THÁNH PHAOLÔ, CON NGƯỜI của TIN MỪNG
Đọc các thư của thánh Phaolô chúng ta nhận thấy thánh nhân là người có ý thức cao độ về vai trò riêng là người loan báo tin vui: Thiên Chúa cống hiến ơn cứu độ cho mọi người qua Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô là sứ giả Tin Mừng trong nghĩa đen của từ "euangellion". Ý thức đó mạnh mẽ tới độ Phaolô viết trong chương 1,17 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: "Thật ra Chúa Kitô không gửi tôi đi rửa tội, nhưng là để loan báo Tin Mừng".Tuy nhiên, ở đây Phaolô không hiểu việc loan báo Tin Mừng như là thông báo tin vui cứu độ bằng lời nói. Tin Mừng mà thánh nhân rao giảng không chỉ là lời rao giảng đề cập tới sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, cái chết và sự sống lại của của chúa Kitô, mà là lời của chính Thiên Chúa và là lời của Chúa Kitô. Chính Thiên Chúa và Chúa Kitô nói với mọi người qua Tin Mừng, mà thánh nhân loan truyền. Do đó không phải thánh Phaolô mà chính Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu phục sinh loan báo Tin Mừng cứu độ. Xác tín này khiến cho Phaolô khẳng định với tín hữu Côrintô trong chương 5,18-20 thư thứ hai gửi cho họ rằng: "Tất cả mọi sự đến từ Thiên Chúa là Đấng đã hòa giải trần gian với Ngài qua Đức Kitô và đã trao phó cho chúng tôi bổn phận phục vụ sự hòa giải đó. Phải, chính Thiên Chúa hòa giải trần gian với Ngài qua Đức Kitô, bằng cách không chấp tội lỗi loài người nữa, và đặt trên môi miệng chúng tôi sứ điệp hòa giải. Vì thế chúng tôi là đại sứ của Chúa Kitô, và chính Thiên Chúa khuyến khích qua miệng của chúng tôi". Như thế thánh Phaolô muốn nói rằng lời thánh nhân rao giảng có cùng sự hữu hiệu như lời tạo dựng của Thiên Chúa. Do đó ngài viết trong chương 2,13 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalonica: "... khi tiếp nhận lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh chị em không tiếp nhận như lời của con người trần gian, mà như lời của Thiên Chúa". Và thánh nhân khẳng định ngay trong chương 1 thư gửi tín hữu Roma rằng: Tin Mừng ngài rao giảng chính "là quyền năng của Thiên Chúa nhằm đem lại ơn cứu độ cho tất cả những ai tin" (Rm 1,16 ).
Lòng tin như một dấn thân cá nhân có ý thức tuân giữ các giáo huấn của Chúa Giêsu, đó là điều kiện khiến cho tín hữu được ơn cứu độ, như thánh Phaolô khẳng định trong chương 15 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: "Tôi xin nhắc cho anh chị em nhớ Phúc Âm tôi đã rao giảng và anh chị em đã tin nhận cùng tuân giữ vững vàng. Nếu anh chị em tuân giữ như tôi đã rao giảng thì anh chị em sẽ được cứu rỗi. Nếu không anh chị em có tin cũng vô ích" (1 Cr 15,1-2). Ý thức cao độ về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cứu độ đó còn đẩy thánh Phaolô đi xa hơn nữa. Một đàng, Phaolô khẳng định rằng Tin Mừng cứu độ mà ngài rao giảng chính ngài cũng đã nhận được từ truyền thống tông đồ, như viết trong cùng chương 15 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: "Trước hết tôi truyền lại cho anh chị em điều tôi đã nhận được: đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh. Ngài đã được an táng trong mồ và đã sống lại ngày thứ ba, đúng như lời Kinh Thánh. Ngài đã hiện ra với Kêpha và hiện ra với Mười Hai Tông Đồ" (1 Cr 15,3-5). Đàng khác, thánh nhân cũng khẳng định rằng nó là Tin Mừng của mình, hay đúng hơn "Tin Mừng của chúng tôi" (Rm 2,16; 2 Cr 4,3), trong nghĩa là Tin Mừng thánh nhân và các cộng sự viên rao giảng cho các anh chị em không do thái.
Khẳng định này quan trọng, bởi vì nó cho chúng ta thấy tiến trình giải thoát Tin Mừng của Chúa Kitô khỏi mọi ràng buộc của một nền văn hóa nhất định, hồi đó là nền văn hóa và các đòi buộc của luật lệ do thái, để khiến cho Tin Mừng trở thành Tin Mừng đại đồng, có thể hội nhập vào mọi nền văn hóa khác trên thế giới. Những gì thánh Phaolô nói với tín hữu Galát trong các chương 2 và 3 chứng minh cho bước tiến quan trọng này. Để giải quyết xung khắc do một nhóm kitô hữu gốc do thái từ Giêrusalem tới Antiokia gây ra, Phaolô và Barnabê đã về Giêrusalem trình bầy vấn đề. Hai vị cho hàng lãnh đạo Giáo hội Giêrusalem lúc đó là Giacôbê, Phêrô và Gioan thấy rằng yêu sách bắt các Kitô hữu không do thái phải tuân giữ luật lệ do thái, trong đó có luật cắt bì, là điều vô lý.
Nội vụ đã được giải quyết khi giới lãnh đạo Giáo Hội Giêrusalem đồng ý với Phaolô và Barnabê phân chia công tác rao truyền Tin Mừng. Phêrô và các vị khác truyền giáo cho các anh chị em gốc do thái, còn Phaolô và Barnabê rao giảng Tin Mừng cho các anh chị em không do thái. Tính chất đại đồng của Tin Mừng cứu độ và sự hiệp nhất trong khác biệt ấy được thánh Phaolô nêu bật trong chương 3 thư gửi tín hữu Galát: "Khi đức tin xuất hiện rồi thì chúng ta không còn phải nằm dưới ách của luật lệ nữa. Bởi vì do lòng tin vào Chúa Kitô anh chị em hết thảy là con cái Thiên Chúa. Phải, tất cả anh chị em đã chịu phép Rửa tội trong Chúa Kitô thì đều được mặc lấy Chúa Kitô. Không còn phân biệt người Hy lạp hay người Do thái, nô lệ hay tự do, nam giới hay nữ giới nữa. Vì hết thảy anh chị em chỉ là một với Chúa Giêsu Kitô" (Gl 3,25-28). Đây không phải là một yếu tố phụ thuộc mà là sự thật của Tin Mừng (Gl 2,5.15).
Sở dĩ thánh Phaolô đã phải đưa ra các khẳng định rõ ràng và quyết liệt như trên, vì hồi đó có một nhóm kitô hữu gốc do thái tìm lung lạc tinh thần của kitô hữu Galát bằng cách rao giảng lập trường bắt buộc anh chị em không do thái theo Kitô giáo phải tuân giữ luật lệ Do thái giáo. Vì thế ngay trong chương đầu thư gửi cho họ thánh Phaolô đã xác quyết rằng: "Không có một Tin Mừng khác đâu. Chẳng qua chỉ có mấy người gieo hoang mang giữa anh chị em và muốn xuyên tạc Tin Mừng của Chúa Kitô thôi. Nhưng cho dù chính chúng tôi hay một thiên thần từ trời xuống loan báo một Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh chị em, thì kẻ đó đáng bị loại ra khỏi cộng đoàn dân Chúa!" (Gl 1,7-8 ).
Nhiệt tâm đối với việc rao giảng Tin Mừng cứu độ khiến cho thánh Phaolô tận hiến trọn tâm hồn và thân xác, mọi sức lực và tài năng của ngài cho công tác truyền giáo. Phaolô không ngần ngại đương đầu với nhóm kitô hữu gốc do thái qúa khích len lỏi vào trong cộng đoàn Côrintô để gieo hoang mang và đánh phá cộng đoàn do thánh nhân nhọc công xây dựng. Thánh Phaolô đã đau đớn ghi nhận sự suy thoái và rạn nứt giữa cộng đoàn. Trong chương 11 thư thứ hai gửi cho họ Phaolô nói ngài phải bất đắc dĩ tự khoe khoang và so sánh khả năng và công lao của ngài với bọn tông đồ giả hiệu, để cho tín hữu Côrintô thấy mặt nạ gian dối thâm độc của họ. Bởi vì không những họ vu khống và triệt hạ uy tín thánh nhân trước mặt tín hữu, mà còn muốn lôi kéo các tín hữu theo các lập trường sai lạc phản tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô. Phaolô phải lột mặt nạ của họ, vì ngài "sợ rằng như con Rắn xưa đã dùng mưu chước qủy quyệt lừa dối Evà thế nào, thì lòng trí tín hữu Côrintô cũng sẽ dần dần ra hư hỏng và mất sự ngay thẳng trước mặt Chúa Kitô như thế". Vì vậy thánh nhân phân bua với tín hữu Côrintô: "Họ khoe họ là các thừa tác của Đức Kitô ư? Tôi sắp nói như người điên dại, tôi còn hơn họ vì tôi đã vất vả nhiều, vì tôi đã bị tù đầy tra tấn cực khổ, vì tôi đã bao phen chết hụt. Tôi bị người do thái đánh tôi bằng gậy năm lần, mỗi lần ba mươi chín gậy. Tôi bị đánh bằng roi da ba lần, bị ném đá một lần, bị đắm tầu ba lần, tôi đã bị xiêu bạt một ngày một đêm trên biển cả" (2 Cr 11,23-25).
Chương 9,19-23 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô là một trang tiểu sử khác cho chúng ta thấy qủa thật Tin Mừng cứu độ là đích điểm duy nhất trong cuộc đời thánh Phaolô. Thánh nhân hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả, liều mất tất cả, miễn là mọi người được lắng nghe Tin Mừng. Ngài viết: "Phải, là người tự do đối với mọi người, nhưng tôi đã tự nguyện làm đầy tớ mọi người, để chinh phục được nhiều linh hồn hơn. Đối với người Do thái, tôi trở nên người Do thái, hy vọng chinh phục được họ. Tuy tôi không phải giữ Lề Luật, nhưng đối với các kẻ phải giữ Lề Luật tôi trở nên kẻ giữ Lề Luật, để chinh phục những kẻ phải giữ Lề Luật. Đối với những kẻ không có Lề Luật, tôi trở nên như người sống ngoài vòng pháp luật để chinh phục những người không có lề luật, mặc dầu tôi không phải là người vô pháp luật trước mặt Chúa, bởi vì Chúa Kitô là luật lệ của tôi. Với những người yếu đuối, tôi trở nên yếu đuối để cứu vớt các kẻ yếu đuối. Tôi đã trở nên tất cả trong mọi người, hy vọng bằng mọi giá cứu vớt được ai đó. Và tôi làm mọi điều ấy vì loan báo Tin Mừng, để cùng được kẻ khác chia sẻ Tin Mừng ấy"
Nhưng chúng ta sẽ lầm to, nếu chúng ta cho thánh Phaolô là một nhân vật đặc biệt, một con người có các lý tưởng siêu vời hay một người hùng, trong nghĩa tôn thờ thần tượng, như rất thường xảy ra trong giới truyền giáo lưu động thời đó. Không, Phaolô tự cho mình là một người bị bắt buộc phải rao giảng Tin Mừng, như viết trong chương 9,16 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: "Thật ra, đối với tôi rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để khoe khoang kiêu hãnh. Nhưng, nó là một bổn phận: khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng". Còn hơn thế nữa trong chương 1 thư gửi tín hữu Roma, thánh nhân gọi mình là "nô lệ của Đức Giêsu... được chọn lựa để rao giảng Tin Mừng của Chúa" (Rm 1,1), và mắc nợ mọi người "người Hy lạp, cũng như các dân rợ, người khôn ngoan cũng như người vô học" (Rm 14). Trong chương 15 thư gửi giáo đoàn Roma thánh nhân cũng tự định nghĩa là "thầy tế lễ của Tin Mừng" và là "người biến các anh chị em không do thái trở thành một lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Thánh Thần thánh hóa" (Rm 15,16).
LM GIUSE LINH TIẾN KHẢI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét