Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

VÀI SUY NGHĨ về SỰ SÀNH ĐIỆU
Những năm gần đây, nhiều phương tiện truyền thanh, truyền hình và nhiều tờ báo đã có những đề tài quảng cáo nhắm vào một số thành phần có thu nhập khá ở tuổi thanh thiếu niên, thậm chí mở một mục riêng về sự “ sành điệu”.

Theo đà phát triển của đời sống xã hội, việc thưởng thức và biết đến những mặt hàng tiêu dùng mới mẻ, những loại thời trang kiểu dáng v..v… không phải là điều sai trái. Vấn đề đặt ra ở đây là đối tượng được nhắm đến là một số lớp trẻ con nhà khá giả, o bế và tuyên xưng họ là những người “ sành điệu”. Điều này đã tạo ra một khoảng cách giữa bạn trẻ nghèo hoặc cuộc sống trung bình và những bạn con nhà khá giả, giàu có cũng như cổ vũ cho việc đua đòi, ăn chơi trong các tầng lớp trẻ. Chúng ta vẫn thấy hằng ngày quanh ta nhiều bạn trẻ ăn mặc thời trang, xài hàng hiệu đời mới, lái xe hơi mắc tiền v..v… Những bạn ấy đã đi vào quỹ đạo của từ “ sành điệu” theo lối hiểu bây giờ nghĩa là rành rọt trong việc tiêu xài và chạy theo những lời quảng bá gọi là “ sành điệu” vẫn thường được nhắc đi nhắc lại hằng ngàn lần trong các chương trình phát thanh đó đây.Chúng ta lại thấy những bạn trẻ được xem là “ sành điệu” đến những nơi công cộng xả rác chẳng cần suy nghĩ, hút thuốc phun khói, gạt tàn bay vào mặt mũi kẻ khác, chạy xe không hề đếm xỉa luật giao thông, chen lấn giành nhau lên xe bus hay đi mua hàng siêu thị, mua vé rạp hát v..v… 

Câu chuyện về các bạn trẻ và thậm chí ở những lớp người ở tuổi lớn hơn xem hoa và giành giật các cành hoa, chậu hoa nơi công cộng đã là những biểu hiện cụ thể, rõ ràng về kết quả của sự giáo dục con người dẫn đến những ứng xử thiếu văn minh, phản văn hóa thật sự. Những hình ảnh và những cầu chuyện về sự xuống cấp thê thảm của đạo đức và văn hóa đã được nhiều người đề cập trong nhiều tờ báo khác nhau. Và những hình ảnh không mấy tốt đẹp này sẽ là những tấm gương xấu cho các lớp trẻ về sau, nếu không chấn chỉnh sẽ trở thành thói quen xấu và được nhiều người xem là bình thường nữa! Trước những hình ảnh xấu như thế, những bạn trẻ nào không cảm thấy xấu hổ, khó chịu chắc chắn về mặt nhận thức còn rất yếu kém. Không trách các bạn trẻ ấy, vì đó là kết quả của nền giáo dục thiếu nền tảng trong việc xây dựng con người…

Qua những vấn đề trên, chúng ta nên hiểu từ sành điệu như thế nào?

1/. Trước hết,“sành”là rành rẽ, rành rọt, hiểu rõ việc mình làm, lãnh vực mình tìm hiểu; “điệu” là ứng xử thích hợp, đúng lúc với một phong cách lịch sự, đẹp đẽ theo lối riêng. Một cách chung, “ sành điệu” là sự am hiểu, giỏi giang trong việc đánh giá, hưởng thụ vật chất, các nhu cầu giải trí và tiêu dùng v..v…

Trở về với những người được xem là” sành điệu” ở các thế hệ về trước như Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê cho đến Tản Đà, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng sau này, chúng ta thấy “ cách chơi” và “cách sống “ của các cụ rất tinh tế, đầy sự lịch lãm và nhiều chất thi ca lãng mạn… Một nhà nho như Nguyễn Công Trứ vẫn thường nói: “ Chơi cho lịch mới là chơi” hoặc “ Nghèo mà lịch sự đố ai theo” (Bài thơ “Tết”). Sự hưởng lạc bằng vào vài câu đối , vài câu thơ thích ý, vài chung rượu hay vài tách trà đòi hỏi phải” lịch sự” nghĩa là có sự lịch lãm, trong sáng, thanh cao trong khi thưởng thức vật chất. Lớp người sau như Nguyễn Tuân vẫn đề cao cái đẹp trong các hưởng thụ. Ông đã viết:” Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một tách trà” ( Chén trà trong sương sớm- trong Vang bóng một thời, NXB Cảo Thơm, Sàigòn 1962, tr 201). Đồng thời, nếu đọc những truyện ngắn khác trong tác phẩm này như “ Thả thơ”, “ Hương cuội”, “Chữ người tử tù”, “ Những chiếc ấm đất”, “Một cảnh thu muộn” .v..v… chúng ta thấy cách thưởng thức, “ cách chơi” của người đi trước có một vẻ đẹp tuy cầu kỳ nhưng thanh cao, trong sáng. 


Với nhà văn Vũ Bằng , ông đã quan niệm về cái đẹp: “ Cái đẹp lúc này là cái đẹp thành thực, hồn nhiên, mộc mạc, cũng như người đàn bà, con gái đẹp không phải vì quần áo, vì son phấn, mà chính vì cái chất đẹp ở trong con người tiết ra” (Thương nhớ mười hai-NXB. VH .1993 –tr .18). Cái “chất đẹp” tỏa ra như Vũ Bằng đề cập chính là phong cách sống giản dị với một tâm hồn trong sáng, thanh cao. Chúng ta chắc hẳn sẽ đồng tình với “cách chơi” như thế và “cách sống” cũng đẹp như cách chơi đó. Trong nhiều tác phẩm, các nhà văn và nhiều nghệ sĩ cũng có những quan niệm tương tự về sự lịch lãm, sành điệu với cái đẹp chất chứa bên trong. Bây giờ các thế hệ gọi là 8X hoặc 9X có nhiều bạn thiên về sự hưởng thụ vật chất, rành rẽ trong cách đánh giá các mặt hàng tiêu dùng chứ chưa vươn tới sự hoàn mỹ của từ ngữ này. Đó là sự “ sành điệu” phải đi đôi với sự tao nhã vì nó không dừng lại ở sự hưởng thụ vật chất tầm thường mà làm thế nào để cái đẹp của tâm hồn được nâng cao nhờ biết cách thưởng thức tinh tế và tao nhã hơn. 

Nói khác hơn, sự sành điệu trong cách chơi, cách thưởng thức nếu không đưa đến cái thiện trong tâm hồn và cái thật, cái đẹp trong cuộc sống dẫn đến sự giả tạo, gượng gạo, xa lạ với quần chúng và lạ lẫm với lớp trẻ còn thiếu thốn chưa có điều kiện hưởng thụ. Sự “ sành điệu” nơi một số bạn trẻ ngày nay quá đổi vật chất và tầm thường khác hẳn với các cụ đi trước. Sự sành điệu của các cụ đẹp đẽ trong khi nhắp ngụm nước trà thơm hay vài ly rượu nhỏ trước vẻ đẹp của buổi hoàng hôn hay ánh trăng rằm. Trong đời sống xã hội có sự phát triển về kinh tế, cuộc sống nhiều người khá giả lên nhưng tâm hồn chưa được làm giàu và làm đẹp theo cùng bước phát triển ấy.

Do đó, đi đến tầm cao hơn sự sành điệu là nghệ thuật sống sao cho “sống đàng hoàng, tử tế” (Trịnh Công Sơn) sống với sự trung thực và sống với lối sống đẹp của bầu trời chân, thiện, mỹ. Và chân, thiện, mỹ phải là kim chỉ nam để cho cách chơi, cách thưởng thức thực sự là sành điệu nghĩa là có thể hun đúc tâm hồn con người sao cho đẹp hơn trong cách sống để hòa vào dòng sống xã hội. Sống đẹp và sống cho ra người mới thật là sống “ sành điệu”. 


2/.Từ sự sành điệu trong việc hưởng thụ vật chất tầm thường, một khi được nâng lên tầm ý thức sẽ trở thành sự hiểu biết trong những ứng xử sao cho có văn hóa tức là nghệ thuật sống trong cộng đồng xã hội.

Những bạn trẻ là học sinh hay sinh viên hoặc là người nông dân thật thà, chơn chất sẽ thưởng thức cái đẹp của những cánh hoa anh đào Nhật Bản được tổ chức hằng năm tại Hà Nội hay những chậu hoa mai, những cành lan vào dịp Tết ở vườn Tao Đàn Sàigòn với thái độ hiểu biết, đúng mực có được ở bất cứ xã hội nào được giáo dục đầy đủ theo truyền thống.

Một thanh niên hay một thiếu nữ sành điệu sẽ là những con người khi đến những nơi công cộng không xả rác bừa bãi, biết xếp hàng theo thứ tự trước sau để mua vé xem đá bóng, chiếu phim, ăn cơm ở căn tin, lên xe bus.v..v… Họ sẽ sành điệu hơn khi vui vẻ nhường chỗ cho người già, người tàn tật, phụ nữ mang thai, thiếu nữ ốm yếu .v..v… Nhiều người gọi đây là những người có hành vi văn hóa tốt. Nhưng nếu muốn có việc ứng xử văn hóa được đánh giá là sành điệu, là đúng mực như thế, xét cho cùng nó là sản phẩm của nền giáo dục. Một nền giáo dục tiến bộ và đầy đủ sẽ đào tạo nhiều thế hệ công dân có văn hóa tốt đẹp để làm cho đời sống xã hội văn minh hơn, xứng đáng hơn.

Nói khác hơn, sự sành điệu trong cách sống mọi lúc, mọi nơi với thái độ hiểu biết, với hành vi đúng mực, với cái nhìn lịch lãm.v..v… được xem là người có văn hóa. Giữa sự sành điệu và sành điệu như thế nào cho có văn hóa là kết quả của nền giáo dục tốt từ học đường cho đến xã hội, từ làng quê đến thành thị, từ người dân bên dưới cho đến những người lãnh đạo bên trên. Một nền giáo dục thiếu căn cơ, thiếu truyền thống lại ít được chú trọng đúng mức sẽ đến sự thiếu đồng bộ, chệch choạc khi tạo ra sản phẩm là con người. Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi mới đây Thủ tướng nước Anh đã đưa ra một phương hướng mới để giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế là đầu tư và cải cách giáo dục để mong muốn sau này sẽ có những biến chuyển tích cực trong sự phát triển khoa học, kinh tế và xã hội. Coi nhẹ giáo dục sẽ đưa đến sự lạc hậu về dân trí, văn hóa, đạo đức, kinh tế.v..v… Những điều ấy nối kết tất yếu với nhau để tạo động lực phát triển đất nước.

Một nhà văn Pháp là Eduart Herriot (1872-1957) đã viết:” Văn hóa, theo một nhà sư phạm Nhật Bản, là cái gì còn lại trong con người, sau khi đã quên hết.” ( La culture déclare un pédagogue japonais,c’est ce qui demeure dans l’homme, lorsqu’il a tout oublié” (Notes et Maximes – Médiadico). Cái còn lại là cách ứng xử và lối sống hằng ngày. Nó đã trở thành máu chảy trong huyết quản và là hơi thở tự nhiên không gượng ép. Đi từ “văn” hay là vẻ đẹp và sự hiểu biết về cuộc sống thông qua giáo dục đưa đến” hóa” là công trình của việc giáo dục từ học đường đến xã hội. Vì thế việc”hóa” có tốt, có hiệu quả cụ thể là nhờ vào cách thức, phương pháo giáo dục có tốt và hiệu quả hay không.

Như thế, sống sành điệu, phải là sống sao cho có giáo dục, có văn hóa. Không được giáo dục tốt sẽ nẩy sinh không có văn hóa. Và không có văn hóa thì sự “ sành điệu” chỉ là những lề thói dừng lại ở sự hưởng thụ vật chất. Một xã hội coi trọng vật chất, coi trọng đồng tiền, coi trọng lợi lộc mà không lưu tâm đến việc bồi dưỡng tâm hồn con người sẽ đi thụt lùi với nền văn minh tiến bộ của nhân loại. Những thế hệ 8X, 9X nếu không nâng cao nghệ thuật sống, nâng cao trình độ văn hóa cụ thể sẽ là những thế hệ hám lợi, sính ngoại,mê tiền,tham vật chất mà thôi. Tương lai làm sao có người tài và đức để đưa đất nước đi lên? 



Sống sành điệu và sống có giáo dục, có văn hóa phải là một. Chẳng phải ăn cắp, tham nhũng, trộm cướp, giết người, hủy hoại môi trường sống.v..v… là xấu và đáng lên án mà cả những hành vi nhỏ nhặt như xả rác bừa bãi, hút thuốc chạy xe hắt tàn vào người khác, giành giật bẻ hoa triễn lãm, hở tí là chửi thề, giành nhau chen lấn để lên xe bus, mua cơm căn tin .v..v… cũng đều thuộc loại “ xấu xí” chẳng tốt đẹp chút nào. Để có được những người Nhật biết cúi đầu nhận lỗi, biết xin lỗi và từ chức khi phạm sai lầm, biết phép lịch sự khi ra ngoài đường mà chúng ta thường nghe thấy và biết đến khi đi du lịch bên ấy là nhờ vào tinh thần tự trọng của dân tộc Nhật cộng với truyền thống giáo dục và văn hóa lâu đời của họ. Đời sống kinh tế của họ rất cao nhưng sự sành điệu của người Nhật trong việc pha trà, cắm hoa, làm vườn tược, trồng cây cảnh, chế biến thực phẩm.v..v…đã được nâng lên thành “đạo” (Trà đạo chẳng hạn) nghĩa là có chiều sâu của nghệ thuật và bồi dưỡng được tâm hồn con người. 


Nhìn qua phương trời khác ta thấy một Singapore thịnh vượng, văn minh, thường đứng thứ hạng đầu về kinh tế, môi trường sống. Để có được những công dân Singapore biết giữ gìn môi trường xanh và sạch, đi ngoài đường có thói quen không xả rác và lượm rác bỏ vào thùng rác công cộng , đi đứng lịch sự, nói năng khiêm tốn .v..v… đều nhờ vào những người lãnh đạo cao nhất đầy tâm huyết, không những lo chuyện lớn của đất nước mà vẫn không quên những chuyện nhỏ của xã hội. Chẳng hạn để loại bỏ thói quen nhai kẹo cao su rồi nhả bừa bãi nơi công cộng như nhà ga, phi trường, quảng trường công cộng, nhà nước Singapore không những chú ý giáo dục thường xuyên mà kèm theo sự xử phạt nghiêm minh, chặt chẽ nên thói quen ấy giờ đây không còn nữa. Không xả rác bừa bãi, không khạc nhổ tùy tiện, biết tôn trọng giữ gìn môi trường xanh đẹp như Singapore.v..v… cùng với việc biết nổ lực học tập , đưa ra những dự án thiết thực về kinh tế đã nhanh chóng đưa Singapore trở nên thịnh vượng chỉ trong vài thập niên.

Do đó, thay vì đề cao sành điệu là biết tiêu xài, hưởng thụ vật chất thì trước hết hãy đề cao sành điệu là biết cách sống hài hòa với xã hội bằng phong cách sống có giáo dục, có văn hóa. Và từng bước sẽ là những công dân “ sành điệu” mọi lúc, mọi nơi trong việc xây dựng tinh thần dân tộc sao cho văn minh hơn, tiến bộ hơn hầu nâng cao vị thế và cái nhìn tốt về dân tộc Việt Nam trước con mắt bè bạn .

Vậy ai sẽ là người đi đầu để cải thiện hình ảnh con người Việt Nam một cách thức sự nếu không là những người lãnh đạo và sự hưởng ứng của các thế hệ trẻ- Dĩ nhiên, việc cải cách giáo dục toàn dân từ trường học cho đến xã hội cũng phải được chú trọng để có thể có được những công dân sành điệu, những công dân đàng hoàng trong việc xây dựng đất nước.

Góp thêm vài suy nghĩ trên đây chỉ là chia sẻ những ai lo lắng cho tương lai đất nước mai sau, quan tâm đến việc xây dựng thế hệ trẻ bằng những biện pháp cụ thể, hiệu quả và lâu dài của việc cải cách văn hóa và giáo dục.
--------------------------------------
DƯƠNG ANH SƠN

Không có nhận xét nào:

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------