Một dược - Mộc dược?
Báo Tuổi Trẻ số ra
ngày 23/12/2005 có đăng bài “Dạy chữ Hán để biết và hiểu” của tác giả Nguyễn
Văn Duận, trong đó ông nói “Muốn giỏi văn cần học chữ Hán”, ông nói rõ
hơn: “Chúng ta có một thời – khi học toán – đã băn khoăn vì không hiểu được
nghĩa gốc của những từ như tích phân, ma trận…; khi học vật lý quang học đã băn
khoăn với từ như thị trường, quang phổ, tử ngoại……”. Riêng tôi nghĩ rằng
bên Công Giáo cũng có tình trạng này. Ví dụ tên của Đức Hồng Y Hồng Kông là Trần
Nhật Quân (陳日君), nhưng các báo, các đài, các trang web, cứ
viết là Trần Minh Quân; hay là lễ năm mới trong sách lễ Roma, lúc đầu viết là
Thánh lễ Minh Niên, sau này sửa lại cho đúng là Thánh lễ Tân Niên, nhưng các
cha ở hải ngoại vẫn viết là Thánh lễ Minh Niên. Đây chỉ là vài ví dụ về hậu quả
của việc ít biết chữ Hán, hễ thấy ai dùng một từ mới lạ, dù không hiểu ý nghĩa
cũng dùng theo.
Sau khi Chúa Giêsu
sinh ra, có các hiền sĩ đến thờ lạy Chúa, họ dâng tiến Chúa các lễ vật:
"vàng, nhũ hương vàmyrrha" (Mt 2,11) có người dịch myrrha là mộc
dược, có người dịch là một dược (1) . Chúng ta thử tìm hiểu xem từ nào là
từ đúng?
1. Myrrha là gì?
Myrrha (tiếng
Akkadi: murru; Hípri: môr) là một chất nhựa chảy ra từ cuống và nhánh của một
giống cây bụi thấp, thuộc nhóm cây Commiphora myrrha (có tên khác là
Balsamodendron myrrha), thuộc họ gần với nhóm Commiphora kataf. Cả hai nhóm cây
này có nguồn gốc từ sa mạc Ảrập và Phi Châu. Nhựa tiết ra từ thân cây chảy xuống
mặt đất, sau đó quánh lại thành một chất nhựa có màu vàng nâu sánh như dầu
.
Myrrha có giá trị
nhờ mùi thơm (x. Tv 45,8-9; Sk 7,17; Ct 3,6; 4,14; 5,5,13); là thành phần trong
dầu thánh (x. Xh 30,23-33); có tính chất chữa bệnh, pha với rượu giúp giảm đau;
ở Ai Cập và Giuđêa được sử dụng chủ yếu để ướp xác chết, vì có tính chất chống
lại sự thối rữa. Ngoài ra, nó còn được dùng để thanh tẩy phụ nữ.
Myrrha được các hiền
sĩ dùng làm lễ vật dâng tiến cho Chúa Hài Nhi, họ dâng tiến Người các lễ vật gồm:
“vàng, nhũ hương và myrrha” (Mt 2,11); Myrrha cũng là chất mà người ta
đưa lên cho Chúa Giêsu lúc trên thập giá (x. Mc 15,23); và cũng là một trong những
chất dùng ướp xác Người (x. Ga 19,39) (2).
Theo cha Neil
Chadwick (3): Myrrha là chất dẽo thơm được chế xuất từ
bụi gai mọc ở Ả Rập và Ethopia, và thu được từ cây giống như cách thu được nhũ
hương vậy. Loại cây có mùi thơm này được gọi là "Balsamodendron
myrrha" tương tự như cây keo (Acacia). Myrrha cao từ 8-10 fts và có mùi
thơm. Khi bị cắt, nó tiết ra một chất nhựa màu vàng nhạt, sau đó cô đặc lại thì
sẫm màu hoặc có màu đen.
Myrrha đã được sử dụng chủ yếu là ướp xác chết,
vì nó có tính chất chống lại sự thối rữa (x. Ga 19,39), nó được sữ dụng nhiều ở
Ai Cập và Giuđêa. Cổ thời nó đã có giá trị thương mại (x. St 37,25), là thành
phần của dầu thánh (x. Xh 30,23), được dùng như dầu thơm dễ chịu (x. Et 2,12;
Tv 45,8; Cn 7,17). Myrrha được người thời xưa ưa thích dùng
như dầu thơm. Người ta nói rằng đựng nó trong lọ thạch cao, nó có thể giữ mùi
thơm ngát trong nhiều thế kỷ. Myrrha còn có tính chất chữa bệnh,
trộn nó vào rượu vang để làm một loại thức uống. Người ta đã pha chế nó như một
loại thuốc giảm đau và cho Chúa Cứu Thế uống khi Ngài bị treo trên thập giá (x.
Mc 15,23; Mt 27,34).
2. Myrrha dịch
là một dược hay mộc dược?
Một số rất ít từ
điển tiếng Việt có hai từ này:
- Theo “Từ điển tiếng
Việt” (Viện Ngôn Ngữ Học, 2005): Mộc còn có nghĩa là cây bụi
nhỏ, lá có răng cưa, mọc đối nhau, hoa nhỏ rất thơm, thường dùng để ướp chè,
thuốc lá (nhưng không phải là myrrha).
- “Việt Nam Tự Điển”
(Lê Văn Đức, 1970) giải thích từ mộc dược (chữ Hán là 沐 藥): Tắm với
nước có pha thuốc.
- “Những Cây Thuốc
và Vị Thuốc Việt Nam” (của Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, 2004) giải thích từ một
dược (chữ Hán là 沒藥): Myrrha (còn gọi là Myrrhe) là chất gồm nhựa trích từ cây
Commiphora momol Engler hay Commiphora abyssinica Engl, thuộc họ trám
(Burseraceae). Cây này chưa thấy ở nước ta. Trước đây ta nhập của Trung Quốc,
nhưng bản thân Trung Quốc cũng phải nhập từ các nước tây Châu Phi, vùng Hồng Hải,
Somali, Abytsini, Ả Rập. Thành phần chủ yếu của một dược gồm
28-40% nhựa và tinh dầu, 61% gôm, 3-4% tạp chất và một ít chất đắng. Tinh dầu một
dược chứa axít tự do, axít axetic, axít panmitic (tinh dầu cũ), hay
tinh dầu kết hợp (tinh dầu mới cất), … Công dụng: Đông y dùng một dược để
chế một số cao dán nhọt có tính chất hoại huyết, giảm đau, tiêu thũng. Có khi
dùng làm thuốc điều kinh. Tây y dùng trong công nghiệp nước hoa, thuốc bổ, trấn
kinh. Uống trong với liều 0,20 đến 2g.
- Theo cha Eugene
Gouin (MEP) (4):
* Mộc: có 3
chữ Hán là: 木; 沐 và 霂 (5). Chữ Liên quan là (沐), có 3 nghĩa (6): (1) Tắm, tắm rửa, tắm gội. (2) Dầm, tẩm,
làm thấm. (3) Con khỉ đột, con bú dù.
* Một: có 2
chữ Hán là: 沒 và 歿. Chữ liên quan là (沒), một có
6 nghĩa (8): (1) Nhúng, nhận chìm; tối tăm, mù mịt, mờ
sẫm; chết chìm, chết đuối, chết trôi; chôn cất, mai táng. (2) Hoàn thành, hoàn
tất; chết; ngất xỉu, bất tỉnh. (3) Vượt quá, lấn; trội hơn. (4) Ao ước, thèm muốn;
thèm khát. (5) Từ diễn tả sự từ chối, phủ nhận. (6) Cây cỏ, thảo mộc, thực vật.
* Một dược (沒藥), có hai nghĩa (9): (1) Tịch thu, sung công; thu chiếm, đoạt
lấy (nghĩa thứ hai). (2) Thuốc dùng ướp xác người chết, myrrha (nghĩa
thứ sáu).
3. Nhận xét
Trong tiếng Việt, mộc
dược chỉ có một nghĩa duy nhất là “tắm với nước có pha thuốc”.
Còn một dược được dùng để chỉ chất thuốc (thơm, ướp xác,...)
hoặc một loại thực vật, đó là cây Myrrha.
Kết luận
Vậy, Myrrha nên dịch
cho đúng là một dược (沒藥), chứ
không phải mộc dược (沐藥).
LM Stêphanô
Huỳnh Trụ
[gpcantho.com 04/01/2016]
Chú thích:
1. Các bản dịch
Tân Ước của: ĐHY Giuse Maria Phạm Đình Tụng, Lm. Trần Đức Huân, Lm Tống Viết Toại,
Thánh Kinh Hội Trung Hoa (Bản của anh em Tin Lành), http://www.vnbaptist.net/Tu_Dien (Bản
của anh em Tin Lành), Hồng Kông (Bản của Công giáo)... Đều dịch là: Một dược.
Các bản dịch Tân Ước
của: Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Nhóm CGKPV, UBPV của HĐGMVN... Đều dịch là: Mộc dược.
2. BIBLE
DICTIONARY, 1965.
3. Xem bài "Gold,
Frankincense and Myrrh" của Dr. Neil Chadwick, trong http://www. webedelic.com/church:
Có thể xem chi tiết ở http://www.science.siu.edu/plant-biology, http://www.essentialoils.co.za/essential -oils/
myrrh.htm.
4. Eugene Gouin,
DICTIONNAIRE VIETNAMMIEN CHINOIS FRANCAIS, Imprimerie d'Extrême-Orient,
Saigon,1957.
5. Pluie fine (tạnh
mưa; mạch, minh)
6. (1) Se laver la
tête; se baigner. (2) Imprégné. (3) Grand singe.
7. Bains
médicamenteux.
8. (1) Immergé,
sombrer, se noyer, inhumer. (2) Finir, mourir, s'évanouir. (3) Dépasser,
excéder. (4) Convoiter, désirer. (5) Terme exprimant la négation. (6) Végétaux.
9. (1) Confisquer.
(2) Médicament pour embaumer les morts, myrrhe.-----------------------------------------------
MỘT DƯỢC HAY MỘC DƯỢC ?
MỘT DƯỢC HAY MỘC DƯỢC ?
BÙI NGỌC HIỂN
Trong Kinh Thánh Tân Ước,
thánh Mat-thêu thuật lại : Đức Giê-su sinh ra tại Bê-lem xứ Giu-đê, thời vua
Hê-rô-đê, thì này : những đạo sĩ từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem nói :
"Vua dân Do-thái mới sinh hiện ở đâu ? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của
Ngài bên trời Đông, và chúng tôi đến bái yết Ngài." ... Thấy ngôi sao, họ
hớn hở vui mừng quá đỗi. Và vào nhà, họ thấy Hài nhi cùng Ma-ri-a mẹ Ngài, và họ
sấp mình xuống bái yết Ngài ; đoạn mở tráp báu, họ dâng Ngài lễ vật : vàng, nhũ
hương và một dược. (Mt 2:1-2,10-11)
Vàng (Latin : aurum ; Hi-lạp : χρυσός
[khrysos] ; Anh : gold) là một trong những quý kim thượng hạng,
tượng trưng cho thần tính Thiên Chúa trong xác phàm. Nhũ hương (L. : tus
; H. : λιβάνι [libani] ; A. : frankincense) là một loại nhựa
cây được chế biến dùng cho việc làm hương đốt, tượng trưng cho sự thánh thiện
và công chính, ở đây mang nghĩa tiên báo việc Hài nhi Giê-su sẽ trở thành lễ
toàn thiêu. Một dược (L. myrrha ; H. : σμύρνα [smyrna]
; A. : myrrh) cũng là một loại nhựa cây có mùi thơm, vị đắng, dùng làm chất
giảm đau, thuốc ướp xác..., tượng trưng nhân tính của Hài nhi Giê-su, cũng mang
nghĩa tiên báo việc Hài nhi Giê-su sau sẽ phải chịu tử nạn, chịu táng trong mồ...
Các danh từ vàng, nhũ
hương đều không có sự lầm lẫn nào trong các bản văn tiếng Việt, nhưng từ một
dược lại có nhiều điều đáng nói. Từ này trong KT L, bản Nova Vulgata
là myrrha, xuất hiện trong Cựu Ước 13 lần, trong đó riêng Nhã ca (Diệu
ca..., L. : Canticum Canticorum) xuất hiện 8 lần (các câu : Ex
30:23, Esth 2:12, Ps 45:9 (bản LXX là 44:9, bản Tin
Lành là 45:8), Prov 7:17, Cant 1:13, 3:6, 4:6,
4:14, 5:1, 5:5 (xuất hiện 2 lần trong cùng một câu), 5:13, Eccles 24:20 (bản LXX là 24:15) ; trong Tân Ước 3 lần (các câu : Mt
2:11, Mc 15:23, Jn 19:39). Hầu hết các trường hợp
xuất hiện trong Cựu Ước đều được bản LXX dịch sang tiếng Hi-lạp bằng σμύρνα, trừ hai chỗ là câu Prov
7:17 dịch bằng ἄρωμα [arōma]
và câu Cant 1:13 dịch bằng στακτή [staktē].
