MÙA CHAY - CN 5 C
SỬA LỖI CHO NHAU
Chúa
Giêsu khi nói về việc sửa lỗi cho nhau, Ngài đã nhấn mạnh đến tư cách và thái
độ từ phía người sửa lỗi hơn là người có lỗi. Vì người sửa lỗi chỉ làm được
việc này thành công, nếu thật sự họ khiêm nhường và có lòng nhân ái. Nếu không,
việc sửa lỗi chỉ mang tính cách chỉ trích, chê bai, phê phán, và kết án. Ngài
nói: “Nếu anh em ngươi có làm chi lỗi phạm đến ngươi, hãy chỉ cho họ biết điều
lỗi ấy giữa hai người với nhau. Nếu nó nghe ngươi, là ngươi đã thắng nó. Nếu nó
không nghe, hãy tìm vài ba người để làm chứng. Nếu nó cũng không nghe họ, hãy
trình với giáo hội. Nếu nó cũng không nghe giáo hội, thì hãy kể nó như người
thu thuế và dân ngoại” (Mt 18:15-17).
Theo
tinh thần trên, người sửa lỗi phải đóng vai chủ động, với sự nhẫn nại, và giầu
tình thương. Vì Chúa Giêsu không đưa ra điều kiện nào về phía người có lỗi,
nhưng Ngài đã hướng dẫn cho người sửa lỗi biết cách thế nào để chinh phục được
một người anh em. Chúa không gọi kẻ phạm lỗi bằng những danh từ nào khác, nhưng
đã gọi họ là “anh em”.
Từ
ngữ anh em trong trường hợp này, do đó, đã nói lên tính cách ràng buộc, gắn bó,
và thân thiết. Và vì thế, sự sửa sai này là một hành động có tính cách bác ái,
xây dựng, vì được thực hiện với mục đích làm tốt cho một người anh em của chúng
ta. Tuy vậy, dù là anh em đi nữa, thì sự sửa sai vẫn phải tế nhị, kín đáo, nhẫn
nại, và phải được làm trong sự yêu thương.
Trong 3 tiến trình sửa lỗi, mà Thánh ký ghi nhận, tiến trình nào cũng mang nặng tính cách yêu thương và thông cảm:
Trong 3 tiến trình sửa lỗi, mà Thánh ký ghi nhận, tiến trình nào cũng mang nặng tính cách yêu thương và thông cảm:
- Giữa mình và anh em mình.
- Giữa mình và vài ba người thân thiết.
- Giữa mình với người anh em và giáo hội.
Ở
cả ba trường hợp trên, người có lỗi không tìm đâu thấy sự ganh tỵ, phê bình,
hoặc luận tội. Nhưng chỉ có sự hiểu biết, thông cảm, và yêu thương.
Nhưng
tại sao Chúa lại bảo chúng ta phải qua ít nhất ba tiến trình sửa lỗi trước khi
buông xuôi, hoặc để mặc người anh em với những yếu đuối và tội lỗi của họ. Thưa
vì một người khi đã có lỗi mà được người khác chỉ cho cái lỗi của mình, thì dù
người đó là thân thích, anh chị em trong nhà đi nữa, phản ứng tự nhiên bao giờ
cũng là khó chịu, vì không muốn nghe biết sự thật. Tùy theo trình độ trưởng
thành tâm linh và đạo đức, phản ứng đó có thể là găy gắt, hoặc có thể là âm
thầm khó chịu. Tóm lại, nhiều hay ít, cách này hay cách khác, ta thường phản
ứng tiêu cực, và không mấy niềm nở với những lời sửa dậy của người khác. Trong
nhiều trường hợp, phản ứng tự vệ này còn làm cho ta nghĩ xấu về người sửa lỗi
cho mình. Thí dụ, cho rằng người đó nghi oan, ác ý, không thông cảm, và thiếu
hiểu biết. Và đó là những lý do khiến chúng ta phải mang tâm tình yêu thương,
và thật lòng muốn nâng đỡ một người anh em trước khi nghĩ đến việc sửa lỗi cho
họ, mặc dù lỗi ấy là phạm đến chính ta.
Chúng
ta có thể tìm được cái ý nghĩa của phản ứng tự vệ này nơi cuộc sa ngã của
Nguyên Tổ. Thánh Kinh ghi nhận, sau khi ăn trái cấm, Adong không nhận mình có
lỗi, nhưng đã đổ lỗi cho Evà. Evà đã không nhận mình có lỗi, nhưng lại đổ lỗi
cho con rắn. Nguyên việc ông bà thấy mình trần truồng và xấu hổ sau khi lỗi
luật Chúa ăn trái cấm đủ để ta hiểu rằng, dù ở trong hoàn cảnh có lỗi, con
người cũng chưa muốn nhận mình có lỗi. Cũng trong Thánh Kinh, Phêrô chối thầy,
Giuđa bán thầy. Phêrô được Chúa nhìn, còn Giuđa được Chúa nhắc nhở liền sau cái
hôn phản bội của ông trong vườn Cây Dầu: “Giuđa, con nộp Con Người với cái hôn
này sao? (Luca 22:48). Thế nhưng chỉ có Phêrô đã vượt qua được bức tường ngăn
cách ông với sự thật trần truồng của ông, là tội chối thầy. Còn Giuđa đã phản
ứng tự vệ bằng cách đổ lỗi cho mấy thầy thượng tế và kỳ lão., trốn chạy cái yếu
đuối của mình bằng cách thắt cổ mà chết.
Ngoài
ra, khi Chúa Giêsu đưa ra một thí dụ về việc sửa lỗi, Ngài đã lấy mỗi người
chúng ta làm thí dụ: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm đến ngươi”. Lỗi phạm đến mình,
thì mình biết rõ, thế mà nói lại với anh chị em mình cái cảm tưởng, cái mà mình
suy nghĩ đã là khó, đã đòi hỏi nhiều tiến trình, nói chi đến việc sửa lỗi một
người khác, mà cái lỗi ấy mình không biết rõ.
Trở
lại thái độ của chúng ta khi sửa sai một người anh em, như vừa trình bày đòi
phải có một tâm hồn khiêm tốn để không lên án anh chị em mình. Lại phải có sự
tế nhị và tinh tế để đừng đụng chạm đến tự ái của nhau. Vì người được chúng ta
sửa chỉ chấp nhận sửa sai khi họ vượt qua được bức tường phản ứng tự vệ. Một
bức tường vô hình không những không làm cho người được sửa lỗi nhận ra cái lỗi
của mình, mà còn phản ứng ngược chiều, khiến gây tổn thương tình bạn hữu.
Tuy
nhiên, đó chỉ là bước đầu của việc sửa lỗi về phía người có lỗi. Vì để sửa được
một lỗi lầm dù là to hay nhỏ, ngoài việc vượt qua được phản ứng tiêu cực và tự
vệ, người có lỗi còn phải nhận ra lỗi của mình, và phải sửa lỗi nữa. Tiến trình
biết lỗi, nhận lỗi, và sửa lỗi nơi một người có lỗi như vậy cũng không phải là
một tiến trình và con đường dễ dãi. Do đó, mà thử thách cho người sửa lỗi chính
là sự khiêm tốn và tình thương của họ. Không khiêm tốn, không thể sửa sai một
cách vô tư và thông cảm. Không yêu thương, không thể có động lực để sửa
sai.
Tóm lại, Chúa Giêsu muốn chúng ta
phải sửa chữa lẫn cho nhau. Nhưng không phải bằng những chỉ trích, phê bình,
hoặc lên án, mà bằng thái độ khiêm tốn, tế nhị, và giầu tình thương mến. Để đến
được với những người anh em mà mình không hợp, không ưa, và nhất là người xúc
phạm đến mình, cần thiết phải có thái độ hiểu biết, lắng nghe, nhẫn nại, và đặc
biệt, là tình thương mến.
Con người với tự ái cố hữu chỉ chịu thua khi đứng
trước sự khiêm tốn của người khác, và nhất là khi nhận ra người ấy đang thật sự
yêu thương mình. Và đó cũng là cung cách sửa chữa cho nhau theo đúng với tinh
thần Chúa Giêsu đã dậy: Sửa một mình. Sửa với hai ba anh em khác. Và sửa với
Giáo Hội. Chỉ khi nào chúng ta đã trải qua 3 tiến trình sửa lỗi ấy và với một
tình thương đầy đặn, lúc đó chúng ta mới có thể yên tâm nói với lòng mình rằng:
Tôi đã làm tất cả khi cần sửa sai một người anh em tôi. Và tôi không còn biết
làm gì hơn ngoài việc phó thác người anh em đang làm cho tôi đau khổ ấy trong
bàn tay tình thương và quan phòng của Thiên Chúa.
Tác giả: Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét