Công nghị tấn phong 17 Hồng Y mới
11/21/2016 10:37:01 AM
VATICAN. Thứ bẩy, 19-11-2016, Giáo Hội đã có thêm 17 Hồng Y mới
được ĐTC Phanxicô tấn phong trong công nghị lần thứ 3 do ngài chủ sự.
Lần
đầu tiên ngài tấn phong 19 Hồng Y vào ngày 22-2 năm 2014; lần thứ hai
chỉ một năm sau đó, vào ngày 14-2 năm 2015, ngài phong 20 Hồng Y mới
thuộc 18 quốc tịch, trong đó có ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội.
Trong
số 17 Hồng Y được phong lần này, 7 quốc gia có Hồng Y đầu tiên, đó là
Cộng hòa Trung Phi, Bangladesh, Maurice, Papua Tân Guinea, Malaysia,
Lesotho và Albani.
Hiện
diện tại Đền thờ Thánh Phêrô, có hơn 100 Hồng y, khoảng 100 giám mục và
8 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, bạn hữu và giáo hữu của các tiến
chức Hồng Y. Ngoài ra có 12 phái đoàn chính thức của các quốc gia có
Hồng y được bổ nhiệm trong dịp này, đứng đầu là phái đoàn của Cộng hòa
Trung Phi do tổng thống Faustan Archange Touadera hướng dẫn. Các phái
đoàn khác do các vị bộ trưởng, chủ tịch quốc hội hoặc đại sứ hướng dẫn.
Có
một tiến chức Hồng Y xin kiếu không đến dự công nghị được vì tuổi cao
sức yếu, đó là ĐHY Khoarai, OMI, 87 tuổi, nguyên GM giáo phận Mohales's
Hoek, nước Lesotho, nam Phi châu.
Vị
đứng đầu danh sách 17 tiến chức Hồng Y là Đức TGM Mario Zenari, năm nay
70 tuổi (1946) thuộc giáo phận Verona, bắc Italia, Sứ thần Tòa Thánh
tại Siria. Tuy được thăng Hồng Y nhưng ngài sẽ tiếp tục ở lại Damasco
trong nhiệm vụ Sứ Thần.
Lễ
phong Hồng Y được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa.
Khi tiến lên bàn thờ chính, ĐTC tiến tới trước Mộ Thánh Phêrô cúi mình,
thinh lặng cầu nguyện.
Sau
lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Mario Zenari, vị đứng đầu danh sách các
tiến chức đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Ngài nói đến
mối quan tâm và giáo huấn của ĐTC mời gọi toàn thể Giáo Hội sống và thực
thi lòng thương xót của Chúa: ”ĐTC đã nhiều lần nhắc đến chứng tá đức
tin anh dũng, đến độ đổ máu đào của bao nhiêu anh chị em chúng ta ở
nhiều nơi trên thế giới: ngày nay đông đảo hơn cả thời kỳ đầu của Kitô
giáo. Giáo Hội của Chúa Kitô, như thánh Augustino đã nói, đang tiếp tục
cuộc lữ hành giữa ”những bách hại của trần thế và những an ủi của Thiên
Chúa” (S. Augustino, Civ. Dei, XVIII, 51,2).. ĐTC cũng nhắc nhở rằng
”Giáo hội là người Samaritano nhân lành cúi mình trên con người ngày
nay, thường gặp nạn và bị bỏ mặc nửa sống nửa chết bên vệ đường, bị
thương tích trong thân xác và tinh thần, để săn sóc và đổ dầu và rượu
lòng cảm thương của Chúa trên những vết thương”.
Bài giảng của ĐTC
Tiếp
đến, sau lời nguyện của ĐTC, cộng đoàn đã nghe đọc đoạn Tin Mừng theo
thánh Luca, đoạn 6, câu 27 đến 32, quen gọi là ”bài giảng ở đồng bằng”,
trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù, làm ích cho
những người ghét mình, chúc phúc cho những người nguyền rủa và cầu cho
những người ngược đãi mình và Chúa Giêsu kết luận: ”Các con hãy có lòng
thương xót như Cha các con trên trời là Đấng Thương Xót”. Quảng diễn bài
Tin Mừng này và lời mời gọi của Chúa Giêsu, ĐTC nói:
“Một
lời mời gọi kèm theo 4 mệnh lệnh, chúng ta có thể nói đó là 4 huấn dụ
mà Chúa gửi đến các môn đệ để uốn nắn ơn gọi của họ một cách cụ thể,
trong cuộc sống hằng ngày. Đó là 4 hành động mang lại hình thái, mang
lại ”xương thịt” và làm cho hành trình của các môn đệ trở nên hữu hình
cụ thể. Chúng ta có thể nói đó là 4 giai đoạn giáo huấn về lòng thương
xót: hãy yêu thương, làm điều ích lợi, chúc phúc và cầu nguyện. Tôi
nghĩ, về những khía cạnh này, tất cả chúng ta có thể đồng thuận và chúng
ta thấy cũng hợp lý. Đó là 4 hành động dễ thực hiện với các bạn hữu
chúng ta, với những người hơn kém thân cận với chúng ta, trong lòng quí
mến, trong các sở thích và thói quen.
Vấn
đề xảy ra khi Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta đối tượng của những
hành động ấy, và qua đó chúng ta thấy rõ Chúa không dùng những kiểu nói
quanh, những mỹ từ pháp. Các con hãy yêu thương kẻ thù các con, hãy làm
điều thiện cho những người ghét các con, hãy chúc lành cho những người
chúc dữ cho các con, hãy cầu nguyện cho những ngừơi ngược đãi các con
(Xc vv.27-28).
”Và những hành động ấy không tự nhiên bộc phát đối với những người đứng trước chúng ta như đối thủ, như kẻ thù. Đứng trước họ, thái độ đầu tiên và theo bản năng của chúng ta là hạ giá, làm mất uy tín, chúc dữ cho họ.. trong nhiều trường hợp chúng ta tìm cách coi họ như ma quỉ, với mục đích biện minh cho sự loại trừ họ. Trái lại, đối với kẻ thù kẻ ghét bạn, chúc dữ và vu khống bạn, Chúa Giêsu nói: hãy yêu mến họ, làm điều tốt lành cho họ, chúc phúc và cầu nguyện cho họ.
”Chúng
ta đứng trước một trong những đặc điểm riêng trong sứ điệp của Chúa
Giêsu, nơi có tiềm ẩn sức mạnh và bí quyết của Ngài; từ đó phát sinh
nguồn mạch vui mừng, sức mạnh của sứ mạng chúng ta và việc loan báo Tin
Mừng. Kẻ thù là người mà tôi phải yêu mến. Trong tâm hồn của Thiên Chúa
không có kẻ thù. Thiên Chúa chỉ có các con cái. Chúng ta dựng lên những
bức tường, xây dựng các hàng rào và xếp loại con người. Thiên Chúa có
con cái và không phải để tước bỏ họ khỏi môi trường chung quanh. Tình
yêu của Thiên Chúa có sắc thái trung thành với con người, vì đó là một
tình yêu cố hữu của Chúa, một tình mẫu từ, phụ tử không để ai bị bỏ rơi,
cả khi họ lầm lạc.
Chúa
Cha của chúng ta không chờ đợi chúng ta tốt lành thì mới yêu mến, Ngài
không đợi chúng ta bớt bất công hoặc trở nên hoàn hảo thì mới yêu thương
chúng ta; Ngài yêu thương chúng ta vì Ngài chọn lựa yêu thương chúng
ta, Ngài yêu vì Ngài đã ban cho chúng ta được làm con cái của Ngài. Ngài
yêu thương chúng ta cả khi chúng ta còn là kẻ thù của Ngài (Xc Rm
5,10). Tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha đối với tất cả mọi người, đã
và đang còn là đòi hỏi thực sự phải hoán cải đối với tâm hồn nghèo nàn
của chúng ta, có xu hướng phán xét, chia rẽ, chống đối và lên án. Biết
rằng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương cả những người chối bỏ Ngài, đó
chính là một nguồn mạch vô tận làm chúng ta tín thác và kích thích sứ
mạng của chúng ta. Không bàn tay bẩn nào có thể ngăn cản Thiên Chúa đặt
trong bàn tay ấy Sự Sống mà ngài muốn tặng cho chúng ta”.
ĐTC
nhận xét rằng: ”Thời đại chúng ta là thời đại có nhiều vấn đề và nghi
vấn lớn trên bình diện thế giới. Chúng ta đang phải tiến qua một thời kỳ
trong đó luôn nảy sinh trong các xã hội chúng ta những thái độ cực
đoan, và loại trừ như phương thế duy nhất để giải quyết các xung đột. Ví
dụ chúng ta thấy, những người ở cạnh chúng ta không những mau lẹ trở
thành người xa lạ hoặc người di dân, hay người tị nạn, nhưng trở thành
một đe dọa, và trở nên như kẻ thù. Kẻ thù vì họ đến từ một miền đất xa
xăm hoặc vì họ có những phong tục khác. Kẻ thù vì màu da, vì ngôn ngữ
hoặc vì giai tầng xã hội của họ, kẻ thù vì họ nghĩ khác và có tín ngưỡng
khác... Và vô tình lý luận ấy nhập vào trong lối sống, hành động và
tiến hành của chúng ta. Vì thế, tất cả mọi sự và mọi người đều có vẻ là
kẻ thù. Dần dần những khác biệt biến thành đồng nghĩa với đố kỵ và bạo
lực.
”Bao
nhiêu vết thương mở rộng vì bệnh dịch thù nghịch và bạo lực, in vào
trong thân thể nhiều người không có tiếng nói vì tiếng kêu của họ trở
nên yếu ớt và bị im bặt vì căn bệnh dửng dưng như thế! Bao nhiêu tình
trạng bấp bênh và đau khổ được gieo rắc qua sự gia tăng thù nghịch giữa
các dân tộc và giữa chúng ta! Đúng vậy, giữa chúng ta, trong các cộng
đoàn chúng ta, các hàng linh mục chúng ta, trong các cuộc họp. Vi trùng
cực đoan và thù nghịch thấm nhập vào trong lối suy tư, cảm nghĩ và hành
động của chúng ta. Chúng ta không được miễn nhiễm đối với tình trạng đó
và chúng ta phải chú ý để thái độ ấy không xâm chiếm con tim chúng ta,
vì nó sẽ chống lại sự phong phú và phổ quát tính của Giáo Hội mà chúng
ta có thể cảm thấy cụ thể trong hồng y đoàn này. Chúng ta đến từ những
miền đất xa xăm, chúng ta có những phong tục, màu da, ngôn ngữ và hoàn
cảnh xã hội khác nhau, chúng ta suy tư khác nhau và cũng cử hành niềm
tin với các nghi thức khác nhau. Và không có điều gì trong những sự ấy
làm cho chúng ta trở thành kẻ thù, trái lại đó là một trong những phong
phú lớn nhất của chúng ta”.
Và
ĐTC nói rằng: “Anh em thân mến, Chúa Giêsu không ngừng xuống núi, không
ngừng muốn hội nhập vào ngã tư đường trong lịch sử của chúng ta để loan
báo Tin Mừng Thương Xót. Chúa Giêsu tiếp tục gọi và sai chúng ta xuống
đồng bằng nơi các dân tộc chúng ta, Ngài tiếp tục mời chúng ta hiến thân
nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng ta, như những dấu chỉ hòa giải.
Trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta tiếp tục được mời gọi mở mắt nhìn
những vết thương của bao nhiêu anh chị em đang bị tước mất phẩm giá của
họ.
”Hỡi
người anh em tân Hồng y thân mến, con đường dẫn về trời bắt đầu nơi
đồng bằng, trong cuộc sống thường nhật của cuộc sống bị bẻ gẫy và phân
chia, một cuộc sống bị tiêu hao và dâng hiến, trong hồng ân thường nhật
và thinh lặng của chúng ta. Đỉnh cao của chúng ta là chất lượng tình
yêu; mục tiêu và khát vọng của chúng ta là tìm cách trong bình nguyên
của cuộc sống, cùng với dân Chúa, biến đổi chúng ta thành những người có
khả năng tha thứ và hòa giải”.
Trao mũ Hồng Y
Sau bài huấn dụ, ĐTC bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y mới. Ngài nói:
”Anh
chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và
vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên
tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo
Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các
vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn,
trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với
sứ vụ tông đồ của chúng tôi.”
”Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can
trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại
những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các
thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong
và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội
Thánh Roma.”
Đến đây, ĐTC lần lượt xướng tên 17 hồng y mới, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến.
Tiếp
tục nghi thức, theo lời mời gọi của ĐTC, các tiến chức Hồng Y tuyên
xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của
Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân ĐTC
Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng
lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao
giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự
tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên
cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc
phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.
Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt ĐTC để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, với lời nhắn nhủ:
”Để
ngợi khen Thiên Chúa Toàn Năng và mang lại vinh dự cho Tòa Thánh, ĐHY
hãy nhận mũ đỏ này như dấu chỉ phẩm vị Hồng Y, có nghĩa là ĐHY phải sẵn
sàng cư xử can đảm, cho đến độ đổ máu đào, để làm tăng trưởng Đức Tin
Kitô giáo, cho hòa bình và yên hàn của Dân Chúa, cho tự do và sự mở rộng
Giáo Hội Roma Thánh”.
Và khi trao nhẫn, ngài nói:
”Đức
Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Đức Hồng Y hãy biết
rằng nhờ yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo hội
của ĐHY được kiện cường”.
Sau cùng ĐTC trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường của tân chức.
Sau
khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với ĐTC
các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 19 chiếc ghế dành cho
các vị phía tay trái của ĐTC, đối diện với hàng ghế của các Hồng Y cũ.
Nghi
thức tấn phong các Hồng y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện
của ĐTC xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng
Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh
tuyền. Sau phép lành của ĐTC, cộng đoàn hát kinh Lạy Nữ Vương:
Sau
buổi lễ, ĐTC và các Hồng Y mới đã lên hai xe bus nhỏ để đến thăm Đức
Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tại tư gia của ngài là Đan Viện Mẹ Giáo
Hội ở nội thành Vatican. Hai lần phong hồng y trước đây đều có sự hiện
diện của ngài, nhưng lần này có lẽ vì tuổi cao sức yếu hơn nên ngài
không dự được.
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 19.11.2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét