Buồn ngủ ban ngày
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng(714) 531-7930 nguyentranhoang@aol.com
Hỏi:
-Dạo này, lúc nào tôi cũng cảm thấy rất buồn ngủ, nhiều khi uống cà phê vẫn không bớt, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc hàng ngày của mình. Xin cho biết đó có thể do bệnh gì và có cách chữa hay không?
-Tôi năm nay 42 tuổi, không đến nỗi thiếu ngủ, nhưng gần đây cứ có những cơn ngủ gục rất nặng, có khi đang ăn mà cũng gục xuống ngủ vài ba phút, lúc đó hầu như không còn biết gì cả. Không biết đây là triệu chứng của bệnh gì? Có nguy hiểm đến tính mạng hay không? Có cách chữa không và nếu có thì cách chữa ra sao?
Ðáp:
Ngủ li bì, sật sừ, lúc nào cũng buồn ngủ, ngủ gà, ngủ gật vào ban ngày, (tiếng Anh là “excessive somnolence,” “excessive daytime sleepiness”) là một vấn đề sức khỏe tương đối thường gặp. Có nghiên cứu thấy rằng khoảng 10 đến 20 phần trăm dân số gặp phải vấn đề này.
Trong cơ thể ta có một “đồng hồ sinh học” điều khiển trạng thái buồn ngủ, tỉnh táo của mình. Trong rối loạn này, đồng hồ sinh học bị rối loạn khiến cơ thể gặp cảm giác buồn ngủ không thể nào cưỡng được vào những giờ giấc bất thường (không phải là giờ ngủ thường lệ của ta, thường là vào giữa ngày, trước giờ đi ngủ thường lệ, hoặc bất cứ lúc nào) và ở những chỗ không phải là chỗ ngủ (ví dụ như ghế tài xế, bàn tiệc sinh nhật của người yêu, nơi họp với sếp, vân vân và vân vân.)
Trạng thái buồn ngủ bất thường này, ngoài việc có thể làm cho ta mất việc vì không làm tròn nhiệm vụ, còn làm gia tăng nguy cơ bị tai nạn xe cộ, suy thoái tình trạng sức khỏe chung, giảm chất lượng của cuộc sống, và làm tăng tỉ lệ tử vong nói chung.
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng sật sừ:
-Nguyên nhân thường gặp nhất là do bị thiếu ngủ (vào giờ ngủ thường lệ).
-Các nguyên nhân cũng không phải hiếm gặp là do giấc ngủ thường lệ bị cắt khúc (sleep fragmentation).
-Hoặc do các nguyên nhân đến từ thần kinh trung ương còn được gọi là các rối loạn tiên phát gây ra buồn ngủ (primary disorders of somnolence). Trong nhóm nguyên nhân này, các nguyên nhân thường gặp nhất là chứng ngủ rũ (narcolepsy), chứng buồn ngủ quá mức nguyên phát (idiopathic hypersomnia) và chứng ngủ li bì tái đi tái lại (recurrent hypersomnias).
Ta sẽ tìm hiểu một cách khái quát về các nguyên nhân thường gặp của chứng này cũng như các phương pháp chữa trị cũng như phòng ngừa chúng.
Buồn ngủ ban ngày là do thiếu ngủ
Ðiều này có vẻ đơn giản và dễ hiểu. Tuy nhiên không phải không ít người không nhận ra điều đơn giản và dễ hiểu này.
Mất ngủ ban đêm có thể vì hoàn cảnh bắt buộc. Ví dụ như mới có con nhỏ phải cho bú hoặc phụ mẹ nó cho bú suốt đêm, sắp thi phải thức khuya học bài (chuyên cần đến nỗi khi vào phòng thi cứ ngủ gà ngủ gật chẳng hiểu rõ đề thi hỏi gì), bị đổi ca làm việc, bị đau nhức xương quá, cứ tiểu đêm hoài, bị “ổng” (hay “bả”) gây suốt đêm, hoặc có chuyện gì lo lắng, hoặc bất cứ nguyên nhân gì khác làm mất ngủ.
Trong trường hợp này, ta phải trị hoặc giải quyết các vấn đề làm mất ngủ vào ban đêm, để xem sau đó chứng ngủ ngày có đỡ hơn không. Khi vấn đề mất ngủ ban đêm đã được giải quyết rồi, ta đã ngủ đủ hoặc dư giờ vào ban đêm rồi mà ban ngày vẫn cứ buồn ngủ, thì lúc đó cần phải xem có còn nguyên nhân nào khác làm buồn ngủ ban ngày hay không.
Nếu thỉnh thoảng phải thức khuya hay hơi làm việc nhiều quá, làm cho đầu óc hơi thiếu tỉnh táo, cứ thấy buồn ngủ, ta có thể dùng tạm một thứ “thuốc” không cần toa: Dùng một vài tách cà phê cho đầu óc tỉnh táo hơn là cách đơn giản và không có hại cho sức khỏe. Dĩ nhiên nên dùng vừa đủ để tỉnh chứ không làm mất ngủ rồi tiếp tục buồn ngủ ban ngày vào ngày hôm sau.
Những người uống cà phê thường xuyên, nếu đột ngột ngừng uống, sẽ có thể bị nhức đầu và buồn ngủ. Khi đó, chỉ cần làm một ly cà phê như thường lệ là vấn đề thường sẽ được giải quyết một cách gọn gàng.
Thân mến
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét