CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH
CHÚA GIÊSU BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI CHO CÁC CHIÊN CỦA NGÀI
1. Khác với các
phúc âm nhất lãm (Lc 22,66-71 và song song), Gioan không tường thuật vụ án Chúa
Giêsu trước công nghị Do thái trong cuộc khổ nạn. Vì theo ông, vụ án thực sự đã
diễn ra trước khi Chúa Giêsu bị bắt, trong những lần tranh luận với người Do
thái, đặc biệt trong cuộc tranh luận hôm nay. Lúc này cũng như trong vụ án
chính thức theo pháp luật về sau. Chúa Giêsu bị ép buộc trả lời rõ ràng Người
có phải là Đấng Messia không (c.24) và cuối cùng Ngài tự xưng mình là Con TC
(x.Lc 22,70) bằng cách tuyên bố rằng Cha Ngài và Ngài ở trong Cha, trong sự hiệp
thông trọn vẹn đời sống và việc làm.
Tuy nhiên trước khi tuyên bố dứt khoát điều đó, Chúa Giêsu cảm
thấy phải cứ quả quyết không ngừng cho những kẻ đối thoại với Ngài. Đó là điều
làm cho người Do thái và “chiên của Ngài” khác biệt nhau. Đối với người Do
thái, những lời Ngài nói, phép lạ người làm không đủ thuyết phục họ, vì xét cho
cùng họ có dã tâm và không muốn tin. Chính trong bối cảnh đó mà Chúa Giêsu nói
đến chiên của Ngài, đối nghịch với sự ngoan ngoãn và ngay thẳng của đàn chiên với
tính hiểm ác của người Do thái. Dĩ nhiên Ngài không cần nhiều dấu hiệu bên
ngoài như vậy, vì chúng nghe và đi theo chủ chiên. Phần mục tử, Ngài biết chiên
mình và đảm bảo cho chúng sự sống đời đời. Trong tay Ngài, đàn chiên được an
bình không bị ai đánh cướp.
2. Về câu 29, bản
Hy lạp không được chắc chắn lắm. Các thủ bản ở đây chia làm nhiều nhóm. Ta có
thể tóm gọn thành hai:
Nhóm thứ nhất chọn câu: ho pâtêr mou ho dedoken moi pântôn
meizon estin, dịch từng chữ là “Cha Ta, điều Ngài ban cho Ta thì lớn lao hơn tất
cả” (bản Vaticanus, Versions latines, Sinaiticus, Codex Freer và chung chung
các giáo phụ Latinh). Câu này có thể hiểu được hai cách: điều mà Chúa Cha ban
cho Chúa Con chính là bản tính của Người (Augustin, Thomas, Lnabenhauer...) hay
quyền năng của Người (Schanz, Belser...) và đó là điều cao trọng hơn tất cả.
Nhưng ai mà dám nghĩ đến việc cất bản tính và quyền năng của Chúa Con khỏi tay
Chúa Cha? Cho nên lối giải thích thứ nhất này khó chấp nhận xét theo văn mạch.
Văn mạch nói đến việc ban tặng là ban tặng các chiên (ý kiến chung), vì thế phải
hiểu: “Điều mà Chúa Cha ban cho ta (các chiên) là quà tặng quí giá nhất”, như
thế ta hiểu đó là lý do khiến Chúa Con phải giữ gìn quà tặng đó, và một khi đã
ban cho Con, Chúa Cha cũng luôn lưu tâm đến tặng vật này.
Nhóm thủ bản thứ hai (nhóm K, Codex Coridethi, codex Bezae, và
các giáo phụ Hy lạp) chọn câu: ho pâtêr mou hos dedôken moi pantôn meizôn
estin, có thể dịch: “Cha Ta, đấng đã ban cho chúng ta, thì lớn hơn tất cả mọi sự”,
nghĩa là: Cha Ta, Đấng đã ban cho Ta các chiên, là Đấng cao trọng hơn mọi loài
và vì thế...Ngài đặt chúng trong tay Ta mà không ngừng giữ chúng trong tay
Ngài. Ở đây, tay có nghĩa là quyền năng, quyền năng chung của hai Đấng. Câu này
xem ra thích hợp hơn với văn mạch và đã được số đông tác giả theo (Louis,
Bultmann, Barret, BJ, TOB...). Tuy nhiên nó bị chỉ trích là đã được sửa đổi để
thêm phần sáng sủa. Nói rằng Chúa Cha lớn lao hơn hết mọi sự là điều hiển
nhiên, cần gì nêu lên ở đây. Dầu vậy, câu (b) này ngày nay đã được hầu hết chấp
nhận.
Dù sao, điều làm chúng ta chú ý chính là tay của Chúa Con,
được đặt ngang hàng với tay Chúa Cha, hay đúng hơn cả hai tay cùng bảo vệ giữ
gìn đàn chiên. Chúa Giêsu xem ra tự gán cho mình quyền ban sự sống cho các tâm
hồn và giữ gìn chúng trong tay. Nhưng rồi theo thói quen (5,19tt; 6,37;7,16;
8,49; 10,18), Chúa Giêsu vội vàng liên kết Cha Ngài vào công trình của Ngài, vì
Cha là nguồn mạch mọi ơn huệ: Chúa Cha giao cho Chúa Con một vật và gìn giữ bằng
sức mạnh của mình, cũng như Chúa Con gìn giữ những gì nhận được từ Cha.
3. Lời tuyên bố
trong câu 30 ("Cha và Ta là một") về sự hiệp thông mật thiết của Chúa
Giêsu với Cha Ngài là một mạc khải quan trọng rõ ràng nhất về thần tính của
Ngài và mầu nhiệm sâu xa của TC. Chính trên đỉnh sáng ngời đó mà Chúa Giêsu chấm
dứt tranh luận với người Do thái: Ngài có thể mạc khải thêm cho họ điều gì nữa?
Và đó là nghĩa mà người Do thái hiểu khi nghe Chúa Giêsu tuyên bố như thế, vì lập
tức sau đó họ ném đá Ngài “bởi lẽ ông là một người phàm mà dám cho mình là TC”.
Câu 30 này đã nổi tiếng trong lịch sử tranh luận với tà giáo
Ariô. Chúa Giêsu không nói: “Ta và Cha Ta, chúng ta là một ngôi vị” (heis)
nhưng bảo: “chúng ta là một sự (hen, chose), chúng ta đồng một bản tính và vì
thế mà tay Ta (c.28) cũng quyền năng như tay Cha Ta” (c.29). Tất cả thần học
gia chống Ariô, từ tertullien đến Augustin đã dùng câu 30 làm công thức thánh
kinh nói về việc Chúa Cha và Chúa Con đồng bản tính nhưng khác ngôi vị.
KẾT LUẬN
Ân sủng thần linh cho chúng ta sức mạnh để vượt thắng mọi
khó khăn bên ngoài (Rm 8,31-39) bất cứ từ đâu đến, nhưng ân sủng không ép buộc
ai cả. Con người có thể từ chối không muốn được cứu rỗi: “TC chỉ từ bỏ những ai
xa tránh Ngài trước” (công đồng Triđentinô, DS 1537).
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. “Người Do thái
mới vây quanh Chúa Giêsu”. Họ muốn chất vấn Ngài lần nữa vì Ngài làm họ khó chịu.
Họ đột nhiên nói với Ngài: “Cho đến bao giờ nữa, ông còn để lòng trí chúng tôi
phân vân lưỡng lự? Nếu quả ông là Đức Kitô, xin nói trắng ra cho chúng tôi”.
Chúa Giêsu hẳn làm cho họ bối rối nhiều và có lẽ làm cho họ nghi ngờ. Họ muốn
biết thực hư. Ai trong chúng ta không một lần chất vấn Chúa như thế: Ngài là ai
đối với tôi hôm nay? Tìm Ngài chỗ nào? Trong mọi hỗn loạn thời đại, trong bao
cuộc đặt lại vấn đề, Chúa ở đâu? Đâu là sự thật? Đúng hơn, khi một vấn đề đặt
ra khiến phải chọn lựa chúng ta đã không từng muốn một câu trả lời rõ ràng đó
sao? Thảm kịch chính là chúng ta không biết gì nữa; khiến ngập tràn đến độ làm
chúng ta không còn hiểu gì nữa. Đây là một nghịch lý đáng sợ: kiến thức càng
tăng thì càng dẫn đến sự vô tri về chân lý. Như những người Do thái, chúng ta
muốn biết ai là người kêu gọi chúng ta qua phúc âm, ai là người đảo lộn cuộc hiện
hữu của chúng ta và đặt lại vấn đề đời sống chúng ta.
Chúa Giêsu xem ra không trả lời gì cả. Chính công việc Ngài
đã thực hiện làm chứng cho Ngài; và nếu người ta không tin Ngài, đó là vì họ
không thuộc đàn chiên Ngài, theo Ngài và thuộc về Ngài vì Chúa Cha đã ban họ
cho Ngài. Và Ngài nói: “Cha ta và Ta là một”. Phải nói là câu trả lời của Chúa
Giêsu làm chúng ta hoang mang. Chúng ta vừa chấp nhận, vừa bất mãn, vừa nghi
nan. Câu trả lời đó của Chúa Giêsu gợi lên những âm hưởng sâu xa, đánh động tâm
hồn chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không thỏa mãn vì câu ấy đặt ra nhiều vấn đề:
làm sao trở thành chiên của Chúa. Đặt vấn nạn này là vì chúng ta không biết câu
trả lời; thế mà hình như Chúa Giêsu nói rằng câu hỏi chỉ đặt ra cho những kẻ
không thể hiểu câu trả lời. Những phản ứng của chúng ta vừa biểu lộ sự thỏa mãn
cũng như bất mãn; điều đó chứng tỏ chúng ta vừa là chiên vừa là người Do thái,
và chúng ta vẫn đặt câu hỏi mặc dầu một cách nào đó đã biết câu trả lời.
2. Nên lưu ý nghịch
lý này là: những ai đặt câu hỏi thì không thể nghe được câu trả lời; còn những
ai nghe được câu trả lời thì không cần đặt câu hỏi. Người Do thái đặt câu hỏi,
chúng ta cũng vậy, một phần nào đó trong con người chúng ta chưa thuộc về Chúa
cũng muốn hạch hỏi Người. Nếu người Do thái đã có khả năng lắng nghe, thì họ đã
gặp được câu trả lời, đã sống câu ấy và không hỏi gì nữa. Đặt vấn nạn như họ
làm cho họ không nắm được câu đáp, vì họ chỉ chuẩn bị để phê bình, lượng giá
câu trả lời theo các định kiến và hiểu biết của họ. Họ chỉ chấp nhận chân lý
bao lâu họ thấy hòa hợp với những gì họ đã biết. Họ không thể chấp nhận Đức
Kitô bởi không chịu được một giải đáp khác với giải đáp họ đã có sẵn.
3. Trái lại, các
chiên không đặt câu hỏi, không phải vì đã biết được giải đáp, song vì điều đó
không cần thiết. Chúng có một não trạng khác. Chúa Giêsu diễn tả chúng bằng hai
tiếng: “Chúng nghe và theo”; Ngài nói tiếp: “Ta biết chúng” và “chúng biết ta”.
Đàn chiên không cần đặt vấn đề danh tánh Chúa Giêsu. Chúng thuộc về một giống đặc
biệt. Cũng như chúng ta vừa thuộc não trạng người Do thái đang cật vấn Chúa, vừa
thuộc dòng giống này. Chúa Giêsu diễn tả đàn chiên với vẻ âu yếm: Ngài biết
chúng, ban cho chúng sự sống, bảo vệ chúng khỏi những kẻ ám hại. Đàn chiên
không thể cắt nghĩa vì sao Ngài làm như vậy, nhưng chúng biết Ngài nên “chúng
nghe và đi theo Ngài”. Chúng sẵn sàng lắng nghe, đón nhận cái bí ẩn, đi đến nơi
mà Chúa dẫn tới và chấp nhận mọi nghịch cảnh có thể xảy tới.
4. Hôm nay, Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta đừng quá ham chất vấn, luôn tìm cách phân tích cái mới lạ,
giản lược nó thành tầm thường - đó là một cách tự đóng kín mình, làm mình mất
khả năng tiến bộ, biến đổi. Hãy biết lắng nghe, biết mình ngu dốt, biết rằng đấng
vô danh luôn luôn kỳ lạ, rằng một cách nào đó Chúa luôn là một đấng chúng ta
không thể biết rõ, vì chúng ta không thể hiểu được cách tường tận bao lâu còn ở
thế gian này. Nhưng để luôn luôn kết hợp mật thiết với Chúa, để sống hạnh phúc
thật sự ở cõi trần này, chỉ có một con đường: nghe và theo Chúa.
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét