Khoảng Cách An Toàn Trong Lúc Lái Xe
Tại Hoa Kỳ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên các xa lộ là do người lái xe không giữ khoảng cách an toàn khi chạy theo xe phía trước trên cùng một làn đường. Ngoài việc dễ gây tai nạn, chạy theo xe phía trước trong khoảng cách quá gần (tailgating) là nguyên nhân có thể tạo nên sự giận dữ từ người lái xe đó, đôi lúc dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Luật giao
thông của các tiểu bang hầu hết đều quy định người lái xe phải giữ khoảng cách “hợp lý và thận trọng” (reasonable and
prudent) khi chạy sau xe phía trước, mục đích là cho người lái xe có thời gian đạp
thắng để tránh tai nạn khi xe phía trước bất ngờ phải thắng lại vì một nguyên
nhân nào đó. Tuy nhiên, luật này tương đối khá phức tạp, vì thường không ấn định
tiêu chuẩn về khoảng cách được xem là “hợp
lý và thận trọng.”
Thật ra, luật giao thông rất khó mà đặt ra tiêu chuẩn
chung để xác định cụ thể một khoảng cách an toàn giữa hai xe chạy cùng một làn đường
trên xa lộ. Điều này cũng dễ hiểu bởi khoảng cách cần thiết để người lái xe có
thể thắng xe kịp lúc luôn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như tốc độ,
lưu lượng xe di chuyển trên xa lộ, hay tình trạng thời tiết lúc đó. Ngoài ra, mức
phản xạ của người lái xe khi cần phải thắng gấp còn tùy thuộc vào sự khác biệt
về thể chất và tuổi tác của từng người. Vì luật không ấn định tiêu chuẩn cụ thể
về khoảng cách an toàn, một số người lái xe thường có sự phán đoán sai lệch
theo cảm tính trong việc giữ khoảng cách với xe chạy phía trước, từ đó cũng rất
dễ bị ticket vì lỗi này (following too closely).
Làm sao biết được khoảng cách hợp lý hầu tránh bị ticket?
Người lái xe lâu năm ở Mỹ thường
biết đến quy tắc “one car per 10
miles/hour rule,” có nghĩa nếu vận tốc là 10 miles/một giờ thì khoảng cách
an toàn từ xe phía sau đến xe phía trước là chiều dài trung bình của một chiếc
xe (khoảng 13.5 feet hoặc là 4.12 mét). Theo quy tắc này, ví dụ xe chạy với vận
tốc 60 miles/một giờ trong thời tiết bình thường, thì khoảng cách an toàn tối
thiểu cần có giữa xe sau và xe trước sẽ là chiều dài của sáu chiếc xe nối liền
nhau (13.5 feet x 6 = 81 feet hoặc khoảng 25 mét). Tại California, cơ quan DMV
khuyến cáo người lái xe áp dụng quy tắc “three-second
rule” (quy tắc 3 giây đồng hồ) trong tình trạng thời tiết bình thường.
Để áp dụng quy tắc này, trước
tiên là ta để ý chọn một vật cố định trên con đường phía trước, ví dụ như một gốc
cây hay bảng báo hiệu. Khi chiếc xe phía trước của ta vừa vượt qua vật cố định đó,
ta bắt đầu chậm rãi đếm “một một ngàn,
hai một ngàn, ba một ngàn.” Nếu xe của ta chạy qua vật cố định đó trước khi
ta đếm xong, thì có nghĩa là ta đang chạy trong khoảng cách quá gần với xe phía
trước. Giữ cho có ba giây đồng hồ giữa xe của ta và xe phía trước sẽ cho ta có
thời gian và khoảng cách để đối phó khi có vấn đề xảy ra trên làn đường phía trước.
Theo khuyến cáo của những cơ quan về an toàn giao thông, khi lái xe ban đêm hay
trong lúc trời mưa nhỏ, quy tắc “3 giây đồng
hồ” cần được tăng gấp đôi để có thêm sự an toàn. Và trong trường hợp mưa
to, tuyết lớn hay sương mù dày đặc, quy tắc đó nên được tăng lên gấp ba.
Muốn biết xe chạy nhanh cỡ nào,
người ta thường xem đồng hồ tốc độ trên xe để biết vận tốc số miles/mỗi giờ (mỗi
mile là 1.6093 cây số). Nhưng để có sự cụ thể trong việc ước tính khoảng cách
an toàn giữa hai xe chạy trên xa lộ, người ta cần phải tính ra vận tốc số feet
chạy trong mỗi giây đồng hồ (mỗi foot là 0.3048 mét). Và để biết đuợc số feet/mỗi
giây, chỉ cần đem số miles/mỗi giờ nhân lên với 1.46.
Từ cách tính
này, ta sẽ thấy vận tốc 70 miles/một giờ là tương đương với 102 feet/một giây,
hay là khoảng 31 mét/một giây. Vậy thì trong thời gian 3 giây, xe sẽ chạy được
306 feet (102 x 3 = 306), tương đương với 93 mét. Theo nghiên cứu và kết luận của
y học, một người bình thường trong lúc lái xe cần phải có ba phần tư (3/4) của
một giây đồng hồ để nhận ra một sự nguy hiểm, và thêm ba phần tư giây nữa để phản
ứng bằng cách đạp thắng hay bẻ tay lái nhằm tránh sự nguy hiểm đó. Điều này có
nghĩa là khi gặp trường hợp khẩn cấp, người lái xe mất khoảng một giây rưỡi
(1.5 giây) trước khi có thể đạp thắng xe. Và sau đó phải mất bao lâu nữa thì xe
mới dừng lại, sẽ còn thuộc vào nhiều yếu tố khác, ví dụ như vận tốc, tình trạng
vỏ và bộ thắng của xe, thời tiết, v.v...
Dựa vào các giải
thích và dữ liệu trên đây, nếu ta đang chạy với vận tốc 70 miles/giờ phía sau một
xe khác trong khoảng cách trên dưới 50 feet (hoặc 15 mét), ta sẽ khó có đủ thời
giờ để tránh húc vào sau xe phía trước nếu người lái xe đó gặp chuyện bất ngờ
phải thắng gấp.
Nói chung, luật
liên quan đến khoảng cách an toàn trong lúc lái xe thường không đề ra tiêu chuẩn
khoảng cách cụ thể mà người lái xe phải tuân theo. Người lái xe vì vậy cần phải
biết sử dụng óc phán đoán để giữ khoảng cách an toàn khi chạy sau một xe khác
trên xa lộ. Và do có sự chủ quan trong việc phán đoán, nhiều người lái xe trên
các xa lộ vẫn thường bị ticket này. Ngoài ra tại các thành phố lớn, khi chạy tốc
độ nhanh trên xa lộ trong giờ cao điểm với lưu lượng xe đông đảo, người lái xe
có thể vì phải theo vận tốc chung của các xe khác mà không giữ được khoảng cách
an toàn theo ý muốn, và cũng có thể bị ticket này. Tại hầu hết các tiểu bang,
người bị ticket liên quan đến khoảng cách an toàn trong lúc lái xe sẽ bị ghi điểm
xấu vào hồ sơ lái xe.
Tóm lại, khi
chạy theo sau xe phía trước trên xa lộ hay trong thành phố, người lái xe cần giữ
khoảng cách an toàn để tránh tai nạn, và cũng để tránh bị ticket. Tuy nhiên, do
sự phức tạp của các điều luật liên quan đến khoảng cách an toàn trong lúc lái
xe, người bị ticket trong tình huống bất khả kháng nên nghĩ đến việc ra tòa để
biện minh, vì sẽ có nhiều cơ may được hủy bỏ ticket.
Tom Huỳnh J.D. (T.Huynh@1stcounsel.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét