Lịch sự
Lịch sự là lễ phép, và là phép xã giao cơ bản nhất mà ai cũng được giáo dục từ nhỏ, nhưng đôi khi người ta cho là… “chuyện nhỏ”. Ông bà ta nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Những “chuyện nhỏ” vậy mà còn phải học! Nhưng được học mà có tiếp thu hay không là chuyện khác.
Alison R. Bishop là một công dân Mỹ nhưng sống tại Việt Nam nhiều năm, và anh thấy “ấn tượng” về cách cư xử của người Việt trong đời sống hàng ngày. Anh than phiền: “Sau khi sống ở Việt Nam nhiều năm, tôi nhận ra được một điều là người Việt không muốn nhận mình làm điều gì sai trái hoặc nói lời xin lỗi. Khi lỗi của họ rõ ràng không thể chối cãi mà họ chỉ phản ứng bằng thái độ lặng thinh và né tránh, có khi còn tìm cách cãi lại chứ không nhận trách nhiệm trước mặt người khác”.
Rồi anh kể: Trên đường đi dự tiệc, anh ngừng xe tại một cây xăng để đổ xăng. Người bán xăng vô ý đổ nhiều quá làm tràn xăng ra ngoài, và xăng bắn lên chiếc áo mới anh đang mặc. Bị bẩn áo bất ngờ, anh không biết phải nói sao mà chỉ nhìn chòng chọc vào người đàn ông bán xăng. Người bán xăng cũng không nói lời nào, có vẻ muốn làm ngơ, rồi quay sang phục vụ người khách hàng kế tiếp. Lúc đó, anh cảm thấy rất giận, không hiểu vì sao người bán xăng có thái độ như vậy, không hề nói lời xin lỗi.
Lần khác, anh đang ngồi ăn trong tiệm thì thấy miếng nhựa trong bát phở. Anh hỏi nhân viên phục vụ và chủ tiệm nhưng họ chỉ ngây người ra nhìn anh, không nói câu nào. Một lát sau, họ đem cho anh bát phở khác, nhưng họ không thèm nói lời xin lỗi về việc sai sót của mình.
Anh nhận xét: “Với thái độ lạnh lùng, vô cảm của người phục vụ và chủ tiệm, tôi ăn mất ngon. Sau khi trả tiền, tôi ra về, trong lòng tự hứa sẽ không bao giờ quay lại tiệm phở này nữa”.
Những “tội” anh Alison kể ra thật đơn giản: Không lịch sự, không muốn nhận lỗi, không thèm xin lỗi, né tránh trách nhiệm. Thế nhưng “lỗ nhỏ làm đắm thuyền”, lỗi dù nhỏ mà coi thường riết thành quen, khó sửa, và tệ hại hơn là cái sai đó lại nghiễm nhiên được coi là… đúng. Quá nguy hiểm!
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, nhà đạo đức học thế kỷ XVIII, nói rõ: “Ngọc không mài không thành đồ quí, người không học không biết đạo làm người. Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá, gia vong, mọi tai họa đều bắt đầu từ đó”. Thật đáng quan ngại khi một chuỗi hệ lụy những điều xấu xa và nguy hiểm xảy ra nối tiếp nhau lại được bắt đầu từ những cái rất đơn giản!
Hiền triết Khổng Tử xác định: “Có lỗi mà không sửa mới thành ra có lỗi”. Nhân vô thập toàn, không ai lại không có lỗi, hơn thua nhau là biết “đứng dậy”, can đảm nhận lỗi và sửa sai. Biết phục thiện là một nhân đức. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Con người ít khi nghĩ mình cần bao nhiêu trí tuệ để đừng bao giờ bị lố bịch”. Vì không “đầu tư” cho phép lịch sự mà người ta dễ mắc sai lầm, dễ bị lố bịch.
Biết nhận lỗi và xin lỗi sẽ giúp chúng ta tìm cách không “lăn vào vết xe cũ”. Né tránh trách nhiệm, không nhận lỗi hoặc đổ lỗi cho người khác sẽ khiến chúng ta càng mất sĩ diện hơn.
Không chỉ phải biết nhận lỗi và xin lỗi, chúng ta còn phải biết nói lời cảm ơn, vì đó cũng là một trong những điều cần thiết đối với phép lịch sự cơ bản của con người vậy.
-----------------------------------
Trầm Thiên Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét