Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Xưng Hô Trong Gia Đình

Nguyễn Phước Đáng

        Khi có giao tiếp, có trò chuyện với nhau, thì có chuyện xưng hô. Xưng hô là gọi nhau để biết câu nói, câu chuyện đó liên hệ tới người nào.
Trong mọi cuộc giao tiếp, trò chuyện, đều có 3 đối tượng để xưng hô: tự gọi mình là xưng, được quy ước là ngôi thứ nhứt; gọi hai đối tượng khác là hô. Người trực tiếp đối thoại qua lại vớingôi thứ nhứt, được quy ước là ngôi thứ nhì. Hai đối tượng, ngôi thứ nhứt và ngôi thứ nhì, đang trực diện giao tiếp mà nhắc đến, nói đến người khác, thì người khác đó được quy ước là ngôi thứ ba.
Ngôi thứ nhứt là “tôi”; ngôi thứ nhì là “ông”/ “bà”; ngôi thứ ba là “nó”. Nói thông thường theo kiểu người Việt lưu vong trên đất Hoa Kỳ, thì tiếng xưng hô dùng cho 3 ngôi đó là: tao, mầy, nó. Số nhiều thì có chúng tôi, chúng bây, chúng nó. Đó là nói tổng quát về xưng hô trong xã hội.     
Trong tiếng Việt, lời xưng hô thật phong phú, có lẽ phong phú nhứt thế giới:
Ngôi thứ nhứt có: tôi, ta, tao, tớ, tui, mỗ, anh, em,... chúng tôi, bọn tôi, bọn tao, chúng ông, bọn nầy,...
Ngôi thứ nhì có: mầy, mi, bây, em, cô, nàng, anh, chàng, ông,...chúng mầy, chúng bây, bọn mi, các em, các anh, quân bây,...
Ngôi thứ ba có: nó, hắn, hắn ta, chàng, chàng ta, chàng ấy, nàng, nàng ấy,... chúng nó, bọn hắn, đám kia, đám đó, quân ấy,...
 Xưng hô trong gia quyến Việt Nam lại còn phong phú hơn nữa và rất tinh vi, rất phức tạp, đối với người nước ngoài mới học tiếng Việt (vì chưa thấu hiểu cái tinh tuý, lễ nghĩa, tình cảm... của dân tộc Việt). Ngoài những tiếng nêu trên còn có các tiếng vốn là danh từ, mà biến thành đại danh từ xưng hô: anh, chị, em, chàng, thiếp (xưa), con, cháu,... biến đổi khi thì ở ngôi thứ nhứt, khi thì ở ngôi thứ nhì, tuỳ theo từng câu đối thoại. Đặc biệt còn có tiếng mình, ông xã, bà xã... ở ngôi thứ nhì, và đặc biệt tiếng nhà (nhà tôi, nhà em, nhà anh, nhà cháu...) ở ngôi thứ ba.
 Xưng hô trong gia quyến người Việt thu gọn trong 3 thế hệ: ông bà nội ngoại, cha mẹ, con cháu. Do tuổi thọ càng lúc càng cao, nhiều gia đình còn sống đủ 4 thế hệ: ông bà cố, ông bà nội ngoại, cha mẹ, con, cháu, cháu chắt. Nhưng thông thường phần đông chỉ còn có 3 thế hệ hiện còn sống chung đụng, gần gụi nhau, nên có những giao tiếp chuyện trò cùng nhau. Xưng hô trong các cuộc trò chuyện nầy có thể phân chia ra như sau:

1/- Xưng hô giữa vợ chồng:
a) Vợ chồng trẻ, trong những năm đầu, chuyện trò với nhau phần lớn dùng cặp chữ anh/em để xưng hô. Chồng xưng anh, gọi vợ là em. Ngược lại, vợ xưng em gọi chồng là anh. Tuổi tác không can dự được vào lời xưng hô nầy. Dù tuổi có nhỏ hơn, chồng cũng xưng ở vai trên, anh. Dù lớn tuổi hơn, vợ vẫn xưng ở vai dưới, em. Bây giờ có biết bao nhiêu chuyện đổi thay so với thuở xưa, về quyền hạn trong gia đình, nhưng về ngôi thứ ngôn ngữ xưng hô giữa vợ chồng vẫn bất di bất dịch: anh em.
b) Vợ chồng trẻ trong chỗ riêng tư, những lúc thắm đượm tình âu yếm, có khi xưng là anh, làem, nhưng vợ gọi chồng hay chồng gọi vợ bằng 1 tiếng chung là “mình”. Tiếng mình nầy ở ngôi thứ nhì.
Mình ơi! Em chết mất mình ơi!
Mình, anh yêu mình!
 Vợ chồng trẻ ít khi (hay không có) gọi nhau bằng mình trước mặt người thứ ba, nhứt là giữa đám đông. Họ còn nhát.
c) Đến lúc hết thời kỳ vợ chồng son, khi hai người có tí nhau để nựng nịu, đôi vợ chồng có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, họ có thể xưng hô ngọt lịm, hơn cả thời kỳ dùng cặp chữ anh/em. Họ vẫn xưng anh, em, nhưng gọi nhau bằng mình rất tự nhiên, rất bình thường, trước cả bàng quan thiên hạ:
Mình ơi, lấy giùm em bình sữa cho con mình nhé!
- Anh đang lỡ tay, mình chờ một tí nghe mình?
      d) Nhưng trong những lúc cơm chẳng lành canh không ngọt, vợ chồng đổi giọng, không còn xưng hô anh, em nữa, mà lạnh nhạt xưng “tôi”. Chồng xa cách gọi vợ là “cô” (tiếng  nầy nghe nhẹ thể hơn tiếng “cô” lần đầu gặp gỡ rất nhiều). Còn vợ xa lạ gọi chồng là “ông”
 nín đi, đừng lắm lời nhiều chuyện như vậy.  Tôi chịu đựng hết nổi rồi đấy!...
Tôi biết hết rồi! Không có lửa sao có khói? Ông không gì, sao có lời ong tiếng ve xì xầm?
Tệ hại hơn nữa, trong những khi no mất ngon giận mất khôn, nhứt là ở trong xứ, vợ chồng Việt Nam cũng có khi đánh mất những tiếng xưng hô ngọt ngào anh, em, mình ơi, mình à,... mà dùng những lời của phường đá cá lăn dưa để xưng hô với nhau. Họ dùng cặp chữ tao/mầy. Cả vợ cũng xưng tao và gọi chồng là mầy. Thậm tệ hơn nữa, chồng xưng là “ông”, vợ xưng là “bà”, họ cùng gọi nhau bằng tiếng “mầy”.  Tiếng ông  bà nầy ở ngôi thứ nhứt, với ý trịch thượng!
-    Mầy im cái mồm ngay! Không, ông vả cho méo mặt bây giờ!
 không im. Ngon vô đây mà vả.  thách mầy đấy!
 (Thời trẻ thơ và thiếu niên, cách nay chừng 50-60 năm, trong vùng quê Miền Nam, tôi nghe thấy rất nhiều cặp vợ chồng xưng hô mà người ngoài nghe có vẻ thô lổ, vợ xưng tôi, gọi chồng làanh; còn chồng xưng tao, gọi vợ là mầy. Hai tiếng tao/mầy nầy nội dung không mang ý nghĩa thô lổ, mà tiếng mầy nghe miết rồi quen tai, làm người vợ cảm giác như là tiếng mình ngọt ngào vậy. Có không ít chàng trai có đi học, trong vùng quê ấy, tâm sự với bè bạn như vầy “Gọi vợ bằng ‘mầy’ nghe kỳ kỳ, nhưng biết làm sao bây giờ, cả làng đều gọi như vậy, mình xưng hô anh/em với nhau thiên hạ cười, mắc cở chết, vợ mình cũng mắc cỡ nữa!..” Tôi nghĩ, thuở xưa, xã hội Việt Nam khắc khe, khi đã thành vợ chồng vẫn sống chung trong đại gia đình, bà mẹ chồng không muốn con trai tỏ ra vẻ chiều chuộng, quỵ luỵ vợ để vợ lừng sau nầy khó trị, nên tình yêu không được biểu lộ ra ngoài bằng thái độ vuốt ve, nũng nịu... Rồi ngay cả lời xưng hô ngọt ngào cũng không được dùng tới. Ở quê, người ta truyền giữ cái nếp đó khá lâu, chẳng biết tới nay còn hay không.)
 e) Vợ chồng khi bước vào tuổi đời gọi là sồn sồn lại thay đổi cách xưng hô. Đúng ra họ vẫn giữ tiếng xưng là anh (chồng), em (vợ) hoặc tôi (cho cả 2 người). Tiếng hô thì có nhiều cách đổi: Chồng gọi vợ là , vợ gọi chồng là ông. Hai tiếng ông/bà ngôi thứ nhì nầy mang vẻ đầm thắm, đứng tuổi hơn là lạnh nhạt, xa cách như trường hợp nêu trên.
Có người gọi vợ là “má nó”, “má mầy”, “mẹ nó”, “bu nó”, “má con Phượng”, “mẹ thằng Tèo”... Vợ gọi chồng là “ba nó”, “ba mầy”, “tía nó”, “ba thằng Tân”, “cha con Xuân”...
Má nó đi chợ, nhớ mua cho anh xâu bia heineken nghe.
Cha con Xuân đi đâu thì đi, trưa nhớ về ăn cơm, em chờ.
“Má con Phượng”, “ba thằng Tân”,... “Phượng”, “Tân” thường là tên đứa con đầu lòng của vợ chồng. Trong gia đình đông con, có khi tên đứa con út được dùng chỗ nầy. Cũng có khi, đông con, lúc nói người ta nhớ tên đứa nào thì dùng tên đứa đó. Đôi vợ chồng có đông con, còn dùng“ba sắp nhỏ” để gọi người chồng; “má bầy trẻ” để gọi người vợ.
- Tiếc quá! Mấy khi chú đến chơi, mà “ba sắp nhỏ” lại đi vắng...
- Mời chị vô nhà chờ một lát. “Má bầy trẻ” đi chợ về gần tới rồi.
Người Việt có khuynh hướng kéo dài lời nói cho có vẻ dịu dàng. Nhưng cũng có vài trường hợp người ta lại cắt ngắn lời nói cho gọn. Lần đầu nghe đôi vợ chồng vốn là anh chị họ của chúng tôi nói chuyện với nhau, họ xưng hô làm tôi bối rối:
- Hôm nay “ba” có đỡ không? “Ba” ăn biết ngon chưa?
- Đỡ nhiều lắm rồi. Món canh chua “mẹ” nấu bữa nay thật tuyệt vời!
Tôi ngơ ngác hết nhìn vợ rồi nhìn chồng, mất ba mươi giây mới sực nghĩ ra, họ đã rút ngắn“Ba thằng Davis” và “Mẹ nó” thành “Ba” và “Mẹ” để gọi nhau. Nhưng quý độc giả sẽ còn ngạc nhiên nhiều hơn nữa, khi nghe đôi vợ chồng nầy xưng hô rất thân tình với nhau như vầy:
“Ba” dùng bữa với cu John đi, “mẹ” hôm nay không thấy thèm ăn!
Vợ chồng dùng hai tiếng ba mẹ để xưng hô với nhau trong gia đình như vậy, không phải do cắt ngắn đại danh tự ngôi thứ nhì “ba nó”, “mẹ nó” (như nêu ở trên) mà đó là lối xưng hô “thay lời gọi của con” mà phe Bắc Kỳ rất hay dùng. Bây giờ tôi cũng từng nghe thấy một ít vợ chồng dân Nam Kỳ thành thị và hải ngoại cũng học làm sang, bắt chước dùng cặp chữ ba/mẹ để xưng hô như vậy. Cũng có khi vợ chồng chưa đến tuổi sồn sồn, tí nhau đầu lòng còn bồng trên tay, mà họ đã cam tâm dùng cặp chữ ba/mẹ để xưng hô với nhau rồi! Tiếc ơi là tiếc!
 Có một lần vợ chồng tôi lần đầu tiếp xúc với một đôi vợ chồng sồn sồn chưa quen biết nhiều (chưa biết mặt nhau trước). Chúng tôi ngẩn ngơ không phải chỉ ba mươi giây, mà cả đôi ba phút. Khi vừa được mời vào phòng khách, chúng tôi nghe chủ nhà nói với người đàn bà có vẻ cứng tuổi hơn:
 - “Mẹ” vào trong pha giùm ấm trà...
Chúng tôi trù trừ cứ nói trổng với chủ nhà, vì không biết tiếng “mẹ” là thực ngữ hay hư ngữ trong xưng hô. Mãi đến khi nước được bưng ra, có dịp nghe bà kia gọi ông nọ bằng ba và xưngmẹ, chừng đó chúng tôi mới hoàn hồn, nghĩ nhớ ra, họ là người xứ ngàn năm văn vật Bắc Kỳ và thuộc nhóm tôn cổ, thích dùng hư ngữ để xưng hô. Nhưng xưng hô bằng hư ngữ như vậy, theo tôi, nên xứng đôi vừa lứa về tuổi tác và về ngoại hình, để người nghe thoạt đầu khỏi lầm hư với thực.
[Tôi là dân Nam Kỳ chánh cống, gốc gác đồng ruộng miền quê, nhờ có đi học đến bậc trung học, nên có dịp bước ra thị thành, rồi làm quen được nàng, giọng nói Nam rặt, dáng vẻ bề ngoài là gái miền Nam, nhưng sưu tra kỹ thì em có tới 50% máu Bắc Kỳ. Tôi rước em về để nâng khăn sửa túi cho oai. Sau ngày cưới, tôi đưa nàng về xứ quê khoe khoang với dòng họ. Đến đâu, phần lớn các chú thím, cô dượng... gọi cô vợ thành thị của tôi là “vợ thằng Đáng”, một vài người bà con nể cái vẻ thành thị lắm thì gọi là “vợ thằng Sáu” hoặc “con Sáu” (tôi thứ sáu trong gia đình). Sau chuyến thăm xứ quê trở về, cô vợ trẻ thành thị đài các của tôi thỏ thẻ đôi lời bình phẩm bên chồng:
 “Bên anh, người nào cũng chân chất thật thà, ăn nói bộc trực... Nhưng ai cũng gọi em là ‘vợ thằng Đáng’. Chắc bà con đều gọi anh bằng tiếng ‘thằng’. Ngộ ghê! Mấy thím gọi em là ‘Con Sáu’. Em nghĩ, thế cũng hay, em trở thành ‘con sáo’ trong gia đình anh. Con sáo làm cảnh trong lồng. Anh đem con sáo sang sông. Anh mang con sáo về đồng. Nay anh cho con sáo sổ lồng bay về chợ... quê!...”
Tình yêu đang lên ngôi! Trong tôi có dòng máu chân chất thật thà, bộc trực (chắc cũng có luôn chất quê mùa, mà “con sáo” có 50% máu Bắc Kỳ, nể tình, không tiện nói ra), nên tôi chẳng nghe thấy tiếng nào là tiếng chê trách trong lời nói của người bạn đời về gốc gác nhà quê của mình. Tôi còn rất thích thú với lời ví von trêu chọc giọng nói Miền Nam. Cái ví von thân phận “con Sáu” thành “con sáo”.
Rồi “con sáo sổ lồng” đưa tôi lên thành đô Sài Gòn khoe (anh chồng quê) khắp cùng họ hàng bên nội, luôn thể tập tành tôi thưởng thức món ăn Bắc Kỳ, món phở bò, vì xứ tôi là thánh địa Phật Giáo Hoà Hảo không ăn thịt bò, cấm bán thịt bò (khoảng thời gian từ 1956 trở về trước). Không phải chánh quyền cấm, không có giấy cấm, nhưng chẳng ai dám làm thịt bò, thịt trâu, thịt chó... Và cho ăn kẹo cũng không ai dám bán các thứ thịt đó. Bây giờ thì hầu hết tín đồ PGHH thành thị đã không còn kiêng cử thịt bò nữa.
Tôi choá mắt với thành đô Sài Gòn, bấy giờ được xưng tụng là Hòn Ngọc Viễn Đông, tôi choá mắt với đám họ hàng bên nội của “con sáo sổ lồng”. Bà Cô ông Chú (Chú chứ không phải Dượng) gọi chúng tôi là “anh Đáng”, “chị Đáng”, chứ không gọi tôi là “chồng con Phụng”. Người văn minh theo Tây học bỏ tên con gái mà lấy tên chồng, kêu như vậy để biết đứa con gái bây giờ “ván đã đóng thuyền”, đã hoá thành đàn bà. Tôi bỡ ngỡ và tiếc nuối cái tên Phi Phụng của con sáo sang sông, nghe hay làm sao trong trái tim tôi, mà giờ đây bị vùi lấp đi thì tiếc quá! Tôi ngỡ ngàng vì bị những người tuổi tác cỡ cha mẹ tôi mà lại gọi tôi bằng anh. Con sáo của tôi có chỉ vẽ trước những điều tôi sẽ đụng phải khi hội kiến với những bà con Bắc Kỳ nầy. Nghe thì nghe vậy, mà tôi chưa hội nhập được trơn tru. Cái chân chất thật thà, bộc trực của tôi bị uốn nắn khác đi, nó bị thụt vòi lần lần. Con sáo dặn đi dặn lại tôi bao nhiêu lần:
“Chú thím, Cô Chú có mời ăn uống, anh đừng mau mắn nhận lời, phải biết làm bộ nhũn nhặn từ chối, rồi sau đó hẳn nhận. Thật thà quá, mau mắn quá thành ra thô kệch, quê mùa... Đừng thật thà, nhanh nhẩu như trong quê anh. Trước khi bưng tách trà, trước khi bưng chén cơm, phải mời tất cả mọi người trong mâm xơi nước xơi cơm. Mời hết từng người có mặt trong mâm. Mọi người sẽ mời lại anh. Anh đáp ‘vâng ạ!’ Sau đó mới uống mới ăn. Những cái đó là thủ tục lễ nghĩa, văn minh...”
 Tôi gãi đầu gãi tai xổ ra nỗi thắc mắc của mình:
 “Dạy vậy có chắc trúng không? Cơm của người ta, nước của người ta, người ta mời mình thì hợp lý đi. Còn mình có cái gì mang đến mà mở miệng mời người nầy người kia xơi nước xơi cơm. Mà, ví dầu mình có nước, có cơm để mời đi nữa thì cũng một đứa đại diện mời chung một lời, có đâu mỗi đứa lần lượt mở miệng mời, lại mời giáp vòng. Tiếng mời vô hồn như tiếng con vẹt. Cơm lạnh canh ngụi còn gì ngon? Xứ anh không có lối mời a dua đó? Anh mắc cỡ miệng vụ nầy quá!...”
 Tôi tập tành lối sống văn minh trong thời kỳ ngụp lặn giữa vũng tình yêu lứa đôi đầu đời như vậy đó. Bây giờ tôi đã thông thuộc chuyện ăn phở, biết đòi thêm chanh, ớt, ngò gai, rau quế ăn kèm cho hương vị đậm đà... Có lúc ăn sạch cả tô phở “tàu bay”, tô phở “xe lửa” nữa. Nhưng tôi vẫn chưa hội nhập trơn tru chuyện “mời qua mời lại” trên bàn ăn. Lúc nào tiếng mời của tôi cũng lí nhí ngượng ngập, lúc nào cũng thiếu sót, không mời đủ hết mọi người trong bàn...]
Chuyện vợ chồng xưng hô tôi viết ra nãy giờ chỉ mới chung chung và phần lớn thuộc trong Nam. Ngoài Bắc còn nhiều cách xưng hô khác nữa. Xin dành chờ những bạn Bắc Kỳ rành sáu câu chuyện ngoài nớ sẽ viết bổ sung.

f) Khi có thêm người thứ ba tham dự vào chuyện tiếp xúc với đôi vợ chồng, thì có thêm từ xưng hô ngôi thứ ba dành cho chồng và vợ:
Bà xã tôi vừa nhắc đến anh chị đây. Sao không thấy ông anh cùng đến?
- Xin lỗi ông bà, ông xã tôi đang có hẹn với người bạn ở xa mới đến...
Từ ông xã chỉ người chồng, bà xã chỉ người vợ trở thành danh tự kép trong kho tàng tiếng Việt. Tôi nghĩ từ bà xã (có nghĩa là vợ) xuất hiện khoảng thập niên 1950. Trước đó, bà xã chỉ có nghĩa là vợ của ông xã (xã trưởng). Thời đó người ta nhắc nhiều đến chuyện tiếu lâm Lý Toét & Xã Xệ. Và có người nghĩ đến chuyện có ông Xã Xệ thì phải có “bà Xã Xệ”, tức bà vợ của một ông tầm thường trong làng xã. Rồi người ta rút 3 tiếng “bà Xã Xệ” gọn lại thành 2 tiếng “bà xã” để chỉ người vợ.
Trong vai trò lời xưng hô, tiếng ông xã, bà xã nếu có chỉ định tĩnh tự đi kèm, thì nó ở ngôi thứ ba:
Ông xã tôi không có nhà. Anh cần nhắn lại điều gì không?
Khi không có chỉ định tĩnh tự đi kèm, thì nó ở ngôi thứ nhì:
Bà xã, làm ơn bớt cái miệng lại một tí, anh đang nghe radio!
Trước kia, người ta dùng 3-4 tiếng để chỉ chồng mình, vợ mình, như anh nhà tôi, ông nhà tôi, ông chồng nhà tôi, ông xã nhà tôi; bà nhà tôi, nội tướng nhà tôi, bà xã nhà tôi... Rồi sau đó, chừng vài mươi năm nay, người ta lại giản lược lại còn 2 tiếng để chỉ chồng mình, vợ mình. Hai tiếng đó là “nhà tôi”:
- Chúng tôi không bao giờ quên anh chị, nhứt là nhà tôi, bà ấy nhắc tới chị luôn.
Hai tiếng nhà tôi thật là lững lơ, huyền hoặc. Có người cho rằng nó là từ kép, vì nếu nó không ghép lại với nhau, mà chỉ là hai tiếng đơn đứng gần nhau, thì nó có nghĩa là cái nhà của tôi. Cố Giáo Sư Nguyễn Đình-Hoà đề nghị phải viết có gạch nối ở giữa, nhà-tôi. Tôi không đồng ý coi nó là từ kép, vì nhà tôi có nghĩa là vợ của tôi hay chồng của tôi, nghĩa là nó được chỉ định thuộc về ai. Vậy tiếng tôi còn giữ vai trò chỉ định tĩnh tự. Không ai nói chồng tôi là nhà-tôi tôi (nhà-tôi của tôi); vợ anh là nhà-tôi anh (nhà-tôi của anh); vợ nó là nhà-tôi nó (nhà-tôi của nó). Nó huyền hoặc vì tách rời tiếng nhà ra, để tiếng tôi đóng trọn vẹn vai trò chỉ định tĩnh tự, thì riêng tiếng nhà không thể nào có nghĩa là vợ hay chồng được! Người ta có dùng nhà em, nhà anh, nhà cháu, nhà con... để xưng gọi chồng mình, vợ mình (ngôi thứ ba) đối với người trực tiếp nói chuyện (ngôi thứ nhì) Người ta nói “nhà cháu” có nghĩa là vợ cháu = vợ của cháu. Vậy rõ ràng tiếng nhà có nghĩa là vợ (hoặc chồng). Thực ra những tiếng xưng gọi nhà anh, nhà em, nhà cháu... thoát thai từ tiếng nhà tôi. Người ta thay tiếng tôi bằng tiếng em, anh, cháu để xưng gọi thân mật với những người thân vai nhỏ hơn hay vai lớn hơn. Những tiếng xưng gọi nầy luôn luôn ở ngôi thứ ba. Nếu riêng 1 tiếngnhà mà có được cái nghĩa là vợ hay chồng thì nó sẽ ráp được với 3 tiếng tao, mầy, nó để tạo thành cái nghĩa vợ tao, vợ mầy, vợ nó. Nhưng chưa ai viết nhà nó với cái nghĩa vợ nónhà mầyvới cái nghĩa vợ mầy. Theo tôi, tiếng nhà không thể có nghĩa là vợ hoặc chồng được.
Kho tàng tiếng Việt sắp sửa có thêm từ mới có nghĩa chung là chồng hoặc vợ. Đó là tiếng “mình ơi”:
- Ồ! Cảm ơn chú. Mình ơi của cháu lúc nầy ngoan lắm, ảnh bỏ hút thuốc rồi!
- Thế nào, mình ơi của mi lúc rày còn thường đi sóp-binh không?
“Mình ơi” xuất hiện với nghĩa mới là do bài hát Mình Ơi được ca sĩ Ý Lan và ca sĩ Ngọc Hạ trình diễn thành công rất nhiều lần, tại nhiều nơi, khiến 2 tiếng mình ơi ngọt lịm thâm nhập vào lòng người và biến nghĩa thành vợ hoặc chồng thật ngọt ngào! Tuy nhiên, tiếng “mình ơi” còn đang ở thời kỳ chuyển mình thành danh tự kép. Bây giờ nó còn cần có 2 tiếng đi kèm “của...” (của ai) thì mới là danh tự kép được.

 2/- Xưng hô giữa cha mẹ và con cái:
a) Xưng hô với con trong năm đầu: Tí nhau của đôi vợ chồng trẻ từ lúc mới sanh đến khi biết nói, không có dịp sử dụng ngôi thứ nhứt để xưng với cha mẹ. Thời kỳ nầy nó chỉ được gọi ở ngôi thứ nhì và ngôi thứ ba. Cha/mẹ là 2 tiếng chỉ định vị trí của đấng sinh thành ra con. Nhưng lại rất ít người bắt con dùng 2 tiếng nầy để gọi mình, mà tập con gọi mình bằng ba (cha) và bằng má (mẹ).Tiếng Việt cũng rất phong phú về những tiếng xưng hô nầy. Tương đương với cặp tiếng xưng hôba/má còn có ba/mẹ, ba/vú, tía/má, thầy/me, thầy/đẻ, cậu/mợ, thầy/bu... (Một số người có Tây học -nhiều hay ít- còn tập tành xưng hô pa-pa/ma-măng hay pa-pa/măng cho ra vẻ ta đây Tây. Bây giờ có mùi Mỹ trong người, lắm cặp vợ chồng gọi nhau là ho-ni, xưng và tập con gọi mình làđế-đi/má-mì hoặc đết/mom cho ra vẻ ta đây Việt kiều Mỹ):
 Hầu hết những đứa con được đặt tên thật đẹp, nhưng trong thời kỳ còn bé, phần đông những đứa trẻ bị cha mẹ gọi bằng những tên tục xấu xí, chung chung cho mọi đứa là thằng cu, nhóc tì, cu tí... (trai), con lủng, nhóc bẹp, cái đĩ... (gái). Có nhiều cặp vợ chồng theo nhân dáng khuôn mặt đứa con và ghép thứ của nó vào mà đặt tên tục để gọi, như Cả Vồ (do trán vồ), Hai Xệp (do mũi xệp), Ba Mếu (do miệng hay mếu), Tư Nhăn (do mặt mày thường nhăn nhó quạu quọ)... Không ít chồng vợ gọi con bằng tiếng cưng, cục cưng, cục vàng, hột xoàn... Với những tiếng xưng hô phong phú đó, cha mẹ nựng nịu, trò chuyện một chiều với đứa bé khi nó chưa biết nói:
Cả Vồ của mẹ, thôi dậy đi, tới giờ bú rồi. Ngoan đi, măng cưng.
Ho-ni, ho-ni ra xem mụ bà dạy cu tí cười kìa.
 [Một vài trường hợp đặc biệt con gọi cha không bằng những tiếng nêu trên. Ba tôi và các cô chú của tôi không gọi ông nội tôi bằng các tiếng ba, tía, cha... mà gọi bằng tiếng “anh” không giống ai. Truy nguyên thì biết rằng khi xưa gia đình Việt Nam dựng vợ gã chồng sớm, phần lớn chưa tới hai mươi. Ông tôi cũng vậy, nên lúc có con đầu lòng (là ba tôi), ông còn mắc cỡ lắm, né tiếng xưng ba, mà xưng anh, mỗi khi nựng nịu, trò chuyện với con. Do đó, khi biết nói, ba tôi cũng gọi lại bằng tiếng “anh”, rồi thành quen luôn, cho đến già đến chết không sửa lại được. Ông nhạc tôi cũng vậy, mắc cỡ khi có con, nên né tiếng ba. Muốn bồng bế con, ông nói “sang đây  bế” thay vì nói “ba bế” (ông nhạc tôi người Bắc nên dùng tiếng bế, thay vì dùng tiếng bồng, ẳm như trong Nam) Từ đó các anh chị em gia đình vợ tôi đều gọi cha bằng tiếng “bê”. Những tiếng xưng gọi như vậy không có nghĩa gì hết. Tâm trí của những người con chỉ cần hiểu đó là tiếng dùng để gọi cha mình mà thôi]
b) Xưng hô với con khi chúng đã lớn: Thông thường cha mẹ và con cái dùng các cặp xưng hô: ba/má-con, tía/má-con, thầy/đẻ-con...
Con cứ an tâm ra đi, ba má còn các em để khuây khoả.
Tía má giữ gìn sức khoẻ, rồi con sẽ quay về.
 Những tên tục xấu xí thường bị loại dần, không còn được xưng gọi nữa khi đứa trẻ lớn lên, vì những tiếng gọi thằng cu, con lủng, cái đĩ,... làm chúng đỏ mặt tía tai. Nhưng những tiếng xưng gọi bé hai, bé ba..., bé sáu, bé bảy... vẫn còn được gọi cho đến lúc đã lớn, thậm chí lúc đã lập gia thất. Những tiếng đôi “bé+thứ” được coi như tên tục của đứa con.
Nhưng cũng có nhiều gia đình, cha mẹ trò chuyện với con cái, trong chỗ không có người ngoài, thường dùng cặp xưng hô tao/mầy chất phác, thân mật, nhứt là dân quê miền Nam:
- Chuyện đó tao đã dặn trước rồi mà mầy cứ không để ý tới.
(Cặp xưng hô mầy/tao trong ngôn ngữ Việt Nam có 2 ý nghĩa đối nghịch nhau. Bình thường, về hình thức nó có nghĩa xấu, thô tục, quê mùa, cộc cằn... chỉ sử dụng trong những trường hợp xấu, giận hờn, ghét bỏ, miệt thị... Nhưng mặt khác, giữa 2 đối tượng thân thiết xưng hô với nhau thì cặp nầy biểu hiệu sự thân thiết rất mực. Bạn bè chí thân mới xưng hô mầy/tao với nhau. Những lúc thật gần gũi, cha mẹ mới dùng mầy/tao với con. Tuy nhiên con cái dùng ngược lại với cha mẹ thì không được. Pháp thì được.)
 Ở thôn quê miền Nam, con cái thường xưng tôi, tui và gọi cha mẹ bằng tiếng ông bà (ngôi thứ nhì) và ổng bả (ngôi thứ ba):
- Má à, tui nói rồi, tui không ưng chỗ đó mà  cứ ép tui hoài!
- Ba dẫn tôi đi chợ, ổng còn dẫn tôi vô tiệm cho uống cà-phê nữa. Ổng dặn tôi đừng nói cho biết.
Những tiếng tôi, tui, ông, bà, ổng, bả nghe không có vẻ vô lễ, mà chỉ có vẻ chân chất, thật thà, quê mùa mà thôi. Con cái còn gọi cha mẹ bằng tiếng đôi ở ngôi thứ ba, như: ông tía, ông bố, ông già, bà má, bà vú, bà già... Có khi chúng dùng 3 tiếng để nhấn mạnh nữa, như: ông già tía, bà già má... Những tiếng nầy nghe không ngọt dịu, nhưng cũng không phải là vô lễ, thường được nói với ý nghĩa thân mật, trong khi chuyện trò với những người thân thích của gia đình.
-    Ông tía dặn kỹ, khi nào có bà má ở nhà, tôi mới được ra ngoài chơi.
Ông già tía khó gần chết, bà già má cũng đâu có dễ gì! Tôi ớn ổng bả lắm!
Khi con cái đã thành nhân, đỗ đạt, có chức vụ, xưng hô giữa con với cha mẹ vẫn không thay đổi, con-ba/má... Nhưng xưng hô giữa cha mẹ với con có thay đổi. Trong Nam, nơi thôn quê, cha mẹ thường gọi con bằng thứ hoặc bằng thằng+thứ, con+thứ:
Hai, để đó mẹ. Về nhanh đi. Thằng Hai đang chờ con bên bển đó!
Thằng Tư tiếp Ba dọn dẹp phòng khách. Con Năm vô bếp giúp  một tay.
Thời đại điền chủ tư hữu ruộng đất cò bay thẳng cánh ở miền Nam, gia đình giàu có thường xưng gọi con cái mình bằng tiếng cậu (trai),  (gái) với ý nghĩa là những đứa trẻ quý giá, với mong muốn những tá điền, những khách khứa cũng gọi con mình bằng tiếng “cậu”, “cô” đó.
- Chú chờ đó một chút, cậu Hai cần sai bảo chú một việc,  Ba cũng vậy.
Dân thành thị, trong những nhà trung lưu, nhứt là những nhà quyền quí, còn dùng những chức vụ, ngạch trật... của con ghép theo sau tiếng anh, chị để xưng gọi con cái nhà mình, khi nói chuyện với người ngoài:
Anh Phán còn kẹt ngoài Sở. Xin ông chờ chút cháu sẽ về tới!
 - Anh Đốc-tờ giờ nầy còn ngoài phòng mạch! Gớm! Bà chị thấy đấy, cháu thật là vất vả?
(Anh Phán, Anh Đốc-tờ... dùng để chỉ đứa con. Còn nếu chồng là Phán, là Đốc-tờ..., thì bà vợ thường dùng tiếng ông phía trước, Ông Phán, Ông Đốc-tờ...)
Còn nhiều cách xưng gọi xun xoe về chồng mình, con mình trong những gia đình thượng lưu, nhứt là tại miền Bắc xưa.

3.- Xưng hô giữa ông bà và cháu:
Xưng hô giữa Ông Bà và cháu không có nhiều từ phong phú như trên. Chỉ có ông/bà-cháuvà ngược lại cháu-ông/bà. Ông bà thì có ông bà nội, ông bà ngoại, cho nên ông bà và cháuthường thêm tiếng nội, ngoại để xác định rõ:
- Thưa, ông gọi cháu vào có việc chi dạy bảo ạ?
Ông gọi cháu vào là để nhờ cháu ngoái trầu cho bà...
- Năm mới, cháu xin mừng tuổi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Ông bà nội ngoại thường bỏ tiếng ông bà, rút gọn lại còn tiếng nội, ngoại (chung cho ông lẫn bà) để nói chuyện với cháu:
- Năm mới ngoại lì xì cho cháu lấy hên đầu năm.
Nội lì xì cháu cái nầy và thêm lời căn dặn cháu cố gắng học hành.
Rất nhiều ông bà dùng tiếng con để gọi cháu. Làm vậy để tình ông cháu, bà cháu được thắm thiết đậm đà hơn. Ngược lại cũng rất nhiều cháu dùng tiếng con để xưng với ông bà (ngay cả với chú, bác, cô, dì, cậu... nữa) cũng nhằm biểu hiện tình cảm thân thiết:
- Nghe con học hành giỏi giang, ông bà nội ngoại rất vui. Ông bà mong sao con luôn luôn giữ được mãi như vậy...
 - Thưa ông bà nội ngoạicon xin ghi tâm khắc cốt những điều ông bà chỉ dạy.
(Có người khắc khe, hẹp hòi, bị cái nghĩa đen trói buộc, nên cho rằng “cháu xưng con với ông bà là hỗn láo, vì có ý muốn vượt cấp, ngang hàng với cha mẹ mình” Tiếng con dùng xưng hô giữa ông cháu, bà cháu, không còn ở cái nghĩa đen đó nữa, mà nó có ý nghĩa biểu hiện sự thương yêu và kính trọng người trưởng thượng đang đối thoại với mình. Tiếng con còn được một số người Bắc, nhứt là thuở xa xưa, dùng vượt khỏi cái nghĩa đen, để xưng hô với những người quyền uy, lớn tuổi hay trẻ tuổi hơn người tự xưng con, như tá điền với chủ điền, dân đen với hương chức hội tề xã, với quan trên... Tiếng con nầy lại mang một ý nghĩa khác: quỵ luỵ, hèn hạ...)
Tiếng để xưng hô trong gia đình Việt Nam thật phong phú.  Dù cố gắng nhớ lại nhiều cách xưng hô mà tôi từng nghe thấy, nghe đó đây trong cuộc sống và thấy viết trên sách báo, nhưng tôi biết mình không đủ khả năng sưu tập đủ. Mỗi nơi, miền Trung, miền Bắc, còn có những cách xưng hô khác nữa. Mong rằng bài nầy giúp ích được phần nào những con em chúng ta sống và lớn lên ở nước ngoài hiểu được nền văn hoá Việt Nam thật đáng vinh danh. Cách xưng hô trong gia đình Việt Nam thể hiện được nhiều sắc thái văn hoá vững chắc của dân tộc./-

San Jose, đầu năm Quý Mùi, 05-02-2003                                                           
Nguyễn Phước Đáng

Không có nhận xét nào:

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------