Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Tôn kính di tích xương thánh

Trong Giáo Hội có nhiều nơi còn lưu giữ di tích Thánh, như ở đền thờ Vatican có mộ Thánh Phero, mộ thánh Phaolo ở Roma, ở Santiago Campostella bên Tây ban Nha có hài hài cốt Thánh Giacobê Tông Đồ, bên Ấn Độ có mộ Thánh Toma Tông đồ, ở Köln có hòm xương của Ba Vua, ở thành Turino bên Ý có khăn của Thánh tẩm liệm in hình Chúa Giêsu, những di tích Xương của các vị Thánh, như chúng ta có xương của 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam.

Có di tích Thánh, đồng thời cũng nảy sinh tập tục lòng tôn kính di tích Thánh. Tập tục tôn kính di tích Thánh trong Giáo Hội Hội là nếp sống đạo đức bình dân thịnh hành từ xa xưa. Ngày nay tập tục này tuy vẫn còn sống động, nhưng không còn mạnh cùng trọng thể tưng bừng nhộn nhịp như ngày xưa nữa.


Nhưng đâu là ý nghĩa đạo đức thần học của tập tục tôn kính di tích thánh trong nếp sống đức tin của người Công Giáo?


1. Lịch sử tôn kính di tích thánh

Nếp sống đạo đức tôn kính di tích thánh đã có ngay từ thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu. Sách Tông đồ công vụ (19,12) thuật lại các tín hữu Chúa Kitô đã lấy khăn cho chạm vào người Thánh Phaolô ngay lúc ngài còn sinh thời đi rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu giữa dân chúng, và rồi đeo quàng khăn đó trên người. Vì họ tin rằng từ nơi thánh nhân có sức mạnh thần linh giúp che chở chữa lành bệnh tật phần xác cũng như phần hồn tâm linh.


Tập tục đạo đức bình dân tôn kính di tích thánh là cung cách lòng tôn kính các Thánh cổ nhất có từ thế kỷ thứ hai sau Chúa Giáng sinh. Từ tập tục đạo đức này, nảy sinh từ thời đầu Trung cổ, nơi bàn thờ dâng lễ trong thánh đường có mẩu xương Thánh đặt nơi đó nữa. Tập tục tôn kính di tích thánh này nói lên mối tương quan ở dưới đất với „ cộng đoàn các Thánh „ ở trên trời.


Từ khi phong trào Tin Lành cải cách thời Luthero năm 1546 phát triển lan rộng, tập tục bình dân tôn kính di tích Thánh bị chỉ trích phủ nhận, cho đó là không hợp với Kinh Thánh. Theo cao trào đó, nhiều nơi ở Âu châu trước đó có những di tích thánh để tôn kính, sau đó tháo gỡ bỏ hòan toàn.


Trước thảm cảnh đau buồn hầu như đời sống đạo đức bị tàn phá xuống dốc, Công đồng Tridentino năm 1563 đã đưa ra luận cứ phản bác lại những phê bình chỉ trích của những giáo phái Tin Lành cải cách phủ nhận tập tục đạo đức tôn kính di tích Thánh. Đồng thời Công đồng muốn cổ võ làm sống lại tập tục đạo đức bình dân này trong Giáo Hội Công Giáo.


Có làn gió mới tươi mát thổi vào, tập tục đạo đức bình dân này sống động trở lại trong đời sống Giáo Hội từ ngày đó.


Bước sang thế kỷ thứ 20. tập tục đạo đức này lần nữa bị lu mờ giảm thiểu rõ rệt do phong trào cải cách Phụng vụ lấn lướt dựa trên lý luận thuần lý chiếm vị thế hàng đầu. Nhưng từ hơn hai năm qua việc tôn kính di tích Thánh lại dần được làm cho sống động phát triển trở lại.


Nhu cầu tâm linh tìm sự trợ giúp, an ủi cho tâm hồn luôn là nhu cầu cần thiết cho đời sống con người. Tập tục đạo đức bình dân hành hương tôn kính di tích Thánh là một cách thế đạo đức đáp ứng cho nhu cầu tâm linh con người.


2. Những phân biệt thứ loại di tích Thánh


Tôn kính di tích Thánh là một tập tục đạo đức bình dân trong Giáo Hội. Nhưng dẫu vậy cũng có những phân biệt xếp loại di tích Thánh theo ba cấp thứ hạng.


2.1. Di tích Thánh loại hạng nhất là những phần thân thể của các Thánh, đặc biệt là Xương thân thể của vị Thánh, nhưng cũng bao gồm cả những sợi tóc, móng tay, và rất ít trường hợp cả máu. Những vị Thánh mà thân thể bị thiêu đốt ra tro bụi, tro bụi đó có gía trị như di tích Thánh.


2.2. Di tích Thánh loại hạng hai là những vật dụng chính gốc mà lúc sinh thời các vị Thánh đã dùng đụng chạm vào, như đồ dùng của họ, quần áo các vị đã mặc, bút viết; nơi các vị Thánh Tử đạo những vật dụng khí cụ hành hạ chém giết các ngài cũng có gía trị là di tích Thánh.


2.3. Di tích Thánh loại hạng ba là những vật dụng đồ đạc trực tiếp đã đụng chạm vào thân thể vị Thánh, như khăn, áo đụng chạm vào vị Thánh hay phủ trên tấm hình của vị Thánh.


Chúa Giêsu theo Phúc âm thuật lại ( Lc 24,50-53; Sách Tông đồ công vụ 1,1-11) đã trở về trời, và theo giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo đức mẹ Maria cũng đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác, nên không có di tích xương thánh - theo hạng thứ nhất - của các Ngài nữa ở trần gian.


Xương các Thánh Tử đạo Việt Nam là di tích thánh thuộc loại hạng nhất.


Luật Giáo Hội cấm không cho phép buôn bán di tích Thánh. Được phép xin cùng gìn giữ tôn kính di tích Thánh, nhưng không được tiếp tục đưa ra mặc cả buôn bán. Cũng được trao tặng di tích thánh cho người tín hữu hay trao trả lại cho Giáo Hội di tích Thánh.


3. Ý nghĩa đạo đức thần học di tích xương các Thánh tử đạo.


Khi người tín hữu Công Giáo chúng ta đọc kinh, ca hát tôn kính di tích Xương các Thánh, hay đụng chạm hôn kính di tích Xương các Thánh, không phải để tò mò xem có thực hay không, hay để muốn được trải qua phép mầu lạ lùng huyền bí, có sức chữa bệnh, hay ngã lăn đùng ra giữa nền đất bất tỉnh cùng kêu la ú ớ nói tiếng lạ lung tung, có sức huyền bí ban cho được điều gì trong lòng đang mong ước....


Không, không, tuyệt đối không như thế. Nhưng muốn suy nghĩ về ý nghĩa đạo đức thần học.


Chúa Giêsu Kitô là trung tâm đức tin Kitô giáo. Ngài là con người với xác phàm như mọi người đồng thời Ngài là Thiên Chúa thật. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống trần gian làm người mang ơn cứu độ, ơn bình an đến cho con người.


Các Thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta cũng là tạo vật, là con người được Thiên Chúa tạo dựng nên trong công trình sáng tạo vũ trụ.


Các ngài cũng có đời sống với những giới hạn yếu đuối, đau khổ bệnh tật, trong xã hội như bao người dân khác. Nhưng tâm hồn các Ngài quy hướng tin vào Chúa là khởi đầu và cùng đích đời sống. Nên các Ngài một lòng kính mến Chúa, không làm hay nói sự gì sai quấy làm mất lòng Chúa.


Được Giáo Hội Chúa dạy cho biết Thiên Chúa là tình yêu, và hãy thương yêu mọi người như Chúa muốn. Không chỉ tin như thế, nhưng các Ngài còn đem thực hành trong chính đời sống mình sao cho tình yêu Chúa được chiếu tỏa rạng sáng giữa lòng xã hội, dù có phải chịu thiệt thòi thua kém.


Các ngài yêu mến qúy trọng gìn giữ hạt giống đức tin vào Chúa như báu vật kho tàng đời mình, mà họ đã nhận lãnh ngày chịu phép rửa tội.


Đức tin đó là hướng đi, là nơi dựa cho đời sống tinh thần của họ, nhất là những khi gặp khó khăn thử thách. Nhờ như vậy, họ đã đứng vững trung thành tin vào Chúa cho đến hơi thở cuối cùng trên trần gian.


Tôn kính di tích Xương các Thánh là biểu lộ lòng tôn vinh ca ngợi công trình thánh đức của Chúa thực hiện nơi đời sống các Thánh, mà các ngài đã sống thể hiện khi xưa ở giữa trần gian.


Tôn kính di tích Xương các Thánh muốn nói lên tâm tình tạ ơn Chúa. Vì Thiên Chúa đã qua đời sống các Thánh chiếu tỏa tình yêu, lòng thương xót Chúa cho con người được cảm nhận thấy.


Tôn kính di tích Xương các Thánh muốn nói lên lòng cầu khấn xin các Thánh, giờ đây gần bên Chúa trên trời, phù hộ cho ta còn đang sống trong những giới hạn, những cám dỗ nơi trần gian, nhất là xin ơn trung thành với Chúa luôn mãi trong đời sộng.


Tôn kính di tích xương các Thánh tử đạo Việt Nam là cung cách sống lòng biết ơn hiếu thảo với cha ông của chúng ta, những người đã sống nêu gương cho chúng ta trung thành với đức tin vào Chúa.


***************


Máu các Thánh tử đạo, cha ông của chúng ta đã đổ ra vì đức tin vào Chúa, vì lòng bác ái như Chúa dạy.

Thân xác Xương các Ngài đã được mai táng chôn vùi trong lòng đất.

Máu xương các Ngài đã trở thành chất phân bón cho hạt giống đức tin vào Chúa được nẩy nở sinh cành lá tươi tốt.


“Hạt giống các tín hữu”: Ngoài con số từng ngàn từng vạn giáo dân trong các thế kỷ trứơc đây đã đi theo con đường tử nạn của Chúa, ngày nay là tất cả những ai đang lao động trong khắc khoải, trong khó nghèo cực độ về thể chất, kinh tế, trong hy sinh liên tục, nhưng chỉ mang một hoài bão là có thể trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa, xứng với danh hiệu những người quản lý trung thành trong nước Trời.


“Hạt giống các tín hữu” là tất cả những ai ngày nay vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập Giá của Chúa Kitô: Thánh Giá bài trừ sự nói dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con ngừơi biết thinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho nước Cha trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương của họ là môi trường đời sống.


Công tác này: công tác liên tục diễn tiến trong nội tâm vừa gây go vừa trường kỳ vì luôn luôn bị hoàn cảnh đặc thù chế ngự, và âm mưu thử thách ĐỨC TIN, do đó, đòi hỏi rất nhiều nhẫn nại. Phải xác tín rằng: đêm tối rồi cũng qua đi và ánh bình minh đang ló rạng ngoài ngưỡng cửa.“ ( Á Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị, Bài giảng ngày phong 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam, Vatican ngày 19.06.1988)


Kỷ niệm 25 năm phong 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam,
1988 - 19. 06. - 2013
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Không có nhận xét nào:

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------