Cha Khách
Nhà thờ xóm tôi thỉnh thoảng có cha ngoại quốc ghé qua làm lễ, mỗi cha một vẽ, từ diện mạo cho đến phong cách giảng. Đa phần các cha dựa vào mẫu giấy đã soạn trước để diễn giải phúc âm bằng ngoại ngữ, vì tiếng pháp không phải là tiếng mẹ đẻ của ngài.Mùa Thu năm nay, cha trẻ gốc Châu Phi đến xóm tôi làm lễ hai lần. Ngoài lợi điễm thông thạo pháp ngữ, ngài có lối giảng như người dẫn chương trình TV hiện nay. Vừa giảng, vừa hỏi rồi để giáo dân « suy tư bên bờ vắng », đó là cách lôi kéo giáo dân « nhập cuộc » với ngài, nhưng « cái đinh » của bài giảng là quan điễm riêng của ngài rất sát với thực tế.
Thánh lễ dành cho gia đình chiều nay với dàn nhạc sống của giới trẻ và những bài thánh ca hào hứng, còn có cha khách chủ tế, thật thú vị.
Mở đầu bài giảng, cha bật mí, lần đầu tiên trong đời linh mục, tôi được giáo dân « ra chủ đề » để tôi làm bài, bữa nay các bạn trẻ yêu cầu tôi nói làm sao để các bạn phải nhớ đến bài phúc âm này dài lâu.
Ngài gãi đầu thỏ thẻ, hình như vị trí của tôi vừa bị hoán đổi, không sao, có Chúa Thánh Thần soi sáng, tôi tin có thể đáp ứng yêu cầu của các bạn.
Trong bài phúc âm này, Chúa bảo nếu chân, tay hay mắt của chúng ta làm đều xấu, thì phải chặt bỏ phần đó đi, nói vậy đạo của Chúa xem ra « hơi ác độc » và mất hẳn đức nhân từ, không dạy chúng ta phải tha thứ như thường nghe.
Quý vị nghĩ gì, và hiểu thế nào về từ ngữ chúng ta vừa nghe, hình như đoạn phúc âm này chúng ta đã nghe nhiều lần trong đời, chắc quý vị đã nghe các cha giải đáp những lần trước rồi, tôi phải nói làm sao để không nhàm chán đây.
Cha nhìn mọi người cười cười, hồi nhỏ tôi nghe bài phúc âm này cũng thấy đạo của mình khá rùng rợn, nhưng từ khi đi tu tôi mới hiểu hết ý Chúa.
Theo Thánh Kinh, Chúa bảo, thân thể chúng ta hư hỏng tới đâu chặt bỏ tới đó, kiểu này hầu như ai trong chúng ta cũng một lần trong đời trở thành phế nhân.
Nói vậy mà không phải vậy, động từ chặt đứt, vứt bỏ tay chân hay khoét mắt đó, đưa tới hình ảnh « không toàn thân » của chúng ta, bài phúc âm đưa ra câu hỏi, ai trong chúng ta dám tự hào mình là người hoàn thiện.
Chúa chấp nhận chúng ta khuyết tật, không hoàn hảo, vì thế Chúa mới đến tìm những con chiên ghẻ để cứu vớt, nhưng đáng buồn thay, chúng ta quá tự mãn nên có thấy Chúa đâu.
Chúa ra đời trong cảnh nghèo khó, lớn lên cặp bồ đánh bạn với dân chài lưới, bà góa, dân khố rách áo ôm, và chịu chết vì cái tính trịch thượng của chúng ta.
Thưa quý vị, trong đời tu trì, tôi từng được giáo dân săn đón, ưu đãi, bỡi vì tôi « đại diện Chúa » theo cái nhìn trần tục của quý vị, vô tình đôi khi quý vị bóp méo thánh kinh.
Chúa đến để phục vụ chứ đâu phải để làm Chúa ăn trên ngồi trước, tôi làm cha là để rao giảng Tin Mừng, tôi thuộc lớp người đi phục vụ chứ đâu phải mặc áo dòng để « làm cha thiên hạ ».
Bây giờ tôi xin trả bài với các bạn trẻ đây, các bạn chơi nhạc, hát hay, có tương lai tươi sáng trước mặt, biết đâu sau này có bạn sẽ trở thành thị trưởng, dân biểu, một người nỗi danh, hay cũng chỉ là thường dân như đa số chúng ta đây.
Sau này dù có là gì đi nữa các bạn cũng nên nhớ đến cái Đức Khiêm Nhường, đó là kim chỉ Nam để chúng ta không lạc lối và xa rời Chúa. Biết mình là người không hoàn hảo, người khiếm khuyết, nghĩa là nhận ra thân phận con người phải liên tục tu luyện để giống hình ảnh Chúa tạo ra chúng ta thuở ban sơ, thuở con người chưa tự kiêu, tự mãn để bị sập bẩy con rắn độc.
Hình ảnh con rắn phỉnh gạt bà Eva cũng chính là tính ngạo mạn, tự đại, tự mãn của chúng ta đó thôi, tội nghiệp cho thân phận mỏng dòn của chúng ta, dễ vỡ, dễ sa lầy lắm. Tôi nói ít, hy vọng quý vị và các bạn trẻ hiểu nhiều vì tôi chủ trương, tôi gợi ý Lời Chúa, quý vị là người tìm lời giải đáp và thực hành điều mình tìm thấy, nếu mình làm sai thì làm lại, Chúa luôn ở bên ta để dìu dắt ta.
Xin cảm ơn cha xứ đã cho phép tôi đến với quý vị, cảm ơn các bạn trẻ đã ra đề bài để tôi có cơ hội « mở đề bài », các bạn làm bài tiếp nhé và hãy nhớ chúng ta không phải là người hoàn hảo nên phải luôn tìm đến Chúa xin Người giúp đỡ.
Lần này cũng như lần trước, cha lại làm tôi suy tư, hình ảnh con người tàn phế này tôi đã thấy đâu đây, chính xác, chính chúng ta đó thôi chứ ai vào đây. Vì đã có lần ta tự khoát vào người chiếc áo hào nhoáng của kẻ tài ba, khôn ngoan, cao siêu hơn người khác, những tĩnh từ phù du chỉ đưa ta xa rời con đường đến với Chúa.
Cha khách nói hay hơn cha xứ dân Tây chính gốc, có thể vì ngài « mặc cảm » mình là dân ngoại quốc, cũng chỉ là khách vãng lai của xứ đạo nên ngài phải « soạn bài » thật kỷ để thu hút giáo dân.
Tôi không nghĩ như vậy, vì môn hùng biện cha nào cũng được đào tạo trong lúc học Thần Học, bài vỡ thì Phúc Âm từ ngàn xưa vẫn không thay đổi, có chăng là tài hùng biện của mỗi người mới là thiên phú.
Cái duyên ăn nói là đặc tính riêng của từng người, và cha khách đã « lấy lòng » giáo dân xóm tôi qua tài dẫn chuyện rất chuyên nghiệp. Cái nghiệp vãng lai của ngài hình như đang bén rể ở xóm tôi, tôi hy vọng rồi cha sẽ tiếp tục lai vãng đến đây để lôi cuống giới trẻ, và cả dân sồn sồn sắp bước vào giới « lão niên » như tôi đây, khám phá Phúc Âm, dù đã hơn hai ngàn năm vẫn có sức hấp dẫn, làm ta thắc mắc, tự vấn xem mình đã phụ lòng Chúa bao nhiêu lần rồi.
Tôi vừa viết xong bài này, cũng là lúc Roma ra thông báo Đức Thánh Cha vừa đâm đơn từ chức vì lý do sức khẻo.
Giáo dân kẻ khen, người tiếc, tôi thán phục ngài sát đất, người uy quyền nhất Giáo Hội vừa thừa nhận, lực bất tồng tâm.
Đức Thánh Cha cũng chỉ lập lại bài phúc âm cha khách đề cập đến vài tháng trước, ngài tự nhận mình mang thân phận tầm thường như mọi người trước mặt Chúa và nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng ngài đã lấy một quyết định gương mẫu, một bài học để đời cho hậu thế.
Cuộc đời này rồi sẽ qua đi, còn chăng là dấu ấn của ngài, « thời đại » của ngài tuy ngắn hơn Đức Thánh Cha Jean Paul II, nhưng lại kết thúc trong bối cảnh đáng được chúng ta chiêm nghiệm.
Chung cuộc chúng ta cũng chỉ là khách vãng lai của trái đất này thôi, vậy hãy sống thật xứng đáng những ngày dù buồn hay vui đều là những ngày có Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Đoàn Thị
Juin 2013 /
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét