ĐỨC THÁNH CẢ GIUSE - Vị Gia Trưởng Ít Lời
Truyền
thống Công Giáo dành tháng 3 để biệt kính Thánh Giuse, Gia Trưởng của
Gia Đình Nazareth. Ngài là một vị thánh tuy rất được sùng mộ vì có nhiều
quyền năng bầu cử trước mặt Thiên Chúa, nhưng cũng lại là một con người
hết sức ẩn dật và ít lời. Nhân ngày 19 tháng 3, ngày Giáo Hội Công Giáo
mừng kính ngài, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về thái độ ít nói ấy,
và ứng dụng vào đời sống hôn nhân gia đình để giúp thăng hoa hạnh phúc
gia đình, đặc biệt trong vai trò người làm chồng và làm cha.
Giuse
hay Thánh Giuse là gia trưởng, là người cha, người chồng của Gia Đình
Nazareth. Gia đình này gồm Giuse, Maria, và Giêsu, tức là Thiên Chúa
Nhập Thể, Đấng Thiên Sai. Sự hiểu biết thông thường mà ai cũng có thể
biết nếu để ý đọc Tin Mừng, đó là Chúa Giêsu Kitô khi nhập thể đến với
nhân loại, Ngài đã đi qua cửa ngõ gia đình. Ngài không từ trời nhẩy dù
xuống. Hoặc từ trong lòng đất nhẩy vọt ra. Điểm nổi bật hơn nữa, là Ngài
không xuất thân từ một gia đình giầu có, vương giả nhưng đã chọn sinh
ra trong một gia đình nghèo. Dưỡng phụ Ngài - Giuse là một bác phó mộc.
Còn mẹ Ngài - Đức Trinh Nữ Maria không thấy nói gì về nghề nghiệp và
hiểu như thế có nghĩa đơn thuần là một bà nội trợ.
Riêng
cái nghèo của gia đình này thì Thánh Kinh đã miêu tả rất rõ, nghèo đến
độ Ông phải chấp nhận đưa gia đình tới tạm trú trong một chuồng nuôi súc
vật ngoài thành Belem, dù đó là trong mùa Đông giá lạnh, do không ai
chứa chấp vì nghèo. Nhưng điểm chính có lẽ phần đông các gia trưởng của
thời đại chúng ta hôm nay cần học hỏi nơi con người ấy là làm thế nào để
hướng dẫn, lèo lái một gia đình qua thái độ và cử chỉ ít lời như Giuse
đã làm.
Thật
vậy, ngay cả đối với những người Kitô hữu, thì vẫn có một điều gì đó
xem như khó hiểu về sự im lặng, âm thầm của Giuse. Một sự im lặng đến ít
lời và như câm nín. Điều này càng khó hiểu và khó chấp nhận đối với
những ai thường ngày nóng nảy, vội vàng, thiếu nhẫn nại, và không có
tính tự chủ. Họ có thể coi sự im lặng này là một thái độ bạc nhược,
thiếu nam tính, thiếu năng động, không có phản ứng mạnh. Nói theo văn
chương và lối diễn tả bình dân, là một anh chàng “sợ vợ”!
Nhưng
phải đọc và suy niệm kỹ lời do Thánh Linh đã linh ứng cho Mátthêu viết
ra mới hiểu thế nào là giá trị sự im lặng của Giuse. Chính do sự im
lặng, ít lời này đã giúp Ông giải quyết rất nhiều những khó khăn và hiểu
lầm trong đời sống, cách riêng đời sống gia đình.
Gia đình của Giuse cũng như mọi gia đình khác, cũng có những khó khăn của nó, cũng có những phức tạp của nó. Những điều này đòi hỏi sự quan tâm, lo lắng, và hướng dẫn của một gia trưởng đạo đức, giầu tình thương, kinh nghiệm và có trách nhiệm. Nhờ ít lời, Giuse đã phản ảnh tâm tình và suy nghĩ của một gia trưởng đại đức, hiền lành, quảng đại, hiểu biết. Một người chồng, người cha nhậy cảm đối với nhu cầu, hoàn cảnh và những khó khăn của người khác, cách thực tế hơn là của vợ, của con. Ngôn ngữ đạo đức gọi đó là tâm hồn của người công chính: “Giuse, chồng bà là người công chính!” (Mat 1:19). Luân lý xã hội và tâm lý gọi đó là những người trưởng thành, có ý thức trách nhiệm và đạo đức. “Công chính” chính là chìa khóa mở cửa tâm hồn, và cho phép ta có thể chiêm ngắm sự im lặng của Giuse, một sự yên lặng mang ý nghĩa thánh thiện.
Để
tạo ra một gia đình thánh (Thánh Gia Nazareth). Để đạt được danh hiệu
“công chính”, Giuse đã thực hành và sống với thái độ “Im lặng”. Có nghĩa
là ít lời nhưng không nhu nhược, trốn tránh trách nhiệm và bổn phận. Ít
lời nhưng không lạnh lùng, xa cách và gây căng thẳng, khó chịu cho vợ
con. Qua lối sống và hành xử ấy, Giuse đã thực hiện trong suốt cuộc
sống gia đình. Không ỷ quyền làm chồng, không cậy thế làm cha, Ngài luôn
trầm lặng để suy niệm, tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa, sống theo Thánh Ý
ấy. Nói ít và làm nhiều, nhờ đó, Ngài đã hướng dẫn thành công gia đình
của Ngài trên hành trình tốt nhất, và vượt qua những khúc quanh nguy
hiểm nhất.
Sự
im lặng như thế cũng phản ảnh thái độ tự tin và đức khiêm tốn cần
thiết. Trong đời sống hôn nhân, gia đình do thiếu niềm tin vào Thiên
Chúa, do thiếu nhận thức về giới hạn và phạm vi của mình, nhiều người
chồng, người cha đã có những hành động vũ phu, lộng ngôn và lỗ mãng. Lời
nói và hành động họ phản ảnh thái độ thiếu giáo dục, vô đạo đức. Những
hành động ấy, ngôn ngữ ấy chỉ nói lên một tâm lý sống thiếu tự tin,
thiếu trưởng thành, và thiếu hiểu biết. Những gia trưởng này cần phải
học nơi Giuse sự yên lặng. Vì im lặng giúp tự kìm hãm, tự chủ, và khiêm
tốn. Chỉ trong thinh lặng, họ mới có thời gian và hoàn cảnh khám phá ra
những nét đẹp, những nét đáng yêu của vợ, của con để vui mừng, hãnh
diện, đồng
thời để nâng đỡ. Chỉ trong thinh lặng, họ mới có thể học để kiểm soát
tư tưởng, lời nói và hành động sao cho những lời nói ấy trở thành khuôn
thước, trở thành sự an ủi và khích lệ cho mọi thành phần trong gia đình.
Qua đó, họ sẽ nhận ra rằng không phải hễ la mắng, chửi rủa, hoặc trấn
át vợ con là mọi chuyện đều được giải quyết. Và cũng sẽ hiểu thêm rằng
họ không thể áp đặt những thái độ vũ phu để nhằm che lấp những thiếu sót
và yếu điểm của mình.
Sống
trong thời đại văn minh và cơ giới hóa, con người phải chạy đua với tốc
độ và thời gian. Bị khua động bởi trăm nghìn tiếng va chạm nội tâm cũng
như bên ngoài. Về phần mình, nhiều người đã nói nhiều hơn làm, và
thường là nói những lời rỗng tuếch, khoe khoang hoặc tiêu cực đem đến sự
nghi kỵ, chia rẽ, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhau. Những lời nói
nhằm thỏa mãn tính kiêu căng, ghen tương, và phách lối. Những lời nói
nhằm thỏa mãnh cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, nông cạn. Do đó, con người thời
đại hôm nay, hơn bao giờ hết cần học nơi tấm gương im lặng của Giuse.
Đặc biệt, đối với những người gia trưởng, những người làm chồng, và làm
cha. Phải nói khi nào? Nói gì, và nói như thế nào để đem lại hạnh phúc,
an vui, hòa bình trong gia đình. Để đem lại sự bình an cho chính bản
thân, gia đình và xã hội chung quanh. Bài học này, nếu khiêm tốn, chúng
ta có thể học được nơi Thánh Giuse, vị gia trưởng ít lời.
Lễ kính Thánh Giuse 2012
Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét