Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

LÀ NGƯỜI TÍN HỮU, CHÚNG TA CÓ TRÁCH NHIỆM GÌ VỀ PHẦN RỖI CỦA NGƯỜI KHÁC?

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


Trả lời: Chúa dựng lên con người để sống chung với người khác, trước hết là ở trong một gia đình và sau đó trong một xã hội lớn hay nhỏ. Nghĩa là không ai sống lẻ loi một mình trong một ốc đảo (oasis) không có ai ở chung quanh mình. Vì thế người ta đã định nghĩa con người là một sinh vật có xã hội tính.(man is a sociable being )
Là người Việt Nam, trước kia từng chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với tam cương ngũ thường, là những nguyên tắc đạo đức căn bản để xây dựng con người từ trong gia đình ra ngoài xã hội; với những bổn phận và trách nhiệm đòi buộc mọi người phải sống và thi hành để xứng đáng là tín đồ của Nho Đạo. Liên quan đến sự liên đới giữa người với người, không ai được khuyến khich “ sống chết mặc bay” để chỉ biết ích kỷ nghĩ đến mình, lo cho mình và dửng dưng đối với người khác. .
Ngược lại ngày nay, với văn hóa và văn minh Âu Mỹ , cá nhân chủ nghĩa ( individualism) lại được đặc biết đề cao và thực hành ở khắp nơi.Người Việt chúng ta đang sống ở các nước Âu Mỹ cũng không khỏi chiu ảnh hưởng của các trào lưu tục hóa ( vulgarism) cá nhân chủ nghĩa, tôn thờ vật chất, tiên bạc và hư danh trần thế. Do đó, những giá trị tinh thần như nhẫn nhục, chịu đựng, tha thứ, hy sinh, chung thủy, nhân nghĩa, vị tha, danh thơm tiếng tốt của văn hóa Khổng Mạnh đã bị coi nhẹ, hay xem thường khiến cho rất nhiều người không còn e sợ tai tiếng để dễ chấp nhận những việc mà xưa kia không ai, hay rất ít người dám làm, như ly dị, ngoại tình, con cái không vâng phục cha mẹ, người lớn dửng dưng trước sự đau khổ hay tha hóa ( (moral deviation) của người khác.
Người Mỹ thường hay nói : “ Let me alone. None of your business = Để mặc tôi. Không phải là việc của anh ( chi, ông, bà..). Đây là tiêu biểu cho chủ nghĩa cá nhân, không muốn ai chỉ huy, hay can thiệp vào đời tư của mình và mình cũng không muốn bận tâm gì đến người khác.
Trước thực trạng trên đây, là người tín hữu Chúa Kitô, chúng ta không thể sống như những người vô tín ngưỡng hay theo cá nhân chủ nghĩa và tục hóa để chỉ biết sống cho mình và không muốn để ý đến người khác. Ngược lại, đức bác ái Công Giáo dạy ta không những phải biết thông cảm, quan tâm đến và nhât là yêu thương tha nhân như chính mình, dựa trên lời Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ trước khi Người bị trao nộp và thọ nạn thập giá :
Thầy ban cho anh em một điều răn mới
Là anh em hãy thương yêu nhau
Như Thầy đã thương yêu anh em…” ( Ga 13 : 34)
Yêu thương anh chị em như Chúa yêu thương chúng ta có nghĩa là mình muốn điều gì tốt và hữu ích cho mình thì mình cũng phải mong muốn và làm điều ấy cho người khác, không phân biệt giầu nghèo, địa vị xã hội, mầu da tiếng nói, vì tất cả đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em với nhau và đều được Chúa Kitô hiến mạng sống mình để cứu chuộc cho.
Cụ thể, trong phạm vi gia đình, cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng và dạy dỗ con cái không những về thể lý, về học vấn, và đặc biệt về mặt thiêng liêng. Trong lãnh vực này cha mẹ có trách nhiệm rất lớn vì phần rỗi của con cái tùy thuộc rất nhiều vào tinh thần trách nhiệm của Cha mẹ.
Thật vậy, sau khi sinh con ra, cha mẹ phải sớm lo liệu cho con mình được lãnh nhận bí tích rửa tội để cho con được tái sinh sớm trong sự sống mới hầu có hy vọng được vào Nước Trời, như Chúa Giêsu đã nói với ông già NI-Cô-Đê-MÔ xưa:

Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3 :5).

Sinh ra bởi nước và Thần Khí có nghĩa là được tái sinh qua Phép Rửa để trở nên tạo vật mới, được gọi Chúa là CHA và có hy vọng được vào Nước Trời mai sau. Có hy vọng thôi chứ chưa hẳn là chắc chắn 100% vì còn tùy thuộc vào thiện chí cúa trẻ em khi lớn lên thành người có đủ lý trí vá ý chí tự do (Free will) để quyết định hướng đi cho đời mình về mọi phương diện, nhất là về mặt thiêng liêng.

Ngày nay, do ảnh hưởng của các chủ thuyết vô thần, duy vật chất vô luân, và cá nhân chủ nghĩa đang lan tràn mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và Tây Âu, trong nhiều gia đình Công giáo đã xảy ra những bất đồng giữa con cái và cha mẹ về niềm tin có Thiên Chúa. Có nhiều con cái không muốn nghe cha mẹ dạy bảo phải siêng năng tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và học hỏi lời Chúa để biết sống Đạo cho có chiều sâu. Có gia đình con cái còn chất vấn cha mẹ tại sao lại đem chúng đi rửa tội khi còn bé mà không để chờ cho chúng lớn khôn để tự quyết định việc này. Tệ hại hơn nữa là có những con cái tự ý gia nhập các giáo phái không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, hoặc sống như kẻ vô thần, mặc dù đã được rửa tội khi còn bé. Lại nữa, nhiều con cái tự ý kết hôn với người không Công giáo hoặc cứ sống chung vói bạn trai hoặc gái mà không kết hôn gì cả.

Trước những thực trạng đáng buồn này, dĩ nhiên không cha mẹ nào đồng ý, nhưng cũng không thể ngăn cấm được tự do của con cái. Dầu vậy cha mẹ vẫn có trách nhiệm phải nói cho con cái biết sự sai trái của chúng. Nếu chúng không nghe thì mình hết trách nhiệm trước mặt Chúa. Ngược lại, nếu không nói hay khuyên bảo con cái điều hay lẽ phải để chúng khỏi lún sâu vào hố sai lầm, tội lỗi thì cha mẹ sẽ có lỗi về sự hư mất của con cái mình, căn cứ vào lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ Ê-dê-kiên sau đây:

Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel
Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: Hỡi tên gian ác, chắc chắn người phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã cảnh báo kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” ( Ê-dê-kien 33: 7-9)
Lời Chúa trên đây không những áp dụng cho cha mẹ, con cái và vợ chồng trong gia đình mà còn áp dụng cho mọi tín hữu sống chung trong một Cộng Đoàn, một giáo xứ hay một đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, hay nơi làm việc chung với người khác. Nghĩa là nếu biết ai làm điều sai trái về luân lý, đạo đức và kỷ luật (Giáo Luật) của Giáo Hội, như khai gian để lấy vợ hay chồng khác ( nói dối chưa hề kết hôn) mà mình biết rõ thì phải khuyên bảo hay tố cáo cho giáo quyền nơi đương sự đang muốn kết hôn sai trái với người khác. Hoặc có người đã ly dị nhưng chưa được tháo gỡ hôn phôi cũ theo giáo luật mà lại sống chung với người khác như vợ chồng, rồi vẫn đi lễ và rước Minh Thánh Chúa, thì người biết việc này phải trình cho Cha Xứ hay Quản nhiệm Cộng Đoàn biết để ngăn cản và giúp họ hợp thức hóa hôn phối trước khi tiếp tục xưng tội và rước Mình Thánh Chúa.
Lại nữa, nếu giáo dân biết có linh mục nào giảng dạy sai, như một linh mục kia, ( theo lời kể của hai nhân chứng ) đến dâng lễ ở tư gia và đã mời mọi người hiện diện lên rước Mình Thánh Chúa, không phân biệt họ có là người Công Giáo và đang sống trong ơn phúc hay không ! vì linh mục này nói : Chúa đã chết để tha thứ hết rồi, khỏi cần phải xưng tội nữa dù có tội trọng.! Chưa hết, linh mục này còn chứng hôn cho một cặp vợ chồng kía ngay trong nhà thương theo lời yêu cầu của người mẹ đang đau nặng và muốn cho con gái được kết hôn trước khi nhắm mắt.Linh mục này đã chứng hôn mà không cần biết tình trạng hôn phối của đôi vợ chồng kia cũng như không cần biết đôi hôn phối đó có thuộc thẩm quyền mục vụ của mình hay không.Sau nữa, linh mục này cũng không biết rằng mọi bí tích, - trừ bí tích sức dầu bênh nhân và hòa giải- , đều không được phép cử hành ở tư gia hay trong nhà thương.Do đó, việc sai trái này phải được trình cho Bề Trên Địa Phận- cụ thể là Giám mục địa phương biết để ngăn cản và sửa sai linh mục đó.
Ngoài ra, nếu biết người Công giáo nào làm nghề hay những dịch vụ sai trái về đức công bằng như khai gian để giúp người khác lấy tiền của bảo hiểm (tai nạn xe cộ) . Làm hôn thú giả để lấy tiền của người muốn sang Mỹ theo diện vợ chồng, nhất là tham gia vào việc buôn bán phụ nữ cho các tổ chức mãi dâm trá hình dưới chiêu bài môi giới “hôn nhân nước ngoài”. Hoặc tệ hại hơn nữa là mở sòng bài bạc, cá độ, mãi dâm, buôn bán cần sa, ma túy… thì vì lương tâm và phần rỗi của họ, đòi buộc những ai biết rõ những việc làm trên đây của những người đó, thì phải nói cho họ biết những sai trái về luân lý để mong họ từ bỏ những con đường dẫn đưa đến hư mất đời đời. Nếu họ không nghe lời mình khuyên bảo, thì mình hết trách nhiệm căn cứ theo lời Chúa dạy trên đây.
Thiên Chúa cực tốt cực lành đầy yêu thương và tha thứ nhưng lại chê ghét mọi tội lỗi và mong muốn cho con người xa lánh tội lỗi để được ơn cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
Do đó, muốn sống đẹp lòng Chúa thì phải quyết tâm xa tránh mọi tội lỗi và nguy cơ đưa đến phạm tội cho chính mình và cho người khác. Và để tránh nguy cơ tội lỗi cho người khác, chúng ta có trách nhiệm “sửa lỗi anh em” vì lợi ích thiêng liêng của họ như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa :
Nếu người anh em của anh trót phạm lỗi, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.
Nếu nó chịu nghe thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.
Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18: 15-17)
Tóm lại, Chúa đòi buộc chúng ta không những phải yêu thương người khác mà còn phải quan tâm đến phần rỗi của anh chị em cùng chia sẻ niềm tin với mình – kể cả những người không có niềm tin mà chúng ta phải cầu xin cho họ được có đức tin như chúng ta để cùng có hy vọng được cứu rỗi và vui hưởng hạnh phúc đời sau.
Câu Chúa hỏi Cain Aben, em ngươi đâu rồi?” (St 4:9) cũng sẽ là câu hỏi Chúa đăt ra cho mỗi người chúng ta trong ngày Phán Xét.Cụ thể, Chúa sẽ hỏi cha mẹ : “con cái của ngươi đâu? Hoặc hỏi vợ chồng: “ Người phối ngẫu của ngươi đâu? Tại sao lai di dị, bỏ nhau để đi lấy người khác, dù đã có con cái và sống chung với nhau nhiều năm?”
Tóm lại, chúng ta- vì đức bác ái- có trách nhiệm liên đới với người khác đặc biệt về mặt thiêng liêng.Trách nhiệm tinh thần này phải được thể hiện trước hết trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng với nhau và giữa anh chị em trong gia tộc. Thứ đến là những người thân quen trong cộng đoàn, giáo xứ hay nơi làm việc.
Sau hết, chúng ta còn có bổn phận phải cầu xin cách riêng cho những người chưa nhận biết Chúa được mau biết và yêu mến Người như chúng ta, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý ( 1 Tm 2: 4)
Ước nong những điều giải thích trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra và giúp ích ít nhiều cho quý độc giả khắp nơi.

Không có nhận xét nào:

WORLD TIME

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------