Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

TẠI SAO TOÀ THÁNH Ở ROMA

Có lẽ không ít người đã tự hỏi nôm na: tại sao Toà Thánh lại nằm ở Ý ?. Tại sao Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem, lớn lên ở Nadarét, sống suốt đời ở đất Do Thái, chịu chết ở Giêrusalem; Người là Đấng thiết lập Hội Thánh Công Giáo, nhưng Giáo Hội Công Giáo không đặt giáo đô ở một trong những nơi này trên vùng đất quê hương của Chúa, mà lại là ở Rôma, nơi Chúa Giêsu chưa bao giờ đặt chân tới ?.

Câu trả lời không hề phức tạp, được tóm gọn trong 2 mệnh đề sau: Giáo Hội được xây trên nền tảng Phêrô, và Toà Phêrô nằm ở thành Rôma.

 


Giáo Hội Kitô được sinh ra trên đất Do Thái, và chính thức bắt đầu tại Giêrusalem, nơi các môn đệ hội tụ sau khi Chúa Giêsu Kitô về trời. Tông Đồ Phêrô được Chúa đặt làm nền tảng Hội Thánh mới, làm trưởng Tông Đồ đoàn, làm chủ chăn toàn thể đoàn chiên của Chúa, chủ chăn của cả các chủ chăn khác (Ga 21,16). Trong vai trò trưởng Tông Đồ đoàn, Thánh Phêrô là phát ngôn viên và là người quyết định các vấn đề quan trọng của Giáo Hội sơ khai: rao giảng cho người Giêrusalem dịp lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau biến cố Phục Sinh, chủ toạ Công Đồng Giêrusalem, đại diện Giáo Hội đón nhận Phaolô trở lại... Ban đầu các Tông Đồ chủ trương rao giảng cho người Do Thái trước, nhưng các cuộc bắt bớ lan rộng khiến các ngài phải hướng về dân ngoại. Các ngài ra đi hoạt động khắp các nơi xa lạ các ngài có thể đến Thánh Giacôbê Hậu làm Giám Mục Giêrusalem, Thánh Giacôbê Tiền đến Tây Ban Nha, Thánh Batôlômêô đến Armenia, Thánh Anrê đến Hy Lạp, cá biệt Thánh Tôma đến tận Ấn Độ hay có thể là Trung Quốc.

Đầu tiên, Thánh Phêrô thiết lập Toà Giám Quản đầu tiên của mình tại thành Antiôkhia (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), và ở đó 7 năm. Sau đó, ngài rời Antiôkhia để đến rao giảng tại Rôma, thủ đô của đế quốc La Mã, vì nơi đây có vai trò tối quan trọng trong cả đế quốc. Thánh Phêrô thiết lập giáo đoàn Rôma và làm Giám Mục đầu tiên của cộng đoàn Kitô hữu tại đây vào khoảng năm 39. Năm 64, dưới thời hoàng đế Nêrô bạo vương, Giám Mục Phêrô bị chính quyền La Mã kết án đóng đinh vào thập giá tương tự như Chúa Giêsu đã chịu trước đó hơn 30 năm. Xác Thánh nhân được chôn trên đồi Vatican, ngoại ô thành Rôma. Vị Giám Mục kế vị ngài là Thánh Linô.

Sau gần 300 năm sống hầm trú và bị La Mã bắt bớ, năm 313, Kitô Giáo được vua Constantinô I công nhận và biến thành quốc giáo của đế quốc La Mã. Lúc bấy giờ trong toàn Giáo Hội, có 5 Toà Giám Mục quan trọng nhất và đứng hàng đầu : Rôma, Antiôkhia, Giêrusalem, Byzantium (thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), và Alexandria (Ai Cập ngày nay). Trong đó, nhờ nằm ở thủ đô của đế quốc, nơi hoàng đế sống, đồng thời với vị thế kế vị của vị Tông Đồ Trưởng, Toà Giám Mục Rôma là Toà có quyền lực và thế giá nhất trong Hội Thánh. Năm 324, nhà thờ Thánh Gioan Latêranô được chọn làm nhà thờ chính toà của giáo phận Rôma, nơi đặt chiếc ghế của Giám Mục Rôma, do đó trở thành nhà thờ mẹ của toàn thế giới Kitô Giáo, và là nơi cư trú thông thường của Đức Giám Mục. Cũng từ giai đoạn này, Toà Giám Mục Rôma bắt đầu được gọi là " Toà Thánh ".

Năm 324, vua Constantinô I dời đô sang Byzantium, đổi tên thành phố thành Constantinople. Nhờ đó, Toà Giám Mục Byzantium, đã được đổi tên thành Toà Thượng Phụ Constantinople, bắt đầu nổi lên làm một thẩm quyền quan trọng trong thế giới Kitô Giáo, sau Rôma.

Năm 1054, vì sự kiện Thượng Phụ Constantinople không chấp nhận quyền bính của Giám Mục Rôma trên mình, cộng với các khác biệt đã có trước đó, hai Toà Rôma và Constantinople vạ tuyệt thông lẫn nhau, dẫn đến sự ly khai ; Toà Constantinople tự xưng mình là Toà Thượng Phụ Tân Rôma, Thượng Phụ Đại Kết (toàn Giáo Hội) ; còn Đức Giám Mục Rôma thì bắt đầu được gọi là Giáo Hoàng (Papa - Cha). Giáo Hội phương Tây đứng về phía Toà Giám Mục Rôma tự gọi mình là Giáo Hội Công Giáo ; các Giáo Hội phương Đông ủng hộ Toà Thượng Phụ Constantinople thì gọi mình là Chính Thống Giáo. Giáo Hội Công Giáo tiếp tục phát triển và truyền giáo khắp thế giới với sự trung thành tuyệt đối dành cho Đức Giám Mục Rôma mà bấy giờ đã được gọi là Giáo Hoàng. Trong khi đó các Giáo Hội Chính Thống Giáo thì không hiệp nhất và thỉnh thoảng có các xung đột về quyền bính.

Giáo phận Rôma trở thành điểm quy chiếu và phán quyết về các vấn đề tín lý và phong hoá cho cả Giáo Hội Công Giáo, và sự trung thành với Đức Giáo Hoàng luôn được nhấn mạnh ở bất cứ đâu Giáo Hội được truyền đến. Vì vai trò của Giám Mục Rôma ngày càng lớn, giáo triều Rôma được thành lập như một nhóm giúp việc cho ngài. Như vậy toàn thể các Hồng Y, Giám Mục, linh mục, giáo dân làm việc trong các hội đồng, uỷ ban, thánh bộ, toà án của Toà Thánh đều chỉ có một mục đích là giúp việc cho Đức Giáo Hoàng ; nếu Toà Giáo Hoàng trống ngôi thì toàn thể các vị này lập tức mất chức.

Năm 319, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô được xây dựng trên mộ Thánh Phêrô tại đồi Vatican. Khoảng thế kỷ XIV, các Giáo Hoàng quyết định dọn về sống ở Điện Tông Toà bên cạnh Thánh đường Thánh Phêrô thay vì Thánh đường Latêranô như trước, hình thành nên lãnh thổ Vatican thuộc quyền Giáo Hoàng. Năm 1929, Toà Thánh và vương quốc Ý ký Hiệp ước Latêranô, thiết lập lãnh thổ đồi Vatican 44 hécta làm một quốc gia độc lập thuộc quyền cai trị tuyệt đối của Toà Giám Mục Rôma, với Giáo Hoàng làm quốc vương chuyên chế.

Điều thú vị ở đây là: Đức Giáo Hoàng sống trong nước Vatican là chủ của Toà Giám Mục Rôma, nhưng Toà Giám Mục Rôma lại nằm trên lãnh thổ nước Ý ngoài Vatican (do đó giáo phận được gọi là giáo phận Rôma chứ không phải giáo phận Vatican), thành thử nơi Vị Giám Mục Rôma sống và Toà Giám Mục Rôma là ở 2 nước khác nhau.

Như vậy, Rôma là giáo đô của Giáo Hội Công Giáo vì là nơi đặt Toà Giám Mục của vị Tông Đồ Trưởng; Toà Giám Mục của vị Tông Đồ Trưởng (gọi tắt là Toà Thánh), được đặt ở Rôma vì nó là thủ đô của đế quốc La Mã thời Thánh Phêrô. Âu cũng là ý Chúa đã định vậy.

--------------------

Gioakim Nguyễn

FB VQR

 

 

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

 

Điều Kỳ Diệu Sẽ Đến Với Những Người Biết Sự Cho Đi

Hạnh phúc, đôi khi chỉ là một nụ cười, một lời cảm ơn chân thành, một sự quan tâm đúng lúc, hay… một sự cho đi vô tư từ một tâm hồn trong sáng. Trong cuộc sống bộn bề này, cần lắm những hạnh phúc giản đơn, những tia sáng ấm áp lan toả nhẹ nhàng trong trái tim của mỗi người. Hãy cho đi khi bạn còn có thể…

Câu Chuyện 1: CÂY NẾN YÊU THƯƠNG





Có một cô gái trẻ chuyển nhà mới. Cô phát hiện hàng xóm nhà mình là một phụ nữ nghèo goá chồng, sống với hai đứa con nhỏ. Một ngày nọ khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ phải dùng nến để thắp sáng.

Khi vừa mới chuẩn bị thì chỉ một lát sau, đã có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé con nhà hàng xóm. Nó hồi hộp hỏi:

- Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?

Cô gái trẻ nghĩ: “Nhà nó nghèo đến mức nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau lại sang xin nữa cho mà xem!” Thế là cô gái sẵn giọng:

- Không có!.

Nói rồi cô định đóng cửa lại, đứa trẻ nhà hàng xóm nghèo chợt mỉm cười nói:

- Cháu biết ngay là nhà cô không có mà!

Nói xong, nó chìa ra hai cây nến:

- Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm!

Cô gái trẻ nghe xong lặng người…

Trong cuộc sống của chúng ta cũng sẽ có những lúc như thế. Dù con người sống trong hoàn cảnh khó khăn hay giàu có, họ đều cảm thấy cần an ủi một ai đó.

Đừng ích kỷ, hãy lắng nghe âm thanh cuộc sống. Cuộc sống của ta sẽ không xấu, mà thậm chí nó còn đẹp hơn khi chúng ta cho đi. Bởi… cho đi cũng chính là nhận lại!

Câu Chuyện 2: LY SỬA ÂN TÌNH

Trưa hôm đó, có một cậu bé nghèo bán hàng rong ở các khu nhà để kiếm tiền đi học. Bụng đói cồn cào mà lục túi chỉ còn mấy đồng tiền ít ỏi, cậu liều xin một bữa ăn tại một căn nhà gần đó. Nhưng cậu giật mình xấu hổ khi thấy một cô bé ra mở cửa. Và thay vì xin cái gì đó để ăn, cậu đành ngậm ngùi xin một ly nước để uống. Cô bé trông cậu có vẻ đang đói nên bưng ngay ra một ly sữa lớn.

Cậu bé uống xong, hỏi:

- Tôi nợ bạn bao nhiêu?.

- Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả. Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt, cô bé trả lời.


Cậu bé xúc động cám ơn và đi khỏi. Lúc này, cậu bé Howard Kelly đã thấy tự tin hơn nhiều, mạnh mẽ hơn nhiều.

Nhiều năm sau, cô gái đó bị căn bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ trong vùng đều bó tay và chuyển cô lên bệnh viện trung tâm thành phố để các chuyên gia chữa trị. Tiến sĩ Howard Kelly được mời khám, và khi nghe tên địa chỉ nhà của bệnh nhân, một tia sáng loé lên trong mắt. Ông đứng bật dậy và đi đến phòng bệnh nhân và nhận ra cô bé ngày nào ngay lập tức. Ông đã gắng sức để cứu cô gái này. Sau thời gian dài, căn bệnh của cô gái cuối cùng cũng may mắn qua khỏi. Trước khi tờ hoá đơn thanh toán viện phí được chuyển đến cô gái, ông đã viết gì đó lên bên cạnh.

Dr. Howard Kelly là một nhà vât lý lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895

Cô gái lo sợ không dám mở ra, bởi vì cô chắc chắn rằng cho đến hết đời thì cô cũng khó mà thanh toán hết số tiền này.

Cuối cùng cô can đảm nhìn, và chú ý đến dòng chữ bên cạnh tờ hoá đơn: “Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa!”

Ký tên : Tiến sĩ Howard Kelly

Nước mắt vui mừng cứ thế dâng trào và lời từ trái tim cô gái thốt lên trong nước mắt: “Cảm ơn ông!”.

Đây là câu chuyện có thật, Dr. Howard Kelly là một nhà vât lý lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895.

SUY NGẪM:

Hạnh phúc, đôi khi chỉ là một nụ cười, một lời cảm ơn chân thành, một sự quan tâm đúng lúc, hay… một sự cho đi vô tư từ một tâm hồn trong sáng. Trong cuộc sống bộn bề này, cần lắm những hạnh phúc giản đơn, những tia sáng ấm áp lan toả nhẹ nhàng trong trái tim của mỗi người.

Bạn sẽ không thể nào ngờ được, chỉ một hành động bé xíu đó thôi, nhưng lại có thể mang đến cho người nhận nó một “cuộc đời mới”, một tia hi vọng vào một ngày mai bình yên và tươi sáng… thậm chí, còn là một phép màu!

Vì vậy, hãy cho đi khi bạn còn có thể…

--------------------------------

Tác giả : An Nhiên                 

Nguồn: Thủ Khoa Huân         

 

----------

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

SHAMAN - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất

 Nhiều người tin rằng, những pháp sư Shaman sẽ giúp "kết nối" con người với những thế lực siêu nhiên...

Ở một vài nước trên thế giới như ở Mông Cổ, Hàn Quốc, Nga… có một tôn giáo kỳ lạ và đầy bí ẩn mang tên là Shaman giáo. 

Đây là một kiểu tôn giáo phổ biến vào cuối chế độ thị tộc, với sự xuất hiện của những Shaman (hay còn gọi là pháp sư) trong xã hội, họ có nhiệm vụ "kết nối" con người với các thế lực siêu nhiên.

Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 1

Shaman là những người trung gian, có thể tiếp cận với thế giới tâm linh hữu hình nào đó mà đa số thành viên khác không tiếp cận được (chúng ta thường gọi là có khả năng ngoại cảm). 

Họ có thể biểu hiện được cuộc tiếp xúc đó thông qua các hình thái diễn xướng (múa hát, thơ ca…) hay tạo hình trong những nghi lễ đặc thù.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 2

Có hai yếu tố của cấu thành một Shaman: khả năng ngoại cảm và khả năng diễn xướng. 

Trong hình là một Shaman đang làm lễ cho các linh hồn ở bên ngoài thủ đô Ulaanbaatar Mông Cổ. Cô dùng sữa dê để cúng các linh hồn.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 3

Hình ảnh của “Cây Mẹ” - một cây thông ở miền Bắc Mông Cổ được coi là biểu tượng của sự vĩnh cửu. 

Mỗi năm, có hàng ngàn người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến thăm “Cây Mẹ” và xem các Shaman biểu diễn. 

Các tấm vải màu xanh được treo, phủ đầy trên cây được các pháp sư Shaman giải thích là tượng trưng cho thiên đàng và hòa bình.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 4

Những tín đồ hành hương còn mang đến đây trà, rượu, bánh kẹo và tô điểm cho “Cây Mẹ” bằng những chiếc khăn (được gọi là khadag). 

Việc làm này tượng trưng cho lời bày tỏ lòng thành và cầu nguyện sức khỏe, sự an lành cho gia đình họ. 


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 5

Hình ảnh một Shaman quỳ xuống làm lễ trước ngọn lửa bùng cháy gần "Cây Mẹ". 

Đây là buổi lễ đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân, nó cũng là thời điểm các linh hồn từ thiên đàng hạ giới và dễ dàng “giao tiếp” nhất với các pháp sư. 


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 6

Vào ban đêm, ở trong các ngôi lều, các Shaman thuộc nhóm dân tộc Tsaatan thực hiện những bài múa ma quái. 

Họ nhảy múa theo nhịp trống trong bầu không khí của hương thơm từ những loại thảo dược kỳ lạ.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 7

Shaman không chỉ là người kết nối của hai thế giới mà còn là những thầy thuốc tốt bụng. Họ có thể nhận biết được các loại thảo dược, bài thuốc hay, vì vậy đã cứu được nhiều người trong vùng. 

Trong cộng đồng người Mông Cổ ở gần biên giới Nga, người dân đặc biệt yêu quý và kính trọng những Shaman.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 8

Các Shaman cũng tin rằng, con người có linh hồn bất diệt. Vì vậy thi hài người chết luôn được đặt sao cho đầu hướng về phía Đông - hướng Mặt trời mọc. 

Chỉ có như vậy, linh hồn cũng như tinh thần của người sống mới khỏe mạnh như Mặt trời. Ánh hào quang sẽ mang lại cho họ sự may mắn, những tinh thần xấu xa đem lại sự xui xẻo sẽ bị tiêu diệt.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 9

Trong hình là một Shaman đang làm phép, cô ta sử dụng tim của một con cừu. Và theo lời của Shaman, đó là một cách để kết nối sức mạnh của sự sống và cái chết.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 10

Khi được một gia đình yêu cầu, các Shaman sẽ bắt đầu làm lễ. Họ lấy máu từ tim cừu hòa lẫn với rượu. Đồ uống này được cho là để giúp các Shaman kết nối với các linh hồn của tổ tiên.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 11

Một đệ tử sẽ gõ trống và Shaman nhanh chóng “kết nối” với người thân đã khuất của gia đình kia. Shaman vừa nói theo giọng của người đã khuất, vừa nhảy theo điệu trống một cách đầy ma mị.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 12

Các Shaman còn tham gia tiêu diệt các linh hồn xấu gây hại cho dân lành. Nhiều người dân tin rằng các pháp sư có khả năng thực sự.

Trong năm 2007, Rupert Isaacson và vợ của ông đã chứng kiến Kristin - đứa con trai 5 tuổi của họ được một Shaman ở Mông Cổ tên là Ghoste chữa giúp bệnh tự kỷ. Ông đã giải thích rằng Kristin đã bị một linh hồn xấu nhập vào.


Shaman - Những vị pháp sư cuối cùng trên Trái đất 13

Bất chấp các thay đổi của xã hội loài người và nhiều nhận định về mê tín dị đoan, Shaman giáo vẫn tồn tại và phát triển tích cực. Thậm chí, hàng năm có rất nhiều người trên thế giới chấp nhận di chuyển những đoạn đường dài để được gặp các Shaman cao tay. 

Mong muốn của họ là được chữa khỏi những vết thương về tâm hồn, số khác lại mong muốn được các Shaman chỉ dạy các phương thức phát huy tiềm năng của con người.
 
Sơn Hải

(http://kenh14.vn/kham-pha/shaman-nhung-vi-phap-su-cuoi-cung-tren-trai-dat-20121126055211632.chn)

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------