Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

index2_2013-02-12-2.jpg


3_2013-02-12.jpg


5_2013-02-12.jpg


1_2013-02-12.jpg


4_2013-02-12.jpg


Suy Niệm Mùa Chay

Đường Chữ U


index4.jpg


Hồi còn nhỏ, khoảng mười hai mười ba tuổi, phải thành thật mà nói là tôi không thích Mùa Chay. Tôi không thích Mùa Chay không phải tại Mùa Chay là mùa tôi bị bắt phải ăn chay. Một thằng nhỏ ở cái tuổi còn nhong nhong chạy rong ngoài đường tắm mưa mà bị bắt ăn chay trong một xứ đạo toàn là người Bắc cũng không phải là một điều quá khó khăn, bởi vì hai lý do.

(1). Không phải chỉ riêng tôi, nhưng bao nhiêu ngàn người khác trong xứ đạo cũng phải vác thánh giá như mình. Đi đâu cũng gặp người phải ăn chay. Ði đâu cũng nghe nhắc nhở tới chay. Sáng sớm khoảng năm giờ, tôi bị lôi dậy, bắt phải đi lễ sáng! Sáng sớm ông cha xứ hăng say nhắc nhở mọi người giáo dân mùa chay là mùa ăn chay. Sáng sớm bài giảng dài lê thê, tôi cứ thế mà gật gù đồng ý với những lời khuyên dạy. Trưa nắng ghé vào tiệm kem, gặp dì gặp cậu gõ đầu nhắc nhở, “Mày có biết là hôm nay ăn chay hay không”?! Lỡ nuốt vào miệng cục kẹo rồi cũng phải nhả ra ngay bởi thằng bạn đang chơi đá dế hét lên, “Chết mày rồi! Hôm nay ăn chay”. Thế là vội vàng nhổ ra cục kẹo, nếu không lại mất chay, phạm tội trọng, rớt xuống hỏa ngục.

(2). Vào tối thứ Tư Lễ Tro hoặc thứ Sáu Tuần Thánh, sau một ngày ăn chay đói meo, tôi đợi tới mười hai giờ đêm. Đồng hồ vừa nhích khỏi con số 12, tôi lao xuống bếp, lục cơm nguội với mấy miếng thịt heo kho nước mầu ăn căng một bụng. Đời sung sướng. Cuộc sống tuyệt vời!

I. Ăn Chay

Tôi không thích Mùa Chay bởi danh từ mùa chay là một danh từ xa lạ và khó hiểu. Mùa Vọng dễ hiểu hơn, bởi một mình chữ vọng đã tự nói lên cả một mùa đợi chờ. Mùa Vọng do đó không cần phải giải thích nhiều, tôi hiểu là mùa trông đợi Thiên Chúa sinh xuống làm người. Riêng danh từ chay không gợi nên trong tôi một hình ảnh gì.

Ăn chay là gì? Là ăn trái chay? Trái chay, tôi không biết, và cũng chưa bao giờ thấy. Tôi chạy khắp cùng thiên hạ hỏi,

— Trái chay là trái gì vậy?

Không ai biết. Cuối cùng tôi tưởng ăn chay là ăn cháy. Tại sao lại lẫn lộn chữ chay với chữ cháy? Tôi đoán có thể tại hai âm chay và cháy tương tự như sau. Mà cũng có thể tại người chị lớn tuổi của tôi hồi đó tinh nghịch nói ăn chay nghĩa là ăn cháy. Mùa Chay tới, mấy lần mẹ tôi hỏi ăn chay chưa. Tôi nghiêm trang, đạo đức, thánh thiện nói con ăn rồi. Nhưng thật sự ra tôi ăn những miếng cháy của đáy nồi cơm.


index3_2013-02-12.jpg


II. Mùa Chay
A. Ý Nghĩa của Danh Từ Chay

Chữ chay của danh từ Mùa Chay có thể phát nguồn từ chữ trai, có nghĩa là không thịt. Khi người ta nói tín hữu Phật tử dâng đồ trai cho các vị hòa thượng, đồ trai đây là thức ăn không có thịt hay đồ chay. Một cách tương tự, ăn chay có nghĩa là ăn thức ăn không có thịt [1]. Mùa Chay trong tiếng Việt Nam do đó có nghĩa là Mùa Kiêng Thịt [2] .

B. Mùa Chay, Mùa U-Turn, Mùa Làm Đường Vòng U

Mùa Chay dưới lăng kiếng ngôn ngữ thần học là mùa Giáo hội kêu gọi người tín hữu thay đổi (tiếng Hy Lạp, μετάνοια, métanóia: thay đổi). Gioan Tẩy Giả trong hoang địa kêu gọi dân chúng μετάνοια, thay đổi tâm hồn đợi chờ ngày Chúa đến (Máccô 1:1-. Ngôn sứ Giô-el kêu gọi dân Do Thái hãy μετάνοια, hãy quay về với Chúa; hãy xé lòng đừng xé áo (Giô-el 2:13). Trong phạm trù thần học, Mùa Chay do đó là Mùa U-Turn hay Mùa Làm Một Đường Vòng Chữ U.

Ðọc tới những hàng chữ trên đây, có thể bạn sẽ thắc mắc, “Ủa, tại sao lại phải làm một đường vòng hình chữ U”?

Chúng ta có một người bạn thân nhà nằm ở phía Đông. Thứ Bẩy cuối tuần rảnh rỗi, chúng ta muốn ghé nhà người bạn thăm hỏi. Trong khi đang lái xe, có thể tại trời tối, chúng ta lạc đường. Nhà người bạn ở phía Đông, chúng ta lại nhắm hướng Tây lái tới. Trong tình trạng này, nếu không làm một đường vòng chữ U, càng lúc chúng ta càng đi xa nhà của người bạn. Nếu người chúng ta muốn gặp là một người tình thì lại càng rắc rối to. Hẹn nhau sáu giờ chiều, hai đứa đi shopping, đi ăn, rồi đi coi xi-nê. Nhưng vô tình hay bởi một lý do gì đó, chúng ta lạc đường xa ngàn dặm. Nhà người tình nằm ở hướng Đông, nhưng chúng ta tiếp tục lái về hướng Tây. Trời buổi chiều, màn đêm kéo xuống thật nhanh. Sáu giờ rồi, trời tối nhưng chúng ta vẫn còn đang lang thang trên một con đường có cái tên lạ hoắc nằm ở hướng Tây. Ngôi nhà quen thuộc của tình nhân thì vẫn chưa thấy bóng. Trong khi đó tình nhân ở trong nhà đi ra đi vô chờ đợi. Nước mắt của tình nhân long lanh trên gò má. Nhấc điện thoại lên, tình nhân bấm số gọi. Đầu dây bên kia, không ai nhấc điện thoại, bởi tình lang đang lạc đường. Trong tình trạng này, chắc chắn tình lang sẽ mất tình nhân như chơi.

Một cách tương tự, Mùa Chay là mùa Giáo Hội kêu gọi chúng ta, “Lạc đường rồi! Lạc xa lắm rồi! Chúa đang ở hướng Ðông, nhưng chúng ta đang tiếp tục đi về hướng Tây. Lạc đường rồi! Lạc xa lắm rồi! Hãy quay lại hướng của Chúa”.

III. Thần Học Mùa Chay

Ðọc tới những hàng chữ trên đây, một lần nữa có thể bạn sẽ thắc mắc,

— Ủa, lạ kỳ chưa. Tôi đang sống một đời sống tôn giáo tốt đẹp kia mà. Tôi không đi lễ hằng ngày như hồi còn bên Việt Nam, nhưng tôi vẫn đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi vẫn rước lễ mỗi khi có dịp tham dự thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ ngày Chúa Nhật. Đời sống bên này bận rộn với công ăn việc làm. Tôi làm ngày hai jobs; về tới nhà mệt xỉu, thở không ra hơi, nhưng tôi vẫn cố gắng để dành thì giờ cho Chúa bằng cách tham gia vào Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca Ðoàn, Ban Giáo Lý, Linh Thao, Dòng Ba Đa Minh, Lêgiô, hoặc Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ.

Đúng, bạn nói rất đúng. Nhưng nếu mang lên bàn mổ phân tích, bạn và tôi sẽ nhận ra rằng trong đời sống riêng tư của mỗi người, chúng ta đang dần dần quên đi thật sự ra Chúa mới là cùng đích, là điểm nhắm của mỗi người trong chúng ta. Có thể đối với một vài người Việt Nam đang sinh sống trên những vùng đất lạ, Thiên Chúa không còn là điểm nhắm để chúng ta đi tới nữa, nhưng là nhà cửa, là tiền, là công ăn việc làm, là con cái.

A. Nhà Cửa, Tiền, và Jobs

Dì Tư qua sau, mãi đến đầu năm 98 mới bước chân được tới vùng đất mới theo diện H.O. của chú Tư. Năm năm sau dì Tư đã mua được một căn nhà 5 phòng nằm trong khu nhà giầu. Chúng ta, tái định cư tại vùng đất mới hơn mười năm về trước, thế mà từ bao lâu nay vẫn cứ loay hoay đi ra đi vô trong khu chung cư rẻ tiền. Để cố gắng vớt vát lại danh dự, chúng ta cố gắng bóp bụng tiết kiệm để dành tiền bạc. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chúng ta lái xe đi làm, vợ chồng thay phiên nhau cày hai jobs. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Cuối cùng chúng ta cũng mua được căn nhà lý tưởng ngon hơn căn nhà của dì Tư. Căn nhà này có 6 phòng ngủ, 3 phòng tắm, đằng sau có hồ bơi. Cạnh hồ bơi là hồ tắm nước nóng Jacuzzi sủi bọt. Cạnh hồ bơi là hồ cá nhỏ tung tăng những chú cá Koi mập mạp bơi qua lượn lại dưới chiếc cầu sơn mầu đỏ kiểu Đông Phương. Thế là căn nhà mơ ước đã biến thành sự thực.

Nhà có rồi, bây giờ làm sao có tiền để trả tiền nhà, tiền điện thoại, tiền nước, tiền điện, tiền rác, tiền ăn, tiền bảo hiểm, tiền trả góp cho bộ ghế salông bằng da đắt tiền trong căn phòng khách sang trọng, cho bộ TV màn ảnh Plasma kiểu mới rõ từng nét nằm chễm chệ ngay góc nhà bên cạnh lò sưởi tí tách thơm tho mùi gỗ thông, cho chiếc xe Lexus ghế da loại mới đắt tiền đang khoe mình trong nhà để xe? Đủ thứ tiền phải suy nghĩ tới, phải bận tâm vào mỗi buổi chiều khi mở hộp thư ra ôm vào một đống bill. An cư lạc nghiệp với một đời sống cơm ngon áo đẹp vẫn là điều Thiên Chúa muốn mọi người trong chúng ta phải có, nên có. Nhưng chuyện đầu tiên vẫn là chuyện tiền đâu để thanh toán cho một đống bill nợ nần?

Nhà có rồi. Căn nhà sang trọng càng trở nên sang trọng với những tiện nghi tân kỳ. Bây giờ chúng ta cần phải có công ăn việc làm vững chắc; nếu không, những thứ chúng ta đang có sẽ biến mất. Thế là chúng ta dậy sớm, tắm rửa, vừa uống café vừa lái xe tới hãng. Sáng sớm những dòng xe cộ đông đảo đang đợi chờ chúng ta trên những xa lộ chằng chịt dọc ngang. Từng chút rồi từng chút, chiếc xe của chúng ta nhích lên được một khoảng. Từng khoảng rồi từng khoảng, chiếc xe của chúng ta bỏ lại đằng sau một đoạn. Từng đoạn ngắn nối lại hóa thành một đoạn dài. Xe chúng ta cuối cùng dừng lại trước cửa hãng. Một ngày tám tiếng, đôi khi hơn tám tiếng, chúng ta bận rộn trong công sở. Chiều về tới nhà, chúng ta mệt nhoài. Giờ này phải nấu cơm cho con cái. Sau giờ cơm, chúng ta bận rộn với rửa chén, hút bụi, lau nhà, giặt quần áo cho con cái. Điện thoại gọi tới, “Reng! Reng! Hê-lô? Xin lỗi…” Chấm dứt câu chuyện với ông nội, bà ngoại bên Việt Nam, chúng ta ra sau vườn tưới nước, nhặt một vài ngọn cỏ. Vô nhà, chúng ta bật TV coi. Loay hoay một hồi với nhà với cửa, với con, với cái, với họ hàng, và với chính chúng ta. Nhìn lên đồng hồ, mười một giờ khuya. Chúng ta leo lên giường đi ngủ. Một ngày trôi qua.

B. Con Cái

Con Mai, cô con gái rượu ngày càng lớn, chúng ta càng có những mối lo canh cánh bên lòng. Đôi khi nhấc điện thoại, chúng ta nhận ra những giọng thanh niên lạ hoắc xin được gặp con Mai. Con Mai gần đây bắt đầu biết trang điểm. Tóc dài của nó ngày càng óng ả mỡ màng với bộ ngực nở nang, dáng điệu của một người thiếu nữ. Cuối tuần quần là áo lượt con Mai xin phép được tham dự bữa tiệc sinh nhật của những người bạn học trong trường. Và thế chúng ta bắt đầu lo lắng.

Thằng Thanh, đứa con trai đầu lòng râu bắt đầu mọc xanh trên mép. Hỏi chuyện, nhiều khi nó lười biếng không thèm trả lời. Thời gian gần đây thằng Thanh hay về khuya. Nó mở cửa bước vô nhà, chúng ta ngửi được mùi khói thuốc phảng phất bay ra từ người đứa con trai đang lớn. Lúc nãy nó xin phép sang nhà thằng bạn học bài. Sao bây giờ quần áo lại vương mùi thuốc lá khét lẹt? Thế là chúng ta trằn trọc cả đêm bởi mùi thuốc lá trên người của đứa con trai đang lớn.

C. Thanh Niên Thiếu Nữ

Riêng những người thanh niên thiếu nữ, chúng ta chưa có nhiều lo toan tính toán như cha mẹ của mình, nhưng ai cũng ôm ấp cho mình một vài dự án về tương lai. Những người còn đang tuổi đi học, chúng ta ngày đêm miệt mài với sách vở. Những bài homework, bài test là những mối bận tâm hàng đầu của thanh niên thiếu nữ còn đang trong tuổi cắp sách đến trường. Những đêm thức trắng học bài thi là những bận rộn thường xuyên của tuổi sinh viên. Những ngày nghỉ cuối tuần là thời gian quý báu cho những hẹn hò đôi lứa, cho những tiệc tùng sinh nhật, và những ánh đèn xanh đỏ chớp sáng trên sàn nhẩy. Những ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta đi shopping malls tìm kiếm mua cho được những bộ quần áo. Tầm thường ra cũng phải là của Gap, của Polo, Tommy Hilfiger. Sang trọng hơn, chúng ta nhất định phải mua quần áo, kiếng mắt của CK, Express, French Connection, Kenneth Cole, Banana Republic, Versace, Gucci.

Chuẩn bị cho ngày ra trường, chúng ta bắt đầu lao vào cuộc đua mới. Lần này, chúng ta tranh đua với các bạn đồng nghiệp đang chuẩn bị đội mũ Cử Nhân. Nếu may mắn, điểm GPA ra trường cao, 4.0 tuyệt vời hoặc 3.7, 3.8 trở lên, với cái mộc vàng chóe dán dính trên mảnh bằng Kỹ Sư Điện của đại học Berkeley hay San Jose State University của Trung Tâm Điện Tử Silicon, chúng ta cầm chắc một mảnh đời tươi sáng trước mặt. Với điểm GPA khá cao, chưa ra trường, qua một vài lần phỏng vấn chơi chơi với những đại công ty điện toán ngay tại trường, nhân viên phỏng vấn đã nhẹ nhàng cười mím chi duyên dáng với chúng ta. Những ánh mắt hứa hẹn, những cú điện thoại liên tục gọi tới, và chúng ta trở thành kỹ sư ngay khi chưa ra trường. Nếu chúng ta ít may mắn hơn, điểm GPA thấp hoặc thấp vô cùng, có thể chúng ta sẽ khá vất vả lùng kiếm công ăn việc làm. Nếu không may mắn có những người bạn đang làm trong hãng dẫn vào giới thiệu, cuộc sống kỹ sư của ta sẽ khá long đong lận đận.

index2_2013-02-12.jpg


Nhưng rồi cuộc đời vẫn lăn tới. Cuối cùng cuộc sống độc thân cũng chấm dứt khi chúng ta lập gia đình. Đám cưới tưng bừng với cô dâu mặc áo trắng toát, chú rể đẹp trai cười tươi. Tuần trăng mật tới. Nối tiếp là tuần dập mật! Theo sau là tuần nát mật! Đôi vợ chồng mới cưới bắt đầu đi kiếm một căn nhà mới tinh. Câu chuyện đầu tiên lại là câu chuyện tiền đâu. Và cuộc sống lo toan của bố mẹ chúng ta ngày xưa lại bắt đầu.

Cứ vậy, cuộc sống lăn tới. Ngồi xét lại trong một khoảng thời gian, từ khi chúng ta cắp sách đến trường đại học của tuổi mười chín đến khi chúng ta trở về với cát bụi của tuổi một trăm, chúng ta để dành cho Thiên Chúa được bao nhiêu khoảng thời gian ngoại trừ một tiếng đồng hồ của ngày Chúa Nhật. Mà hình như một khoảng thời gian ngắn ngủi này cũng không bao giờ trọn vẹn. Chúng ta đi lễ ngày Chúa Nhật. Thánh lễ dài khoảng một tiếng. Ông cha giảng dài ơi là dài! Thế là chúng ta chìm vào giấc ngủ. Tỉnh dậy, chúng ta mơ màng nghĩ tới những công chuyện phải giải quyết. Ngày mai, thứ Hai, một đống giấy tờ đang đợi chờ chúng ta ở trong hãng. Lát nữa, về tới nhà, lại cả một đống chuyện đang chờ đợi chúng ta. Đời sống hình như quá ngắn, mà sao công việc lại quá nhiều. Tối đến, nhắm mắt lại vẫn còn thấy chuyện. Ngủ cũng không yên. Trong một ngày, hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng ta nhớ tới Chúa, cùng đích của đời sống trong vòng bao nhiêu phút? Cuối cùng ngày đó rồi cũng tới. Chúng ta mở mắt ra. Gần một trăm năm đã trôi qua.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục sống, cách sống vừa được diễn tả ở trên, chúng ta đang lái xe về hướng Tây. Vào mỗi sáng sớm của một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đời người, chúng ta mải miết nhấn ga nhắm hướng Tây lái tới. Ngày cuối cùng rồi cũng đã tới. Vào ngày đó, chúng ta mới nhận ra hướng Tây không phải là hướng của Chúa. Ngài nằm ở hướng Đông. Khi đó trễ rồi! Quá trễ! Trước mặt chúng ta không có ai khác ngoài chính mình. Giờ này chỉ còn ta với ta. Chúa ơi, Ngài đang ở đâu?

Bởi vậy, Giáo Hội thiết lập Mùa Chay, Mùa U-Turn, Mùa Làm Đường Vòng Chữ U. Dừng lại! Quay lại! Xa quá rồi! Chúng ta đang lái lạc đường! Quay lại về hướng Đông, hướng của Thiên Chúa.


Lời Nguyện

Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này, xin giúp con nhận ra hành trình con đang bước đi không dẫn con tới gần Chúa, nhưng vực sâu núi thẳm, đêm đen tử thần, và bóng tối sự chết. Lạy Chúa, xin ban cho con lòng quyết tâm đứng dậy, làm một đường vòng hình chữ U, quay trở về lại căn nhà xưa, nơi đó Chúa đang đứng, trông chờ ngóng đợi, dõi mắt nhìn bóng dáng của con.

Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD 
---------------------------------------
MÙA CHAY - Lời XIN LỖI

Ngày nay hai chữ “xin lỗi” đang rất khan hiếm trong thời đại văn minh hôm nay. Nhiều người ngoại quốc vẫn “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Và cũng có người nói thêm rằng: Ở Việt Nam việc xin lỗi cũng chẳng dễ dàng gì. Ví dụ, có lần khi lùi xe máy tôi sơ ý chạm vào ống quần của một người đàn ông đang đỗ xe hướng ngược lại.


index_2013-02-12.jpg


Biết trời mưa nên xe khá bẩn, tôi đã mỉm cười và xin lỗi mình vô ý, đổi lại tôi nhận được một cái nhìn khó chịu và khuôn mặt lạnh như băng, tôi cảm tưởng lời xin lỗi của mình rơi xuống nước. Hay một lần khác, vì tránh người khác vượt phải mà suýt va chạm với một chị đi xe máy đang xin sang đường, sau câu xin lỗi của tôi là một tràng xối xả: “Đồ điên, mắt mù à?”...

Có phải rằng do cuộc sống bon chen, vội vã, tranh đua giành giật mà đôi khi con người ta ứng xử thiếu sự tôn trọng và thương yêu. Lời xin lỗi đã không còn hợp thời hợp lúc vì giữa người nói lời xin lỗi và nhận lời xin lỗi không còn tình yêu với nhau. Con người sống không còn tình yêu thì chỉ còn tranh chấp, hận thù nên lời xin lỗi thật lãng phí trong thời đại hôm nay.

Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng cần công nhận rằng: sức mạnh của một lời xin lỗi là có thể làm dịu một tình huống căng thẳng một cách diệu kỳ. Một cơn tức giận cho dù có lý hay vô lý đều dễ dàng được xoa dịu bằng một lời xin lỗi đơn giản, qua đó đôi bên đều có thời gian tự trấn tĩnh, nhìn vào sự việc để tìm ra cách giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực.

Thực ra, việc nhận lỗi và xin lỗi thật cần thiết trong cuộc sống. Cần thiết vì chẳng mấy ai mà không có khuyết điểm, chẳng mấy “Ai nên khôn mà không dại đôi lần”. Con người luôn có lầm lỗi là lẽ thường tình. Thế nhưng, cần phải nhận lỗi để sửa đổi, đừng để vấp phạm một lỗi đến hai lần hay nhiều lần. Nếu biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi con người sẽ rút được kinh nghiệm trong cuộc sống và sống hoàn thiện hơn.

Trong đời sống đức tin việc nhận lỗi còn bày tỏ lòng khiêm nhường trước Đấng Tạo thành. Nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình để con người cần đến ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Nhận ra sự khiếm khuyết của mình để Thiên Chúa bù đắp những thiếu sót nơi thân phận con người. Nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình con mới biết cậy trông vào ơn Chúa để hoàn thiện mình nên giống Chúa hơn.

Hôm nay, ngày khởi đầu cho mùa chay thánh. Với việc xức tro trên đầu tỏ dấu sám hối ăn năn. Tro hay bụi là cách người xưa dùng để bày tỏ lòng ăn năn thống hối. Người ta thường ngồi trong tro hay rắc tro bụi lên đầu, bày tỏ lòng ăn năn. Có người sẽ hỏi: Tại sao ta lại phải ăn năn hối lỗi? Câu trả lời là vì con người chúng ta là tội nhân trước mặt Thiên Chúa và cần phải ăn năn, hối lỗi mới được tha thứ. Thiên Chúa đã làm tất cả cho chúng ta. Ngài đã ban Chúa Giê-su giáng sinh làm người chịu chết vì tội của chúng ta, nhưng nếu chúng ta không ăn năn tội lỗi, ơn tha thứ sẽ không đến với chúng ta.

2_2013-02-12.JPG


Ơn tha thứ sẽ làm chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa, được trở về trong tình trạng làm con cái Thiên Chúa. Ơn tha thứ của Thiên Chúa sẽ đong đầy tình yêu của Ngài giúp con người nhận ra Một Vì Thiên Chúa rất mực yêu thương con người. Ơn tha thứ của Thiên Chúa còn ban xuống cho chúng ta sự khôn ngoan, ơn hiện sủng để thắng vượt những yếu đuối của bản thân, để chống trả chước cám dỗ, và thăng tiến mình mỗi ngày thánh thiện hơn.

Ước gì người ky-tô hữu chúng ta luôn có một lương tâm ngay chính để có thể nhận ra lỗi lầm của mình mà sám hối ăn năn trước mặt Chúa, mà xin lỗi tha nhân. Ước gì đời sống của chúng ta luôn nhận ra sự bất toàn của mình để trông cậy vào ơn Chúa để thắng vượt những cám dỗ của ma quỷ, để luôn trung tín với Chúa. Amen


Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
 

index2_2013-02-12-3.jpg


index_2013-02-12-2.jpg


Sám hối và lãnh nhận Ơn tha thứ
làm chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa, trở về
tình trạng làm nghĩa tử Thiên Chúa như thuở đầu tiên.
 

Không có nhận xét nào:

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------