Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Bắt cá bằng chim cốc

 Các ngư dân Trung Quốc sử dụng đèn lồng và chim cốc để đánh bắt cá mỗi khi trời tối, một phương pháp tồn tại suốt 1.300 năm qua.

 

Ba người dân trên thuyền ở sông Li, tỉnh Quảng Tây, với chiếc đèn lồng lúc mặt trời lặn, tạo nên bức tranh ấn tượng.

 

Ngư dân chèo bè ra giữa dòng sông bắt cá bằng cách sử dụng con chim cốc và đèn lồng.

 

Trên chiếc bè tre, những con chim cốc phục ở hai đầu để bắt cá. Chim cốc là loài bơi lặn rất giỏi. Chúng thường đậu trên cành cây khô hoặc hòn đá nhô trên mặt nước để quan sát và nhanh chóng tóm gọn rồi nuốt chửng con mồi. Biết đặc điểm này, nhiều ngư dân đã huấn luyện chúng thành "chuyên gia" bắt cá.

 

Bắt cá bằng chim cốc đã tồn tại suốt 1.300 năm. Nó hiện vẫn là nét văn hóa hấp dẫn du khách.

 

Các ngư dân sử dụng chiếc gậy để điều khiển chim cốc. Họ dìm chim cốc xuống nước để bắt cá và sau đó kéo chúng về khi chúng nổi lên mặt nước.

 

Để ngăn chặn nguy cơ con chim bay mất, ngư dân cắt cánh của chúng và dùng sợi dây buộc vào cổ khiến chúng không thể nuốt chửng cá.

 

Sáng sớm, sau khi có mẻ cá đầy, các ngư dân sẽ quay trở về nhà.

Tân Trung (Ảnh: Corbis)

Theo VNExpress 

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

SỨ MẠNG CỦA GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO

Tôi nhận thấy giáo viên Công giáo được mời gọi để kết hợp với Thiên Chúa. Ai có đời sống nội tâm đủ mạnh, đủ sâu, họ không chỉ là giáo viên tốt nhưng còn là nhà giáo dục mẫu mực. 

Những ngày này hẳn là rộn ràng câu chuyện giáo viên và học sinh. 20 tháng 11 hằng năm, chúng ta mừng ngày nhà giáo, tri ân quý thầy cô. Đây thực sự là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bài viết dưới đây tôi muốn chia sẻ với giáo viên Công giáo một khía cạnh khác của nhà giáo vốn liên quan đến ơn gọi huấn luyện và giáo dục học sinh.

Khi học cấp ba, tôi không từng nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên. Do đó, tôi đã chọn một ngành khác để học nhằm tránh nghề giáo vốn mang tiếng là “an phận thủ thường”. Theo tiếng gọi của Chúa, tôi bước vào đời tu và được nhà dòng huấn luyện trở nên một tu sĩ, một người loan báo tin mừng. Sau khi học chương trình căn bản xong, tôi chịu chức linh mục và được nhà dòng gửi đến một trường học công giáo của nhà dòng để làm việc. Tôi đang viết cho quý độc giả tại một ngôi trường vốn có nhiều điều thú vị mà tôi sắp kể ra đây.

Giờ đây tôi không thấy nghề giáo buồn chắn như nhiều người tưởng. Số là khi đồng hành với các học sinh, mỗi người là một hoàn cảnh khác và câu chuyện khác thu hút tôi. Cần nói ngay rằng dạy học không chỉ là lượng kiến thức trao cho mọi học sinh. Trên hết, mỗi học sinh là một cuộc đời mà giáo viên cần để ý. Do đó, tôi thấy các giáo viên ở đây thường để tâm đến từng học sinh. Nhất là những khi các em có vấn đề về việc học, tâm sinh lý hoặc khủng hoảng, giáo viên cần tinh tế nhận ra để giúp các em vượt qua. Điều này đòi hỏi giáo viên đủ tình yêu và nhạy bén. Bên cạnh đó, trong trường cũng có những người chuyên môn để kịp thời giúp đỡ các học sinh.

Tôi nhận thấy giáo viên Công giáo được mời gọi để kết hợp với Thiên Chúa. Ai có đời sống nội tâm đủ mạnh, đủ sâu, họ không chỉ là giáo viên tốt nhưng còn là nhà giáo dục mẫu mực. Gương mẫu là điều rất quan trọng trong giáo dục. Rất tiếc nhiều giáo viên chỉ chú trọng đến kiến thức, nhưng quên phần rất quan trọng của giáo dục, đó là giúp các em nên người. Tiên học lễ hậu học văn luôn đúng trong nhà trường. Nếu đảo ngược lại vế này, dường như việc học khó giúp học sinh thành nhân. Phải chăng vì sự nhầm lẫn này mà nền giáo dục Việt Nam đang gặp khủng hoảng, vốn được nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra.[1] Nếu vậy, tôi hy vọng vào giáo viên Công giáo vẫn còn giữ được triết lý giáo dục này.

Tại những trường tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, bên cạnh việc dạy học, nhà trường tạo ra một bầu không khí tôn giáo. Nghĩa là giáo dục về đời sống tâm linh, tinh thần của các em thực sự được đề cao. Chẳng hạn nhà trường tổ chức nhiều chương trình thiêng liêng để các em gặp gỡ Thiên Chúa và với nhau. Thánh lễ thường được đề cao để học sinh thực hành đời sống đạo như là nguồn sức mạnh giúp các em học hành. Chính trong bầu không khí này, không chỉ các em, chính giáo viên (cả phụ huynh nữa) cùng được mời gọi hướng về Đấng là nguồn tri thức đích thực của con người[2]“Vì chính ĐỨC CHÚA ban tặng khôn ngoan; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có.” (Cn 2,6). Vì điều này mà tôi tin đằng sau thành công của các em luôn có bóng dáng của Thiên Chúa. Bởi thế mà trong những thư gửi cho giáo viên Công giáo trong những năm gần đây, Giáo hội đều cho thấy “những mối lợi mang đến do việc học hỏi từ Thiên Chúa. Việc học hỏi này còn giúp con người vươn đến những nhận thức có giá trị trổi vượt hơn nữa.[3]

Trong bối cảnh có quá nhiều thách đố mà nhà giáo hiện nay đang đối diện, tôi chia sẻ ba chìa khóa mà nhà trường, nơi tôi đang làm việc, thường đề cao chú trọng, với ước mong giáo viên Công giáo tìm ra phương cách để giúp học sinh yêu mến tri thức như là cơ hội để các em gặp gỡ Thiên Chúa.

1. Kinh nghiệm

Trong tri thức luận, kinh nghiệm đóng một vai trò quan trọng để người ta nhận thức được vấn đề. Trong triết lý giáo dục này, thầy cô là người tạo cho các em trải nghiệm nơi bài vở, trên thực tế. Những kiến thức được trao cho các em như là những kinh nghiệm giúp các em thấm được vào trong khối óc và con tim. Do đó, sách giáo khoa như là một trong những nguồn để các em có được kinh nghiệm về kiến thức. Tuy nhiên, với thời đại Internet hiện nay, sẽ có rất nhiều nguồn bổ ích khác để giúp các em có kinh nghiệm về đối tượng học hỏi.

Thực vậy, với thời đại Công nghệ hiện nay, Giáo hội cũng nhìn thấy những cơ hội trong Giáo dục cần hướng tới: “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Trong bài phát biểu này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người, dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu”.  Nguyên tắc cơ bản “Biết mình” luôn định hướng cho việc giáo dục. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc thiết yếu khác: “Biết anh chị em mình”, để giáo dục về việc đón tiếp người khác. “Biết thụ tạo”, để giáo dục về việc chăm sóc ngôi nhà chung, và “Biết Đấng Siêu Việt”, để giáo dục về mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống”[4]. Nếu hướng đến những điều này, giáo viên sẽ giúp được các em biến lượng kiến thức thành tri thức cho cuộc đời!? Điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.

2. Phản tỉnh

Nếu nhớ là quá trình chúng ta tiếp cận và lưu lại trong não, thì phản tỉnh giúp việc lưu lại này trở nên tri thức. Quý thầy cô đều biết giáo dục không nên dạy một chiều, nghĩa là giáo dục giúp các em phản tỉnh, nhận xét các vấn đề. Chúng ta đều biết mỗi người là một nhân vị (person), nghĩa là con người có hồn và xác, có lý trí, lương tâm, ý chí và tự do (x. GLHTCG 1783-1788,1799-1800). Đồng thời con người cũng có trách nhiệm trên quyết định của mình; và người ấy cũng có khả năng tự nhìn về chính mình. Ngôn ngữ triết học và linh đạo cũng đề cao sự tự phản tỉnh, hoặc phản tỉnh (reflection). Theo Hán Việt, phản nghĩa là trở lại, tỉnh là xét, xem xét. Như thế phản tỉnh là nhớ lại, xét hỏi linh hồn mình (chính mình), nghiền ngẫm thường xuyên. Hoặc theo từ điển tiếng Anh “a reflection man” là người suy nghĩ sâu xa và thấu đáo về một vấn đề gì đó. Chính trong hoàn cảnh này các em mới có thể phản biện, vốn được nhiều nhà giáo dục chú ý trong nhiều năm gần đây. Chỉ phản biện tốt khi các em biết phản tỉnh, suy nghĩ và đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề nào đó. Từ phản tỉnh này giúp các em tập đứng trên hai chân của mình. Khi các em tập phản tỉnh, giáo viên như là người có kinh nghiệm, giúp các em tìm ra ánh sáng của vấn đề. Từ việc phản tỉnh này, các em sẽ chuyển kiến thức đến con tim, đến đôi tay mà chúng ta sẽ nói ở từ thứ ba.

3. Hành động

Học luôn đi đôi với hành. Một khi các em thấy được sự thú vị của việc học, nghĩa là có tác động trên đời sống của mình, các em sẽ có niềm vui để tìm tòi học hỏi. Niềm vui này có thể các em nhận được từ chính quý thầy cô, từ khung cảnh nhà trường, từ gia đình hoặc từ chính Thiên Chúa, (nếu các em là người Công giáo). Điều này nghe có vẻ lạ tai với nhiều thầy cô; tuy nhiên đây lại là điều quan trọng. Chẳng hạn kinh nghiệm của ông Gióp trong cựu ước cho ta thấy rằng: “Bấy giờ Đức Chúa mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo họ xa những việc đã làm giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm.” (G 33,16-18). Lý tưởng là các em công giáo có những hành xử xứng hợp với luật lệ của Thiên Chúa. Đạo đức nhân bản của người đời thôi chưa đủ, nhưng làm sao để giúp các em “liên lạc” được với Thiên Chúa. Chính lúc ấy Thiên Chúa sẽ chỉ cho các em cách hành động đúng mực và hợp tình hợp lý.

 

 

Ba chìa khóa trên đây thực ra là một tiến trình trong giáo dục vốn liên hệ mật thiết với nhau. Trong giới hạn của bài viết, tôi không thể đi vào ngóc ngách của từng chìa khóa. Nếu dùng được cả ba chìa khóa này, cánh cửa giáo dục toàn diện sẽ được mở ra[5]. Nghĩa là giáo dục hướng đến việc phát triển con người toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí. (x. Gaudium et Spes số 3). Trên hết, tôi muốn chia sẻ với quý thầy cô Công giáo rằng chúng ta đang có một nội lực, chỗ dựa rất lớn đó là Thiên Chúa. Cụ thể, đạo Công giáo có thể giúp chúng ta rất nhiều trong sự nghiệp giáo dục.

Trong khi nhiều người tôn vinh nghề giáo, ước gì giáo viên Công giáo biết rằng chúng ta đang dạy các em vì điều gì? Ngoài những khát vọng mà ngành giáo dục mời gọi, chúng ta còn có sứ mạng dạy cho các em biết sự thật (diakonia of truth)[6], học làm người và học để làm chứng cho Thiên Chúa[7]. Ít người để ý đến điểm quan trọng này. Trên thế giới, tôi thấy hầu hết chương trình của những trường nổi tiếng đều chứa đựng những điều trên. Nghĩa là họ dạy học không đơn thuần vì lượng kiến thức, nhưng còn vì rất nhiều giá trị từ nhân bản cho đến tâm linh, thiêng liêng. Do đó, thật tốt để chúng ta cử hành ngày lễ mừng Ngày nhà giáo như là cơ hội nhớ lại sứ mạng mà Thiên Chúa mời chúng ta bước vào môi trường giáo dục. Nơi đó, theo Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm: “Bầu không khí này được kiến tạo chủ yếu qua tương quan liên vị giữa giáo viên và học sinh cũng như giữa các học sinh với nhau, qua sự tận tụy và chứng tá sống động của các giảng viên đối với thiện ích của học viên.”[8] Nếu được như thế, môi trường giáo dục thực sự không buồn chán hoặc khô khan; nhưng là nơi để mỗi giáo viên là một nghệ nhân đồng hành với các em trên từng bước đường đời.

Tôi tiếp tục cầu nguyện cho quý thầy cô. Chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau để mỗi người nỗ lực một chút trong hành trình giáo dục này. Nơi đó luôn có Thiên Chúa, Giáo hội và con người. Có cả tình yêu, khát vọng và lòng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Mong thay!

Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2 Cr 13,13).

Giuse Phạm Đình Ngọc S.J.
Mừng ngày nhà giáo Việt Nam
Hungary, 16-11-2022


[1] Minh Khôi, 'Tiên học lễ, hậu học văn': Bất kỳ thời nào cũng đúng, sao phải bỏ?, tại https://vtc.vn/tien-hoc-le-hau-hoc-van-bat-ky-thoi-nao-cung-dung-sao-phai-bo-ar648453.html

[4] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-tiep-giao-duc-ton-giao.html (Sáng thứ ba 05/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với vị đại diện các tôn giáo thế giới tham dự cuộc họp về chủ đề “Tôn giáo và giáo dục").

[5] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo của Công Đồng Vatican II và nhất là khi dẫn lại câu tuyên bô thời danh trong Thư Giacôbê: “Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công Giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gc 2,17). Các tín hữu, nhờ được huấn luyện, sẽ trở thành men, muối và ánh sáng cho trần gian.” (Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam về Giáo dục Kitô Giáo, số 32 cũng đề cập đến điều này.)

[7] Điều này cũng được Giáo hội nhắn nhủ với giáo viên: http://giaoxutanviet.com/thu-duc-cha-chu-tich-ubgdcg-gui-nha-giao-nhan-ngay-20-11/

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

NGHIỆN LÀM VIỆC VÀ THAM LAM

Quá bận rộn ban đầu thường là đức tính tốt, rồi sau đó thường thường biến thành tính xấu, đó là một tham lam tinh vi.

Chỉ có một chứng nghiện mà chúng ta ca ngợi, đó là làm việc quá sức. Với mọi chứng nghiện khác, những người lo cho bạn sẽ đưa bạn vào viện hoặc vào chương trình phục hồi, nhưng nếu bạn nghiện làm việc, thường sẽ được xem là một đức tính tốt. Tôi hiểu điều tôi đang nói. Tôi là “một con nghiện làm việc đang phục hồi”, và hiện giờ cũng không hẳn là đã cai được hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận nó là một chứng bệnh. Đây là những triệu chứng của nó: chúng ta luôn mãi thiếu thời gian cho nhiều việc phải làm. Mỗi ngày trôi qua đều quá ngắn.

Trong tiểu sử tự thuật của mình, nhà phê bình phim Roger Ebert viết: “Tôi đã lấp đầy cuộc đời của tôi quá trọn vẹn đến nỗi tôi không còn thì giờ để nghĩ về việc tôi đang sống”. Nhiều người trong chúng ta hiểu cảm giác này. Tại sao chúng ta làm như thế với mình?

Câu trả lời có lẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Khi cuộc sống của chúng ta quá áp lực đến nỗi chúng ta không bao giờ có thì giờ suy nghĩ, sự thật chúng ta đang sống cuộc sống đó, khi chúng ta luôn thiếu thời gian và có quá nhiều việc phải làm, chúng ta đang khổ vì tham lam, một trong những mối tội đầu.

Chúng ta có khái niệm đơn giản hóa về tham lam. Khi nghĩ về một người tham lam, chúng ta hình dung đó là người keo kiệt, ích kỷ, giàu có về tiền bạc và vật chất, tích trữ sự giàu có cho riêng mình. Ít người trong chúng ta phù với phạm trù này. Sự tham lam trong chúng ta có những dạng tinh vi hơn. Hầu hết những người rộng rãi, không ích kỷ và không giàu có về tiền bạc như chúng ta thì mắc phải tham lam về trải nghiệm, tham lam về cuộc sống, thậm chí tham lam về quảng đại. Chúng ta tham lam muốn làm nhiều hơn (dù làm việc tốt) những gì thời gian cho phép.



Và nó biểu hiện ở đâu? Nó biểu hiện nơi mình mỗi khi chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm việc mà (dường như) chúng ta cần phải làm. Khi nghĩ rằng hình như Chúa đã nhầm về thời gian và không phân cho chúng ta đủ thời gian thì lúc đó là lúc chúng ta lâm vào chứng tham lam. Linh mục Henri Nouwen từng mô tả nó như sau: “Cuộc sống chúng ta như chiếc vali bị nhét đầy đến nỗi những đường may bị bung ra. Thật vậy, chúng ta luôn thấy mình bị trễ lịch. Luôn biện minh, còn những việc chưa làm, những lời hứa chưa thực hiện, những dự tính chưa làm được. Luôn có một cái gì đó khác mà mà chúng ta phải nhớ, phải làm hoặc phải nói. Luôn có những người mà chúng ta chưa nói chuyện, chưa trả lời thư hay chưa thăm viếng”.

Nhưng… Chúa không lầm về thời gian Ngài cho chúng ta. Chúa cho chúng ta đủ thời gian để làm điều mà chúng ta được yêu cầu, kể cả những việc quảng đại và quên mình. Vấn đề nằm ở chúng ta và vấn đề chính là tham lam. Chúng ta muốn có nhiều hơn những gì mà cuộc đời cho phép.

Hơn nữa, trong hầu hết trường hợp, chuyện này lại dễ lý luận. Nếu kiệt sức khi phục vụ người khác, thì chúng ta dễ dàng xem việc chúng ta quá gắng sức, mệt mỏi và cảm giác ám ảnh rằng mình đang không làm đủ là một đức tính tốt, là một dạng tử đạo, là quên mình, là dâng hiến bản thân cho tha nhân. Nó đúng phần nào, có những lúc khi tình yêu, hoàn cảnh hay một khoảng thời gian trong đời đòi hỏi chúng ta phải quên mình đến cùng, kể cả Chúa Giêsu cũng nhiều lần không chịu nổi và phải cố lánh đi đến một nơi hoang vắng. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng thế. Việc người mẹ phải làm cho đứa con sơ sinh hay tuổi còn quá nhỏ thì khác với việc bà phải làm cho đứa con đã lớn khôn, đã trưởng thành. Cái là đức tính tốt trong thời gian này lại có thể thành tham lam trong hoàn cảnh khác.

Quá bận rộn ban đầu thường là đức tính tốt, rồi sau đó thường thường biến thành tính xấu, đó là một tham lam tinh vi. Việc từng là cần thiết để phục vụ tha nhân bây giờ bắt đầu phục vụ thanh danh và hình tượng bản thân hơn. Nó còn là một lối thoát tiện lợi. Khi đắm chìm trong công việc làm cho người khác, chúng ta không cần phải đối diện với những con quỷ nội tâm cũng như những con quỷ khác mà chúng ta phải đối diện trong hôn nhân, ơn gọi và các mối quan hệ. Chúng ta quá bận rộn, nhưng đây là một chứng nghiện như mọi chứng nghiện khác, trừ việc chứng nghiện này lại được xem là đức tính tốt và là cái để ca ngợi.

Đây chính là lý do mà Chúa cho chúng ta ngày xa-bát, ra lệnh cho chúng ta nghỉ làm việc mỗi tuần một ngày. Tiếc là chúng ta đang đánh mất khái niệm về ngày xa-bát. Chúng ta biến một giới răn thành gợi ý cho một phong cách sống không quan trọng lắm. Kiểu nếu làm được thì tốt, nếu bạn có thể kham được. Tuy nhiên, như tác giả Wayne Mueller viết trong quyển sách đầy thách thức về ngày xa-bát: “Nếu quên nghỉ ngơi, chúng ta sẽ làm việc quá dữ dội và quên mất những chuyện khoan dung dịu dàng hơn, quên mất những người mà chúng ta yêu thương, quên mất con cái và sự kỳ diệu tự nhiên… Nên Chúa đã cho chúng ta giới răn giữ ngày xa-bát – Hãy nhớ nghỉ ngơi”. Đây không phải là một đề xuất về lối sống, nhưng là một giới răn, cũng quan trọng như không được trộm cướp, không được giết người, không được nói dối”.

Làm việc quá sức thì không phải là một đức tính!
-------------------
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

HỎI ĐÁP: CÓ NÊN TIẾP TỤC TÌNH YÊU VỚI NGƯỜI ĐI TU?

Mục Hỏi Để Sống Đạo

 Hỏi: Con đã quen với một thầy tu, người đó đang học triết năm thứ 2. Trước đây người này đã nói với con là sẽ về với con vào tháng năm này, và con sẽ làm giấy tờ để bảo lãnh cho người đó đi. Con và người đó quen nhau 13 năm, người đó đã cho con bao nhiều lời ước hẹn, bao nhiêu lời hứa với con, và con đã tin vào những lời nói đó. Con chịu bao nhiêu khó khăn để có thể ở bên người đó, nhưng bây giờ người đó nói với con rằng sẽ không về với con nữa, bởi vì gia đình người đó không muốn; và người đó nói con rằng hãy luôn ở bên cạnh người đó để làm tri kỷ của người đó. Người đó vẫn luôn chăm sóc, lo lắng cho con, luôn nghe con nói, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng chỉ khác một chút đó là người đó không thể là chồng của con mà thôi.

Thưa cha, con phải làm sao đây? Trong con rối lắm, bao nhiêu lời người đó đã hứa với con thì nay đã quay lưng đi. Con bị sốc (shock) rất nặng, con không thể chịu được. Con không tìm thấy được sự bình an trong tâm hồn của con. Con sợ ở một mình. Con rối lắm, phải làm sao đây?

Người cô đơn

===============

Trả lời:

Bạn rất thân mến,

Cảm ơn bạn đã chia sẻ nỗi lòng đau đớn mà bạn đang có. Để có câu trả lời phù hợp nhất, có lẽ chỉ có người trong cuộc mới có thể có. Vì không ai hiểu mình và đối tượng cho bằng chính bạn; Hơn thế, bạn nói ngắn gọn và đưa vài thông tin nên e rằng câu trả lời không xác thực và cụ thể cho bạn. Dù sao, tôi cố gắng gợi lên vài ý để bạn suy nghĩ và tự quyết định cho bản thân bạn nhé.

Bạn mến, trong cuộc đời làm người, và ngay cả động thực vật, đều cần yêu và được yêu. Đặc biệt nơi con người, người ta sẽ trở nên cằn cỗi và chết dần mòn nếu không được yêu và yêu. Vậy, câu hỏi sẽ là, thế nào là YÊU? YÊU là gì? Thực sự, không dễ gì ai có câu trả lời chính xác, vì mỗi trường hợp có một hoàn cảnh đặc thù, mỗi cá nhân là độc nhất vô nhị, chẳng ai giống ai. Dẫu sao, nền tảng để cho chúng ta quy hướng về và dựa trên đó chính là niềm tin Kitô giáo (không biết bạn có phải là Kitô hữu không?), vì vậy chúng ta sẽ hiểu tình yêu mà chúng ta đang có có dựa trên tình yêu như Tin Mừng mời gọi không. Nói cho rõ hơn, đó là TÌNH YÊU, hay còn gọi la AGAPE (tình yêu hy hiến, hy sinh, dâng hiến, phục vụ). Vì thực sự, hạnh phúc đích thật chỉ khi tình yêu chúng ta hướng đến Agapè (đã mặc khải nơi Chúa Giêsu, mẫu gương cho mọi người, cho mọi bậc sống). Không thể có hạnh phúc thực sự, ít nhiều gì ai ai cũng đã có kinh nghiệm, nếu cuộc sống chúng ta có sự ích kỷ. Ích kỷ càng nhiều thì chúng ta càng đau khổ và bất hạnh trong thẳm sâu cõi lòng. Ích kỷ là lối sống quy tất cả về bản thân mình (quy ngã = egoism). Ích kỷ là luôn nghĩ đến cái lợi cho mình mà không quan tâm hay đoái hoài gì đến người mình đang yêu. Thế nhưng, nói cho cùng, ai ai cũng có ích kỷ, không ít thì nhiều. Ngay cả các đấng bậc tu trì vẫn có ích kỷ. Tôi thường định nghĩa ích kỷ rằng: “Một thằng bé con trong sâu thẳm mỗi người chúng ta, nó có tên là cái tôi, lúc nào thằng bé con này cũng muốn chúng ta chìu chuộng, vuốt ve âu yếm nó. Nó như có ma lực để tìm mọi cách thế để nó được lớn lên, nó cứ đòi chúng ta phải cho nó lớn lên mãi vô cùng.” Cái tôi như cái bóng, đeo đuổi suốt đời người. Vì cái tôi này, ai ai chúng ta cũng muốn thể hiện, chứng tỏ, thu vén, níu bám bằng nhiều phương cách, tùy mỗi người trong mỗi hoàn cảnh. Vì thế, càng đi về đời sống tâm linh thì cái tôi càng phải cần được nhỏ lại. Hay nói thực tế hơn, càng muốn có hạnh phúc đích thực thì chúng ta càng phải cho đi, mà càng cho đi, dĩ nhiên đau khổ sẽ kéo theo. Nhưng đau khổ này sẽ rất khác so với đau khổ của những người sống cho riêng mình.

Trở lại trường hợp của bạn, trước tiên, một khi bạn chấp nhận yêu một người đã đi tu thì bạn cũng chấp nhận những khó khăn của nó, vì bạn đã tự nguyện chọn lựa và yêu thầy ấy. Chẳng hạn, khi một người phụ nữ lỡ yêu một chàng bị mất hai chân, thì cô ta vẫn vui và chấp nhận tất cả những gì anh kia trước kia đã có và đã bị. Cô ta không thể sau này trách cứ hay đau buồn khi chân anh ta không thể nào “mọc ra” được. Cũng vậy, khi bạn yêu một người đã đi tu (không biết bạn và anh ta yêu nhau trước khi anh ta đi tu hay sau khi anh ta đã đi tu), thì bạn cũng chấp nhận những khắc khoải và đang chênh vênh giữa việc chọn Chúa hay chọn bạn của thầy ấy. Dẫu sao, bậc sống tu trì hay hôn nhân vẫn quy về Agape, là chính Tình Yêu Chúa, một tình yêu dâng hiến cho người mình yêu. Vì nếu cho dù hai người có sống bên nhau, mà mỗi người đều sống cho riêng mình, thì cả hai sẽ khổ đau nhiều lắm.

Thứ đến, về thầy đó, nếu đời sống của thầy thực sự là một ơn gọi, thì thầy đó chỉ có hạnh phúc thực khi theo ơn gọi. Vì ơn gọi là tiếng gọi của Chúa rất sâu thẳm theo từng mỗi cá nhân. Cũng như nếu bạn có ơn gọi hôn nhân, thì chỉ có hôn nhân mới làm cho bạn bình an, nhưng nếu bạn có ơn gọi hôn nhân, mà lại đi tu thì bạn sẽ rất đau khổ. Nói về ơn gọi, thì chính Chúa gọi bạn, chứ không phải chúng ta chọn lựa. Chúa gọi bạn vì chỉ có Chúa hiểu bạn sống trong ơn gọi đó thì mới tìm hạnh phúc thực sự với con người của bạn, vốn có cả background khác biệt và duy nhất. Người yêu kia của bạn cũng vậy, nếu Chúa gọi anh ấy trong ơn gọi tu trì, với cả một background đặc thù không giống bạn, và anh ấy chỉ có hạnh phúc thực sự khi sống cuộc sống đó, thì bạn hãy can đảm chấp nhận, dù không dễ chút nào.

Nếu thầy ấy, hay cho dù thầy đó không đi tu và có ơn gọi hôn nhân, đã nói không thể lập gia đình với bạn được vì gia đình hay dòng họ, là lý do không hợp lý. Chúng ta biết rằng, bạn bè, cha mẹ, gia đình hay dòng họ chỉ là những người giúp và góp ý để chúng ta có quyết định đúng đắn và sống hạnh phúc, nhưng quan trọng hơn vẫn là cá nhân chúng ta. Tương tự trong đời tu cũng vậy. Không ai có quyền ép buộc trong vấn đề hôn nhân hay tu trì. Mỗi người trưởng thành đều có tự do và trách nhiệm. Vì thế, mỗi khi chúng ta lập gia đình, hay khấn Dòng, thì Hội Thánh Công Giáo đều muốn chúng ta quyết định trong sự tự do, không bị ép buộc, với đầy đủ ý thức.

Nếu bạn nhận nhiều lời hứa hẹn (hôn nhân) của thầy ấy, mà thầy ấy vẫn quyết định chọn đời sống tu trì, thì chính bản thân thầy ấy đã mẫu thuẫn chính mình, và không trân trọng bạn cũng như tình yêu hôn nhân. Nếu thầy ấy vẫn đang đi tìm ý Chúa để xem mình có ơn gọi nào, thì bạn cũng cho thầy ấy thời gian cầu nguyện và tìm hiểu. Thế nhưng, nếu bạn và thầy ấy đã quen nhau 13 năm, là thời gian khá dài để có thể nhận biết được ý Chúa rồi bạn ạ, nên bạn cùng thầy ấy cần quyết định với nhau. Thực thế, bạn là phận gái, không thể chờ đợi một thời gian dài được. Còn nếu bạn yêu thầy đó thực sự, và dám hy sinh sống độc thân và phục vụ Chúa cách nào đó, cầu nguyện cho người mình yêu, thì đó cũng là ơn gọi của bạn vậy. Trường hợp này vẫn xảy ra, nhưng hiếm, cũng như người tu sĩ yêu một người nào đó, nhưng vẫn hy sinh và cầu nguyện cho người mình yêu, vẫn chọn lựa sống đời sống tu trì thánh thiện và phục vụ Chúa trọn vẹn. Tình yêu mà hai người dành cho nhau như thế này cũng thật cao thượng (vì họ đang hướng tới tình yêu Agape).

Kế tiếp, khi thầy ấy nói rằng bạn hãy trở thành người tri kỷ, rồi thầy ấy vẫn ở bên bạn, chăm sóc bạn… là thế nào? Thế nào là tri kỷ và thế nào là chăm sóc, lo lắng cho nhau? Tôi vẫn chưa rõ ý của bạn. Vì trong cuộc sống, có nhiều mối tương quan: tương quan bè bạn, tương quan tình yêu nam nữ, tương quan mục tử và đàn chiên, tương quan thầy trò… Nếu thầy ấy quyết định cùng bạn sống tương quan bạn hữu (chứ không phải tương quan nam nữ nữa), là nâng đỡ nhau, giúp nhau trong những khi khó khăn…thì rất tốt.

Còn nếu bạn muốn cùng thầy ấy có tình yêu nam nữ để đưa đến hôn nhân, mà hiện giờ thầy ấy quyết định chọn con đường tu trì (dĩ nhiên là không phải vì gia đình dòng họ mà đi tu, hoặc đi tu không phải là một nghề nghiệp, nhưng mà là ƠN GỌI và cách sống khác với các bậc khác), thì bạn hãy cùng thầy ấy ngồi lại và nói chuyện trong sự bình tĩnh, dịu dàng và nghiêm túc. Bạn hãy tin vào quyền năng và sức mạnh của Chúa nâng đỡ hai bạn. Hai bạn cùng nhau hãy bám vào Chúa, vì Chúa vẫn muốn tốt nhất cho hai bạn theo con người cá nhân đặc thù.

Sau cùng, bạn đừng suy nghĩ nhiều sẽ hại sức khỏe thể lý và tinh thần. Nếu được, bạn hãy tìm đến một vị linh mục nào đó mà bạn muốn để đồng hành và hướng dẫn thêm cho bạn. Bạn đừng dựa vào sức lực riêng của bạn, có nghĩa là tự mình cứ loay hoay suy nghĩ hay tìm đến sức mạnh con người, trái lại bạn hãy xin sức mạnh Chúa giúp sức và nâng đỡ bạn. Nhựng lúc bạn nhớ nhung, đau buồn hay giận dữ, bạn cứ lặng lẽ đến ngồi với Chúa Giêsu Thánh Thể. Bạn sẽ tìm được nguồn an ủi và chữa lành nơi Ngài.

Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria trợ giúp hai bạn.

Lm Khất Tuệ

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------