Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Đàn ông sợ vợ?

Từ xưa đến nay, đàn ông luôn được xem là trụ cột, chỗ dựa của gia đình vì đưa ra những quyết định lớn lao để vận hành tổ ấm.

Đàn ông không sợ chuột, không sợ bệnh. Nhưng vì mang thân xác con người nên cũng có những nỗi sợ nào đó. Chẳng hạn: sợ thất nghiệp, giảm khả năng làm “chuyện ấy”, sợ... vợ. Nhiều quý ông thú nhận: “Ra đường, tôi chẳng sợ ai, chẳng hiểu sao về nhà lại sợ bả”. Không ít ông chồng khăng khăng. “Không phải sợ, mà là... nể”. Và có nhiều người khác lại cười khà: “Sợ vợ mình chứ có sợ vợ ai đâu mà phải lo”.

Nể vợ hay sợ vợ?
Theo nhiều chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình, đàn ông thường nể vợ chứ không sợ vợ vì bao giờ đàn ông cũng nhìn nhận mình là phái mạnh, rất coi trọng tự do và cái tôi của mình. Số đàn ông thật sự sợ vợ rất ít vì là hiện tượng cá biệt. Và đó là những người đàn ông rất tội nghiệp. Người đàn ông sợ vợ luôn luôn trở nên lép vế trong gia đình, anh ta nín nhịn, không dám làm phật ý vợ, thậm chí run rẩy trong mọi cuộc tranh cãi.

Chân dung một người đàn ông sợ vợ
Thuở nhỏ, một lần đi học về, tôi bắt gặp một người phụ nữ trẻ trong xóm rượt theo ông chồng của mình: “Đứng lại, Tuấn! Tao kêu mày đứng lại mà mày dám chạy hả?”. Người chồng khổ sở vừa dắt chiếc xe đạp cũ nát chạy như tên bắn vừa ngoái lại nhìn người “đầu ấp tay gối” của mình. Lưỡng lự một chút, anh ghìm chiếc xe lại. Chị vợ nhanh như sóc, lập tức nhảy xổ vào chồng thượng cẳng tay, hạ cẳng tay chân trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ. Tôi bước nhanh qua họ vì không muốn nhìn thấy những điều tồi tệ hơn nữa. Xóm tôi ai cũng biết “truyền thống” ăn hiếp chồng của bốn mẹ con nhà bà Ba nên mỗi khi gia đình ấy có chuyện “cơm không lành canh không ngọt” với các ông chồng của mình, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm.
Nể vợ vì vợ cho ta một gia đình hạnh phúc
Người đàn ông ít khi có tư tưởng dành dụm, vì vậy, trước khi kết hôn, anh ta thường chỉ có hai bàn tay trắng dù là người có mức lương cao hoặc có địa vị trong xã hội. Đây chính là nguyên nhân vì sao đại đa số đàn ông trước khi kết hôn đều lựa chọn rất kỹ để không phải “ký bản án chung thân” với những cô gái chỉ biết vung vít tiền bạc vào việc mua sắm, chưng diện, không biết quán xuyến công việc nhà. Và, sau khi kết hôn đều nộp tiền lương cho vợ. Đầu tiên, đó là ý thức yêu thương và tôn trọng, kế đến, anh ta tin tưởng vợ có khả năng vun vén gia đình. Người đàn ông có vợ đảm đang có thể yên tâm phấn đấu ngoài xã hội vì biết chắc chắn rằng phía sau họ là một người vợ chăm sóc gia đình và chăm chút, gìn giữ số thành quả họ mang về. Với tất cả những lý do trên, nhất định mọi người đàn ông đều có hiểu biết đều phải nể vợ. Khi đã có tuổi, nhìn lại quãng thời gian phấn đấu đã qua, nhiều ông chồng thổ lộ rất nể và kính trọng vợ vì vợ đã đảm nhiệm, bù đắp những khiếm khuyết của mình để gây dựng một gia đình hạnh phúc. Nếu không có vợ, anh ấy có thể là người “bốn không”, không gia đình, không thành công, không sự nghiệp, không tiền bạc. Vì vậy, rất nhiều ông chồng cho rằng vợ là bảo vật, là niềm tự hào của gia đình.

Nể vợ vì... yêu
Tình yêu không luôn luôn là mật ngọt. Cuộc sống chung của vợ chồng có muôn nghìn cảm giác; khi thì vui vẻ, hạnh phúc, khi thì lo âu, buồn giận. Chuyện tiền nong, sự nghiệp, chuyện nuôi dạy, chăm sóc con cái, chuyện ứng xử phải phép với gia đình nội ngoại, cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp bạn bè... luôn là những đề tài thường trực trong mỗi gia đình. Ngoài ra, khi sống chung với nhau, đôi vợ chồng còn phải chịu đựng những tật xấu của nhau, chẳng hạn, bà vợ lắm điều, thích mua sắm... ông chồng cẩu thả, xả rác đầy nhà, đi sớm về muộn, thỉnh thoảng quên ngày sinh nhật vợ... và muôn vàn lý do khác để họ gây nhau. Khi vấp phải những va chạm, “chiến tranh” xảy ra, vợ chồng to tiếng, giận hờn để “những người trong cuộc” hiểu quan điểm của nhau hơn. Khi tranh cãi, nhưng vợ chồng vẫn dè chừng đế không xúc phạm nhau. Các bà vợ thông minh khi tranh cãi với chồng không nặng lời còn các quý ông thường tỏ ra độ lượng vì... nể vợ và luôn biết mình là phái mạnh - rủi lỡ tay thì to chuyện. Sau mỗi lần tranh cãi,người ta lại làm hòa, lại “đầu ấp tay gối”. Sau nhiều năm chung sống kỷ niệm về những lần tranh cãi cô đọng thành những dấu ấn ngọt ngào để “những người trong cuộc” thấm thía nhiều điều mới về “đối phương” của mình. Một người bạn của tôi kể trước khi cưới, tình cảm của anh và gia đình vợ tương lai rất tốt nên vài ngày trước hôn lễ, anh cũng dùng cơm chiều với gia đình vợ tương lai. Ba vợ anh bảo: “Bọn trẻ chỉ thích cười, tôi muốn cản mà không được - ngoảnh đầu nhìn sang anh bạn của tôi, ông tiếp - Nói trước, cưới vợ xong cực khổ lắm, mất cả tự do, đêm tới không ngủ được vì tiếng “dế” rỉ rả bên tai. Tôi muốn thoát ra mà thoát không được, anh lại chui đầu vô”. Cả nhà cười vui vẻ trong cái nguýt dài của bà mẹ vợ.


Nể vợ, người đàn ông được gì?
Theo các chuyên gia tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Roma, khi người phụ nữ quán xuyến tốt công việc trong gia đình, cuộc sống hôn nhân có khuynh hướng hạnh phúc. Vì thế, nguy cơ xảy ra ly hôn là rất hiếm. Gia đình nào có chồng không biết nể vợ, gia đình đó khó hạnh phúc. Các nhà khoa học lý giải điều này như sau: Người phụ nữ thường cẩn thận, chu đáo nên nếu chị là chủ nhà, mọi việc trong gia đình đều được sắp đặt cẩn thận, chu đáo. Người phụ nữ vị tha nên dù gia đình có xảy ra chuyện gì đi nữa, chị cũng kiên nhẫn lèo lái con thuyền hạnh phúc của gia đình đến bến an toàn nhất. Người phụ nữ dịu dàng, biết lắng nghe và biết giải quyết những khúc mắc nên là điểm tựa của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Một con số để chứng minh: nguy cơ ly hôn ở các gia đình thuộc chế độ mẫu hệ giảm 30% so với các gia đình có đàn ông làm chủ. Cũng theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc trung tâm này, số lần chăn gối của các cặp vợ chồng ở các gia đình có phụ nữ làm thủ lĩnh tăng gần gấp đôi so với các gia đình có đàn ông là chủ. Ngoài ra, theo tài liệu điều tra trên 1.000 cặp vợ chồng, các chuyên gia thống kê nếu quyền quản lý ngân sách của gia đình thuộc về phụ nữ thì hôn nhân kéo dài ít nhất 10 năm nhưng nếu ví tiền của gia đình rơi vào tay các đức ông chồng, cuộc hôn nhân chỉ “thọ” khoảng 5 năm.

Tầm quan trọng của người vợ
Trong cuộc sống chung hằng ngày, người vợ được xem là người giữ lửa, là tay hòm chìa khóa, là cố vấn trước khi chồng đưa ra những quyết định lớn lao có liên quan đến gia đình, sự nghiệp nên mọi thành viên trong gia đình đều phải nể mặt. Người đàn ông có thể thông minh, tài giỏi, có địa vị cao hoặc kiếm được nhiều tiền nhưng anh ta không thể nào kiêm luôn thiên chức của người phụ nữ: quán xuyến tất cả các công việc “nhỏ nhặt” như tiêu tiền, tiết kiệm, quản lý nhà cửa, nuôi dạy, chăm sóc con cái... Người ta thường nói: Sau lưng người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ. Gia đình thành đạt, hạnh phúc là gia đình có người chồng biết bôn ba ngoài xã hội kiếm tiền và có người vợ chu đáo, ân cần, quán xuyến khéo mọi việc sao cho không thiếu trước hụt sau và phải có khoản dư để dự phòng bất trắc. Một gia đình hạnh phúc, thành đạt là nỗ lực của cả chồng lẫn vợ, là ao ước của muôn người. Trong gia đình, người vợ có thể quyết định nhiều vấn đề nhưng ông chồng vẫn là một thủ lĩnh, nếu lệnh ông không lớn hơn một chút thì ít nhất cũng ngang bằng bà xã của mình vì gia đình nào “lệnh ông không bằng cồng bà” thì đạo lý trong gia đình đó thường hư hỏng, nề nếp không ra gì và con cái khó nên người tử tế. Một người phụ nữ thông minh luôn biết vị trí của mình trong gia đình và hiểu rằng chồng chỉ nể chứ không sợ mình. Chị phải xây dựng hình ảnh ông bố tốt đẹp trước mặt con cái thì con mới trở thành người tốt được. Người vợ xem mình là trung tâm của gia đình chính là người thiếu hiểu biết, thiếu thông minh nhất.
 

Tác Giả: HSV

Không có nhận xét nào:

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------