HOMILIES

THẦN THÁNH HÓA GIỚI TU HÀNH

Bàn về những khía cạnh dẫn đến trình trạng thiếu trưởng thành tâm linh mà không nêu lên hiện tượng thần thánh hóa giới tu hành là một thiếu sót. Chúng ta không biết nguyên nhân của hiện tượng này từ đâu và do ai, phía tu hành hay phía giáo dân, nhưng hiện tượng ấy là một điều mà tất cả những ai có một tầm nhìn trưởng thành về Giáo Hội, và về đời sống tâm linh đều nhận thấy. Tuy nhiên, đây lại là một đề tài hết sức nhậy cảm, và đã từng gây ra nhiều tranh cãi, đôi khi gay gắt giữa hai phái hủng hộ và cải cách. Một bên muốn giữ lại tất cả những gì là nề nếp, là tập tục, và cảm tình qúy mến sẵn có dành cho giới tu hành, một bên muốn đặt lại cái nhìn và lề thói cư xử để đem lại sự quân bình trong nếp sống tâm linh của chính mình cũng như của Giáo Hội. 
  Trường hợp 1: Tôi quen biết một người rất có lòng sùng mộ các vị chân tu. Bà rất mực đạo hạnh và kính trọng các linh mục, tu sỹ nam nữ. Sự kính trọng được coi là hơi quá mức và lắm lúc mù quáng. Một lần bà nhờ tôi dàn xếp để được gặp và xưng tội với một giám mục. Bà đã được toại nguyện, và bà đã tỏ ra hết sức sung sướng, đến độ bà cho rằng nếu bà có chết đêm hôm đó, bà cũng sẵn sàng, vì theo bà được xưng tội với một giám mục là một ước mơ quá lớn lao và hầu như không thể trở thành hiện thực đối với bà.

Trong đời sống bình thường, bà dành dụm, nhịn ăn, nhịn tiêu để rồi hầu như tất cả số tiền già của bà mỗi tháng đều được chia đều cho các hội bảo trợ ơn thiên triệu, hoặc xin lễ các dòng này, dòng khác. Bà không để bất cứ một ai động chạm đến các vị tu hành mà bà vẫn thường gọi là “các đấng”.

Trường hợp 2:
Một vị linh mục trước khi qua đời đã cho hội họp tất cả các con, cháu thiêng liêng, những người mà vị linh mục đó đã giúp đỡ cách này, cách khác trong đời sống tâm linh để trăn trối. Một trong những điều được vị linh mục này nhắn nhủ các nghĩa tử của mình là không được bao giờ đụng chạm đến bất cứ một linh mục nào, bất cứ cách nào, nhưng phải tôn trọng tuyệt đối. Không được tố cáo, và đưa các vị ra trước tòa án với bất cứ hình thức nào. Tóm lại, linh mục là người bất khả xâm phạm.

Trường hợp 3:
Một hôm, trong một cuộc họp mặt gia đình, người em dâu tôi hỏi:
- Anh có biết ông cha Đ.... ở tiểu bang Mississippi không?
- Nhiều linh mục Việt Nam ở Hoa Kỳ làm sao anh biết hết nổi. Nói rồi tôi hỏi lại cô em:
- Có gì đặc biệt nơi vị linh mục ấy khiến em muốn hỏi anh không?
- Có chứ! Rồi cô tiếp tục kể: Hồi năm ngoái tụi em về thăm bố mẹ em ở Mississippi, vợ chồng em cãi nhau thiếu điều muốn đánh lộn vì một ông cha. Anh ấy bảo là anh ấy thấy ông cha chửi thề và đánh bạc, còn em thì em nói là không bao giờ có chuyện ấy, hoặc anh ấy nhìn nhầm người. Nhưng anh ấy thì nói rõ là buổi tối hôm thứ Bẩy anh và mấy người bạn ghé sòng bài, gặp ông cha ấy đang ngồi đánh bài. Ông ta đánh rất hăng và khi được cũng như khi thua thì ông ta chửi thề và văng tục hơn cả những người chung quanh. Sáng Chúa Nhật hôm sau, lúc làm lễ và anh ấy nhìn kỹ mới rõ là ông là người mà anh gặp trong sòng bài tối thứ Bẩy.

KÍNH TRỌNG VÀ THẦN THÁNH HÓA

Ba trường hợp vừa nêu trên chỉ là những thí dụ điển hình mà nhiều Kitô hữu đã thường nghe và chứng kiến. Không những chỉ người Kitô hữu, mà ngay cả nhiều vị chân tu cũng đã xác nhận. Một vị linh mục cao niên và đã từng kinh nghiệm nhiều với các sinh hoạt mục vụ, đã có lần tâm sự và cho biết. Vị này nói: “Tôi là một linh mục, nhưng nếu tôi nói rõ hết những bê bối của nhiều vị, tôi sợ rằng nhiều người sẽ bỏ đạo!”

Tuy vậy, đối với phần đông tín hữu Việt Nam các linh mục vẫn là nhất: Thông thái nhất. Giỏi giang nhất. Đạo đức nhất. Thánh thiện nhất. Nhất đến độ không ai có quyền nhận xét, và phê bình. Cuồng tín hơn nữa là tư tưởng cho rằng tất cả những gì đụng chạm đến các linh mục, dù là những nhận xét và đóng góp tích cực, đều được coi là một sự xúc phạm. Và vì xúc phạm đến “cha” cũng có nghĩa là xúc phạm đến “Chúa”: “Chống cha là chống Chúa!”.

Một điều xem như nghịch lý là cũng thuộc thành phần tu trì, nói đến “cha” thì ai cũng bênh vực, nhưng nếu có ai phê bình mấy tu sỹ nam nữ không thuộc thành phần linh mục thì coi như chuyện bình thường và có thể chấp nhận. Quan niệm bình dân là vì hơn nhau cái “chức thánh”.

- Kính trọng:

Kính trọng là hành động của con người hiểu biết trong tương quan xã hội, và đạo đức xã hội. Đặc biệt, trong một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Giáo. Những câu như: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Như “Quân, sự, phụ”. Hoặc như “Một chữ cũng là thầy. Nửa chữ cũng là thầy”. Tất cả đã nói lên sự kính trọng được dành cho những người có chức tước, bằng cấp, và địa vị trong xã hội. Và điều này được mặc nhiên công nhận. Những câu xưng hô như cụ tú, cụ cử, cụ nghè luôn luôn được nói lên với tâm tình mộ mến, và với lòng kính trọng.

Điều này dễ hiểu, vì trong hoàn cảnh xã hội của Việt Nam trước đây, cơ hội được tiếp thu với chữ nghĩa, với học hỏi chỉ dành cho một số ít may mắn. Nguyễn Du còn coi đây như một cơ duyên trời định, mà theo một nghĩa nào đó, như tiền định được dành cho một thiểu số ít ỏiù: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Những người có chút kiến thức, khoa bảng, vì thế, lại càng được nổi bật hơn nữa trong xã hội Việt Nam.

Riêng đối với những Kitô hữu, khi nhìn các linh mục, những vị chân tu thì ngoài những điều được nhắc đến về kiến thức, hiểu biết, lại còn một điểm coi như rất mực quan trọng, đó là “chức thánh”. Thật vậy, tuy không hiểu chức thánh là gì, hoặc tuy không thấu đáo về chức thánh, nhưng hễ nói đến những ai có chức thánh thì phần đông Kitô hữu Việt Nam liền đồng hóa họ với đạo đức, với thánh thiện. Một linh mục kia đã có lần nói rằng người giáo dân đã phong thánh cho các linh mục liền ngay sau khi họ được phong chức.

Một con người có thể coi như thần thánh. Một con người được nhìn với cái nhãn hiệu thông thái, hiểu biết, và quyền uy như thế, nếu có được thần thánh hóa cũng là điều dễ hiểu trong cái nhìn của nhiều Kitô hữu Việt Nam. Nhưng chính vì thần thánh hóa như vậy, nên mới nẩy sinh lối sống, và sự tương quan lệch lạc giữa các linh mục với giáo dân, và giáo dân với thành phần có chức thánh.

- Thần thánh hóa:

“Cha nói là Chúa nói”.
“Cha bảo vậy”.
“Cha là đại diện của Chúa. Cha bảo sao thì phải nghe như vậy.”

Những câu nói tương tự như trên hầu như những Kitô hữu nào trên 50 tuổi, cái tuổi phần lớn chịu ảnh hưởng bởi nền giáo dục tôn giáo mang nhiều ảnh hưởng “thần thánh hóa” các vị tu hành. Ở vào thời điểm này, phần đông Kitô hữu không tìm đâu ra hình ảnh trung thực của một vị linh mục, hơn là vị đó chính là đại diện của Đức Chúa Trời. Mà vì là đại diện Chúa, nên quyền uy cũng ngang ngửa như Đức Chúa Trời. Không ai được nói đụng tới. Không ai được phê bình. Và không ai được góp ý kiến. Bởi vì cha biết tất cả. Cha luôn luôn đúng. Và hơn thế, cha thay mặt Chúa.

Trong một dịp dùng cơm tại tư gia Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, họa sỹ và điêu khắc gia Văn Nhân đã kể một câu truyện khiến mọi người cùng nghe vui vẻ nhưng nghĩ lại mang rất nhiều ý nghĩa:

Đó là, khoảng thập niên 40, tại làng An Nghĩa thuộc tỉnh Bùi Chu có một ông trùm có máu cờ bạc. Thời đó cha Bảng làm chính xứ. Cha rất ghét cờ bạc, nên một hôm được báo cho biết là ông trùm đang tổ chức xóc đĩa tại nhà. Cha xứ liền gọi một ít thanh niên trong làng đến tận nơi. Không may cho ông trùm bị cha bắt tại trận. Và thế là cha ra lệnh nọc ông trùm ra đánh tới tấp khiến ông trùm phần xấu hổ với con cháu, phần đau quá không chịu nổi đã kêu lên:

- Nếu cha cứ tiếp tục đánh như vậy, tôi sẽ bỏ đạo.
- Gớm nhỉ! Thế thì ông trùm đành đánh mất linh hồn à! Vậy cụ đánh để rút linh hồn ông trùm ra trước nhá.

Vừa nói, cha xứ vừa tiếp tục quất liên hồi. Đau quá, ông trùm lại nói:
- Xin cha tha cho con. Con xin ăn năn chừa cải.
- Được! Để cụ đánh để nhét linh hồn ông trùm vào đã.
...

Không biết là ông trùm làng An Nghĩa có bỏ đánh bạc, có ăn năn chừa cải, và cha xứ có nhét được linh hồn vào cho ông trùm không, nhưng đó là một câu truyện cho thấy cái hậu quả của sự thần thánh hóa các linh mục thời bấy giờ.

Ngày nay, ngược lại, hình ảnh của các vị tu hành đã bị xóa nhòa nhiều, không phải vì giáo dân đã mất đi sự kính trọng, nhưng là đã bớt dần cái nhìn thần thánh hóa được dành cho thành phần tu hành. Giáo Hội Hoa Kỳ đã phải chi ra hơn 2 tỷ Mỹ Kim để bồi thường những thiệt hại do một số giám mục, linh mục trong vụ án lạm dụng tình dục. Hồng Y Bernard Law đã mất chức Tổng Giám Mục Boston vì bao che cho những vụ lạm dụng tình dục của các linh mục thuộc quyền ngài. Gần đây Giáo Phận San Diego là giáo phận thứ 5 trên toàn quốc Hoa Kỳ đã phải khai phá sản hòng tránh những vụ kiện cũng liên quan đến những vụ lạm dụng tình dục của các giáo sỹ trong địa phận. Riêng Giáo Phận Orange nơi có đông tín hữu Việt Nam cũng đã phải chi ra 100 triệu để bồi thường những xúc phạm về tình dục của hàng giáo sỹ. Nhưng rồi ngày 6 tháng 9 năm 2007, tòa án lại ra lệnh Giám Mục Tod Brown và Giám Mục Hồi Hưu Norman McFarland ra trả lời tiếp về những cáo buộc cũng liên quan đến những vụ xâm phạm tình dục của các giáo sỹ trong giáo phận.

Ngoài ra, hình ảnh của những linh mục, giám mục làm tay sai cho Cộng Sản Ba Lan trước đây cũng đã được bạch hóa, đã cho thấy rằng quan niệm thần thánh hóa giới tu hành là một quan niệm và lối sống đạo không trưởng thành. Và điều này cũng nói lên rằng không phải lúc nào “cha” cũng luôn luôn đúng. Và không phải hễ đã là “cha” thì được miễn trừ tất cả, và nhất là không ai được phép động tới.

CHỨC THÁNH VÀ CON NGƯỜI

Không ai phủ nhận thiên chức linh mục, và cũng không ai thắc mắc gì về sự cao cả của thiên chức này. Nhưng điều thường gây ra những ngộ nhận và rắc rối là sự hiểu biết lẫn lộn về sự cách biệt giữa chức thánh và con người mang chức thánh.

- Chức thánh:
Qua ánh sáng đức tin, và do lòng thành kính đối với Chúa và Giáo Hội, phần đông các tín hữu đều tin tưởng rằng, chức thánh là do Chúa và đến từ Chúa. Người Kitô hữu Việt Nam có lẽ ít ai thắc mắc hoặc muốn vặn hỏi về ý nghĩa thần học hoặc tu đức của chức thánh. Ngược lại, ai cũng đều tin tưởng một cách chân thành rằng chức thánh là do Chúa, và sự tuyển chọn đến từ Ngài.

Trong thời kỳ Cựu Ước, thành phần tư tế thuộc dòng họ Aaron. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã thiết lập hàng ngũ tư tế mới. Ngài đã tuyển chọn 12 Tông Đồ, và qua các ngài, quyền năng của chức thánh được trao ban cho các Giám Mục, và từ các Giám Mục đến các giáo sỹ và phó tế. Phần đông Kitô hữu cũng tin những gì Chúa Giêsu đã phán với các Tông Đồ về ơn gọi và thánh chức của các vị: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm. Nhưng thầy đã gọi các con là bạn hữu, vì thầy đã tỏ cho các con mọi việc thầy đã nghe nơi Cha Thầy. Chẳng phải các con chọn thầy, nhưng thầy đã chọn các con, và sai các con đi để mang lại nhiều hoa trái, và để những hoa trái ấy được tồn tại” (Jn 15:15-16).

Chức thánh của Tân Ước mang rõ 3 nhiệm vụ:
- Rao giảng và làm chứng nhân cho Tin Mừng:
 “Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Lc 16:15).

- Cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể
 như lệnh truyền mà Chúa Giêsu đã truyền dậy các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22:19). Thánh Phaolô Tông Đồ còn viết rõ về vai trò tư tế như sau: “Vì chưng mọi thượng tế được chọn giữa loài người để lo việc Thiên Chúa thay cho con người, tiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Ngài có thể chạnh lòng thương những kẻ u mê lầm lạc, vì chính ngài cũng lâm phải yếu đuối tứ bề. Và vì yếu đuối, thì cũng phải như dân, ngài phải dâng lễ đền tội cho mình. Và không ai được tự chọn cho mình vinh dư ấy, nhưng phải được Thiên Chúa tuyển chọn như Ngài đã chọn Aaron” (Hb 5:1-4).

Tóm lại, những đặc quyền đi liền với thánh chức là: Rảo giảng và làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ. Ban các bí tích. Và nhất là cử hành bí tích Thánh Thể, để nuôi dưỡng và củng cố đời sống tâm linh của các tín hữu cũng như của chính mình trên hành trình đức tin trần thế. Thiếu sót, hoặc lơ là trong những việc làm ấy, linh mục hay giám mục đã bị coi như không làm trọn bổn phận và sứ mạng được giao phó.

Thật vậy, khi tuyển chọn các Tông Đồ, Chúa Giêsu không đòi hỏi các ông phải có học lực và thông thái. Nhiều linh mục ngày nay tuy có những bằng cấp chuyên môn về thần học, triết học, tu đức, thánh kinh, giáo luật, hay giáo hội và các bằng cấp chuyên môn khác vẫn không thay thế được 3 chức năng trên. Tất cả cũng chỉ để bổ khuyết và làm cho ơn gọi, sứ mạng của mình thêm phong phú hơn mà thôi. Trên thực tế, nhất là ngày nay, ít người hỏi và muốn biết xem các linh mục có những bằng cấp gì. Nhưng điều mà người tín hữu muốn thấy nơi các linh mục, các giáo sỹ là qua lời nói, việc làm, và đời sống, họ có tìm gặp Đức Kitô không, như lời Đức Gioan Phaolô II: “Ngày nay, nhân loại không cần những thầy dậy, mà cần những chứng nhân”.

Bằng một cái nhìn có tính cách xã hội, tổ chức và cấu trúc của Giáo Hội với hàng tu sỹ, giáo sỹ, giám mục, hồng y, hay giáo hoàng, tất cả những cái đó chỉ là hình thức, và nó phù hợp cho đời sống Giáo Hội cơ chế. Bởi vì Giáo Hội, ngoài phần thiêng liêng, vẫn phải tồn tại với thế giới hiện tại.

Trong ngày Chung Thẩm, tất cả những kẻ bị phạt hay được thưởng đều được hỏi chỉ có một câu hỏi, và có cùng một câu trả lời như nhau: “Ta đói các ngưoi đã cho ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống. Ta mình trần các ngươi đã cho áo mặc. Ta đau ốm các ngươi đã thăm viếng. Ta tù tội các ngươi đã thăm viếng an ủi” (x. Mt 25:31-46). Tuyệt nhiên không thấy Chúa đề cập đến vai trò giáo hoàng, hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sỹ nam nữ, hay giáo dân. Bởi vì, dưới con mắt Chúa, tất cả mọi người đều là anh em. Và cũng chính vì thế, Chúa dậy mọi người khi cầu nguyện phải thưa với ngài: “Lậy Cha chúng con ở trên trời” (Mt 6:9).

- Con người lãnh nhận thánh chức:

Nhưng có lẽ vì nghĩ rằng mình xứng đáng, hoặc ngộ nhận về vai trò ơn gọi của mình nên đã có nhiều linh mục, kể cả giám mục đã lạm dụng thánh chức với những mục đích riêng tư của mình. Trong lịch sử Giáo Hội thời Trung Cổ đã cho thấy rất nhiều những thiếu sót này kể cả một số giáo hoàng, hồng y, và giám mục.

Điều này dễ hiểu, vì khi được tôn trọng và yêu kính quá, thường người ta dễ sinh tự mãn và tự tôn. Thánh Tiến Sỹ Têrêsa d’Avilla đã nói về điều mà nhiều người vẫn không muốn nghe về thành phần chức thánh, đó là: “Nền hỏa ngục được xây bằng sọ các linh mục”. Phải chăng đây cũng là lý do tại sao Thánh Têrêsa đã cải tổ dòng kín Camêlô với chủ đích chuyên lo cầu nguyện cho các linh mục.

Thật ra, không phải Thiên Chúa ngặt nghèo với thành phần giáo sỹ, những người mang chức thánh, vì chẳng có ai tự cho mình xứng đáng với chức thánh. Hơn nữa, sẽ chẳng ai dám chấp nhận làm chứng nhân cho Ngài. Nhưng vì sự thánh thiện và sự cao trọng của thánh chức đòi hỏi những ai được mời gọi phải hết sức thận trọng, và không được lơ là, buông túng. Bởi lẽ mọi hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ của họ đều mang sắc thái đặc biệt, là làm chứng nhân và đại diện cho Thiên Chúa. Vì vậy, nếu có ai trong họ coi thường, thì không phải chỉ coi thường chính họ, coi thường niềm tin mà cộng đoàn dân Chúa có đối với họ, mà là coi thường chính Thiên Chúa. Do đó, hình phạt của họ cũng trở nên rất nặng nề. Câu truyện về Thánh Phanxicô d’Assi đã cho thấy cái mỏng dòn, và cái thánh thiện rất dễ lẫn lộn và khó lòng phân biệt.

Thánh Phanxicô suốt đời chỉ dám nhận chức Phó Tế. Bởi vì đã có lần trong lúc chuẩn bị lãnh chức linh mục, một thiên thần Chúa đã hiện ra với thánh nhân đưa ra trước mặt thánh nhân một ly nước trong vắt, và tinh sạch. Thiên thần bảo ngài nếu thấy mình trong sạch, tinh tấn như vậy thì hãy bước lên. Vì ý thức được điều Chúa muốn, nên Phanxicô đã không bao giờ dám lãnh chức linh mục.

Tóm lại, chức thánh không bảo đảm cho người lãnh nhận nó. Nó càng không phải là cái bùa hộ mệnh cho những giới chức nào lạm dụng để được người đời sùng mộ và trọng kính. Dân Chúa có thể tôn trọng và dành sự kính trọng đặc biệt đối với những ai mang chức thánh, nhưng thần thánh hóa họ, và lẫn lộn họ với Chúa là điều không phù hợp với đức tin và đời sống trưởng thành của một Kitô hữu. Người lãnh nhận chức thánh chưa hẳn là người thánh. Và sự tôn trọng người có thánh chức không có nghĩa là thần thánh họ, và đồng hóa họ với thánh thiện.

NGỘ NHẬN GIỮA CHA VÀ CHÚA
Vì sự tôn kính với sắc thái đặc biệt như vừa trình bày ở trên, nên hậu quả đưa đến là, nhiều Kitô hữu vẫn lận lộn, hoặc không dám thẳng thắn phân biệt giữa những vị có chức thánh và Thiên Chúa. Sự ngộ nhận này đồng hóa không những người có chức thánh với sự thánh thiện, mà hơn thế nữa, với chính Thiên Chúa. Câu nói: “Chống cha, chống Chúa” được hiểu theo cái nhìn và tư tưởng đồng hóa này.

- Cha nói là Chúa nói:

Trở lại những dẫn chứng điển hình vừa được nêu lên ở trên, tư tưởng đồng hóa người lãnh nhận chức thánh với chính sự thánh thiện, và hơn nữa, với chính Thiên Chúa đã đem lại những hậu quả tai hại, là hễ những gì các giáo sỹ, tu sỹ nói đều là đúng và là do Chúa nói. Nhưng thực tế lại không phải vậy.

Trường hợp 1:
 Trong một buổi hồi tâm, cấm phòng, một linh mục đã khẳng định và nhắc đi nhắc lại rằng, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã lập 3 Bí Tích: Bí Tích Thánh Hôn, Bí Tích Thánh Chức và Bí Tích Thánh Thể. Mọi người đều hết sức bỡ ngỡ, vì từ bé đã được học hỏi rằng, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Truyền Chức . Chưa hề bao giờ truyền thống Giáo Hội có thêm một Bí Tích trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mà Bí Tích ấy lại liên quan trực tiếp đến đời sống hôn nhân gia đình, đó là Bí Tích Thánh Hôn.

Nhưng linh mục ấy vẫn duy trì sự hiểu biết của mình bằng cách dẫn chứng vụng về là trong Bí Tích Hôn Phối tình yêu của đôi trai gái, của đôi vợ chồng trao nhau làm nên giá trị và nền tảng đời sống hôn nhân. Và theo ông, tình yêu hôn nhân chính là phản ảnh của tình yêu Thánh Thể, và Bí Tích Truyền Chức.

Người viết đã có lần hỏi một Giám Mục về quan điểm thần học mới mẻ ấy, thì vị Giám Mục chỉ cười mà không nói thêm gì.

Trường hợp 2:
Trong một ngày tĩnh tâm khác, cũng chính vị linh mục giảng thuyết trên đã khẳng định rằng ông sẽ không cho bất cứ một người nào được phép ngừa thai. Bởi vì, theo ông, cho phép ngừa thai như vậy là làm giảm giá trị đời sống tu hành. Mọi người trong hội trường nín thở, và không hiểu vị giảng thuyết muốn nói gì. Nhưng ông đã giải thích như sau:

Khi được một bà 60 tuổi hỏi mình có được phép ngừa thai không, ông đã trả lời là không. Theo ông, nếu cho một người ngừa thai, thì phải cho tất cả mọi người ngừa thai. Vì đã cho một người thì phải cho tất cả. Và ông tiếp tục lý luận, trong cái tất cả ấy có cả tôi, và những người khác trong thành phần tu hành. Như vậy, cho phép ngừa thai là làm nhục và làm giảm giá trị đời sống tu trì.


Trường hợp 3:
 Một linh mục trẻ rất thích nói, viết, và trình bày về sinh lý, về hành động vợ chồng. Những bài nói truyện, những trưng dẫn của linh mục trẻ này đã đi đến sống sượng, và nôm na hơn cả những câu truyện phòng the được các tác giả khác trình bày ở những sách báo khỏa thân hoặc khiêu dâm. Một vài giáo dân có uy tín và hiểu biết đã kín đáo viết thư góp ý, và đã nhận được những lời lẽ đáp trả, đại khái:

Các anh là những người có con mắt phàm tục, tội lỗi nên nhìn gì cũng phàm tục và tội lỗi. Tôi là người không có con mắt ấy, nên sinh lý, và những hành động trai gái, vợ chồng tôi nhìn thấy toàn sự thánh thiện.

Trường hợp 4:
Một linh mục dòng Tên, nổi tiếng về chương trình hướng dẫn và thăng tiến đời sống gia đình, ông đã trình bày về sinh lý trong một tác phẩm mà ông cho là đắc ý. Trong một đoạn viết về sinh lý, ông đã ví người thiếu nữ khi khỏa thân trước mặt chồng, nàng đẹp như “Đức Trinh Nữ”. Sự xúc phạm này đã được nhiều giáo sỹ, và anh chị em giáo dân góp ý, nhưng độc giả vẫn thấy các tác phẩm này được bày bán cùng với tác phẩm sau khi được hiệu đính sau đó. .

Không biết các nhà luân lý, thần học, giáo luật, và tu đức nghĩ gì về những thí dụ trên. Nhưng nếu nói linh mục nói là Chúa nói, thì phải hiểu là cả bốn trường hợp trên, Chúa đều nói và viết tầm bậy.

Hoặc như truờng hợp của linh mục Bảng nói đánh mà rút được linh hồn người khác, và đánh mà nhét linh hồn người khác vào được cũng phải hiểu là Chúa nói dóc. Chúa “nổ”. Hay như trường hợp linh mục đến sòng bài, đánh bài và chửi thề rồi đổ thừa cho Chúa cũng bài bạc, chửi thề là một xúc phạm quá lớn lao đến Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài.

Tóm lại, linh mục, hoặc người có chức thánh có thể nói những điều tốt lành về luân lý, đạo đức, và người Kitô hữu cần phải cung kính, lắng nghe để ứng dụng vào đời sống tâm linh của mình. Ngoài ra, sự hiểu biết giới hạn của một người, đòi chúng ta phải suy nghĩ và cân nhắc về những gì các vị ấy nói, biết, và viết. Bởi vì các vị cũng chỉ là con người.

Chống cha là chống Chúa
:
Như vậy, không đồng ý với các linh mục trên, hoặc nói một cách nôm na là bất đồng, không chấp nhận những nhận xét và ý kiến ấy có thể gọi là chống Chúa không? Ai dám tự nhận mình là Chúa trong những trường hợp như thế. Đến như gọi nhau là “cha”, mà Chúa Giêsu còn không bằng lòng nữa, hống hồ đồng hóa các linh mục với “Chúa”. Chúa Giêsu đã nói: “Các con đừng gọi ai là cha ở dưới đất, vì các con chỉ có một cha ở trên trời. Cũng đừng gọi ai là thầy, vì chỉ có một thầy là Đức Kitô” (Mt 23:9).

Cũng vì sợ có sự lầm lẫn ấy, Thánh Phaolô Tông Đồ và Thánh Barnaba Tông Đồ đã phải kêu lên khi người ta tưởng mình là thần minh. Tông Đồ Công Vụ đã nói về trường hợp này khi hai vị đang ở Lystra như sau:

“Lúc ở Lystra, có một người què từ lúc mới sinh; anh ta phải đi bằng nạng và suốt đời không tự mình bước đi được. Vào một hôm anh ta ngồi nghe Phaolô giảng, và Phaolô đã nhìn thấy lòng tin nơi anh để được chữa lành. Ngài gọi anh lớn tiếng “Hãy đứng dậy bằng đôi chân của anh!”. Người què liền nhẩy lên và bắt đầu đi lại chung quanh. Khi đám đông nhìn thấy những gì Phaolô đã làm, họ kêu lớn tiếng bằng thổ âm Lycaonia, “Các thần minh đã đến với chúng ta qua hình dạng con người!” Họ gọi Barnaba là Zeus, và Phaolô là Hermes, vì ngài là phát ngôn viên. Ngay cả vị tư tế của đền thờ Zeus ngoài thành cũng mang bò và vòng hoa ra cổng thành vì ông muốn cùng với dân chúng dâng tiến lễ vật.

Khi các tông đồ Barnaba và Phaolô nghe vậy, họ liền xé áo mình ra và chạy đến giữa đám đông: “Anh em, tại sao anh em làm thế?” Các ngài la lớn: “Chúng tôi cũng là những con người như anh em. Chúng tôi đang mang đến cho anh em một tin vui mà sẽ chuyển đổi anh em khỏi những hành động huyền hoặc đó đối với Thiên Chúa hằng sống, Đấng tạo dựng đất trời, biển khơi và muôn loài trong đó” (Act 14:8-15).

Tóm lại, những gì được trình bày trên chỉ nhằm dẫn đến một kết luận là linh mục, hàng giáo sỹ, kể cả giám mục là những người được Chúa ban cho chức thánh cao cả. Các ngài được tuyển chọn giữa loài người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các ngài được miễn trừ khỏi những yếu đuối và khuyết điểm của thân phận con người. Do đó, việc thần thánh hóa các ngài là một điều không những không giúp gì cho đời sống trưởng thành của người Kitô hữu. Hơn thế nữa, hành động này còn làm cớ vấp ngã cho các vị tu hành, bởi vì, sẽ có một lúc nào đó, họ tưởng họ là Thượng Đế. Họ có quyền nói năng, hành động như Thượng Đế. Và vô tình hay hữu ý, họ đã đánh mất đi ý nghĩa, và sự cao cả của ơn gọi của mình.

Người Kitô hữu trưởng thành khi tiếp xúc với các giáo sỹ và linh mục:
Kính trọng nhưng không thần thánh hóa.
Yêu mến nhưng không bợ đỡ.
Hỗ trợ nhưng không chống đối.
Phê bình nhưng không chỉ trích.


Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

------------------------------------------------------

ĂN NĂN SÁM HỐI

Phúc Âm: Nếu các ông không ăn năn sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.

1. Phải biết ăn năn sám hối khi còn có cơ hội.

 - Đừng vội kết tội tha nhân: Truyền thống Do-thái có khuynh hướng đồng nhất đau khổ, bệnh tật, chết chóc với tội lỗi của cá nhân (x/c Sách Job, Jn 9:1). Trong trình thuật hôm nay, “có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilee bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.”

Đức Giêsu đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Galilee này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilee khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Như câu trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong John 9, Chúa Giêsu từ chối làm một sự nối liền giữa đau khổ và tội lỗi.

- Hãy học gương người đi trước: Điều Ngài muốn nhấn mạnh là con người phải biết rút ra bài học cho mình khi chứng kiến những gì xảy ra cho người khác. Trong hai ví dụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến nhu cầu con người phải ăn năn sám hối khi còn có cơ hội; nếu không họ cũng sẽ chết mà không được hưởng ơn cứu độ.

2. Thiên Chúa kiên nhẫn với con người

Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?”

- Con người phải sinh hoa trái cho Thiên Chúa bằng các việc lành: Ai cũng cho cây không sinh trái là cây vô dụng, con người không sinh ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân cũng là người vô dụng. Khi một người hay một vật đã trở nên vô dụng, họ sẽ bị lấy đi để dành cơ hội cho người khác. Khi những thứ vô dụng bị loại ra ngoài, chúng sẽ bị hủy hoại. Sự kiện người làm vườn kiên nhẫn cho cây vả 3 năm để sinh hoa kết trái cho thấy sự kiên nhẫn của ông. Thiên Chúa cũng thế, Ngài kiên nhẫn cho con người rất nhiều cơ hội để sửa mình và sinh hoa kết trái cho Ngài.

- Hãy biết năm lấy cơ hội như lần cuối cùng: Nhưng người làm vườn đáp lời ông chủ: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."

Con người phải khôn ngoan vì họ không biết khi nào là cơ hội cuối cùng. Đừng bao giờ giả định cơ hội sẽ đến mãi: Biết bao nhiêu người chúng ta nhìn thấy năm trước, năm nay không còn nhìn thấy họ nữa; điều này có thể xảy ra cho chúng ta; vì thế, hãy sống như đây là Mùa Chay cuối cùng của cuộc đời; và hãy biết lợi dụng cơ hội Chúa ban để trở về.

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

--------------------------------------------------------------

  Khuôn mt Ngài biến đổi 

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm
Khuôn mặt phản ánh đời sống nội tâm của con người.
Ai cũng muốn mình có khuôn mặt dễ mến. Người ta bỏ ra nhiều tiền để sửa sang lại khuôn mặt, vì họ muốn người khác đổi cái nhìn về họ.
Bài Tin Mừng hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt ngời sáng của Chúa Giêsu trên núi cao. Chỉ mình thánh Luca nói rõ chi tiết này: "Đang khi Ngài cầu nguyện, thì khuôn mặt Ngài biến đổi".
Gần đèn thì sáng.
Gặp gỡ Thiên Chúa làm biến đổi nội tâm con người, thậm chí làm biến đổi thân xác, biến đổi khuôn mặt, và cả những gì con người sử dụng cũng bừng toả: "y phục Ngài nên trắng ngời như chớp sáng".
Trong mùa Chay, chúng ta muốn biến đổi cuộc sống mình, chúng ta muốn mang bộ mặt mới. Chúng ta đã làm nhiều điều, trừ một điều quan trọng, đó là lên núi cao để gặp gỡ Thiên Chúa.
Núi cao ở ngay trong sâu thẳm lòng ta, nơi đây ta gặp gỡ Ngài, diện đối diện.
Mọi biến đổi nơi cá nhân cũng như tập thể, nơi gia đình, giáo xứ, dòng tu và cả Giáo Hội đều phải khởi đi từ việc tiếp xúc với Thiên Chúa.
Chúng ta dễ lãng quên việc gặp Chúa mỗi ngày, lấy cớ mình bận làm những việc của Chúa.
Thế giới hôm nay đói những người cầu nguyện, và thừa ứ những người lăng xăng... Ba môn đệ thân tín cũng đâu có cầu nguyện. Họ ngủ li bì.
Sau này ở núi Cây Dầu, họ cũng say ngủ. Thế nên họ chẳng biến đổi gì.
Dù họ chợt tỉnh và thấy khuôn mặt ngời sáng của Chúa, điều đó chỉ đem lại cho họ chút hưng phấn chóng qua, nhưng không cho họ sức để trung thành theo Chúa.
Họ mơ ước dựng lều ở ngọn núi thánh này, vì họ thích ngắm khuôn mặt rực sáng của Đức Giêsu. Nhưng họ không có can đảm ở lại Núi Sọ, để chiêm ngưỡng khuôn mặt đầy thương tích của Thầy.
"Các ngươi hãy nghe Ngài": một lời nhắc nhở hiếm hoi của Chúa Cha dành cho ta.
Bạn có nghe thấy lời nào của Đức Giêsu vang vọng nơi lòng bạn trong mùa Chay không?
Gợi Ý Chia Sẻ
Các môn đệ buồn ngủ khi cầu nguyện. Còn bạn, bạn gặp khó khăn nào khi cầu nguyện? Làm sao vượt qua được những khó khăn đó?
"Con người cầu nguyện có khả năng biến đổi thế giới": Bạn có tin điều đó không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

-----------------------------------------------------------------

SUY NIỆM LỜI CHÚA CN-2TN

MỜI CHÚA ĐẾN NHÀ

2_2013-01-20.jpg

Những ngày tháng cuối năm các đám cưới đua nhau tổ chức. Mùa cưới rộ lên làm cho mùa đông bớt vẻ ảm đạm tiêu điều. Đám cưới nào thường cũng vui. Trong đám cưới người ta chỉ nói chuyện vui. Nhưng niềm vui kéo dài được bao lâu? Những lời chúc trăm năm hạnh phúc có thật sự đem hạnh phúc đến cho đôi tân hôn và làm cho họ hạnh phúc suốt đời không? Nhìn vào thực trạng đời sống gia đình hôm nay, ta thấy có được hạnh phúc gia đình là một điều rất khó, hạnh phúc trăm năm thì lại càng khó lắm.

Đám cưới Cana hôm nay cũng suýt lâm vào cảnh bế tắc. Tiệc đang nửa chừng thì hết rượu. Hết rượu là một bất trắc không ngờ. Trong gia đình, những bất trắc có thể đưa đến bất đồng. Bất đồng dễ đưa tới bất hoà. Đã bất hoà thì đường đến bất hạnh không xa.

Đám cưới Cana thực khôn ngoan nên đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc. Việc Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc cưới nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã đến ở giữa loài người. Không những đến ở giữa loài người. Thiên Chúa còn trở nên một người bạn thân thiết của con người, đồng hành với con người, chia vui sẻ buồn với con người. Chưa bao giờ người ta thấy một Thiên Chúa gần gũi đến thế, thân tình đến thế. Với tình than, Thiên Chúa đã đến chia vui với gia đình trong dịp đại hỷ. Và việc Thiên Chúa đến nhà đã cứu gia đình mới khỏi cảnh bất hạnh ngay trong ngày đầu tiên chung sống.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mời Chúa đến nhà. Sự hiện diện của Chúa giúp ta vượt qua được những bất trắc trong đời sống gia đình. Những bất trắc thì nhan nhản trong đời sống hằng ngày.

Việc thiếu rượu của gia đình Cana nói lên những thiếu thốn của gia đình chúng ta. Có những thiếu thốn về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn tiền cho con đi học, thiếu thốn thuốc men khi bệnh tật. Có những thiếu thốn về tinh thần: thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau, thiếu khuyên bảo dạy dỗ con cháu, thiếu kính trọng trong đối xử, thiếu tế nhị trong lời nói. Nhưng trầm trọng nhất là những thiếu thốn về đời sống đạo đức: thiếu đức tin, thiếu lòng đạo đức sốt sắng, thiếu công bằng bác ái, thiếu trách nhiệm duy trì đời sống đức tin trong gia đình.

Đời sống gia đình lúc đầu rất vui, nhưng sau đó, nếu không khéo gìn giữ sẽ trở nên nhạt nhẽo như nước lã. Nhạt nhẽo vì tình nghĩa phai dần. Nhạt nhẽo vì những bổn phận nặng nề, nhàm chán. Nhạt nhẽo vì những khuyết điểm không tránh được của mọi người.

Những thiếu thốn và những nhạt nhẽo ấy hầu như vượt ngoài khả năng giải quyết của ta, nên ai cũng muốn mời Chúa đến nhà để Chúa cứu gia đình khỏi sự tan vỡ, sụp đổ.

Thế nhưng mời Chúa đến không phải là tổ chức làm phép nhà cho long trọng, ăn tân gia cho linh đình. Mời Chúa đến không phải chỉ là làm bàn thờ cho đẹp, treo thật nhiều ảnh tượng. Muốn mời Chúa đến, việc đầu tiên cần thiết là phải làm theo ý Chúa. Như Đức Mẹ dạy các gia nhân: “Người bảo gì thì phải làm theo”. Nhờ làm theo lời Chúa mà gia đình Cana thoát khỏi cảnh xấu hổ, hạnh phúc gia đình được bền vững.

Gia đình muốn sống trong vui tươi, muốn giữ vững được hạnh phúc hãy làm theo Lời Chúa. Đọc Phúc Âm, học hỏi và đem ra thực hành. Để Lời Chúa hướng dẫn mọi lời ăn tiếng nói của mình. Để Lời Chúa soi sáng những suy nghĩ của mình. Để Lời Chúa điều khiển mọi việc làm của mình. Lộc Xuân mà chúng ta rút được trong ngày Tết phải là châm ngôn hướng dẫn toàn bộ đời sống gia đình trong suốt năm mới này.

Sống theo Lời Chúa, gia đình sẽ được Chúa dẫn dắt vượt qua những thiếu thốn. Sống với Chúa, hạnh phúc gia đình sẽ luôn nồng nàn tươi mới như chất rượu ngon. Sống trung thành kết hiệp với Chúa, gia đình sẽ được Chúa đưa vào dự bữa tiệc cưới trên trời, lúc đó chàng rể đích thật là Đức Kitô sẽ cho ta nếm thử rượu tuyệt ngon trên thiên đàng, đó là hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin đến với chúng con. Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con. Amen.


KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về những thiếu thốn?
2. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về sự nhạt nhẽo tình nghĩa?
3. Bạn đã có kinh nghiệm về việc thực hành Lời Chúa trong gia đình chưa?
4. Có bao giờ bạn cảm thấy gia đình bạn được Chúa cứu thoát khỏi hiểm nguy, thử thách, thất bại?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
------------------------------------
 
ÂN SỦNG (CN 2 QN.C) 
(Is 62, 1-5; 1Cor 12, 4-11; Ga 2, 1-12)

Tất cả là hồng ân. Hồng ân, ân sủng, đặc ân, đặc sủng, qùa tặng, tài năng, ân lộc, ân phúc, phúc lộc, thiên tài, an lạc và hạnh phúc đều là những món qùa được trao ban. Người ta thường nói: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Trải qua bao đời, cha ông của chúng ta đã nghiệm ra rằng con người không thể làm chủ toàn diện đời mình. Trước hết, mỗi người đón nhận hồng ân sự sống để được hiện hữu. Mỗi tạo vật lãnh nhận một kho tàng mầu nhiệm một cách nhưng không. Người hữu thần tin tưởng vào Thượng Đế, Đấng đã tạo dựng và quan phòng vạn vật muôn loài trong trật tự. Người vô thần cắt đứt nguồn gốc sáng tạo và chỉ chú tâm vào nỗ lực của con người hiện tại. Có người nghĩ rằng với khả năng và nỗ lực tu tâm và tu thân, con người có thể quyết định hoàn toàn số mệnh của mình. Là người trí tuệ, chúng ta nên mở rộng tâm trí để học hỏi và trau dồi kiến thức thêm. Quan sát sự sống muôn loài và vũ trụ vạn vật bao la, điều quan trọng là chúng ta hãy khiêm tốn chấp nhận thân phận yếu đuối, mỏng dòn và rất giới hạn của mình.

 


Phần phụng vụ lời Chúa của Chúa nhật thứ hai Thường Niên giúp chúng ta có một xác tín về ân sủng thiêng liêng. Thiên Chúa sáng tạo, dẫn dắt điều khiển sự vận hành của vũ trụ và sự sống của muôn loài. Con người là tạo vật cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo. Mỗi một con người được tựu thai là một tạo vật hoàn toàn mới và duy nhất. Mọi khả năng tiềm tàng về di truyền đã được in ghi trong từng tế bào của mỗi sự sống. Thượng Đế cho con người có ý chí, lý trí, ước muốn, tự do và khả năng để phát triển tới đỉnh cao. Con người có thể dùng khả năng và nỗ lực quyết tâm tu tâm và tu thân để trở nên con người hữu dụng và trọn hảo. Tiên tri Isaia đã diễn tả: Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Thiên Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay (Is 62, 3). Đấng Tạo Hóa trao ban cho mỗi loài có khả năng truyền sinh giống nòi theo cách thế riêng biệt. Sự sinh xôi nẩy nở và tăng triển thêm nhiều sẽ làm tăng vẻ huy hoàng của vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa đã chúc phúc cho mọi loài được tốt đẹp.

Chúng ta thử suy về nguồn sự sống trong con người cụ thể. Trước khi được hiện hữu, chúng ta chỉ là không. Đã có một khoảnh khắc mỗi người được bắt đầu hiện hữu. Mầu nhiệm sự sống khởi đầu từ sự kết hợp giữa mầm sống từ cha và mẹ. Ôi thật bé nhỏ và nhiệm mầu! Chỉ trong tế bào tí ti đó đã ẩn tàng mọi sự. Sự sống đó không chỉ bắt đầu từ cha và mẹ nhưng nó được nối dài từ thuở tạo dựng. Mầm sống đó được truyền sinh qua vô lượng kiếp. Sự sống phát sinh ra sự sống. Vậy sự sống trong chúng ta đã được truyền sinh qua sự sống của muôn thế hệ cha ông. Cha mẹ cộng tác với Tạo Hóa sáng tạo sự sống nơi mỗi con người một cách đặc thù và riêng biệt. Mỗi cá nhân đều có Deoxyribonucleic acid (DNA) khác nhau và dấu chỉ tay cũng khác biệt. Thật lạ lùng!


Người khôn ngoan và trí tuệ là đừng từ chối điều gì mà mình chưa được học hiểu. Vì càng tìm hiểu và học hỏi, chúng ta càng hiện hữu thêm. Chúng ta biết rằng cả kho tàng kiến thức của loài người góp lại cũng chẳng thấm vào đâu so với sự diễn tiến, hiện hữu và sinh tồn của vũ trụ. Nhiều người có trí khôn hiểu biết còn nông cạn, chưa thấu hiểu được lòng người và cũng chẳng thông suốt thế thái nhân tình, nhưng lại phán quyết nhiều điều vô căn cớ. Có người lại mạnh miệng lên tiếng phủ nhận sự hiện hữu của Đấng tác thành mọi sự. Khi không muốn qui phục, người ta chỉ việc đơn giản chối bỏ uy quyền của Thượng Đế và nói rằng mọi sự hiện hữu là tự nhiên mà có. Họ nghĩ rằng những người hữu thần tin vào thượng đế là thiếu trí tuệ và chưa giác ngộ. Đối với họ, thần thánh chỉ như là bánh vẽ hù dọa những người sơ khai và âu trĩ. Có lẽ chính họ còn đang ngồi trong bóng tối của vô minh.

 

Qua Kinh Thánh mạc khải và quan sát ngắm nhìn sự vạn vần trong vũ trụ, con người nhận ra nguyên nhân cội rễ của muôn loài. Đó chính là nguyên lý nhân qủa. Trông qủa thì biết cây. Ngày xưa, Thiên Chúa đã chọn một dân riêng để chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế. Người đã dùng mọi hình thức cụ thể để tỏ bày sự quan tâm chăm sóc, khế ước yêu thương ràng buộc và sự trung tín trong giao ước. Là Kitô hữu, chúng ta tin và tôn thờ một Thiên Chúa có ngôi vị và yêu thương.Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh đôi trai tài gái sắc để diễn tả tình yêu sống động của Đấng tác tạo: Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62, 5).  

Thánh Phaolô phân tích một cách khá rõ ràng về những đặc sủng mà mỗi người được lãnh nhận: Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí (1Cor 12, 4). Quan sát cuộc sống trong bất cứ một nhóm người, một hội, môt tổ chức hay một sinh hoạt chung nào cũng đều có con người có khả năng khác nhau. Mỗi người đều nhận lãnh khả năng để sinh lợi. Thần khí ban cho mỗi người một cách: Người nói tiên tri, kẻ giảng dạy, người được ơn chữa bệnh, kẻ làm phép lạ và người được ơn nói nhiều thứ tiếng…Như trong dụ ngôn về nén bạc, mỗi người đều nhận số vốn khác nhau: Có kẻ nhận 5 nén bạc, người 2 nén và người 1 nén tùy theo khả năng. Khả năng, thời gian và tài lực là nguồn vốn của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là mỗi người biết dùng tài năng ân sủng của mình để sinh hoa kết trái. Khả năng như hạt giống được trao, chúng ta phải biết gieo vãi, vun trồng và chăm sóc thì khả năng mới phát triển.

Mỗi cá nhân là một thế giới riêng tư nhưng không thể tách rời. Sống là sống chung, sống cùng và sống với người khác, sự liên đới hỗ tương giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung (1Cor 12, 7). Không ai nhận ân sủng cho riêng mình nhưng đều vì ích lợi chung. Cuộc sống rất đa dạng. Lịch sử loài người phát triển từng bước liên tục và nối dài. Tất cả thành qủa của chất xám tri thức đã đặt nền tảng phát minh trong mọi thời. Nhờ trí khôn, con người đã tìm ra được một số những nguyên nhân ẩn tàng trong thiên nhiên. Mỗi sự phát minh mới đều đặt nền tảng trên các định luật đã có trước. Sứ mệnh của con người là phục vụ lẫn nhau trong khả năng của mình. Con người có muôn trùng khả năng chuyên môn và công việc khác nhau để phục vụ công ích. Chúng ta tuy nhiều nhưng cùng tin vào một Thiên Chúa: Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa (1Cor 12, 5).

 

Chúa Giêsu đầy quyền năng trong ý tưởng, lời nói và việc làm. Chúa đã hiện hữu từ đời đời có uy quyền sáng tạo và biến đổi cả tinh thần lẫn vật chất. Tại tiệc cưới Cana qua lời khẩn nài của Mẹ Maria, Chúa Giêsu là làm phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu. Thánh Gioan đã viết: Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người (Ga 2, 11). Với sự cộng tác của con người, Chúa đã tỏ quyền năng và vinh quang của Ngài. Ngài không khoe khoang hô lớn nhưng chỉ hành động âm thầm qua những việc rất bình thường của gia nhân: Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng (Ga 2, 7). Chỉ có các gia nhân biết sự việc đã xảy ra cũng giống như các mục đồng nhận diện ra Chúa nơi máng cỏ Belem.
 

Chúng ta hãy đến cùng Đức Maria, Mẹ là đấng cầu bầu có thần thế trước tôn nhan Thiên Chúa. Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nghe lời của Thân Mẫu Chúa nói với các gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."(Ga 2, 5). Lạy Chúa, Chúa đã biến nước thành rượu ngon, xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con nên khí cụ bình an của Chúa.
 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.

-------------

CHÚA CHỊU PHÉP RỬA - GÁNH LẤY TỘI CON

images1_2013-01-12.jpeg

Con người sống là để yêu. Tình yêu là lẽ sống của con người. Là người ai cũng biết yêu, biết đón nhận tình yêu, biết thi thố tình yêu. Thế nên, Xuân Diệu đã từng nói rằng:

“Đố ai sống được mà không yêu,
Không nhớ không thương một kẻ nào”

Nhưng tình yêu cũng có trăm ngàn lối thể hiện. Và “con tim luôn có lý lẽ riêng”. Phải chăng khi yêu người ta thường mù quáng? Vâng, khi đã hành động vì yêu người ta không còn những toan tính thiệt hơn. Khi đã vì yêu người ta dám xả thân, bất chấp mọi hiểm nguy miễn sao thể hiện tình yêu. Tình yêu với gia đình, với tổ quốc, với đồng loại luôn làm cho con người nên cao thượng hơn. Vì những tình yêu này mà biết bao người đã can đảm hy sinh để phục vụ cho lợi ích tha nhân.

Có một nhà Truyền giáo, tình cờ thấy một người đàn ông đang chăm sóc một ngôi mộ cũ và trang điểm bằng những bông hoa đẹp. Nghĩ rằng mình có thể an ủi ông ta đôi lời, nên vị Truyền đạo bắt chuyện: “Người quá cố là thế nào với anh vậy?” Sau giây phút im lặng, người đàn ông tâm sự: “Người nằm nơi đây đã chết thế cho tôi. Khi cuộc nội chiến xảy ra, tên tôi có trong danh sách ra trận. Nhưng tôi đã có vợ và bốn đứa con, cả gia đình đều trông cậy vào tôi. Người thanh niên ở cạnh nhà đã tình nguyện đi lính thế cho tôi – điều nầy được cho phép trong luật nội chiến… Anh ta ra trận và đã hy sinh trong một trận đánh. Sau đó, cha anh mất, mẹ anh trở thành góa phụ, chúng tôi đưa bà về sống với gia đình tôi, và phụng dưỡng bà như là mẹ ruột của mình. Anh ta chết thay cho tôi, để tôi được sống.”

Có lẽ, người để lại dấu ấn nơi ta nhất chính là người dám hy sinh cho ta. Họ dám đánh đổi cả sự sống mình để cho chúng ta được sống hạnh phúc. Họ có thể là cha mẹ, là anh em, là bạn bè của chúng ta. Họ chính là ân nhân của chúng ta vì những sự hy sinh mà họ đã làm cho chúng ta. Có lẽ ta sẽ mang ơn họ suốt đời. Ta sẽ nguyện phục vụ họ suốt đời vì tất cả những điều tốt đẹp họ đã làm cho chúng ta.

Có một người đã đền tội thay cho chúng ta. Ngài đã chết để đền tội cho cả nhân loại. Ngài đã đi đến tận cùng của lời yêu thương là “chết cho người mình yêu”. Nhưng có mấy ai đã thề nguyện phục vụ Ngài suốt đời? Có mấy ai đã tự nguyện đền đáp ân tình Ngài?

Thực vậy, Chúa Giê-su tuy là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2, 6-8 ). Ngài đã tự nguyện gánh lên vai mình tội lỗi toàn dân. Ngài tự nguyện là Con Chiên chịu sát tế đền thay cho tội lỗi nhân gian.


images_2013-01-12.jpg

Hôm nay, Chúa đến dòng sông Giordan. Ngài hoà mình trong đám đông nhân loại tội lỗi. Ngài vô tội mà vẫn cúi mình nhận tội như bao tội nhân. Ngài khiêm cung nhận lấy tội lỗi nhân gian để một ngày kia Ngài sẽ đền thay cho tội cả loài người qua cái chết thập tự giá.
Xin cho chúng ta luôn biết nhận ra hồng ân làm con cái Chúa là nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su để hết lòng tạ ơn Chúa.

Xin cho chúng ta luôn nhận ra mình là tội nhân đã được chính Chúa Giê-su vẫn hiến tế mỗi ngày đền thay tội lỗi chúng ta để biết sống sám hối từng ngày.

Xin cho chúng ta cũng biết hiến tế chính cuộc đời mình làm của lễ đẹp lòng Chúa qua những hy sinh, những từ bỏ tội lỗi, những nỗ lực canh tân đời sống hằng ngày nên tốt hơn.
Xin Chúa là Đấng đã chết vì người tội lỗi xin thương cứu chuộc con người thấp hèn của chúng ta. Amen


Lm. Jos Tạ Duy Tuyền


Không có nhận xét nào:

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------