Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người ấy với yêu thương
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương cát,
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài những lúc thấy tôi vui.
Bảo rằng “Hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.”
Thuở đó nào tôi có hiểu gì,
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: “Mầu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biết suy.”
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường.
Từ đấy thu rồi thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ.
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
"Người ấy" cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng một người.
Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi,
Một mùa thu cũ rất xa xôi.
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu hoa đỏ rụng, chiều thu...
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã có chồng,
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người ấy với yêu thương
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương cát,
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài những lúc thấy tôi vui.
Bảo rằng “Hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.”
Thuở đó nào tôi có hiểu gì,
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: “Mầu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biết suy.”
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường.
Từ đấy thu rồi thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ.
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
"Người ấy" cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng một người.
Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi,
Một mùa thu cũ rất xa xôi.
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu hoa đỏ rụng, chiều thu...
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã có chồng,
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng
****************************** **
Huyền thoại thi ca tiền chiến Việt Nam những năm 1937-38 bỗng nổi cơn ba đào với bốn bài thơ ký tên T.T.Kh rồi sau đó lặng lẽ tan vào cõi hư không mặc cho dư luận ồn ào xôn xao. Chất hưng phấn làm hoa ti gôn nở rộ một thời được khai hoa nở nhụy bằng một câu chuyện "Hoa ti gôn" của ký giả Thanh Châu đăng trên báo "Tiểu Thuyết Thứ Bảy" xuất bản tại Hà Nội. Là một truyện ngắn không có gì đặc sắc nhưng nhẹ nhàng và bay bổng, “Hoa ti gôn” kể về một chuyện tình buồn giữa một chàng họa sĩ và một thiếu nữ gia đình thượng lưu.
Sau đó không lâu, tòa soạn nhận được một bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn", ký tên T.T.Kh do một người thiếu phụ trạc hai mươi, dáng bé nhỏ thùy mị, nét mặt u buồn mang đến. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối người thiếu phụ nầy xuất hiện. Câu chuyện "Hoa ti gôn" đã khơi lại mối tình xưa của người thiếu phụ (T.T.Kh.) với một chàng nghệ sĩ, cả hai đã qua một thời yêu thương hẹn hò dưới giàn hoa ti gôn. Rồi chàng ra đi biền biệt không hẹn ngày về. Nàng ở lại vâng lời mẹ cha gạt nước mắt nên duyên cùng người khác - một người chồng luống tuổi - để rồi tan nát tâm tư mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của thời quá khứ. Bài thơ Hai sắc hoa ti gôn đã gây nên xúc động lớn trong lòng người yêu thơ bởi những câu thơ quá da diết. Sau bài thơ nầy, toà soạn Tiểu Thuyết Thứ Bẩy lại nhận được bằng đường bưu điện ba tác phẩm khác cũng mang tên T.T.Kh. Đó là các bài "Bài thơ thứ nhất", "Bài thơ đan áo" (riêng đăng ở Phụ nữ thời đàm) và "Bài thơ cuối cùng".
Từ đó về sau, người ta không còn gặp thơ của T.T.Kh nữa. Không ai hiểu tại sao bài "Hai sắc hoa ti gôn" lại xuất hiện trước "Bài thơ thứ nhất" và cũng không hiểu tại sao tác giả lại lặng lẽ rời bỏ văn đàn không lời từ biệt để lại trong lòng người yêu thơ bao nỗi niềm thương nhớ luyến tiếc.
****************************** **
Bảy mươi năm trôi qua, nhân gian tốn bao giấy mực để tìm hiểu T.T.Kh là ai. Người thì đoán Trần Thị Khánh, một nữ sinh Hà nội, người yêu của Thâm Tâm, một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng với bài Tống Biệt Hành. Kẻ lại bảo là Nguyễn Bính, rồi em gái họ nhà thơ Tế Hanh. Người khác đoan chắc đó là Trần Thị Vân Chung, người yêu nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn. Ai đúng ai sai, làm sao biết được khi tác giả tiếp tục thinh lặng “sống hờ hết kiếp, trong duyên trái đời”.
Làm sao có thể dệt nên chuyện tình buồn nếu chỉ có một người? Thế là dư luận đổ xô đi tìm “người ấy” của T.T.Kh để hỏi xem “người ấy có buồn không? Có còn nghĩ tới loài hoa vỡ”. Kẻ xầm xì nói đó là nhà thơ Thâm Tâm, người lại bảo là nhà văn Thanh Châu. Nguyễn Bính, J. Leiba và bao nhiêu anh hùng thiên hạ khác nữa cũng nhận T.T.Kh. là người yêu của mình! Ai đúng ai sai, làm sao biết được khi loài hoa ti gôn chỉ nở một lần, hoa rụng mang theo niềm bí mật của người yêu hoa.
Làm sao có thể dệt nên chuyện tình ngang trái nếu không có người thứ ba, là kẻ có nợ nhưng không duyên, có nghĩa nhưng không tình? Thế mà thiên hạ chẳng ai buồn tìm hiểu người chồng “nghiêm luống tuổi” là ai? Báo chí chẳng tốn một giọt mực, không một lời phân ưu. Chẳng ai buồn thắc mắc đến danh tính của kẻ chiến thắng nhưng lại là chiến bại, kẻ “được” nhưng là “mất”. Cũng như vợ mình, chân dung của ông vẫn là một ẩn số phụ bé nhỏ không lối đáp trong nghi án văn học
Bài thơ tình lãng mạn thời tiền chiến này đã đi sâu vào lòng tôi một thời. Ngắm hoa ti gôn “sắc hồng tựa trái tim tan vỡ, và đỏ như màu máu thắm pha”, tôi ngậm ngùi xót thương người con gái bạc phận ôm mối tình dang dở lên xe hoa, theo lời mẹ cha nhắm mắt đưa chân sống “quang cảnh lạ, tháng năm dài. Đêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình.” Tôi cảm thông tâm tình cay đắng người thiếu phụ buồn ngồi bên song cửa sổ miễn cưỡng“đan đi đan lại áo len cho chồng” mà mắt cứ dõi nhìn phương xa. Tôi thầm trách “người ấy” đã làm tan nát thêm cõi lòng người yêu khi mang “bài thơ đan áo nay rao bán, cho khắp người đời thóc mách xem”. Xót xa, tiếc nuối.… là những tình cảm lưu luyến dành cho hai nhân vật trai thanh gái tú có duyên gặp gỡ nhưng không phận phu thê đã dệt nên những áng thơ tình bất hủ cho nền văn chương Việt Nam!
Cũng như người đời, tôi chưa một lần thắc mắc tâm tư người chồng đi bên lề cuộc đời vợ mình ra sao. Ông buồn hay vui khi đêm đêm nằm ôm cái xác không hồn với cặp mắt ngơ ngác thất thần? Ông nghĩ gì khi môi đụng làn môi băng giá? Ông cảm thấy gì khi được vợ nhưng không được trái tim của nàng? Cho đến một ngày tình cờ đọc Kinh Thánh, tôi ngờ ngợ như đọc được nỗi niềm cay đắng của ông, một người đứng bên lề cuộc đời người yêu qua những dòng chữ chua chát “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6b). Ôi, Thiên Chúa của tôi, Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật, giàu sang và uy quyền, lại chia sẻ chung số phận hẩm hiu với người chồng già bạc phận trong “Hai sắc hoa ti gôn” hay sao? Tôi đã sống ra sao để Ngài phải thốt lên những lời ai oán ấy?
Từ “ngày vui pháo nhuộm đường” đó, cuộc sống tuy nhiều sầu muộn, tháng ngày đong đầy những chua cay nhưng T.T.Kh. không hề có ý định chạy trốn cuộc sống, cũng chẳng dự định trốn theo người yêu. Nàng“ vẫn đi bên cạnh cuộc đời” trong sự “ái ân lạt lẽo” của chồng với một thái độ lạnh lùng dửng dưng chấp nhận sự thật dù phũ phàng. Tôi cũng thế, vẫn đi bên Thiên Chúa, vẫn thờ phượng Ngài, không có ý định bỏ đạo, càng không muốn chống đối Ngài. Chỉ là một thái độ lạnh nhạt chấp nhận sự việc có Chúa bên đời như một tình cờ, như một sự ép đặt của mẹ cha. Còn lòng tôi ư? Người thiếu phụ có chồng “vẫn giấu trong tim bóng một người”, chỉ một người thôi! Còn tôi, thờ phượng Ngài đó nhưng che giấu trong tim biết bao bóng hình, những mộng mơ với thế gian phù phiếm, những toan tính cho tương lai dù tương lai không thuộc về tôi và bao dự định dang dở…. Những bóng hình đó không ngừng đeo đuổi tôi đến nhà thờ những ngày Chúa nhật dù chỉ một tiếng, vẫn hiện diện trong những lời kinh ro ro thuộc lòng dù chỉ vài phút. Như một thiếu phụ đoan trang khép mình trong lễ giáo, tôi tuân giữ những luật buộc một cách máy móc, dâng Ngài những của lễ dư thừa trong nhăn nhó. Nhưng linh hồn tôi, trái tim tôi, tâm trí tôi… dật dờ đâu rồi trong một cõi xa xăm nào đó!
Đi bên chồng nhưng lại hỏi “người ấy” có buồn không, đó là tâm trạng của người xưa. Còn tôi hôm nay đi bên Ngài đó nhưng vất vả lo toan cho những việc ở trần gian. Miệng nói tôn kính Thiên Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự. Nhưng bao sức lực, trí lực, tài năng, máu huyết của tuổi thanh xuân…. tôi đã dâng hiến cho thế gian hết rồi để mong tìm một chỗ đứng trong xã hội, một cuộc sống tiện nghi….. Còn chăng chỉ là cái xác mệt mỏi vô hồn trong lòng nhà thờ mỗi ngày Chúa nhật buồn. Xa thật hai cõi lòng của tôi và Ngài! Phải chăng những lời trách móc “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6b) là để chỉ tôi sao?
“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời..., vẫn giấu trong tim...”, “vẫn đi” và “vẫn giấu”,một sự ngoan cố đến lạ lùng của một phụ nữ yếu đuối. Không có ý định từ chối cuộc sống và gia đình nhưng cũng không có ý định chôn hình ảnh xưa cố quên để sống, nàng đã cố bám víu lấy nó như một thứ lương thực nuôi sống hiện tại. Tôi thấy thấp thoáng hình ảnh mình trong sự cố chấp bám dính quá khứ của người thiếu phụ. Vẫn biết một ngày nào đó tôi sẽ phải rũ áo ra đi không mang theo được gì nhưng tôi vẫn ngoan cố xây đắp cho thật nhiều. Vẫn biết đời sau mới là thiên thu vĩnh cửu nhưng tôi chỉ chăm lo hạnh phúc hời hợt của vài thu chóng qua. Phải chăng đó là oan trái của kiếp người? Phải chăng con rắn ngày xưa vẫn tiếp tục cám dỗ trong lòng mỗi người mãi không thôi? Người thiếu phụ đã bám lấy cả hai và nàng đã phản bội cả hai: người yêu và chồng mà cuộc sống chỉ là “từng thu chết, từng thu chết”. Kết quả cuộc sống của tôi có khá hơn không khi tôi cùng bám vào cả hai: Thiên Chúa và thế gian?
Còn gì xót xa não nùng cho bằng khi nghe những lời thở than của người vợ hiền “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.” Phải chăng đó cũng là những tiếng trách móc của tôi về sự “ái ân lạt lẽo” của Thiên Chúa? Như một ông chồng già giàu có nhưng keo kiệt, uy quyền nhưng bủn xỉn, Ngài quay mặt làm ngơ trước những lời van xin thống thiết của tôi: cái xin không được, cái không xin lại cho, cái muốn được thì mất, cái mất lại được. Ngài đã bỏ tôi chới với một mình trong khổ đau, mặc tôi ngụp lặn trong cô quạnh không lời ủi an. Trong nỗi đau không tình cờ đó, Ngài tiếp tục thinh lặng, bí mật và khó hiểu….. không một lời đáp trả. Quả là lạt lẽo và vô tình làm sao!
Dù lời thơ ai oán, hồn thơ chất chứa niềm trách móc cam chịu của người vợ bị chồng “lạt lẽo, hờ hững”, nhưng tôi vẫn bắt gặp đâu đó một sự quảng đại nơi người chồng “nghiêm luống tuổi” môn đăng hộ đối. “Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ, "Người ấy" cho nên vẫn hững hờ.” Chỉ là hững hờ thôi sao? “Vẫn biết”, một sự khẳng định chắc chắn đến thế nhưng không có cảnh đòi li dị, không đuổi về nhà người vợ ngày qua đêm lại chỉ“thờ thẫn hồn eo hẹp” nhớ người xưa, không cưới năm thê bảy thiếp, không đánh đập hành hạ, mà cũng chẳng có chuyện “ông ăn chả bà ăn nem”, … không một hành động cụ thể nào cho sự trả thù. Chỉ là một thái độ “hững hờ” của người quân tử! Thái độ “hững hờ” hay nồng nàn, “lạt lẽo” hay sốt mến còn do thái độ cảm nhận của đối tượng nữa. Tôi không thể nhìn thấy cuộc đời màu hồng khi đeo cặp kiếng đen. Làm sao có thể tìm thấy một sự yêu đương nồng cháy khi “từ đấy thu rồi, thu lại thu. Lòng tôi còn giá đến bao giờ?” Ai có thể làm tan tảng băng nếu lối vô bị bít kín? Ly nước đã đầy làm sao có thể rót thêm? Làm sao có thể tìm được lòng sốt sắng yêu mến khi tôi đến với Thiên Chúa với tấm lòng giá băng qua những nghi thức thờ phượng hời hợt bên ngoài, với trái tim đầy ắp những tham vọng thế gian và cái đầu tính toán đầy những thành kiến.
Có đúng chăng sự “hững hờ” và “lạt lẽo” của người chồng trong “Hai sắc hoa ti gôn” là kết quả cách sống thờ ơ của người vợ? Có sai không thái độ giận dữ của Thiên Chúa “Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:15-16) là kết quả cách sống dở dở ương ương của tôi? Tôi còn có sự tự do lựa chọn cho mình một lối sống, nhưng người con gái đất Việt bảy mươi năm về trước thì không. Vậy tôi và nàng ai đáng thương và đáng trách hơn?
Xuyên suốt bốn bài thơ của T.T.Kh, ngoài thái độ “hững hờ” và “lạt lẽo” của người chồng, còn một thái độ tế nhị khác nữa, đó là sự chờ đợi! Ông đã âm thầm đi bên cạnh cuộc đời vợ mình để chờ đợi sự quay về của người vợ hiền, nếu không quay về vì yêu thương thì cũng xin vì bổn phận. Qua ông, tôi bắt gặp hình ảnh chờ đợi của Thiên Chúa, Ngài đã kiên nhẫn đứng bên lề cuộc đời của những người đã chọn Ngài là Chúa nhưng chỉ là môi miệng để ngày qua tháng lại tiếp tục mòn mỏi trông chờ. Một Thiên Chúa đầy quyền uy nhưng thật tội nghiệp vẫn lặng lẽ đứng đó, không một lời giải thích cho thái độ tưởng như hờ hững, lạt lẽo của mình, với đôi cánh tay giang rộng để chờ đợi không chỉ thân xác, không chỉ hình thức, không chỉ môi miệng nhưng là một tình yêu đích thực từ trái tim, một cái xác có hồn, một sự dâng hiến trọn vẹn tuyệt vời của người yêu.
Ngược lại với sự quảng đại chờ đợi trong âm thầm nhẫn nhục của người chồng là một sự phản bội tế nhị của “người ấy”:
“Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ đan áo của chồng em
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem.”
Là giết đời nhau đấy biết không? (Bài thơ cuối cùng)
Bây giờ thì nàng đã rõ rồi tấm lòng yêu thương của người mà nàng hằng ấp ủ trong tim. Trong khi người con gái “vườn Thanh” lo lắng “nếu biết ngày mai tôi lấy chồng. Trời ơi! Người ấy có buồn không? với một niềm tin mạnh mẽ vào người yêu “nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ. Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em” và nỗi khắc khoải mong chờ được tái ngộ dù chỉ trong mơ “tiếng lá thu khô xiết mặt hè. Như tiếng chân người len lén đến”. Thế mà người ấy lại nhẹ nhàng đem tình nàng “rao bán” trên mặt báo. “Bài thơ đan áo” chỉ viết riêng cho chị chia sẻ nỗi lòng u uất của người con gái lấy chồng phương xa, giờ còn đâu nữa những tâm tư thầm kín của người thiếu phụ khuê các. Người ta đã quên rồi lời hẹn xưa: “Cố quên đi nhé câm mà nín. Đừng thở than bằng những giọng thơ”. Người ta thương gì “một mảnh lòng tan vỡ”, xót xa gì “một tâm hồn héo”, tiếc gì một đóa “hoa tàn dấu xác xơ”. Không ăn được thì đạp đổ! Hạnh phúc của người yêu nào có nghĩa lý gì! Thẳng tay, phũ phàng và dứt khoát “lại chính là anh, anh của em” đó! Đâu rồi một tâm hồn nghệ sĩ cao thượng? Đâu rồi nét quân tử của người yêu hoa? Chả trách nào tiếng chim trong lồng tắt lịm từ đó!
Hình ảnh “người ấy” phải chăng là hình ảnh của thế gian: đẹp đẽ, lãng mạn, nên thơ… khi tình đang mặn nồng, thưở “nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn”. Nhưng khi lòng tôi thao thức với lời mời gọi thiêng liêng từ trong đáy tim thì thế gian cố níu kéo bằng những dụ dỗ ngon ngọt, những hình ảnh phù phiếm, sự hưởng thụ thân xác. Và khi tôi nhất quyết quay gót trở về với Thiên Chúa thì bộ mặt thế gian biến đổi với những gian trá mưu mô xảo quyệt, với hành động trả thù bỉ ổi nhằm phơi bày tội lỗi thầm kín của tôi cho dù làm thế “là giết đời nhau”. “Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở!” Tình đã dang dở rồi đây nhưng người trong cuộc có thấy đẹp hơn, thơ mộng hơn không hay chỉ toàn cay đắng phũ phàng?
Thế gian là thế đấy! Người tình là thế đó! Mặc dù “oán hờn anh mỗi phút giây”nhưng lòng thì “giận anh không nỡ nhớ không thôi”! Thiên Chúa có lẽ quá thấu hiểu sự yếu đuối mù quáng của con người nên hai chữ TỈNH THỨC được lập đi lập lại nhiều lần trong giáo huấn của Ngài và ân sủng từ trời cao không ngừng tuôn đổ để giúp con người biết lựa chọn và sống với sự chọn lựa của mình một cách sáng suốt.
Chuyện tình nào rồi cũng có đoạn kết, mối tình tay ba nào cũng phải kết thúc bằng sự lựa chọn. Như “Người chồng và Người tình” không thể cùng song hành với nhau trong cuộc sống “Người vợ”, thì Thiên Chúa cũng không thể cùng đồng hành với thế gian trong trái tim và linh hồn một người. Tôi đang ở đâu trong mối tình tay ba giữa “Thiên Chúa – Thế gian – và Tôi”? Tôi sẽ chọn lựa ai, chỉ một trong hai? Và sẽ sống với thái độ nào trong sự tự do lựa chọn đó?
-------------------------------------
Lang Thang Chiều Tím
08/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét