Tinh thần truyền giáo
Truyền giáo là một sứ mạng
thiêng liêng cao cả, khởi nguồn từ Thiên Chúa. Qua mọi can dự vào lịch sử loài
người, Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm tất cả “vì loài người chúng ta và để cứu độ
chúng ta”.
Sứ mạng truyền giáo đã được
trao phó cho Giáo Hội. Khi lập Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu cho thấy ý định trao
phó sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội sau này (x. Mc 3,13). Trước khi rời các
Tông đồ để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trực tiếp ban mệnh lệnh truyền giáo
cho các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), “Anh em
hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và
dạy họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).
Chính các Tông đồ và những cộng
sự của các ngài đã thừa hành mệnh lệnh này một cách xuất sắc. Trải qua bao khó
khăn dọc dài lịch sử, các ngài đã đem Tin Mừng Phục Sinh tới nhiều miền và cho
nhiều tâm hồn. Hơn hai ngàn năm qua, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, các
thế hệ tông đồ truyền giáo đã nối tiếp nhau mang Tin Mừng đi khắp địa cầu.
Như vậy, truyền giáo xuất phát từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô sứ mạng này đã
được trao cho Giáo Hội, nhờ Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trung thành và nhiệt
thành chu toàn sứ mạng cho đến ngày tận thế.
Thực thi sứ mạng truyền giáo là chia sẻ cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, yêu thương đến cùng, yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu. Truyền giáo là làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống.
1.
Nội dung truyền giáo
Trước khi về với Chúa Cha, Chúa
Giêsu ban lệnh truyền; “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa
cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi
điều Thầy đã truyền cho anh em”. Lời Chúa nói với các môn đệ về nội dung truyền giáo có 4 công việc quan trọng.
a. Truyền giáo là Rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Rao
giảng là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Truyền giáo là “loan báo Tin mừng”.
b. Truyền giáo là “thiết lập cộng đoàn các môn đệ”, cộng
đoàn những người tin vào Chúa Kitô, cộng đoàn này chính là Giáo Hội. Chúa Giêsu
nói rõ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.
c. Truyền giáo là “cử hành Phụng vụ và các Bí tích”. Chúa
Giêsu cũng nói rõ: “làm phép rửa cho họ Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Các Bí tích thuộc về Nhiệm cục Cứu độ của thời đại Tân Ước,
được Chúa Giêsu thiết lập, để qua đó ban ơn cứu độ cho con người.
d. Truyền giáo là dạy Giáo lý, là Huấn giáo. Chúa Giêsu đã căn dặn: “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Mục tiêu của Huấn giáo là dạy cho người ta biết Chúa, tin Chúa và yêu Chúa, giúp cho người Kitô hữu có thể gặp gỡ Chúa, tiếp xúc với Chúa trong đời sống cầu nguyện, cũng như trong đời sống thực tế hằng ngày.
2.
Truyền Giáo theo gương Chúa Giêsu
“Đức Giêsu Kitô là lý tưởng trung tâm của truyền giáo, và lý tưởng này
đòi hỏi sự hiến mình hoàn toàn cho việc rao giảng Tin Mừng” (Sứ điệp TG
2015). Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu
gương Chúa Giêsu.
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa
Giêsu ưu tiên để ý đến những người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những
người bệnh tật. Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi với
4 hạng người: người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Chúa Giêsu đến với họ, cho họ
thấy, Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ
máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người. Chúa Giêsu hiến
thân đến tột cùng vì tình yêu.
Chúa Giêsu muốn các môn đệ cũng hãy theo gương Thầy, đem Tin Mừng đến cho 4
hạng người đó. Đây cũng là sứ mạng truyền giáo của mỗi kitô hữu. Nói cách khác,
truyền giáo là yêu như Chúa Giêsu yêu. Chúa dành tình yêu đặc biệt cho 4 hạng
người: người ngoại, người tội lỗi, người bệnh tật và người nghèo. Yêu người
ngoại, yêu người tội lỗi, yêu người nghèo và người bệnh tật như thế là truyền
giáo theo gương Chúa Giêsu.
Trong sứ điệp Truyền Giáo 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi và trả lời: “Ai là những người đầu tiên phải được nghe loan báo sứ điệp Tin Mừng?” Câu trả lời rất rõ ràng và được gặp rất thường xuyên trong Tin Mừng, đó là: những người nghèo, những người bé mọn và những người bệnh tật, những người thường bị khinh dể hay bị bỏ quên, những người không có gì để đền đáp chúng ta (x. Lc 14,13-14). Ưu tiên rao giảng Tin Mừng cho những người hèn mọn nhất giữa chúng ta là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu đem đến: “Có một dây liên kết không thể phân ly giữa đức tin của chúng ta và người nghèo” (Evangelii Gaudium, 48).
3.
Tinh thần truyền giáo và nhiệt huyết tông đồ.
Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê
Nguyễn văn Thuận, khi còn là Giám Mục giáo phận Nha Trang, đã viết chỉ dẫn về
truyền giáo như sau: “Những nỗ lực hoạt động, cầu nguyện sẽ không mang lại kết
qủa nếu chúng ta không được hướng dẫn bằng một tinh thần mới, một bầu nhiệt
huyết tông đồ.Bất cứ lúc nào tiếp xúc với lương dân, với một bầu nhiệt huyết
tông đồ, anh chị em hãy luôn luôn nhớ rằng:Tinh thần truyền giáo không phải là
óc chinh phục mà là lòng yêu thương.Tinh thần truyền giáo không phải là óc cai
trị, mà là tinh thần phục vụ mọi người.Tinh thần truyền giáo không phải là đạo
binh thánh gía, dùng vũ lực để đánh ngã, nhưng là tinh thần chứng nhân, lấy đời
sống mà làm chứng tích.
Tinh thần truyền giáo không
phải là óc tự cao tự đại, nhưng là thái độ đối thoại, là tinh thần trao đổi và
tôn trọng các tôn giáo khác. Tinh thần truyền giáo không phải là mãnh lực của
tiền tài, quyền thế mà là tinh thần tương trợ. Tinh thần truyền giáo không phải
là thủ đoạn chiến lược, nhưng là tấm lòng chân thành đơn sơ. Tinh thần truyền
giáo không bao giờ chán nản, vì trở ngại, vì vô ơn, vì phản bội, vì thất bại,
ngược lại luôn luôn tin cậy vào ơn Chúa và nhẫn nại”. (PX Nguyễn văn Thuận, Thư
luân lưu: Sứ mạng Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta, lễ Thánh Têrêxa năm 1970. Trích
trong tập Hôm qua, hôm nay, ngày mai, Thời điểm 1996, tr. 102-103).
Sắc lệnh Ad Gentes đề cao tầm quan trọng của chứng tá đời sống trong việc truyền
giáo: “Tất cả các Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và
gương mẫu đời sống để thể hiện con người mới của họ đã đón nhận qua bí tích
Thanh tẩy, đồng thời biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã cũng cố họ qua
bí tích Thêm sức, để những người chung quanh nhìn thấy các việc họ làm mà ngợi
khen Chúa Cha”
(số 11).
Truyền giáo hôm nay phải là
giới thiệu, là trình bày, là minh họa, là thuyết phục. Chúng ta giới thiệu Chúa
Giêsu cho những anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày nơi môi trường mình sống và
làm việc. Đời sống của giáo dân là
phương tiện truyền giáo hữu hiệu hàng
đầu. Muốn truyền giáo, giáo dân phải có lòng đạo nhất định. Việc tái truyền
giáo giúp tẩy xóa hay giảm bớt những cách sống phản Tin Mừng nơi người đã có
đức tin. Thực tế, chẳng ai lại đi theo một cái Đạo mà ngay cả tín đồ cũng không
thực hành Đạo. Cũng chẳng ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Tái
truyền giáo sẽ giúp giáo dân đong đầy hành trang là những giá trị Tin Mừng cho
cuộc sống, thay cho những lối sống buông thả và thiếu cố gắng xưa nay.
Muốn giới thiệu Chúa cho người
chưa biết Chúa, người giáo dân phải thấm nhuần đạo lý, sống trong thế thượng phong về luân lý, về đức bác ái và sự công bằng.
Như thế, từng cá nhân, từng nhóm và cộng đoàn, mới dấn thân vào việc truyền
giáo. Đức Phanxicô viết trong Sứ điệp truyền giáo năm nay rằng “Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi rao giảng Tin Mừng bằng
chứng tá đời sống của mình… Như Công đồng Vaticanô II nói: Giáo dân phải hợp tác vào công
cuộc truyền giáo của Hội Thánh; là những chứng nhân và đồng thời là những công
cụ sống động, họ chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Hội Thánh” (Ad Gentes, 41)”.
Thực thi sứ vụ truyền giáo
trong Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và đời sống cộng đoàn thánh hiến
bằng cách:
– Mọi thành viên của Hội Thánh
được kêu gọi rao giảng Tin Mừng bằng
CHỨNG TÁ đời sống của mình. Một cách đặc biệt, những người nam người nữ thánh hiến được mời
gọi lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần, Đấng kêu gọi họ đi ra các vùng ngoại
biên, đến với những người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng… Người truyền giáo
đích thực thì say mê Tin Mừng. Tin Mừng là nguồn mạch niềm vui, sự giải phóng và cứu độ cho mọi
người.
Hội Thánh ý thức được hồng ân này, vì thế Hội Thánh không ngừng công bố cho mọi
người “điều đã có từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, và chúng tôi đã tận mắt
chứng kiến” (1Ga 1,1). Sứ mạng các tôi tớ của Lời – các giám mục, linh mục, tu
sĩ và giáo dân– là giúp cho mọi người, không trừ một ai, được đi vào mối quan
hệ với Đức Kitô. (Sứ điệp Truyền giáo 2015).
– Đặc biệt đối với những người sống đời thánh hiến, qua lời khấn sống đời nghèo khó, họ chọn theo Đức Kitô trong sự ưu ái của Ngài đối với người
nghèo, theo cách mà Ngài tự đồng hoá mình với người nghèo: sống giống như người
nghèo giữa những bất trắc của đời sống hằng ngày và từ khước mọi đòi hỏi về
quyền lực, để đem đến cho họ chứng tá về niềm vui của Tin Mừng và một dấu chỉ
tình yêu của Thiên Chúa. (Sứ điệp TG).
– Mỗi Giáo xứ khởi động phong trào: mỗi thành viên phải làm sao giúp cho
một người khác theo đạo.
– Mỗi giáo dân nên kết thân với một Lương dân. Mỗi gia đình kết thân với
một gia đình bên Lương. Kết thân để cầu nguyện, nâng đỡ nhau.
– Các hội đoàn đi tìm người tội lỗi và người nghèo trong địa phương của
mình. Nên có một danh sách cụ thể. Sau đó sẽ cùng nhau thăm viếng, an ủi và
giúp đỡ.
Chúa Thánh Thần hướng dẫn và quyết định thành tựu của việc truyền giáo. Nhưng nỗ lực của mọi thành phần Dân Chúa trong việc truyền giáo cũng là yếu tố làm nên sự thành công. Ước mong Khánh Nhật Truyền Giáo là ngày mang đến cho chúng ta nhiều niềm vui Tin Mừng qua những thành quả, và cũng giúp chúng ta có thêm động lực để dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An