Các bản KT bằng Hoa ngữ (cả
Công giáo như 思高本 [Tư Cao bản] (1) và Tin Lành như 和合本修訂版[Hoà Hiệp bản tu đính bản]) đều dịch thống nhất các danh từ ở vị trí
tương ứng với myrrha trong các câu KT dẫn trên bằng 沒藥 (phồn thể) hoặc没药 (giản thể). Dù là phồn thể hay giản thể, thì
chúng đều chỉ được đọc với âm Hán – Việt là một dược. (2)
Trước n 1971, các sách của
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đều in đúng là một dược. Có thể kể trước
tiên là quyển Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá tịnh Chúa Nhựt pháp [= Kinh
đọc thường ngày và Chúa Nhật của đạo thánh Đức Chúa Trời], thường gọi thông
dụng là Sách Mục Lục, do nhà in Mission tại Tân Định, Saigon, in
vào khoảng những năm 1930 (3), ở Đệ thất thiên : Đồng niên tổng Kinh văn
[= Thiên thứ 7 : Gom chung các Kinh quanh năm], mục I. Ca hát trong
mùa Sinh nhựt, có hai bài : bài 10. Lễ Ba Vua : Tam Vương triều thị Cứu
thế [= Ba Vua chầu xem Đấng Cứu thế], và bài 11. Lễ Ba Vua : Tam
Vương lai trào [= Ba Vua đến chầu] đều dùng từ một dược (4).
Các sách khác như : Bản
dịch KT Tân Ước của linh mục Nguyễn Thế Thuấn (bản in năm 1965). Bản
này cũng đã có vấn đề. Theo linh mục NTT thì phải in là một dược, nhưng
nhà in đã sửa (5) thành mộc dược ở trang 448 (câu Jn 19:39
; hai chỗ còn lại là Mt 2:11 và Mc 15:23 vẫn in một
dược). Chỗ sửa đúng thành sai này đã được điều chỉnh ở phần đính
chính, trang 12* cuối sách (phần đính chính này dài tới 31 trang). Không
riêng chữ một dược bị sửa thành mộc dược, những người lo liệu việc
in ấn và xuất bản còn sửa từ ngữ của linh mục NTT rất nhiều chỗ, khiến ngài phải
lên tiếng trong một bài viết đăng trên nguyệt san ĐMHCG lúc bấy giờ. Sau khi
linh mục qua đời, toàn bộ bản dịch KT Cựu – Tân Ước của ngài được Dòng
Chúa Cứu Thế đem in tại Nhà in ĐMHCG và xuất bản cuối năm 1976. Trong Lời
nói đầu của bản in này, ban Xuất bản cho biết họ đã "... thay
thế một ít tiếng không quan trọng..." (sic). Và một trong số một ít
tiếng không quan trọng đó hẳn là tất cả các chữ một dược đều được in
thành mộc dược (phần Cựu Ước, các trang 184, 1109, 1380, 1523,
1588, 1591, 1593 [2 lần], 1594 [2 lần] ; phần Tân Ước, tt. 15, 117, 249). Trước đó, bản dịch Sách Lễ của
NXB Hiện Tại (bản dành cho giáo dân, tái bản lần thứ năm, năm 1969), t. 60,
trong bài Phúc âm nói về việc ba hiền sĩ phương Đông đến kính bái Hài nhi
Giê-su cũng in một dược (6). Bản dịch KT Cựu – Tân Ước của linh
mục Trần Đức Huân do Thánh Kinh thiện bản xuất bản năm 1971 cũng in nhất loạt
là một dược. Bên Tin Lành, bản Kinh Thánh (xuất bản lần đầu năm
1926 – ở đây căn cứ vào bản được Thánh Kinh Công hội in lại n 1966), trừ
câu trong sách Ecclesiasticus (không có trong các sách KT Tin Lành), 15
chỗ còn lại đều được dịch và in rất chuẩn là một dược. Bản dịch mới (E :
New Vietnamese Bible) cũng dùng một dược trong 15 chỗ như bản
1966.
Khi xuất hiện các bản dịch
Sách Lễ (SL) tiếng Việt do Uỷ ban Giám mục về Phụng vụ xuất bản từ
1969 đến 1971, đều chỉ gặp thấy mộc dược mà không hề thấy một dược,
như SL Mùa Vọng và mùa Giáng Sinh, 1969, t 208 (2 lần), SL Mùa
Chay và mùa Phục Sinh, 1970, tt. 148, 180, SL Roma, 1971, t.
186. Sau này Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam xuất
bản SL Rô-ma vào năm 1992, cũng thấy dạng mộc dược (t. 170).
Năm
1983, Lm An-sơn Vị, dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo, xuất bản Thánh
Kinh Tân Ước, Tin Mừng về Chúa Cha, ấn bản toàn thư. Đây là bản dịch được dịch
giả sử dụng rất nhiều tiếng Hán – Việt, cả những từ khá quen (nhưng ít dùng, và
có lẽ không gặp thấy trong các bản dịch khác), như : Đạo Ngôn, trang 13,
[... đừng sợ rước Bà Ma-ri-a,] Hiền thê [ông...] (Mt
1:20), Vườn Diệu quang (Apoc 2:7), Chúa Cửu Trùng (Apoc
4:7), Hiền Phụ, Thần Linh Hiếu Tử, t. 124..., hoặc những từ đơn có sẵn để
ghép với nhau đặt ra những từ mới thay cho những từ đã quen, chẳng hạn : Thiên
Phụ (Mt 3:16), Huyền Thê (Apoc 22:17), Huyền
Phu, trang 23, Đấng Thụ Hấn (= Đấng chịu xức dầu, Đức Mê-xi-a
; sic., t. 98), Toàn Ái, trang 34G,... Thế nhưng bản dịch này cũng dùng mộc
dược trong cả 3 câu Mt 2:11 ; Mc 15:23 và Jn
19:39.
Năm
1998, Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ (7) xuất bản KT trọn bộ Cựu
Ước và Tân Ước (không chú thích) cũng dùng nhất loạt từ mộc dược cho
16 chỗ đã dẫn (8). Hình như các dịch giả có hứa hẹn sẽ xem xét lại việc dùng một
dược / mộc dược từ khoảng cuối năm 2000. Thế nhưng khi xuất bản Kinh
Thánh ấn bản 2011, ấn bản kỷ niệm 40 năm hiện diện của nhóm, 16 chữ mộc
dược cứ nghiễm nhiên tồn tại (9) !
Cả
trong Từ điển Công giáo Anh – Việt của Nguyễn Đình Diễn (n 2002),
mục từ myrrh cũng dịch là mộc dược ! Trong khi đó, linh mục Trần
Văn Kiệm, tác giả quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt (n 1999), trong bản
dịch KT Tân Ước của mình đều dùng một dược tại cả ba câu Tân Ước
đã dẫn.
Nếu xem xét trong các từ
điển, thì ngay từ năm 1839, Joachim Alphonsus Gonsales trong Lexicon
Manuale Latino-Sinicum [= Thủ bản từ vựng Latin – Hán] đã dịch myrrha
là 沒藥香 [một dược hương]. Năm 2002, trong
quyển từ điển Công giáo tiếng Hoa là 天主教英漢袖珍辭典
[Thiên Chúa giáo Anh Hán tụ trân từ điển] do 主徒會恒毅月刊社 [Chúa đồ hội Hằng Nghị nguyệt san xã] xuất
bản, dịch mục từ myrrh : 沒藥 : 新約中東方賢士所獻給耶穌的三禮之一 [một dược, Tân Ước trung Đông phương hiền sĩ sở
hiến cấp Da-tô đích tam lễ chi nhất = một dược, một trong ba lễ vật các
hiền sĩ Đông phương dâng lên Chúa Giê-su trong Tân Ước]. Lại 古希腊语汉语词典 Cổ Hi-lạp ngữ Hán ngữ từ điển, 罗念生,水建馥编 La Niệm Sinh, Thuỷ Kiến Phức biên, 商务印书馆 Thương Vụ ấn thư quán, 北京 Bắc Kinh 2004, mục từ σμύρνα cũng dùng một dược để dịch,
không những thế còn mở ngoặc ghi chú thêm dạng Hi-lạp thứ hai là μύρρα [myrr(h)a]. Gần đây hơn cả,
trong Encyclopedia of Traditional Chinese Medicines [= Bách khoa dược
liệu Trung Hoa truyền thống] của các tác giả Jiaju Zhou, Guirong Xie
và Xinjian Yan, 2011, chỉ có hai dược liệu mà thành tố đầu có âm Hán –
Việt là một, đó là : một thực tử 没食子 (mo shi zi) và một dược 没药 (mo yao ; tất cả các tên đều có in
kèm tên tiếng Anh tương ứng, với từ một dược này là myrrha),
trong khi có tới 28 dược liệu có thành tố đầu có âm Hán – Việt mộc,
nhưng chẳng hề có dược liệu nào là mộc dược (10).
Qua phân tích trên, có lẽ sự
sai sót trên là do những người chấp bút chủ quan, nghĩ rằng đã dùng một từ ngữ
"quen thuộc" như thế, thì chẳng cần tra cứu lại làm gì. Vấn đề là khi
có góp ý, thì
lại chủ quan thêm một lần nữa (hay cho rằng đó chỉ là tiểu tiết ?), nên vẫn chẳng
cần tra cứu để xác định đúng sai (hay cho rằng sao có lắm kẻ ưa "bới lông
tìm vết ?).
Gần
đây, linh mục Huỳnh Trụ có lên tiếng về hai tiếng một dược và mộc dược
này, và cho biết nếu là mộc dược với mặt chữ Hán là 沐藥 thì cũng có
nghĩa (là thuốc dùng để tắm). Nhưng đây không phải là chữ sẵn để
có thể xuất hiện như một mục từ riêng biệt trong từ điển ; hơn nữa với nghĩa
như thế thì rõ ràng không phải nghĩa của myrrha trong Latin ! Tuy nhiên
ngài vẫn đề nghị nên đổi mộc dược thành một dược cho đúng. Có ý
kiến dễ dãi cho rằng nếu cả hai từ đều có nghĩa thì dùng từ nào cũng được, sửa
đổi chi cho mệt, thêm rắc rối. Thực chất vấn đề không phải là từ nào cũng có
nghĩa thì dùng từ nào cũng được. Nếu cũng được thì còn phải sửa đổi "bản
tính" thành 'bản thể", "cùng được phụng thờ và tôn
vinh..." thành "được phụng thờ và tôn vinh cùng với..."
(vì "cùng" ở câu trên thường bị đọc sai thành "cũng")
như trong Kinh Tin Kính đọc trong các Thánh Lễ làm chi ! Vấn đề là như
Mt 5:37 : ναὶ ναί, οὒ οὔ· [Hi-lạp ; Có (thì nói là) có, không (thì nói là) không (xin
không dám dẫn thêm phần sau của câu Kinh Thánh này, vì sợ quá !)]. Chỉ có một
dược mà không hề có mộc dược để dịch myrrha (của Latin), thì tại sao
cứ cố chấp dùng cái không có thay cho cái có ?
Chú thích :
(1) Bản Tư Cao này câu Ex 30:23 lặp hai lần chữ một
dược : 你要拿上等的香料:純正沒藥五百「協刻耳,」香肉桂為沒藥的一半,即二百五十「協刻耳,」香菖蒲二百五十「協刻耳,」: nễ yêu nã thượng đẳng đích hương liệu : thuần chính một dược ngũ bách
"hiệp-khắc-nhĩ", hương nhục quế vi một dược đích nhất bán, tức nhị
bách ngũ thập "hiệp-khắc-nhĩ", hương xương bồ nhị bách ngũ thập
"hiệp-khắc-nhĩ" = dịch sát nghĩa là : ngươi hãy lo lấy được các hương liệu thượng đẳng : một
dược ròng năm trăm se-kel, hương nhục quế bằng nửa một dược, tức hai trăm năm
mươi se-kel, hương xương bồ hai trăm năm mươi se-kel.
(2) Chữ 沒/没 (một) có thể tra cách đọc Hán – Việt trong các từ điển : Đại Nam
Quấc âm tự vị, Huình-Tịnh Paulus Của, Saigon, 1896, Tome II, trang 51 ; Hán
Việt từ điển giản yếu, Đào Duy Anh, 1931 ; Việt Nam tự điển, Hội
Khai Trí Tiến Đức, Hà Nôi, 1931, trang 350 ; Hán Việt tự điển, Thiều Chửu,
Đuốc Tuệ, 1942, trang 335 ; Dictionnaire Annamite – Chinois – Français, Gustave Hue, Trung Hoà, 1937 trang 580 ; Giúp
đọc Nôm và Hán – Việt, L.m. Anthony Trần Văn Kiệm, Huế, 1999, trang 633...
(3) Đây là một quyển sách Kinh rất hay, sau này được in lại nhiều lần, trước
1975 in typo, sau này in lại bằng chế bản từ bản đánh máy vi tính. Càng về sau,
các bản in càng có nhiều sai lỗi, do người sắp chữ hoặc người đánh máy vi tính không
thạo tiếng Việt (thật đáng buồn thay ! Trong một bài khác sẽ xin bàn
thêm về quyển Kinh). Dẫu vậy, riêng từ một dược thì lại không hề thay đổi
từ những bản in cũ nhất cho đến những bản in gần đây nhất.
(4) Bài 10. Tam Vương triều thị Cứu thế : ... Nay nước mọn ba tôi, /
Lễ đơn ba giống :/ Vàng cùng nhũ hương, / Một dược dưng hầu Chúa.... Bài
11. Tam Vương lai trào : ... Lễ mọn chút vàng nầy, / Cùng nhũ hương một
dược, / Ba tôi dưng kính / Lạy Chúa nhậm lòng...
(5) Hay sắp chữ sai do phát âm địa phương, hay do chủ quan, thiên kiến ?
(6) Câu Mc 15:23 (trong bài Thương Khó đọc trong Thứ
Ba Tuần Thánh theo Sách Lễ Rô-ma cũ trước Công đồng Vatican II) được dịch là :
... Chúng cho Người uống rượu pha mật...(t. 274), câu Jn
19:39 (Thứ Sáu Tuần Thánh, t. 310) dịch là : ... Ông mang một bình trộn dầu và thuốc
thơm...
(7) Căn cứ Lời Giới thiệu của Đức Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn,
còn các dịch giả gồm 14 người được ghi tên đầy đủ, chứ không dùng danh xưng
chung là NPDCGKPV như trong bản KT Tân Ước, khổ nhỏ, không chú
thích, n 1995.
(8) Các trang 162, 854, 1059, 1175, 1232, 1234, 1235 [2 lần], 1236 [2 lần],
1237, 1316, 1848, 1933 và 2038.
(9) Các trang 170, 927, 1168, 1293, 1369, 1373, 1374, 1375 (2 lần, câu Cant
4:14 và 5:1), 1376 (cũng xuất hiện 2 lần trong cùng câu này), 1377, 1477 (câu Eccles 24:15, theo bản LXX), 2127, 2246 và 2369.
(10) Tên Hán Việt (cùng với mặt chữ Hán và cách phát âm "phổ thông" trong tiếng Hoa) của 28 dược liệu đó là : 1. mộc biện thụ 木瓣树 mu ban shu, 2. mộc miết căn 木鳖根 mu bie gen, 3. mộc miết tử 木鳖子 mu bie zi, 4. mộc sài hồ 木柴胡 mu chai hu. 5. mộc nhĩ 木耳 mu er, 6. mộc phòng kỉ 木防己 mu fang ji, 7. mộc phù dung hoa 木芙蓉花 mu fu rong hua, 8. mộc qua 木瓜 mu gua, 9. mộc hồ điệp 木蝴蝶 mu hu die, 10. mộc hồ điệp thụ bì 木蝴蝶树皮 mu hu die shu pi, 11. mộc cận hoa 木槿花 mu jin hua, 12. mộc cận bì 木槿皮 mu jin pi, 13. mộc cận tử 木槿子 mu jin zi, 14. mộc quất 木橘 mu ju, 15. mộc lãm 木榄 mu lan, 16. mộc lam 木蓝 mu lan, 17. mộc lê lô 木藜芦 mu li lu, 18. mộc ma hoàng 木麻黄 mu ma huang, 19. mộc miên hoa 木棉花 mu mian hua, 20. mộc thự (địa thượng bộ phận) 木薯(地上部分) mu shu (di shang bu fen), 21. mộc đề tằng khổng khuẩn 木蹄层孔菌 mu ti ceng kong jun, 22. mộc thiên liệu 木天蓼 mu tian liao, 23. mộc thông 木通 mu tong, 24. mộc thông căn 木通根 mu tong gen, 25. mộc đồng hao 木茼蒿 mu tong hao, 26. mộc hương 木香 mu xiang, 27. mộc tặc 木贼 mu zei, 28. mộc tặc ma hoàng 木贼麻黄 mu zei ma huang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét