Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

TRIẾT LÝ VỤN...


Triết Lý Vụn
(VienDongDaily.Com - 29/12/2011)

Đây cũng là một câu chuyện tôi tìm được trong cái kho tàng bị bỏ quên của tôi. Nó chỉ là một mẩu tin rất nhỏ, in ở trang trong, rộng một cột, dài chưa đầy một ngón tay, thế mà được tôi cắt và cất giữ, như vậy chứng tỏ, nó phải có một cái gì đặc biệt. Tôi chịu khó ngồi vuốt nó ra cho thẳng thớm, rồi cố công đọc những hàng chữ đã phai mờ trên mảnh báo đã ngả màu thời gian. Câu chuyện đáng được chú ý cụ ạ. Cụ không bận gì chứ? Để tôi ôn dịch câu chuyện này ra tiếng Giao Chỉ rồi chúng ta cùng suy ngẫm nhá!

Nguyên văn bản tin như sau:
Những đợt sóng biển thật cao đã cuốn trôi một người phụ nữ xuống biển, trong khi chồng cô đang chụp hình cho cô, trong ngày cuối cùng của tuần trăng mật của họ, tại Lovers' Point, trên bãi biển Pacific Grove, thuộc tiểu bang California. Eamon và Jennifer Stooksberry đang đứng trên một mỏm đá, gần bờ, thì một đợt sóng biển cao 10' đã đẩy họ xuống biển. Cô Jennifer ngã xuống trước và chồng cô đã nhẩy ngay theo vợ, nhưng sóng mạnh đã kéo cả hai ra xa bờ tới 50'. Đó là lời tường thuật của những người tuần duyên. Họ đã kéo được anh chồng vào bờ, và sau đó họ cũng vớt được người vợ. Nhưng trên đường tới nhà thương, cô vợ đã tắt thở, trong khi chồng đã được cứu sống.
Chỉ có thế. Nhưng những dòng tin này, đã gây ra cho tôi khá nhiều suy nghĩ về sự sống chết của con người.

Những người chết trẻ thường để lại trong lòng người sống nhiều luyến tiếc hơn những người già. Phải chăng vì người trẻ chưa làm nên tội, chưa được sống, chưa được nếm đủ mùi đời, chết là một sự thiệt thòi. Nên để thương để nhớ cho người ở lại. Không riêng gì thân nhân, mà ngay cả những người ngoại cuộc, những khách qua đường, khi đi ngang một đám ma người chết trẻ, đều ngậm ngùi thương tiếc.

Tôi tin chắc, cụ cũng giống tôi, khi nghe xong chuyện này, cụ cũng tội nghiệp cho cô gái vắn số, chết vào lúc cuộc đời đang mở rộng, với nhiều hứa hẹn tương lai. Cô sắp sửa thực hiện được ước muốn của đời cô là theo học y khoa. Chắc chắn để hoàn thành được ước muốn này, cô đã phải hy sinh, làm việc trong nhiều năm, dành dụm, chắt bóp, để có tiền theo học. Cô đã nắm được chiếc chìa khóa để mở cửa tương lai. Cô mới lấy chồng, đang hưởng tuần trăng mật. Như vậy là cô đã đạt được hai ước mộng cùng một lúc. Cô đã tìm được tâm hồn bạn, có người chia sẻ cuộc đời, chung vai sát cánh với cô trên bước đường đời. Cánh cửa hạnh phúc đời cô đã mở sẵn, chỉ đợi cô bước vào. Thần Chết quái ác đã ngăn cản bước tiến của cô, cùng một lúc đã chấm dứt trang đời tươi thắm, đạp đổ tòa lâu đài cô đang xây dựng. Số phận có quá nghiệt ngã với cô chăng?

Tuy nhiên, xét đi cũng phải nhìn lại. Có gì bảo đảm là tương lai của cô sẽ êm đềm trôi theo đúng như những mộng ước của cô? Cuộc đời cô cứ thảnh thơi, xuôi chảy đúng như những chương trình cô phác họa? Hay là, biết bao ngang trái, thử thách, khó khăn đang chờ đợi cô ở trước mặt, bao tai ương bất hạnh đang chờ đợi cô trên những nẻo đường cô sắp bước tới?

Bây giờ, chúng ta thử đặt ra một số giả thuyết. Jennifer không gặp nạn. Cô đã cùng người chồng mới, chấm dứt tuần trăng mật một cách bình an, bình thường, như tất cả mọi cặp vợ chồng khác, với những bức hình lưu niệm tươi đẹp, đánh dấu những bước đầu của hạnh phúc. Rồi hai người trở về đối diện với cuộc sống hàng ngày.

Thời gian trôi qua, sau tuần trăng mật, giống như tất cả các cuộc hôn nhân khác, hai người tình trở thành vợ chồng, chia sẻ không phải chỉ toàn ngọt bùi, mà còn biết bao cam go, thử thách. Giả thử, cuộc tình này, thuộc về 50% những cuộc tình bất hạnh, gẫy gánh giữa đường, tình yêu ngày hôm nay, dần dần trở thành thù nghịch, cuộc hôn nhân nồng ấm, ngày hôm nay, trở nên lạnh lùng, chán ngắt, đến độ không thể tiếp tục. Jennifer và người chồng của cô phải chia tay, với nhiều cay đắng, thù hận trong lòng. Vậy thì, sự tử biệt, trong ngày cuối cùng của tuần trăng mật, có phải đã để lại trong lòng hai đương sự những tình cảm đẹp đẽ và trân quí nhất, hơn là sự sinh ly, năm mười năm về sau không? Như vậy tai nạn này, có nên coi là một đại bất hạnh, hay là một sự chấm dứt đầy lãng mạn? Tình chỉ đẹp khi còn dang dở?

Giả thử, cuộc hôn nhân của hai người kéo dài, như tất cả những cuộc hôn nhân khác, trên con đường dài của cuộc sống lứa đôi, những bổn phận, những bất trắc, những tai ương, những thăng trầm, liệu cuộc sống của họ có được bình an, vui vẻ, như họ mong muốn không? Giả thử họ có con, nhưng có gì bảo đảm là con cái họ sẽ ngoan hiền, sẽ thông minh, khỏe mạnh? Họ có thể có những đứa con không bình thường, những đứa con khó dạy, khó nuôi, sẽ là mối bận tâm, lo lắng triền miên của họ. Vậy thì cuộc sống chấm dứt ngay lúc này, thời điểm đầy hứa hẹn và tốt đẹp nhất, đã tránh cho Jennifer biết bao đau khổ về sau? Cánh cửa tương lai đã mở rộng cho Jennifer, nhưng cô chưa kịp bước vào, cho nên không biết, đằng sau cánh cửa ấy, may hay rủi đang chờ đợi. Cũng giống như một cuốn sách hay, một vở kịch đầy hấp dẫn, lôi cuốn tới cao điểm thì chấm dứt, hạ màn. Để lại cho khán giả niềm nuối tiếc ngẩn ngơ với những giả thuyết không lời giải đáp.

Nếu cuộc đời con người không được tính bằng năm tháng, không được đánh giá theo sự ngắn dài mà bằng cách sử dụng thời gian, thì Jennifer đã sống những ngày giờ tối hảo. Với một thời gian ngắn ngủi, cô đã hoàn thành được ước mộng tương lai, cô đã yêu, đã được yêu, đã được làm cô dâu, đã thực hiện được những điều mong muốn. Như vậy là đã quá đủ cho một đời người, chẳng hơn là sống dai, sống dài, trong đau buồn, thất vọng và nuối tiếc. Như vậy, có gì để cho, chúng ta, những người bàng quang, phải tội nghiệp, tiếc thương?

Một điều làm tôi thắc mắc, là, những người hữu thần, như cụ và tôi, chúng ta luôn tin tưởng ở một đời sau hoàn hảo, tốt đẹp. Chúng ta lại còn tin tưởng là cuộc sống hiện tại chỉ là tạm bợ. Chúng ta được dạy là sống gửi thác về. Chúng ta được nhồi sọ là cuộc đời trần thế chỉ là một cuộc hành trình đưa con người về nơi vĩnh cửu. Vậy thì, tại sao, khi một người, làm xong nhiệm vụ trong một thời gian ngắn, được gọi về nhanh chóng, lại làm chúng ta thương cảm? Thiết nghĩ, chúng ta phải mừng cho họ mới phải chứ nhỉ?

Tại sao con người lại mâu thuẫn, luôn luôn thích bám víu vào cái vô thường? Tại sao ai cũng miệng nói cuộc đời là cõi tạm, là bể khổ, mà chẳng ai thích bỏ cõi tạm mà về chốn vĩnh hằng? Ai cũng thích sống lâu, ai cũng cho chết trẻ là đáng tiếc? Tại sao miệng thì nói là chết trẻ khoẻ ma mà lại cứ thích chết già? Tại sao, ngày Tết, chúng ta không chúc nhau, chóng được xa rời bến mê bể khổ, chóng chấm dứt cuộc sống tạm bợ này, để trở về chốn hạnh phúc muôn đời? Mà lại cứ chúc nhau sống lâu là làm sao?

Tại sao ai cũng cứ thích đi lang thang mà chẳng ai thích về nhà?

TRIẾT LÝ VỤN

Tôi bất ngờ đọc được truyện ngắn này trên net, một triết lý sâu sắc. Suy cho cùng, hãy giữ cho tâm hồn thanh thản, đừng coi vật chất, tiền tài ,địa vị ...là đích cuối cùng mình phải đạt tới. Tất cả rồi sẽ mất hết khi mình từ giã cõi đời này. Lúc đó sẽ chẳng còn lý tưởng, nguyên lý, chũ nghĩa... dù người đó, lúc sống cố thề bồi, nguyện suốt đời phấn đấu và trung thành. Quan trọng là người sống có thực hiện điều đó không ? Vậy thì... đúng như ý nghĩa của câu truyện ngắn này. Sống hãy làm người tử tế, quan tâm đến mọi người, một người có ích cho xã hội.
Đơn giản thế, nghĩ ra không dễ!

--------------------------------

Một thương nhân giàu có có 4 bà vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất, ông tự hào về người vợ thứ ba, ông tìm đến người vợ thứ hai như một người bạn tâm tình nhưng hầu như chẳng bao giờ chú ý đến người vợ thứ nhất…

Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền.

Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác.

Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà.

Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thuỷ, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.

Một ngày, ông ngã bệnh. Ông tự biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: “Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!”.

Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?”.

“Không đâu” – Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.

Người vợ thứ ba vốn là niềm tự hào của ta, rồi cũng sẽ bước đi theo người khác, bỏ mặc ta mà thôi

Câu trả lời như một nhát dao cứa vào. Ông hỏi người vợ thứ ba: “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?”.

“Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn”. Trái tim ông run lên đau đớn.

Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?”.

Bà vợ thứ hai trả lời: “Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi”.

Người vợ thứ hai – người bạn tâm tình thân thiết thủy chung của ta cũng chỉ khóc khi ta chết, đưa ta ra đến mộ rồi quay đầu

Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông. Bỗng có một giọng nói cất lên: “Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới”. Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới.

Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: “Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa”. Chỉ có duy nhất người vợ cả, người thường bị ta bỏ mặc, lãng quên khi sống… là kiên quyết đi theo, yêu thương ta cả cuộc đời

Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ.
  • Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết.
  • Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác.
  • Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi.
  • Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời.
Tốt hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.

SƯU TẦM

Không có nhận xét nào:

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------