánh (x. Xh 30,23-33); có tính chất chữa bệnh, pha với rượu giúp giảm đau; ở Ai Cập và Giuđêa được sử dụng chủ yếu để ướp xác chết, vì có tính chất chống lại sự thối rữa. Ngoài ra, nó còn được dùng để thanh tẩy phụ nữ.
Myrrha được các hiền sĩ dùng làm lễ vật dâng tiến cho Chúa Hài Nhi, họ dâng tiến Người các lễ vật gồm: “vàng, nhũ hương và myrrha” (Mt 2,11); Myrrha cũng là chất mà người ta đưa lên cho Chúa Giêsu lúc trên thập giá (x. Mc 15,23); và cũng là một trong những chất dùng ướp xác Người (x. Ga 19,39) (2)
Theo cha Neil Chadwick (3): Myrrha là chất dẽo thơm được chế xuất từ bụi gai mọc ở Ả Rập và Ethopia, và thu được từ cây giống như cách thu được nhũ hương vậy. Loại cây có mùi thơm này được gọi là "Balsamodendron myrrha" tương tự như cây keo (Acacia). Myrrha cao từ 8-10 fts và có mùi thơm. Khi bị cắt, nó tiết ra một chất nhựa màu vàng nhạt, sau đó cô đặc lại thì sẫm màu hoặc có màu đen.
Myrrha đã được sử dụng chủ yếu là ướp xác chết, vì nó có tính chất chống lại sự thối rữa (x. Ga 19,39), nó được sữ dụng nhiều ở Ai Cập và Giuđêa. Cổ thời nó đã có giá trị thương mại (x. St 37,25), là thành phần của dầu thánh (x. Xh 30,23), được dùng như dầu thơm dễ chịu (x. Et 2,12; Tv 45,8; Cn 7,17). Myrrha được người thời xưa ưa thích dùng như dầu thơm. Người ta nói rằng đựng nó trong lọ thạch cao, nó có thể giữ mùi thơm ngát trong nhiều thế kỷ. Myrrha còn có tính chất chữa bệnh, trộn nó vào rượu vang để làm một loại thức uống. Người ta đã pha chế nó như một loại thuốc giảm đau và cho Chúa Cứu Thế uống khi Ngài bị treo trên thập giá (x. Mc 15,23; Mt 27,34). 
2. Myrrha dịch là một dược hay mộc dược?
Một số rất ít từ điển tiếng Việt có hai từ này:
- Theo “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn Ngữ Học, 2005): Mộc còn có nghĩa là cây bụi nhỏ, lá có răng cưa, mọc đối nhau, hoa nhỏ rất thơm, thường dùng để ướp chè, thuốc lá (nhưng không phải là myrrha). 
- “Việt Nam Tự Điển” (Lê Văn Đức, 1970) giải thích từ mộc dược (chữ Hán là  ): Tắm với nước có pha thuốc.
- “Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam” (của Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, 2004) giải thích từ một dược (chữ Hán là 沒藥): Myrrha (còn gọi là Myrrhe) là chất gồm nhựa trích từ cây Commiphora momol Engler hay Commiphora abyssinica Engl, thuộc họ trám (Burseraceae). Cây này chưa thấy ở nước ta. Trước đây ta nhập của Trung Quốc, nhưng bản thân Trung Quốc cũng phải nhập từ các nước tây Châu Phi, vùng Hồng Hải, Somali, Abytsini, Ả Rập. Thành phần chủ yếu của một dược gồm 28-40% nhựa và tinh dầu, 61% gôm, 3-4% tạp chất và một ít chất đắng. Tinh dầu một dược chứa axít tự do, axít axetic, axít panmitic (tinh dầu cũ), hay tinh dầu kết hợp (tinh dầu mới cất), … Công dụng: Đông y dùng một dược để chế một số cao dán nhọt có tính chất hoại huyết, giảm đau, tiêu thũng. Có khi dùng làm thuốc điều kinh. Tây y dùng trong công nghiệp nước hoa, thuốc bổ, trấn kinh. Uống trong với liều 0,20 đến 2g.
- Theo cha Eugene Gouin (MEP) (4):
* Mộc: có 3 chữ Hán là: ;    (5). Chữ Liên quan là (), có 3 nghĩa (6): (1) Tắm, tắm rửa, tắm gội. (2) Dầm, tẩm, làm thấm. (3) Con khỉ đột, con bú dù.
* Mộc dược (沐藥): Tắm với nước có pha thuốc (7) dùng với từ thứ hai, có nghĩa thứ nhất).
* Một: có 2 chữ Hán là:   歿. Chữ liên quan là (), một có 6 nghĩa (8): (1) Nhúng, nhận chìm; tối tăm, mù mịt, mờ sẫm; chết chìm, chết đuối, chết trôi; chôn cất, mai táng. (2) Hoàn thành, hoàn tất; chết; ngất xỉu, bất tỉnh. (3) Vượt quá, lấn; trội hơn. (4) Ao ước, thèm muốn; thèm khát. (5) Từ diễn tả sự từ chối, phủ nhận. (6) Cây cỏ, thảo mộc, thực vật.
* Một dược (沒藥), có hai nghĩa (9): (1) Tịch thu, sung công; thu chiếm, đoạt lấy (nghĩa thứ hai). (2) Thuốc dùng ướp xác người chết, myrrha (nghĩa thứ sáu).
3. Nhận xét
Trong tiếng Việt, mộc dược chỉ có một nghĩa duy nhất là “tắm với nước có pha thuốc”. Còn một dược được dùng để chỉ chất thuốc (thơm, ướp xác,...) hoặc một loại thực vật, đó là cây Myrrha
Kết luận 
Vậy, Myrrha nên dịch cho đúng là một dược (沒藥), chứ không phải mộc dược (沐藥).
LM Stêphanô Huỳnh Trụ
[gpcantho.com 04/01/2016]

Chú thích: 
1. Các bản dịch Tân Ước của: ĐHY Giuse Maria Phạm Đình Tụng, Lm. Trần Đức Huân, Lm Tống Viết Toại, Thánh Kinh Hội Trung Hoa (Bản của anh em Tin Lành), http://www.vnbaptist.net/Tu_Dien (Bản của anh em Tin Lành), Hồng Kông (Bản của Công giáo)... Đều dịch là: Một dược.
Các bản dịch Tân Ước của: Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Nhóm CGKPV, UBPV của HĐGMVN... Đều dịch là: Mộc dược.
2. BIBLE DICTIONARY, 1965.
3. Xem bài "Gold, Frankincense and Myrrh" của Dr. Neil Chadwick, trong http://www. webedelic.com/church: Có thể xem chi tiết ở http://www.science.siu.edu/plant-biologyhttp://www.essentialoils.co.za/essential -oils/ myrrh.htm.
4. Eugene Gouin, DICTIONNAIRE VIETNAMMIEN CHINOIS FRANCAIS, Imprimerie d'Extrême-Orient, Saigon,1957.
5. Pluie fine (tạnh mưa; mạch, minh)
6. (1) Se laver la tête; se baigner. (2) Imprégné. (3) Grand singe.
7. Bains médicamenteux.
8. (1) Immergé, sombrer, se noyer, inhumer. (2) Finir, mourir, s'évanouir. (3) Dépasser, excéder. (4) Convoiter, désirer. (5) Terme exprimant la négation. (6) Végétaux.
9. (1) Confisquer. (2) Médicament pour embaumer les morts, myrrhe.

 

 -----------------------------------------------

MỘT DƯỢC HAY MỘC DƯỢC ?

MỘT DƯỢC HAY MỘC DƯỢC ?



BÙI NGỌC HIỂN
            Trong Kinh Thánh Tân Ước, thánh Mat-thêu thuật lại : Đức Giê-su sinh ra tại Bê-lem xứ Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê, thì này : những đạo sĩ từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem nói : "Vua dân Do-thái mới sinh hiện ở đâu ? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên trời Đông, và chúng tôi đến bái yết Ngài." ... Thấy ngôi sao, họ hớn hở vui mừng quá đỗi. Và vào nhà, họ thấy Hài nhi cùng Ma-ri-a mẹ Ngài, và họ sấp mình xuống bái yết Ngài ; đoạn mở tráp báu, họ dâng Ngài lễ vật : vàng, nhũ hương và một dược. (Mt 2:1-2,10-11)
            Vàng (Latin : aurum ; Hi-lạp : χρυσός [khrysos] ; Anh : gold) là một trong những quý kim thượng hạng, tượng trưng cho thần tính Thiên Chúa trong xác phàm. Nhũ hương (L. : tus ; H. : λιβάνι [libani] ; A. : frankincense) là một loại nhựa cây được chế biến dùng cho việc làm hương đốt, tượng trưng cho sự thánh thiện và công chính, ở đây mang nghĩa tiên báo việc Hài nhi Giê-su sẽ trở thành lễ toàn thiêu. Một dược (L. myrrha ; H. : σμύρνα [smyrna] ; A. : myrrh) cũng là một loại nhựa cây có mùi thơm, vị đắng, dùng làm chất giảm đau, thuốc ướp xác..., tượng trưng nhân tính của Hài nhi Giê-su, cũng mang nghĩa tiên báo việc Hài nhi Giê-su sau sẽ phải chịu tử nạn, chịu táng trong mồ...
            Các danh từ vàng, nhũ hương đều không có sự lầm lẫn nào trong các bản văn tiếng Việt, nhưng từ một dược lại có nhiều điều đáng nói. Từ này trong KT L, bản Nova Vulgatamyrrha, xuất hiện trong Cựu Ước 13 lần, trong đó riêng Nhã ca (Diệu ca..., L. : Canticum Canticorum) xuất hiện 8 lần (các câu : Ex 30:23, Esth 2:12, Ps 45:9 (bản LXX là 44:9, bản Tin Lành là 45:8), Prov 7:17, Cant 1:13, 3:6, 4:6, 4:14, 5:1, 5:5 (xuất hiện 2 lần trong cùng một câu), 5:13, Eccles 24:20 (bản LXX là 24:15) ; trong Tân Ước 3 lần (các câu : Mt 2:11, Mc 15:23, Jn 19:39). Hầu hết các trường hợp xuất hiện trong Cựu Ước đều được bản LXX dịch sang tiếng Hi-lạp bằng σμύρνα, trừ hai chỗ là câu Prov 7:17 dịch bằng ἄρωμα [arōma] và câu Cant 1:13 dịch bằng στακτή [staktē].
            Các bản KT bằng Hoa ngữ (cả Công giáo như 思高本 [Tư Cao bản] (1) và Tin Lành như 和合本修訂版[Hoà Hiệp bản tu đính bản]) đều dịch thống nhất các danh từ ở vị trí tương ứng với myrrha trong các câu KT dẫn trên bằng 沒藥 (phồn thể) hoặc没药 (giản thể). Dù là phồn thể hay giản thể, thì chúng đều chỉ được đọc với âm Hán – Việt là một dược. (2)
            Trước n 1971, các sách của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đều in đúng là một dược. Có thể kể trước tiên là quyển Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá tịnh Chúa Nhựt pháp [= Kinh đọc thường ngày và Chúa Nhật của đạo thánh Đức Chúa Trời], thường gọi thông dụng là Sách Mục Lục, do nhà in Mission tại Tân Định, Saigon, in vào khoảng những năm 1930 (3), ở Đệ thất thiên : Đồng niên tổng Kinh văn [= Thiên thứ 7 : Gom chung các Kinh quanh năm], mục I. Ca hát trong mùa Sinh nhựt, có hai bài : bài 10. Lễ Ba Vua : Tam Vương triều thị Cứu thế [= Ba Vua chầu xem Đấng Cứu thế], và bài 11. Lễ Ba Vua : Tam Vương lai trào [= Ba Vua đến chầu] đều dùng từ một dược (4).
            Các sách khác như : Bản dịch KT Tân Ước của linh mục Nguyễn Thế Thuấn (bản in năm 1965). Bản này cũng đã có vấn đề. Theo linh mục NTT thì phải in là một dược, nhưng nhà in đã sửa (5) thành mộc dược ở trang 448 (câu Jn 19:39 ; hai chỗ còn lại là Mt 2:11 và Mc 15:23 vẫn in một dược). Chỗ sửa đúng thành sai này đã được điều chỉnh ở phần đính chính, trang 12* cuối sách (phần đính chính này dài tới 31 trang). Không riêng chữ một dược bị sửa thành mộc dược, những người lo liệu việc in ấn và xuất bản còn sửa từ ngữ của linh mục NTT rất nhiều chỗ, khiến ngài phải lên tiếng trong một bài viết đăng trên nguyệt san ĐMHCG lúc bấy giờ. Sau khi linh mục qua đời, toàn bộ bản dịch KT Cựu – Tân Ước của ngài được Dòng Chúa Cứu Thế đem in tại Nhà in ĐMHCG và xuất bản cuối năm 1976. Trong Lời nói đầu của bản in này, ban Xuất bản cho biết họ đã "... thay thế một ít tiếng không quan trọng..." (sic). Và một trong số một ít tiếng không quan trọng đó hẳn là tất cả các chữ một dược đều được in thành mộc dược (phần Cựu Ước, các trang 184, 1109, 1380, 1523, 1588, 1591, 1593 [2 lần], 1594 [2 lần] ; phần Tân Ước, tt. 15, 117, 249). Trước đó, bản dịch Sách Lễ của NXB Hiện Tại (bản dành cho giáo dân, tái bản lần thứ năm, năm 1969), t. 60, trong bài Phúc âm nói về việc ba hiền sĩ phương Đông đến kính bái Hài nhi Giê-su cũng in một dược (6). Bản dịch KT Cựu – Tân Ước của linh mục Trần Đức Huân do Thánh Kinh thiện bản xuất bản năm 1971 cũng in nhất loạt là một dược. Bên Tin Lành, bản Kinh Thánh (xuất bản lần đầu năm 1926 – ở đây căn cứ vào bản được Thánh Kinh Công hội in lại n 1966), trừ câu trong sách Ecclesiasticus (không có trong các sách KT Tin Lành), 15 chỗ còn lại đều được dịch và in rất chuẩn là một dược. Bản dịch mới (E : New Vietnamese Bible) cũng dùng một dược trong 15 chỗ như bản 1966.
            Khi xuất hiện các bản dịch Sách Lễ (SL) tiếng Việt do Uỷ ban Giám mục về Phụng vụ xuất bản từ 1969 đến 1971, đều chỉ gặp thấy mộc dược mà không hề thấy một dược, như SL Mùa Vọng và mùa Giáng Sinh, 1969, t 208 (2 lần), SL Mùa Chay và mùa Phục Sinh, 1970, tt. 148, 180, SL Roma, 1971, t. 186. Sau này Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam xuất bản SL Rô-ma vào năm 1992, cũng thấy dạng mộc dược (t. 170).
            Năm 1983, Lm An-sơn Vị, dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo, xuất bản Thánh Kinh Tân Ước, Tin Mừng về Chúa Cha, ấn bản toàn thư. Đây là bản dịch được dịch giả sử dụng rất nhiều tiếng Hán – Việt, cả những từ khá quen (nhưng ít dùng, và có lẽ không gặp thấy trong các bản dịch khác), như : Đạo Ngôn, trang 13, [... đừng sợ rước Bà Ma-ri-a,] Hiền thê [ông...] (Mt 1:20), Vườn Diệu quang (Apoc 2:7), Chúa Cửu Trùng (Apoc 4:7), Hiền Phụ, Thần Linh Hiếu Tử, t. 124..., hoặc những từ đơn có sẵn để ghép với nhau đặt ra những từ mới thay cho những từ đã quen, chẳng hạn : Thiên Phụ (Mt 3:16), Huyền Thê (Apoc 22:17), Huyền Phu, trang 23, Đấng Thụ Hấn (= Đấng chịu xức dầu, Đức Mê-xi-a ; sic., t. 98), Toàn Ái, trang 34G,... Thế nhưng bản dịch này cũng dùng mộc dược trong cả 3 câu Mt 2:11 ; Mc 15:23 và Jn 19:39.
            Năm 1998, Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ (7) xuất bản KT trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước (không chú thích) cũng dùng nhất loạt từ mộc dược cho 16 chỗ đã dẫn (8). Hình như các dịch giả có hứa hẹn sẽ xem xét lại việc dùng một dược / mộc dược từ khoảng cuối năm 2000. Thế nhưng khi xuất bản Kinh Thánh ấn bản 2011, ấn bản kỷ niệm 40 năm hiện diện của nhóm, 16 chữ mộc dược cứ nghiễm nhiên tồn tại (9) !
            Cả trong Từ điển Công giáo Anh – Việt của Nguyễn Đình Diễn (n 2002), mục từ myrrh cũng dịch là mộc dược ! Trong khi đó, linh mục Trần Văn Kiệm, tác giả quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt (n 1999), trong bản dịch KT Tân Ước của mình đều dùng một dược tại cả ba câu Tân Ước đã dẫn.
            Nếu xem xét trong các từ điển, thì ngay từ năm 1839, Joachim Alphonsus Gonsales trong Lexicon Manuale Latino-Sinicum [= Thủ bản từ vựng Latin – Hán] đã dịch myrrha沒藥香 [một dược hương]. Năm 2002, trong quyển từ điển Công giáo tiếng Hoa là 天主教英漢袖珍辭典 [Thiên Chúa giáo Anh Hán tụ trân từ điển] do 主徒會恒毅月刊社 [Chúa đồ hội Hằng Nghị nguyệt san xã] xuất bản, dịch mục từ myrrh : 沒藥 : 新約中東方賢士所獻給耶穌的三禮之一 [một dược, Tân Ước trung Đông phương hiền sĩ sở hiến cấp Da-tô đích tam lễ chi nhất = một dược, một trong ba lễ vật các hiền sĩ Đông phương dâng lên Chúa Giê-su trong Tân Ước]. Lại 古希腊语汉语词典 Cổ Hi-lạp ngữ Hán ngữ từ điển, 罗念生,水建馥编 La Niệm Sinh, Thuỷ Kiến Phức biên, 商务印书馆 Thương Vụ ấn thư quán, 北京 Bắc Kinh 2004, mục từ σμύρνα cũng dùng  một dược để dịch, không những thế còn mở ngoặc ghi chú thêm dạng Hi-lạp thứ hai là μύρρα [myrr(h)a]. Gần đây hơn cả, trong Encyclopedia of Traditional Chinese Medicines [= Bách khoa dược liệu Trung Hoa truyền thống] của các tác giả Jiaju Zhou, Guirong XieXinjian Yan, 2011, chỉ có hai dược liệu mà thành tố đầu có âm Hán – Việt là một, đó là : một thực tử 没食子 (mo shi zi) và một dược 没药 (mo yao ; tất cả các tên đều có in kèm tên tiếng Anh tương ứng, với từ một dược này là myrrha), trong khi có tới 28 dược liệu có thành tố đầu có âm Hán – Việt mộc, nhưng chẳng hề có dược liệu nào là mộc dược (10).
            Qua phân tích trên, có lẽ sự sai sót trên là do những người chấp bút chủ quan, nghĩ rằng đã dùng một từ ngữ "quen thuộc" như thế, thì chẳng cần tra cứu lại làm gì. Vấn đề là khi có góp ý, thì lại chủ quan thêm một lần nữa (hay cho rằng đó chỉ là tiểu tiết ?), nên vẫn chẳng cần tra cứu để xác định đúng sai (hay cho rằng sao có lắm kẻ ưa "bới lông tìm vết ?).
            Gần đây, linh mục Huỳnh Trụ có lên tiếng về hai tiếng một dượcmộc dược này, và cho biết nếu là mộc dược với mặt chữ Hán là 沐藥 thì cũng có nghĩa (là thuốc dùng để tắm). Nhưng đây không phải là chữ sẵn để có thể xuất hiện như một mục từ riêng biệt trong từ điển ; hơn nữa với nghĩa như thế thì rõ ràng không phải nghĩa của myrrha trong Latin ! Tuy nhiên ngài vẫn đề nghị nên đổi mộc dược thành một dược cho đúng. Có ý kiến dễ dãi cho rằng nếu cả hai từ đều có nghĩa thì dùng từ nào cũng được, sửa đổi chi cho mệt, thêm rắc rối. Thực chất vấn đề không phải là từ nào cũng có nghĩa thì dùng từ nào cũng được. Nếu cũng được thì còn phải sửa đổi "bản tính" thành 'bản thể", "cùng được phụng thờ và tôn vinh..." thành "được phụng thờ và tôn vinh cùng với..." (vì "cùng" ở câu trên thường bị đọc sai thành "cũng") như trong Kinh Tin Kính đọc trong các Thánh Lễ làm chi ! Vấn đề là như Mt 5:37 : ναὶ  ναίοὒ  οὔ· [Hi-lạp ; Có (thì nói là) có, không (thì nói là) không (xin không dám dẫn thêm phần sau của câu Kinh Thánh này, vì sợ quá !)]. Chỉ có một dược mà không hề có mộc dược để dịch myrrha (của Latin), thì tại sao cứ cố chấp dùng cái không có thay cho cái có ?
Chú thích :
(1) Bản Tư Cao này câu Ex 30:23 lặp hai lần chữ một dược : 你要拿上等的香料純正沒藥五百「協刻耳」香肉桂為沒藥的一半即二百五十「協刻耳」香菖蒲二百五十「協刻耳: nễ yêu nã thượng đẳng đích hương liệu : thuần chính một dược ngũ bách "hiệp-khắc-nhĩ", hương nhục quế vi một dược đích nhất bán, tức nhị bách ngũ thập "hiệp-khắc-nhĩ", hương xương bồ nhị bách ngũ thập "hiệp-khắc-nhĩ" = dịch sát nghĩa là : ngươi  hãy lo lấy được các hương liệu thượng đẳng : một dược ròng năm trăm se-kel, hương nhục quế bằng nửa một dược, tức hai trăm năm mươi se-kel, hương xương bồ hai trăm năm mươi se-kel.

(2) Chữ 沒/没 (một) có thể tra cách đọc Hán – Việt trong các từ điển : Đại Nam Quấc âm tự vị, Huình-Tịnh Paulus Của, Saigon, 1896, Tome II, trang 51 ; Hán Việt từ điển giản yếu, Đào Duy Anh, 1931 ; Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nôi, 1931, trang 350 ; Hán Việt tự điển, Thiều Chửu, Đuốc Tuệ, 1942, trang 335 ; Dictionnaire Annamite – Chinois – Français, Gustave Hue, Trung Hoà, 1937 trang 580 ; Giúp đọc Nôm và Hán – Việt, L.m. Anthony Trần Văn Kiệm, Huế, 1999, trang 633...  

(3) Đây là một quyển sách Kinh rất hay, sau này được in lại nhiều lần, trước 1975 in typo, sau này in lại bằng chế bản từ bản đánh máy vi tính. Càng về sau, các bản in càng có nhiều sai lỗi, do người sắp chữ hoặc người đánh máy vi tính không thạo tiếng Việt (thật đáng buồn thay ! Trong một bài khác sẽ xin bàn thêm về quyển Kinh). Dẫu vậy, riêng từ một dược thì lại không hề thay đổi từ những bản in cũ nhất cho đến những bản in gần đây nhất.

(4) Bài 10. Tam Vương triều thị Cứu thế : ... Nay nước mọn ba tôi, / Lễ đơn ba giống :/ Vàng cùng nhũ hương, / Một dược dưng hầu Chúa.... Bài 11. Tam Vương lai trào : ... Lễ mọn chút vàng nầy, / Cùng nhũ hương một dược, / Ba tôi dưng kính / Lạy Chúa nhậm lòng...

(5) Hay sắp chữ sai do phát âm địa phương, hay do chủ quan, thiên kiến ?

(6) Câu Mc 15:23 (trong bài Thương Khó đọc trong Thứ Ba Tuần Thánh theo Sách Lễ Rô-ma cũ trước Công đồng Vatican II) được dịch là : ... Chúng cho Người uống rượu pha mật...(t. 274), câu Jn 19:39 (Thứ Sáu Tuần Thánh, t. 310) dịch là : ... Ông mang một bình trộn dầu và thuốc thơm...

(7) Căn cứ Lời Giới thiệu của Đức Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn, còn các dịch giả gồm 14 người được ghi tên đầy đủ, chứ không dùng danh xưng chung là NPDCGKPV như trong bản KT Tân Ước, khổ nhỏ, không chú thích, n 1995.

(8) Các trang 162, 854, 1059, 1175, 1232, 1234, 1235 [2 lần], 1236 [2 lần], 1237, 1316, 1848, 1933 và 2038.

(9) Các trang 170, 927, 1168, 1293, 1369, 1373, 1374, 1375 (2 lần, câu Cant 4:14 và 5:1), 1376 (cũng xuất hiện 2 lần trong cùng câu này), 1377, 1477 (câu Eccles 24:15, theo bản LXX), 2127, 2246 và 2369.

(10) Tên Hán Việt (cùng với mặt chữ Hán và cách phát âm "phổ thông" trong tiếng Hoa) của 28 dược liệu đó là : 1. mộc biện thụ 木瓣树 mu ban shu, 2. mộc miết căn 木鳖根 mu bie gen, 3. mộc miết tử 木鳖子 mu bie zi, 4. mộc sài hồ 木柴胡 mu chai hu. 5. mộc nhĩ 木耳 mu er, 6. mộc phòng kỉ 木防己 mu fang ji, 7. mộc phù dung hoa 木芙蓉花 mu fu rong hua, 8. mộc qua 木瓜 mu gua, 9. mộc hồ điệp 木蝴蝶 mu hu die, 10. mộc hồ điệp thụ bì 木蝴蝶树皮 mu hu die shu pi, 11. mộc cận hoa 木槿花 mu jin hua, 12. mộc cận bì 木槿皮 mu jin pi, 13. mộc cận tử 木槿子 mu jin zi, 14. mộc quất 木橘 mu ju, 15. mộc lãm 木榄 mu lan, 16. mộc lam 木蓝 mu lan, 17. mộc lê lô 木藜芦 mu li lu, 18. mộc ma hoàng 木麻黄 mu ma huang, 19. mộc miên hoa 木棉花 mu mian hua, 20. mộc thự (địa thượng bộ phận) 木薯(地上部分) mu shu (di shang bu fen), 21. mộc đề tằng khổng khuẩn 木蹄层孔菌 mu ti ceng kong jun, 22. mộc thiên liệu 木天蓼 mu tian liao, 23. mộc thông 木通 mu tong, 24. mộc thông căn 木通根 mu tong gen, 25. mộc đồng hao 木茼蒿 mu tong hao, 26. mộc hương 木香 mu xiang, 27. mộc tặc 木贼 mu zei, 28. mộc tặc ma hoàng 木贼麻黄 mu zei ma huang.

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------