VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 rời bỏ chức vụ Giáo Hoàng kể từ lúc 20 giờ ngày thứ năm, 28-2 tới đây. Trong công nghị lúc 11 giờ sáng hôm qua, 11-2, trước sự hiện diện của các Hồng y và GM, ĐTC tuyên bố:
“Anh em rất thân mến.
”Tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về 3 cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 sắp tới, Tòa Roma, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống tòa từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng Y để bầu vị Giáo Hoàng mới”.
”Anh em rất thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tất cả lòng quí mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối Cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin Mẹ Maria của Ngài, với lòng từ mẫu xin Mẹ trợ giúp các Hồng Y trong việc bầu vị Giáo Hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện”.
Vatican ngày 11 tháng 2 năm 2013
Biển Đức XVI, Giáo Hoàng
G. Trần Đức Anh chuyển ý
Ngay khi nghe tuyên bố này, ĐHY Angelo Sodano niên trưởng Hồng y đoàn, đã đại diện mọi người, nói với Đức giáo hoàng:
“Kính Thưa Đức Thánh Cha, Người Kế Vị quí mến và đáng kính của Thánh Phêrô,
Sứ điệp cảm động của ĐTC đã vang lên trong Hội trường này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được. Trong những lời của ĐTC, chúng con nhận thấy có lòng yêu mến nồng nhiệt của ĐTC đối với Hội Thánh của Chúa, đối với Giáo Hội mà ĐTC đã yêu mến dường nào.
Giờ đây, xin cho phép con nhân danh cộng đoàn tông đồ này, Hồng y đoàn, nhân danh tất cả những cộng sự viên quí mến của ĐTC, để nói rằng chúng con gần gũi với ĐTC hơn bao giờ hết, cũng như chúng con đã gần gũi với ĐTC trong 8 năm rạng ngời triều đại Giáo Hoàng của ĐTC. Ngày 19 tháng 4 năm 2005, nếu con nhớ rõ, vào cuối Mật nghị, với giọng hồi hộp cảm động con đã hỏi ĐTC: ‘Ngài có nhận việc bầu cử hợp pháp làm Giáo Hoàng hay không?’, và cũng với sự hồi hộp, ngài đã không trì hoãn trả lời chấp nhận, với niềm tín thác nơi ơn Chúa và trong sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội. Như Mẹ Maria, ngày hôm ấy, ĐTC đã thưa ‘xin vâng’ và đã khởi đầu một triều đại Giáo Hoàng sáng ngời, trong sự tiếp tục, một sự tiếp tục mà Ngài đã nói với chúng con nhiều lần trong lịch sử Giáo Hội, trong sự tiếp nối với 265 vị tiền nhiệm của Ngài trên ngai tòa thánh Phêrô, qua 2000 năm lịch sử, từ Thánh Phêrô người ngư phủ khiêm hạ miền Galilea, cho đến các vị đại Giáo Hoàng trong thế kỷ vừa qua, từ thánh Piô 10 cho đến chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.
Kính thưa Đức Thánh Cha, trước ngày 28 tháng 2, như Ngài đã nói, ngày mà Ngài muốn chấm dứt sứ vụ Giáo Hoàng được chu toàn với tất cả lòng yêu mến, lòng khiêm nhường, trước ngày 28-2, chúng con sẽ có dịp biểu lộ rõ hơn tâm tình của chúng con. Cũng như bao nhiêu vị mục tử và tín hữu rải rác trên thế giới, cũng như bao nhiều người thiện chí cùng với chính quyền của bao nhiêu nước.
Rồi trong tháng này, chúng con còn được niềm vui nghe tiếng vị chủ chăn, ngay trong ngày thứ tư lễ tro tới đây, rồi ngày thứ năm, với hàng giáo sĩ Roma, trong những buổi đọc kinh Truyền Tin những ngày chúa nhật, trong các buổi tiếp kiến ngày thứ tư. Vì thế còn bao nhiêu dịp để nghe tiếng nói hiền phụ của ĐTC. Nhưng sứ vụ của Ngài sẽ tiếp tục. Ngài đã nói rằng sẽ luôn gần gũi chúng con với chứng tá và lời cầu nguyện của Ngài. Dĩ nhiên, những ngôi sao trên trời sẽ tiếp tục chiếu sáng và sẽ luôn chiếu sáng giữa chúng con ngôi sao triều đại giáo hoàng của Ngài. Chúng con gần gũi Đức Thánh Cha, xin chúc lành cho chúng con”.
Theo kế hoạch, ĐứcBênêđictô XVI sẽ nghỉ hưu tại Nữ Đan viện chiêm niệm ở Nội thành Vatican, nhưng trước đó, kể từ ngày 01.03.2013. ngài sẽ lưu trú tạm thời tại dinh thự Castel Gandolfo. Việc cai quản Giáo hội sau ngày 28.02.2013 sẽ căn cứ theo Tông Hiến do Đức chân phúc Gioan Phaolô 2 về vấn đề từ chức này.
PV. VRNs
Tống hợp Radio Vatican
Họp báo của cha Lombardi về việc Đức Thánh Cha từ chức
Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh
VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết sau khi Tòa Thánh bắt đầu trống tòa, tức là từ 20 giờ ngày 28-2, ĐTC Biển Đức 16 sẽ di chuyển ra dinh thự Castel Gandolfo, trong khi chờ đợi Nữ Đan viện chiêm niệm ở Nội thành Vatican được sửa chữa xong và ngài sẽ cư ngụ tại đó.
Nữ Đan viện này được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 thành lập để hỗ trợ công việc của ngài, nhưng hiện không còn nữ tu nữa.
Trong cuộc họp báo trưa ngày 11-2-2013, Cha Lombardi nhấn mạnh rằng việc ĐTC tuyên bố từ chức hoàn toàn phù hợp với Giáo luật khoản số 332 triệt 2, qui định ”Trong trường hợp ĐGH từ chức, thì để có hiệu lực, việc từ chức này phải được thực hiện tự do và được biểu lộ một cách phải phép, và không cần phải có ai chấp nhận việc từ chức đó”.
ĐTC Biển Đức 16 cho biết ngài hoàn toàn tự do quyết định từ chức và biểu lộ quyết định đó trước công nghị Hồng y gồm đa số các vị Hồng y hiện diện ở Roma.
Cha Lombardi nhắc lại rằng trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Peter Seewald người Đức hồi năm 2010 và được xuất bản thành cuốn sách với tựa đề ”Ánh sáng thế gian”, ký giả đã hỏi ĐTC có bao giờ nghĩ đến việc từ chức hay không. Ngài đáp: ”Khi có nguy hiểm thì không thể bỏ chạy, vì thế đây không phải là lúc từ chức (Ngài ám chỉ đến những vấn đề lạm dụng tính dục trong Giáo hội bấy giờ và các vấn đề khác), chính trong lúc như thế cần phải kháng cự và vượt thắng tình trạng khó khăn. Đó là ý tưởng của tôi. Người ta có thể từ chức trong một lúc thanh thản, hoặc khi không thể tiếp tục được nữa, chứ không thể bỏ chạy trong lúc nguy hiểm, và nói 'để cho người khác lo'. Vì thế, ĐTC đã từng nói những khó khăn không phải là lý do để từ chức. Trái lại những khó khăn đó là lý do để không từ chức.
Đáp câu hỏi thứ hai của ký giả Seewald: ”Vậy có thể tưởng tượng được một hoàn cảnh trong đó Ngài nghĩ rằng vị Giáo Hoàng từ chức là điều thích hợp?”. Câu trả lời của ĐTC là: ”Đúng vậy, khi một Giáo Hoàng đi tới ý thức rõ ràng mình không thể chu toàn về thể lý, tâm trí và tinh thần, trách vụ được ủy thác thì ngài có quyền, và trong một số hoàn cảnh ngài có nghĩa vụ từ chức”.
Cha Lombardi cũng nhắc lại rằng Tông Hiến ”Universi Dominici Gregis” (Mục Tử toàn thể đoàn chiên Chúa) mang chữ ký của ĐTC Gioan Phaolô 2 ngày 22-2-1996, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, là văn kiện theo đó Tòa Thánh được điều hành sau khi Tòa Thánh trống tòa. Văn kiện này đã được áp dụng trong thời sau khi Đức chân phước Gioan Phaolo 2 qua đời hồi đầu tháng 4-2005. Hồng y đoàn sẽ cai quản Giáo Hội trong thời kỳ đó. Các Hồng y tổng trưởng và TGM Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh ngưng nhiệm vụ và chỉ có vị Tổng thư ký điều hành công việc của cơ quan liên hệ, ngoại trừ vị Hồng Y nhiếp chính, ĐHY Chánh tòa ân giải tối cao, v.v.
Các Hồng Y cử tri (dưới 80 tuổi) sẽ được triệu tập về Roma để tiến hành việc bầu cử Giáo Hoàng mới. Lần này sẽ mau lẹ hơn vì không có chương trình 9 ngày lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng. Việc bầu cử có thể tiến hành trong tháng 3-2013.
Có người dự đoán cuộc bầu cử Giáo Hoàng mới có thể tiến hành trong khoảng từ ngày 14 đến 19-3-2013.
Từ nay đến 28-2-2013, chương trình hoạt động của ĐTC, các buổi tiếp kiến, các buổi lễ sẽ tiếp tục như cũ. (SD 11-2-2013)
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn :Vietvatican.net
GÍAO LUẬT nói gì về ĐỨC THÁNH CHA?
Ðiều 331: (ĐGH) Giám Mục của Giáo Hội Roma, nơi Ngài được duy trì nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cách đặc biệt cho Phêrô, người đứng đầu trong các Tông Ðồ, và phải được chuyển tiếp cho các người kế vị Ngài, là thủ lãnh của tập đoàn Giám Mục, Ðại diện Ðức Kitô và Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian. Vì thế, do uy lực của nhiệm vụ, Ngài có quyền thông thường tối cao, sung mãn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và Ngài luôn luôn có thể tự do hành sử quyền ấy.
Ðiều 332: (1) Ðức Thánh Cha nhận lãnh quyền sung mãn và tối cao trong Giáo Hội do sự bầu cử hợp lệ mà Ngài đã chấp nhận cùng với sự tấn phong Giám Mục. Vì thế, ai được đắc cử vào chức Giáo Hoàng mà đã có chức Giám Mục, thì lãnh quyền nói trên ngay chính lúc chấp nhận. Còn nếu người đắc cử không có chức Giám Mục, thì lập tức phải được truyền chức Giám Mục.
(2) Nếu xảy ra trường hợp Ðức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.
Ðiều 333:
(1) Ðức Thánh Cha, do uy lực của nhiệm vụ, có quyền hành không những trên toàn thể Giáo Hội, mà còn có quyền tối thượng trên tất cả các Giáo Hội địa phương và các hợp đoàn Giáo Hội địa phương. Quyền tối thượng ấy tăng cường và bảo vệ quyền riêng biệt, thông thường và trực tiếp mà các Giám Mục nắm giữ trong các Giáo Hội địa phương được giao phó cho các Ngài coi sóc.
(2) Trong khi thi hành nhiệm vụ Chủ Chăn tối cao của Giáo Hội, Ðức Thánh Cha luôn luôn thông hợp với các Giám Mục khác và kể cả với toàn thể Giáo Hội. Tuy nhiên, việc quyết định phương cách, hoặc đơn phương hoặc tập đoàn, để thi hành nhiệm vụ, tùy theo nhu cầu của Giáo Hội, là quyền của Ngài.
(3) Không thể kháng cáo hoặc thượng tố chống lại một án văn hay nghị định của Ðức Thánh Cha.
Ðiều 334: Trong khi thi hành nhiệm vụ, Ðức Thánh Cha được hỗ trợ bởi các Giám Mục; các vị có thể cộng tác với Ðức Thánh Cha bằng nhiều phương cách khác nhau, một trong những phương cách đó là Thượng Hội Nghị Giám Mục. Ngoài ra, Ngài còn được sự giúp đỡ của các Hồng Y, các nhân vật khác và các định chế khác nhau, theo nhu cầu của mọi thời đại. Tất cả các nhân vật và các định chế ấy lo chu toàn trách vụ đã giao phó nhằm thiện ích của tất cả các Giáo Hội nhân danh và với quyền hành của Giáo Hoàng, theo những quy tắc luật định.
Ðiều 335: Trong khi Tòa Thánh trống tòa hoặc bị hoàn toàn cản trở, thì không được thay đổi gì trong sự quản trị Giáo Hội phổ quát; nhưng phải tuân hành những luật lệ đặc biệt đã dự liệu cho những hoàn cảnh ấy.
(Trích Gl Quyển II, Phần II, tiết 1, Chương I, Mục I – bản dịch Msgr Nguyễn Văn Phương et ali.)
Mấy giờ sau khi
Đức Thánh Cha tuyên bố từ chức, sét đã đánh xuống Đền Thờ Thánh
Phê-rô... Nhiều người tự hỏi không biết sự trùng hợp này có phải là
"signal" từ Trời cao.
A signal from above? Lightning hits St Peter's hours after Pope Benedict stuns cardinals with first resignation in 600 years
www.dailymail.co.uk/news/article-2276884/Pope-Benedict-XVI-resigns-First-Pontiff-600-years-stand-longer-strength-carry-on.html#axzz2KeCRZ8r4
A signal from above? Lightning hits St Peter's hours after Pope Benedict stuns cardinals with first resignation in 600 years
www.dailymail.co.uk/news/article-2276884/Pope-Benedict-XVI-resigns-First-Pontiff-600-years-stand-longer-strength-carry-on.html#axzz2KeCRZ8r4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét